Thẻ
Đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á: Bỏ rơi không gian công cộng
MIKE DOUGLASS
Trung tâm Nghiên cứu Đô thị hóa Khoa Quy hoạch đô thị & vùng
Đại học Hawaii
1. TOÀN CẦU HOÁ VÙNG VEN ĐÔNG NAM Á ĐANG CẤT CÁNH
Một cảnh quan hoàn toàn mới đang bao quanh các thành phố lớn ở Đông Nam Á. Mọc lên từ đất nông nghiệp và làng mạc là những công trình xây dựng mới, bao gồm các khu đô thị mới rộng lớn và những khu nhà ở biệt lập bên cạnh những trung tâm mua sắm, siêu trung tâm bán lẻ và siêu thị ngoại ô mới xây, tất cả đều lớn về số lượng và quy mô. Thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình của sự biến đổi này (Hình 1). Đô thị đầu tiên và lớn nhất của thành phố là Phú Mỹ Hưng (còn gọi là Nam Sài gòn), được xây dựng dàng cho 1 triệu dân (PMHC 2004, 2007). Khu đô thị mới Nhà Bè, khiêm tốn hơn, được xây dựng theo mô hình các đô thị mới ở Hàn Quốc, dự định sẽ chứa được 68,000 dân, cùng với một bệnh viện, các trường học, một phức hợp thương mại, và một phi trường. xa hơn về phía nam là một phức hợp khu công nghiệp tại Hiệp Phước.[1]
Ở đầu bên kia của thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 30 km là một trong những dự án đô thị vùng ven lớn nhất, Khu Đô thị Tây bắc, dự định sẽ trở thành “một khu đô thị sinh thái hiện đại” (Thanh Nien News 2007:1). Dự án này do một công ty Malaixia khởi xướng, có một diện tích rất rộng là 6,000 ha, chiều ngang là 3-5 km, chiều dài khoảng 18km nằm cạnh Đường Cao tốc Liên Á. Khoảng 30,000 dân đang sống tại khu vực sẽ phải di dời đi nơi khác (TPC 2007) để nhường chỗ cho khoảng 300,000 dân cư mới (Investmentmart 2007).
Hình 1. Các dự án vùng ven xung quanh thành phố Hồ Chí Minh | Nguồn: Douglass (2007), theo GS E&C (2007).
Rất lâu trước khi VN mở cửa cho việc phát triển đô thị vùng ven, vùng đô thị mở rộng của Jakarta đã đầy dẫy những đô thị kiểu đó. (Hình 2).
Hình 2. Các đô thị mới ở Jabodetabek vào khoảng năm 2000, Nguồn: Mamas and Komalasari 2008.
Tính đến những năm 1990, Jakarta đã có ít nhất 25 dự án như vậy, với diện tích từ 500 đến 30,000 ha. Ngoài ra còn có hàng trăm dự án nhỏ với diện tích dưới 500 ha đã được thực hiện (Firman 1997; Douglass 2008). Bangkok, Thái Lan, cũng đã trải qua một thời kỳ phát triển đô thị vùng ven ồ ạt từ những năm 1990, với dự án nổi tiếng nhất là Muang Thong Thani (MTT), một đô thị vùng ven trị giá 2,5 tỉ đôla. Tính đến năm 1996, dự án này đã xây xong nhà cho 250,000 người và 8 triệu feet vuông các khu thương mại, nhưng chưa kịp khai trương thì bị phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 (Douglass and Boonchuen 2006, Sutiprapa, et al. 2007).
Ở Malaixia, việc phát triển các đô thị vùng ven tiếp tục đường lối của cựu Thủ tướng Prime Minister Mahathir. Ông đã dùng tiền chính phủ để tạo nên một môi trường “trong đó các đại dự án không tưởng, với mục đích làm thế giới ngưỡng mộ, đã trở thành nền tảng để xây dựng quốc gia” (Gatsiounis 2007:1). Năm 2006 tiểu vương bang Johor công bố thành lập “Vùng Phát triển Iskandar (tên của ông)” (IDR), nằm ở nam bán đảo Ma-lai-xi-a, đồng thời cũng là một vùng ven của Singapore (Hình 3), một khu vực “thật ngạc nhiên là chẳng có phát triển gì cả” (OPM 2007). Lớn gấp gần 3 lần diện tích của Singapore, IDR “đang có vị thế để trở thành một thành phố quốc tế.”.
Hình 3 Iskandar, Malaysia
Quy hoạch tổng thể
|
Thành phố sinh thái toàn cầu Setia Global
|
Nguồn: Iskandar Malaysia (2008).
Mặc dầu một số đô thị vùng ven của Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu xây dựng vào những năm 1970, việc xây dựng bắt đầu rộ lên cùng với bùng phát kinh tế nhờ toàn cầu hóa của vốn tài chính vào cuối những năm 1980, đã khai sinh một kỷ nguyên mới của những đại dự án đô thị. (Flyvbjerg et al. 2003, Altshuler and Luberoff 2003, Douglass 2008). Mặc dầu các dự án này dừng lại đột ngột khi kinh tế khu vực bị suy thoái vào năm 1997/1998, nhưng sau đó chúng khởi động lại thậm chí còn mạnh hơn sau những cải cách kinh tế tân tự do được thực hiện như là một phần trong chương trình vực dậy kinh tế của Quỹ Tiền tệ thế giới.
