
Thẻ
Biến đổi khí hậu: Cuộc khủng hoảng thực sự
Khi Hà Nội chưa kịp ráo nước sau những cơn mưa cuối mùa thì nhiều quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh lại lụt trong nước triều dâng lịch sử. Trước đó, chúng ta đã trải qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế và lạm phát ảnh hưởng tới bữa cơm của mỗi gia đình.
Ở phạm vi quốc tế trong những năm gần đây, thế giới bị rúng động bởi những cuộc khủng hoảng diễn ra triền miên: bạo lực ở Trung Đông, diệt chủng ở Phi Châu, giá cả lương thực, nhiên liện phi mã và nền kinh tế toàn cầu đang điêu đứng.
Nguyên nhân tận cùng của những nỗi bất hạnh này là gi?
Nếu những dòng sông đang cạn kiệt làm tiến trình hòa bình ở Trung Đông bế tắc thì những cơn hạn hán làm châu Phi thêm bất ổn chính trị. Nếu những trận lụt làm giá lương thực tiếp tục leo thang thì những cơn bão bất thường đang đe dọa số phận chính trị nhiều quan chức và đảng phái.
Tất cả những thách thức mà con người đang đối mặt, dù là ở Việt Nam hay Sudan, Bangladesh hay Hoa Kỳ, đều liên hệ tới một cuộc chiến mà chúng ta dường như chưa sẵn sàng để đương đầu: biến đổi khí hậu.
Ông Ban Ki-Moom, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong một bài viết cho tạp chí Time gần đây đã nhấn mạnh rằng: “Một hành tinh xanh hơn cũng đồng nghĩa với một hành tinh bình yên và thịnh vượng hơn. Liên Hiệp Quốc được thành lập để “chấm dứt hiểm họa chiến tranh” và chúng ta thường lẫn lộn điều này với việc gửi một đội quân giữ hòa bình tới vùng xung đột. Vật cản thực sự tới bình yên của tất cả mọi người nằm ở an sinh xã hội và kinh tế, vốn gắn liền với phát triển bền vững và khả năng đối phó với biến đổi khí hậu. Đó là chìa khóa cho mọi cuộc chiến, mọi cuộc khủng hoảng.”
Trở lại Việt Nam, sau những cuộc vật lộn với thiên tai, chính phủ lại trích ra những khoản tiền khổng lồ để xây thêm một trạm bơm cho Hà Nội, đắp thêm đê ngăn triều cường cho thành phố Hồ Chí Minh hay kiên cố hóa thêm nhiều trường học cho miền Trung.
Những giải pháp tốn kém đó là cần thiết và cấp bách nhưng chúng không giúp cho những cơn mưa nhỏ lại, nước triều ngừng dâng cao hay những cơn bão bớt hung dữ.
Những giải pháp đó cũng không giúp cho người dân ở rất nhiều những đô thị khác trên cả nước tránh được những nỗi thống khổ mà người dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vừa trải nghiệm.
Phần thời gian còn lại trong năm, chúng ta quá bận rộn và đầy lo toan với giá gạo, với giá xăng, với tắc nghẽn giao thông hay xa xôi hơn là tốc độ tăng trưởng. Mối quan tâm tới biến đổi khí hậu chỉ đến mỗi năm một lần vào mùa mưa bão. Và như nhiều người vẫn luôn nhận ra, cái nghèo làm con người ít khi có khả năng giải quyết vấn đề tận gốc hay có tầm nhìn xa hơn.
Nhưng đối phó với biến đối khí hậu để từ đó giải quyết tận gốc những thách thức trên đường phát triển, không bắt đầu với rất nhiều tiền mà với sự thay đổi những thói quen hằng ngày.
Nếu những người dân thành phố Hồ Chí Minh đi xe đạp và xe buýt nhiều hơn, để giảm lượng khí thải của xe máy vào không khí, họ sẽ hạn chế khả năng triều cường dâng cao hơn nữa trong tương lai.
Nếu người dân và cán bộ tại Hà Nội sử dụng điện tiết kiệm hơn, họ sẽ hạn chế khả năng phải xây thêm một nhà máy nhiệt điện mới và góp phần làm những cơn mưa trút xuống Hà Nội trong tương lai gần trở nên hiền hòa hơn.
Nếu chính quyền và người dân bảo vệ những cánh rừng Đông Trường Sơn cũng quyết liệt và kiên cường như nỗ lực chống chọi với những cơn lũ đổ về từ thượng nguồn hằng năm, miền Trung sẽ bớt nhọc nhằn.
Những thói quen như vậy còn giúp cho đồng bằng sông Hồng không mất mùa vì bão lũ, giá cả lương thực sẽ ổn định, đường phố Sài Gòn sẽ bớt kẹt xe và ô nhiễm, và điện sinh hoạt ở Hà Nội không còn chập chờn vì quá tải.
Biến đổi khí hậu không phải là tên gọi của một thảm họa sắp xảy ra ở đâu đó trên địa cầu. 50 năm qua, mực nước biển tại Việt Nam đã dâng cao 20cm và nhiệt độ tăng trung bình 0,7oC mỗi năm và thiên tai xảy ra triền miên và dữ dội. Khi thiên nhiên nổi giận, chúng không phân biệt thủ đô hay tỉnh lẻ, dân thường hay quan chức, người giàu hay người nghèo. Chỉ có chúng ta thể hiện trước thiên nhiên một chính quyền có trách nhiệm, một xã hội có tổ chức và mỗi cá nhận có ý thức về mối liên hệ giữa hành vi và hậu quả mà nhân loại đang đối mặt.
Bình yên và thịnh vượng của bất cứ một gia đình, một vùng đất nào trên thế giới cũng phụ thuộc vào hành vi của toàn bộ nhân loại. Chỉ mình những nỗ lực của người Hà Nội, người Sài Gòn hay cả nước không đủ để hạn chế đáng kể mối đe dọa Biến đổi khí hậu. Nhưng với tư cách là một quốc ra chịu nhiều rủi ro nhất trước thiên tai (theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới), tại sao chúng ta không phải là những người tiên phong?
Nguyễn Đỗ Dũng
Ý kiến độc giả