Tất cả các đại dự án này có một số điểm chung, điểm chung lớn nhất là: những dự án phát triển này không chừa chỗ hoặc chừa rất ít cho không gian công cộng và hạn chế hoặc không cho công chúng vào. Chúng không được quản lý bởi chính quyền đô thị, mà bởi các công ty. Để đảm bảo tính độc lập đối với các khu vực xung quanh và chính quyền địa phương, tất cả các dự án này đều tự cho mình là tự cung tự cấp nhờ nguồn cung cấp điện, nước độc lập, lực lượng bảo vệ và nhân sự bảo trì tư nhân đông đảo, các cơ sở vui chơi giải trí. Kết quả là những phương diện chính yếu của một thành phố mà lẽ ra thuộc phạm vi công cộng như đường sá, vỉa hè, quảng trường, công viên, và các hình thức sinh hoạt cộng đồng như các lễ hội văn hóa, bỗng nhiên trở thành những không gian tư được tạo nên và duy trì bởi xu hướng biến mọi thứ thành hàng hóa, mô phỏng, và đi theo những bản sắc toàn cầu mới, tất cả được thể hiện rõ nét trong trong việc xây dựng các không gian đô thị mới.
Các đô thị vùng ven mới này lại được bổ sung bằng một loạt những điểm toàn cầu khác nhỏ hơn đang xuất hiện ở vùng ven, đó là những khu xuất khẩu mậu dịch tự do, các “công viên” công nghệ cao, các trung tâm thương mại toàn cầu, cá siêu trung tâm mua sắm chứa đầy hàng hóa franchise toàn cầu, và các công viên chủ đề phong cách Disneyland. Các điểm toàn cầu cùng loại ở trung tâm thành phố như các phức hợp thương mại thế giới, các tòa nhà thương mại và khách sạn cao ngất, các trung tâm mua sắm nội thị, đều được nối kết với các cơ sở của các đại dự án vùng ven để tạo nên một hệ thống “mạng lưới không gian biệt lập” (Graham and Marvin 2001) – một hình thức sử dụng vốn toàn cầu để phá bỏ ranh giới không gian đô thị. Tư hữu hóa và cơ sở hạ tầng ăn thông với nhau như vậy giúp giảm thiểu được những va chạm về không gian và tránh được sự quản lý nhà nước, nhưng chúng sẽ không thực hiện được nếu không dựa vào những cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng công quỹ như phi trường quốc tế, xa lộ, đường xe lửa cao tốc, và bây giờ là internet tốc độ cao và các dịch vụ thông tin khác. Nhờ vậy, chúng hình thành được một “mạng lưới cơ sở hạ tầng thượng hạng” vừa tránh được sự quản lý của nhà nước, mà vẫn hưởng được trợ cấp và các lợi ích khác từ công quỹ (Graham and Marvin 2001).
2. Ý tưởng thiết kế cho đô thị vùng ven và Những rập khuôn toàn cầu
Việc tự cách ly khỏi môi trường xung quanh được thể hiện qua các ý tưởng và quan điểm thiết kế và mà các đô thị vùng ven phô trương như là ưu điểm của mình. Chúng luôn giới thiệu mình là những khu nhà ở không tưởng với sự quản lý, thiết kế, quy mô, tự cung tự cấp của tư nhân, cho phép những người giàu được hiện đại hóa ngay lập tức, không phải trải qua quá trình hiện đại hóa kéo dài như những nơi khác trong vùng đô thị. Những ý tưởng thiết kế đô thị không tưởng đã có một truyền thống lâu đời trải qua nhiều thế kỷ và xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới (Eaton 2001; Harvey 2000; Mazlish 2003; Kumar 2003; Shoshkes 2004). Xu hướng quy hoạch đô thị theo chủ nghĩa hiện đại ở phương Tây bắt nguồn từ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa không tưởng vào thế kỷ thứ 19 được thể hiện trong các ý tưởng thiết kế như ‘Các đô thị vườn của ngày mai’ của Ebenezer Howard (Hall 2002; MacLeod and Ward 2002). Nhưng khác với các đô thị vùng ven đang được xây dựng ở Đông Nam Á, các truyền thống nói trên đề cao lợi ích chung, sự quản lý của người dân, và mong muốn làm giảm bớt các tiêu cực xã hội (Mumford 1922; Turner 2003).
- Các thành phố vùng ven ở Đông Nam Á lại thể hiện những phong cách sống được cá nhân hóa, sự xài sang, và sự thoát ly khỏi xã hội. Như vậy, chúng chỉ quan tâm và áp dụng khía cạnh baroque trong các ý tưởng thiết kế trước đây, biến ý tưởng Đô thị vườn thành “những đô thị không tưởng của giới trưởng giả” với những “khu nhà ở ven đô nhất loạt phô trương sự giàu có và đặc quyền giai cấp, cũng hoành tráng chẳng khác gì các lâu đài trung cổ” (Fishman 1987:3). Sự khác biệt lớn là ở chỗ các mô thức thiết kế trước đây tỏ ra có một mục đích xã hội, còn các mô thức mới ngày nay lại thẳng thay gạt bỏ điều đó (Alexander 2001). Harvey (2000:152) đã kết luận rằng các loại đô thị không tưởng về sau này chú trọng sử dụng “cảnh quan đô thị như là một thứ hàng hóa.” Chúng là những “Đô thị không tưởng được tư hữu hóa” được thể hiện qua những “cộng đồng kín cổng cao tường – những biệt khu của sự giàu có, đi ngược lại với các khái niệm công dân, hợp quần xã hội, và tương trợ.” Một số đô thị còn thể hiện một hình thức “không tưởng thoái hóa”, mô phỏng Disneyland để tạo nên một khu vực được cho là hạnh phúc, hài hòa, không xung đột, tách biệt khỏi thê giới ‘thực’ ở ‘bên ngoài’, nhằm làm cho con người được xoa dịu, vỗ về, vui tươi, để làm nên lịch sử, để nuôi dưỡng một mối hoài cổ, tiếp tục tôn thờ một loại văn hóa cộng đồng xa xưa thay vì phê phán nó (167). Giống như các trung tâm mua sắm được “thiết kế như là một thế giới tưởng tượng trong đó hàng hóa đang thống trị” (Harvey 2000:168), nhiều đô thị vùng ven ngày nay sử dụng lại các mô-típ công viên chủ đề trong tên gọi và trong kiến trúc của mình.
Các đô thị không tưởng vùng ven mới này mang một “mô hình đô thị mới”, một “cộng đồng hoài cổ được hiên thực hóa trong đó sự hỗn độn bị dẹp bỏ” bằng cách “gạt bỏ mọi người ra ngoài chỉ trừ những kẻ giàu có, bằng sự bất bình đẳng, và bằng những sứ mệnh mang lại thay đổi xã hội và văn minh to tát.” Chúng còn tạo nên những khu nhà ở tư nhân biệt lập đi ngược lại với khái niệm civitas – từ ‘city’ đến từ chữ này, tức là đời sống cộng đồng có tổ chức” (Blakely and Snyder 1999; cited in Platt, 2001: 22). Chúng chẳng giống tí nào với các Cosmopolis, đô thị đa văn hóa, mà các nhà văn đã miêu tả khi nói về các đô thị không tưởng. (Sandercock 1998, 2003; Pinder 2002).
Nói cách khác, các đô thị không tưởng vùng ven này không chỉ là những mô phỏng của các vùng ngoại ô vào giữa thế kỷ 20, mà còn là phiên bản ở Đông Nam Á của cái mà Knox (2005:33), khi nói về xã hội Mỹ hiện đại, gọi là Vulgaria – sự tái hiện lại vẻ xinh đẹp của các khu dân cư ngoại ô cũ với những “cảnh quan đồ sộ, hoành tráng, gồm những công trình xây dựng trọn gói, những mô-típ trang trí mô phỏng, và sự tiêu thụ lộ liễu” nhằm làm “bình thường hóa một xu hướng thi đua tiêu thụ, hạn chế đạo đức đến mức thấp nhất, và tách mình khỏi các khái niệm công bằng xã hội và xã hội dân sự.”
Thông qua các ý tưởng thiết kế vĩ đại của mình, các đô thị vùng ven xây dựng những siêu không gian rộng lớn được thể hiện một cách nhất quán trong kiến trúc, trên các bảng hiệu, và trong các tuyên ngôn của công ty. Toàn cầu, văn hóa đô thị mới, riêng tư, biệt lập, an ninh, và tự cung tự cấp, đây là những chiêu bài mà các đô thị vùng ven sử dụng để biện minh cho ý thức hệ nhắm đến những kẻ lắm tiền nhiều của và tự cách ly khỏi toàn vùng đô thị của mình.
Toàn cầu
Các đô thị vùng ven sử dụng chiêu bài “toàn cầu” để cho thấy mình không có tính địa phương, nhưng mang bản sắc và định hướng toàn cầu. Một trong những dự án quảng cáo thái quá về vấn đề này là khu đô thị mới Camko (ghép hai chữ Cambodia và Korea, Campuchia và Hàn Quốc) được các nhà đầu tư gọi là “Đô thị toàn cầu đầu tiên” của Phnom Penh (Hình 4). Với khẩu hiệu “Một lịch sử mới đang đến gần” các nhà đầu tư Hàn Quốc của Camko, công ty World City Co., Ltd., tuyên bố rằng đô thị này sẽ “biến đổi phong cách sống Cam-pu-chia,” thành “một đô thị đạt tiêu chuẩn toàn cầu” . Dự án 2 tỉ đôla này nằm cách trung tâm Phnom Penh 3 cây số trên một diện tích 120 ha. Sau khi xây dựng xong vào năm 2018, đô thị này sẽ gồm có các villa, nhà chọc trời, bệnh viện. một đại học, và một số trung tâm mua sắm.
Trong các dự án ở nơi khác, chiêu bài “toàn cầu” cũng được sử dụng bằng những cách khác nhau. Ở Manila công ty Megaworld Corporation (2007a, 2007b) xây dựng Eastwood, một Đô thị toàn cầu ở Fort Bonifacio. Ở ngoại thành Hà Nội, đô thị vùng ven Ciputra được chính thức gọi là “Thành phố quốc tế”. Khi được gọi là toàn cầu, các đô thị vùng ven này hợp lệ hóa việc xây dựng và kiểm soát của các công ty toàn cầu trước khi, trong khi, và sau khi các dự án được hoàn thành.
Toàn cầu cũng có nghĩa là tiêu thụ toàn cầu, và mối quan hệ giữa các đô thị toàn cầu vùng ven và việc chỉ bán duy nhất các hàng hóa toàn cầu là một mối quan hệ có qua có lại. Thường các dự án này bao gồm các trung tâm mua sắm chất đầy các hàng hóa franchise, các chuỗi cửa hàng, và hàng hóa có thương hiệu. Đâu đâu cũng thấy những bảng quảng cáo với hình ảnh các siêu người mẫu thời trang đang ngạo nghễ nhìn xuống những người đi mua sắm, hoặc đang ngước nhìn lên bầu khí quyển toàn cầu. Trong siêu thị, các sản phẩm thực phẩm địa phương phải tránh chỗ cho các hàng đóng hộp hoặc hàng giữ lâu có nguồn gốc toàn cầu.[2]
Hình 4 Camko – “Đô thị toàn cầu đầu tiên của Phnom Penh”
(a) Quy hoạch tổng thể
Nguồn: WCC (2008). |
(b) “Một lịch sử mới đang đến gần”
Nguồn: Tác giả |
Các dự án này dựa vào sự có mặt của các mặt hàng thức ăn nhanh và thời trang may mặc, mỹ phẩm, và các phụ kiện cao cấp để làm tăng tính toàn cầu của mình. Cùng lúc, các cửa hàng cần có những khách hàng giàu có, tiện nghi máy lạnh, và liên kết với các cửa hàng cùng loại để trở thành nhưng điểm hành hương mua sắm cho số dân trung lưu đô thị mới nổi. Đô thị vùng ven và ngành bán lẻ toàn cầu cần lẫn nhau, hoặc ít ra là họ quảng cáo như thế trên các biểu ngữ và các phương tiện quảng cáo khác, để cùng tạo nên một hình ảnh về phong cách sống sang trọng.
Để khỏa lấp cảm giác lạc lõng của dân cư trong các đô thị vùng ven vì không tìm thấy được cái gì là của địa phương cả, người ta đã rêu rao vẽ vời về sự thân thiện, thậm chí là sự ấm cúng, của các khu nhà ở và các trung tâm mua sắm mới. Chẳn hạn, ở khu đô thị Eastwood, tại trung tâm mua sắm City Walk với những của hàng franchise và chuỗi cửa hàng toàn cầu, có thể thấy những tuyên bố trên vô số các bảng quảng cáo như đây là “đô thị của bạn”, ở đó bạn sẽ có “những kỷ niệm không quên” khi “đi tản bộ cùng với gia đình” (Megaworld 2007b:1).
Văn hóa đô thị mới
Các dự án tuyên bố rất rõ là chúng có nhiệm vụ tạo nên một văn hóa đô thị mới, mà một yếu tố chính là “tính hiện đại”, một từ ngữ lắt léo được sử dụng để nói về công nghệ hiện đại và kiến trúc mới nhất nhưng đồng thời cũng ám chỉ cách người ta sẽ cư xử với nhau. các nhà đầu tư của Phú Mỹ Hưng (Nam Sài gòn) tuyên bố rằng đô thị này sẽ “mang lại cho người dân Việt Nam một phong cách hiện đại hoàn toàn mới mẻ (CT&D Group 2007). Không chịu thua, các nhà đầu tư Hàn quốc của Khu đô thị mới Nhà Bè nói rằng họ sẽ “mang đến một nền văn hóa dân cư mới.” Nhà đầu tư của Ciputra nói về cổng vào của khu đô thị này là “Cánh cổng mở ra một phong cách sống mới” và “16 bức tượng ngựa đang cất cánh có thể coi là thể hiện sự chuyển tiếp của cộng đồng sang một lối sống đô thị hiện đại.” (PKG 2007:1 and Figure 5).
Hình thức kiến trúc được sử dụng để hiện thực hóa việc chuyển đổi văn hóa này hầu như chẳng có chút gì là tính địa phương. Ngoài ra, khi phá vỡ các ranh giới của cảnh quan, các dự án này đã khéo léo làm cho tính thẩm mỹ phải tùy thuộc vào hàng hóa, cộng đồng tùy thuộc vào toàn cầu, và từ do chọn lựa tùy thuộc vào sự kiểm soát của công ty bằng cách đưa ra những bản sắc làm người ta rối trí và mất phương hướng. (Jameson 1991, 1998). Tất cả các dự án đều rất tự hào sử dụng các mô-típ, các phong các cảnh quan và kiến trúc của những nơi khác trên thế giới. Thí dụ, “Những ngôi nhà hoành tráng” của khu đô thị Eastwood ở Manila nằm trên ngọn đồi Olympic Heights “gợi nhớ lại những nhà ở ngập tràn ánh nắng trên các hòn đảo Hy Lạp” – một sự pha trộn các cấu trúc bán hiện đại được đặt trên một cái bệ vĩ đại theo phong cách Hy Lạp cổ điển, đã cho thấy một sự pha trộn bản sắc quá đáng (EPH 2005:1).
Hình 5. Cổng chính của Ciputra
Nguồn: Tác giả
Thể hiện rõ nét nhất của sự loại bỏ văn hóa địa phương là khu Star World ở ngoại thành Hà Nội, một nơi đề cao “nguyên tắc ‘không giống với bất kỳ khu vực nào hiện nay ở Hà Nội” (Phong 2006). Khu đô thị mới Nhà Bè, TPHCM thì được quảng cáo là “một đô thị hướng về tương lai theo phong cách Hàn Quốc” (GS E&C 2007). Dự án Ciputra trị giá 2,1 tỉ đôla, hiện đang xây dựng trên 368 ha, bao gồm 2000 căn nhà cao cấp và 50 tòa nhà căn hộ cao tầng được thiết kế theo phong cách kiến trúc “Las Vegas” (PKG 2007). Ở ngoại thành Jakarta, đô thị du lịch Kota Wisata, được xây dựng bởi một liên doanh gồm các công ty Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, và In-đô-nê-xi-a, chứa những khu nhà ở “năm châu” trong “Đô thị triệu điều kỳ thú”. Mỗi châu gồm 6 cụm nhà, mang những chủ đề được lấy từ các thành phố lớn như Kyoto, Marseilles, Orlando, Montreal, và Beverly Hills (Kota Wisata 2007). Hình 6 cho thấy cổng vào của khu Châu Mỹ với tượng cao bồi và người da đỏ đằng trước tượng Nữ thần tự do.
Hình 6. Kota Wisata
Source: author
Các quy cách siêu thực tế được phóng đại đến mức làm người ta cảm thấy mình nhỏ bé vô nghĩa. Thường dự án nào cũng có những tò nhà rộng nhất và cao nhất. Nhà cửa không có phong cách riêng mà chỉ được xây dựng rập khuôn hàng loạt chen chúc nhau chỉ chừa rất ít khoảng trống lộ thiên. Sự tương tác giữa con người với nhau trở nên nhỏ bé và bị che khuất bởi cảnh quan, các tòa nhà, và các khu thương mại đồ sộ. Chẳng hạn, Star World tuyên bố sẽ tạo nên một cảnh quan mà trọng tâm là hai tòa tháp 70 tầng chứa “hàng ngàn m2 văn phòng, trung tâm thương mại, và căn hộ cao cấp.” Trên 100 tòa nhà khác cao từ 15 đến 25 tầng sẽ bao quanh 2 tháp đôi này – tất cả những điều này diễn ran gay cạnh Hà Nội, một thành phố mà mới đây tòa nhà cao nhất không quá 4-5 tầng (Hình 7). Xây dựng hoành tráng như thế thực ra cũng chỉ để gây ấn tượng cho cư dân và các nhà đầu tư toàn cầu, nhưng lại dường như để ngấm ngầm biện minh rằng chỉ có công ty mới có đủ kiến thức chuyên môn để kiểm soát và quản lý những tòa nhà quy mô lớn như thế trong xây dựng cũng như trong việc xây dựng cũng như bảo dưỡng.
Riêng tư
Sự “riêng tư” mà các dự án đô thị vùng ven rất tự hào được thể hiện ít nhất bằng ba cách: quyền sở hữu, biến không gian thành hàng hóa, và quản lý. Quyền sở hữu tư nhân thể hiện trong tất cả mọi phương diện của các dự án này. Những khu vực được tạo cảnh quan cho giống với các không gian công cộng, thí dụ các khoảng lộ thiên trong các trung tâm mua sắm, thực ra đều có quy định ra vào và sử dụng được ghi trong hợp đồng giữa ban quản lý và cư dân. Dự án Ciputra (PKG 2007:1) cho thấy họ chủ động đi tiên phong trong việc loại bỏ các không gian công cộng ra khỏi các công trình khi “đi ngược lại cách quy hoạch đô thị truyền thống bằng cách xây dựng trung tâm mua sắm với thiết kế “Island Concept” (biệt lập như một hòn đảo) đầu tiên ở In-đô-nê-xi-a, trong đó khu bán lẻ quay mặt vào phía trong trông ra một quảng trường trung tâm xinh đẹp chứ không quay ra đường phố xung quanh”
Hình 7 Star World (Băc An Khánh)
Nguồn: POSCO E&C (2006)
Hầu hết các dự án này không có không gian theo nghĩa không gian công cộng trong đó người ta có thể tự do đi lại gawoj gỡ nhau. Thậm chí trong các khu nhà riêng cũng kín hầu như không chừa một khoảng trống nào. Đường sá thường không có vỉa hè, còn xe cộ thì đậu trong các hẻm nhỏ xíu chỉ chừa một khoảng trống nhỏ đến mức hai người đi bộ song song cũng không lọt (Douglass, et al. 2007). Việc tạo cảnh quan cho các không gian trống thực ra cũng chỉ để trang trí và kiểm soát dễ hơn chứ không phải để mọi người thoải mái sử dụng.
Riêng tư cũng có nghĩa là mọi phương diện sinh hoạt của đô thị vùng ven đều là hàng hóa có giá riêng. Cổng trong cổng ngoài nhằm mục đích chỉ cho phép những ai đã trả tiền rồi thì mới được sử dụng. Muốn sử dụng một phòng tập thể dục hay hồ bơi cũng phải trả tiền thêm theo đầu người, chứ không phải chỉ theo hộ gia đình. Đậu xe có thể cũng phải trả tiền thêm. Các cơ sở tôn giáo và văn hóa đều không có, hoặc nếu có thì chỉ ở những nơi định trước, mà số lượng cũng chẳng bõ bèn gì đối với nhu cầu tại chỗ. Thí dụ Kota Wisata, “thành phố 1 triệu dân, chỉ có một thành đường hồi giáo và một nhà thờ công giáo” (Kota Wisata 2007).
Các đại dự án đều nhất loạt khoe rằng các đô thị vùng ven do tư nhân sở hữu và quản lý không “hỗn tạp” như cuộc sống đô thị ở khu trung tâm. Nhà đầu tư của đô thị Muang Thong Thani ở Bangkok tuyên bố: “Chủ đích của chúng tôi là phát triển Muang Thong Thani thành một đô thị hoàn chỉnh do tư nhân quản lý” (Kristof and Sanger 1999:1).
Nhưng thay đổi sâu xa nhất mà các dự án này nhắm đến là tư hữu hóa toàn bộ các thành phố. Chúng không hề có các cơ chế nào để người dân tham gia quản lý, ngoại trừ việc họ được khiếu nại với ban quản lý về chất lượng kém của nhà cửa, việc bảo trì và chi phí bảo trì, vv. [3] Như Dear (2000) đã nhận xét về một trường hợp xảy ra ở Mỹ, các dự án này tạo nên một loại “chính phủ ma’ được thu tiền, được quản lý, được kiểm soát, mà không hề chịu trách nhiệm thông qua một cơ chế quản lý dân chủ” và “thường chỉ quan tâm đến những biến động liên quan đến việc làm giàu ở cấp toàn cầu mà thôi.“ (MacLeod and Ward 2002:166).
Biệt lập và An ninh
Một đặc điểm quan trọng mà dự án nào cũng dùng để câu khách là sự biệt lập, bắt đầu bằng những lớp cổng trong cổng ngoài, chốt kiểm soát, để chia nhỏ các không gian dịch vụ và tiện nghi (Hogan and Houston 2002; Waibel 2006). Theo định nghĩa, biệt lập có nghĩa là ngăn không cho người ngoài vào, vì sợ và muốn xa lánh môi trường hỗn độn và đầy các yếu tố tội phạm của môi trường xung quanh (Hogan and Houston 2002). Thái độ của lớp người trung lưu mới nổi coi rẻ những cư dân đô thị khác đã góp phần làm cho an ninh thắt chặt hơn và tăng thêm được một điểm câu khách nữa.
Trong các đô thị vùng ven, cổng cũng dùng để tách riêng các khu nhà có mức giá khác nhau. Trong một số dự án, thí dụ Camko, dân cư ở những nhà cấp thấp hơn không thể lái xe hoặc thậm chí đi bộ vào các khu nhà cao cấp hơn, và ngược lại. Trái với hình ảnh của một đô thị cởi mở, các đô thị vùng ven còn hạn chế ai được vào ở và được phép làm điều gì trong những không gian được kiểm soát chặt chẽ. Lực lượng bảo vệ trong các đô thị này thường đông hơn so với các khu lân cận có cùng diện tích.
Tự cung tự cấp
Các đô thị vùng ven tự hào là mình tự cung tự cấp, có đầy đủ chức năng cho cuộc sống đô thị. Dường như các dự án rất thi đua với nhau về điểm này. Ở vùng ven Hà Nội, POSCO (Hàn Quốc), công ty mẹ của An Khánh với 10,000 nhà ở cùng với các trung tâm mua sắm, các cơ sở dịch vụ công cộng, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các cơ sở giải trí, đã mạnh dạn cho mình là “khu đô thị tự cung tự cấp đầu tiên của Việt Nam” (POSCO E&C 2007:1; Phong 2006). Cũng tại Hà Nội, Ciputra, được bắt đầu xây dựng trước An Khánh rất lâu, tuyên bố rằng mình là “một đô thị tự túc” (PKG 2007:1). Muang Thong Thani, Bangkok, cũng tuyên bố như vậy về mình (MTT 2007), còn nhà đầu tư của Kota Wisata ở Jakarta lại nói rằng “một thành phố sống động tự cung tự cấp” là “là mục tiêu cuối cùng” (Kota Wisata 2007:1). Megaworld (2007a) tuyên bố rằng khu nhà ở “Laguna Bel Air IV” của mình ở vùng ven Manila là “một công đồng tự túc, được quy hoạch tổng thể, đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt, giải trí, và học tập.” Thậm chí khu đô thị mới Nhà Bè tương đối nhỏ cũng được thiết kế để trở thành một “đô thị tự cung tự cấp.”.
Tất cả các đặc điểm rập khuôn được các đô thị vùng ven quảng cáo này – toàn cầu, có quy mô lớn hơn thật, văn hóa đô thị mới, an ninh, và tự cung tự cấp, kết hợp lại để tạo nên một hình ảnh hoàn toàn mới về đô thị. Không phải là một hình ảnh lý tưởng của Jane Jacob về cuộc sống cộng đồng địa phương diễn ra trong những khu phố có những cửa hiệu nhỏ nằm dọc theo các vỉa hè công cộng (Jacobs 1961). Cũng không phải hình ảnh của một đô thị đông vui với những không gian trong đó tình cảm cộng đồng toát ra từ những cuộc gặp mặt giản dị và người ta tụ họp lại cũng chỉ để “trò chuyện cho vui” (Peattie, 1998:248).
Về phương diện này, một yếu tố quan trọng bị thiếu trong các đô thị được kiểm soát kể trên là các không gian công cộng, là “sân khấu trên đó vở kịch đời sống cộng đồng diễn ra…. cần thiết để cân bằng những đều đều buồn tẻ của công việc và cuộc sống gia đình.” (Carr, et al. 1992:3). Một thiếu sót nữa, ở một cấp độ cao hơn, là không có sự tham gia của dân cư. Dân cư không thể đàm phán về các chính sách quản lý cũng không thể chủ động thay đổi các chi tiết thiết kế và không gian để đưa vào các hoạt động xã hội, văn hóa và tôn giáo nếu không tạo ra lợi nhuận cho công ty. Cuối cùng, ở một cấp độ còn cao hơn nữa, là vấn đề vai trò của những dự án này trong cả vùng đô thị lớn. Thông qua cách thiết kế và cách quản lý của mình, các dự án này phủi trách nhiệm đối với việc cung cấp những nhu cầu như nhà ở, tiện nghi vừa túi tiền cho người dân bên ngoài khu đô thị, hoặc cho người dân địa phương cơ hội mở quán. Những dự án này hầu như chẳng làm gì nhiều để đền đáp lại việc được sử dụng đất ở địa phương và vì vậy đã làm cho bao nhiêu người bị buộc phải ra đi nơi khác.
4. KẾT LUẬN
Dĩ nhiên có những khác biệt giữa các thành phố vùng ven. Tuy nhiên, tất cả đều mang những ý tưởng thiết kế như nhau: toàn cầu, văn hóa đô thị mới, riêng tư, biệt lập, an ninh, và tự túc. Cùng với các dịch vụ và hạ tầng liên quan kết nối chúng lại với nhau, các đô thị này tạo nên những vùng “không gian cấm”, loại trừ một cách có hệ thống những ai không đạt tư cách cư dân của thị trường mục tiêu (Flusty 2001, Douglass 2007). Trong tiến trình này, chúng phi chính trị hóa và phi xã hội hóa không gian một cách hữu hiệu thông qua tư hữu hóa và loại trừ, biến quản lý nhà nước thành quản lý của công ty đối với nhà ở và tiện nghi tư nhân. (Gleeson 2006).
Là chỗ ở cho con người của tương lai, ý đồ của các đô thị mới ở vùng ven đi ngược lại một cách cơ bản với hình ảnh một thành phố cởi mở, sinh động, có cảnh quan đa dạng, không chỉ dành riêng cho một loại giai cấp hay quyền bính nào, nhưng gồm đủ loại người, và mỗi người được trân trọng vì sự khác biệt của mình. (Foucault 1967, Sandercock 1998, 2003). Mặc dầu các đô thị này được rêu rao là những khu dân cư thú vị nhất, nhưng như Merrifield (2000:479) đã nói, “Sống trong những thành phố đó tức là chấm dứt sự mới lạ, tưởng tượng, và kỳ thú; mọi thứ trở nên nhàm chán, không bao giờ có sự phiêu lưu, và đó là hồi chuông báo tử cho tinh thần của con người.” Vì vậy, không có gì lạ khi đi qua những dự án như Phú Mỹ Hưng, ta thấy vỉa hè không người đi bộ, các tiệm thực phẩm franchise chỉ có ít khách vào giờ người dân ngoại ô vào thành phố đi làm, và ngay cả đường phố ban ngày hầu như rất ít xe cộ. Cảnh này tương phản rõ rệt với cuộc sống đô thị ở các khu trung tâm thành phố với những đường sá công cộng và kiến trúc địa phương. (Waibel 2004, Douglass and Huang 2007).
Dầu không hấp dẫn, nhưng rõ ràng các đô thị đó đã lôi kéo được những người giàu có. Hiện nay, khi đô thị hóa đang tăng tốc ở Đông Nam Á, các thành phố lớn đang chịu áp lực lớn từ nạn kẹt xe, ô nhiễm, nhà ổ chuột đang bành trướng, nghèo đói và bất bình đẳng, hạ tầng cơ sở yếu kém, và thiếu hụt nhà ở. Vì vậy, những người có tiền chắc chắn khó mà cưỡng lai được lời hứa hẹn của các đô thị vùng ven là sẽ giúp họ thoát được ngay các vấn đề nêu trên. các đô thị đó cũng lôi kéo được những người đầu cơ mua nhà không phải để ở nhưng coi các đô thị vùng ven là cơ hội đầu tư. Chừng nào mà nền kinh tế quốc gia còn tập trung vào các khu đô thị này, thì dân chúng và các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục đổ về đó, làm cho giá đất ở đó va lợi nhuận tương lai của các nhà đầu tư cứ tăng liên tục (Jones and Douglass 2008).
Tuy nhiên, do giá nhà ở các đô thị mới vùng ven rất cao, nên tối đa chỉ có khoảng 5-10% dân địa phương là đủ tiền mua để ở. Mặc dầu các đô thị tư nhân ở vùng ven đang nhân lên rất nhanh, nhưng dân số trong toàn vùng lại còn tăng nhanh hơn nhiều. Dân số của hầu hết các vùng đô thị đều trên 5 triệu, còn riêng Jakarta và Manila đã vượt 20 triệu; và hầu hết đều có tốc độ tăng trưởng dân số là từ 200,000 người trở lên mỗi năm, cứ khoảng 20 năm lại tăng gấp đôi (Jones and Douglass 2008). Trong vài thập kỷ nữa, các đô thị vùng ven nói trên sẽ hoàn toàn lọt thỏm giữa thành phố bao quanh và trở thành những khu đô thị bị phong tỏa chứ không còn là những lâu đài nằm giữa đồng không nữa. Lúc ấy, sẽ khó mà duy trì được những khu nhà ở tự rêu rao là tự cung tự cấp giữa một vùng mà môi trường đang xuống cấp và những khủng hoảng khác đang ngày càng trầm trọng. Để tồn tại lâu dài, các đại dự án nên khôn ngoan góp tay cải tạo những khu vực xung quanh ngay từ bây giờ.
Tuy nhiên, để làm được như vậy, các đô thị vùng vùng ven này cần có những hình thức quản lý khác nhau. Đặc biệt, sẽ cần tạo nên một lãnh vực quản lý công bao gồm người dân trong các đô thị vùng ven với sự tham gia tích cực hơn của quản lý nhà nước. Việc tạo nên các cơ cấu quản lý mới trong các khu nhà ở như vậy sẽ cho phép người dân cùng nhau tổ chức và giao tiếp một cách bình đẳng với ban quản lý đô thị đồng thời cũng giao tiếp với bên ngoài vì những mục đích khác chứ không chỉ vì lợi nhuận của công ty. Các đô thị vùng ven cũng nên tính đến việc chia sẻ cơ sở hạ tầng về môi trường với địa phương như các cơ sở xử lý nước, xây dựng các nhà ở rẻ tiền hơn và các không gian công cộng cho cả vùng, và giúp đỡ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng gần khu vực của mình. Ngoài ra, cũng nên mở cửa cho để dân địa phương vào mở tiệm, bao gồm các tiệm ăn, dịch vụ và mua sắm, nhờ vậy góp phần củng cố một nền kinh tế địa phương và tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời cũng là góp phần mang lại sức sống xã hội tại các đô thị vùng ven.
Quản lý nhà nước ở cấp vùng cũng cần tạo ra những cơ chế cho phép người dân được tham gia vào việc mua đất, xây dựng các công trình mới ở vùng ven và các loại dự án lớn khác, và giải quyết các vấn đề sau khi hoàn công. Các chính phủ và chính quyền thành phố hầu hết đếu bàng quan đối với các công ty toàn cầu và các đô thị vùng ven của họ, nhưng hầu hết lại rất mạnh tay trong việc trục xuất các cộng đồng để nhường chỗ cho các công ty đó xây dựng, và trong lãnh vực này tham nhũng xảy ra cũng rất nhiều (Olds, et al. 2002; Delauney 2008). Nếu không cải tổ về quản lý như vậy, thì việc tư hữu hóa vùng ven ở Đông Nam Á thông qua các khu nhà ở rộng lớn và biệt lập sẽ không phải là một bước tiến của lịch sử, mà chỉ tiếp tục xây dựng lại đô thị có thành lũy bao quanh như ngày xưa với hình thức siêu hiện đại toàn cầu mà thôi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Alexander, Jeffrey C. (2001), “Robust Utopias and Civil Repairs,” International Sociology, 16:4, 579–591.
Altshuler, Alan A. and David E. Luberoff (2003), Mega-Projects: The Changing Politics of Urban Public Investment (Brookings Institution).
Blakely, Edward and Mary Snyder (1999): Fortress America: Gated Communities in the United States. Washington, DC: Brookings Institution Press).
Carr, Stephen, Mark Francis, Leanne Rivlin, Andrew Stone (1992), Public Space (Cambridge, UK: Cambridge University Press).
CT&D Group (2007), Saigon South. http://www.saigonsouth.com/developer/developer-influences.htm.
Delauney, Guy (2008), Lake dwellers fear loss of homes, BBC News. http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/7583783.stm.
Douglass, Mike (2007), “Civil Society for Itself and in the Public Sphere: Comparative Research on Globalization, Cities and Civic Space in Pacific Asia,” in Globalization, the City and the Rise of Civil Society — The Social Production of Civic Spaces in Pacific Asia, edited by M. Douglass, K.C. Ho and G.L. Ooi (London: Routledge), 27-49.
Douglass, Mike (2008), “The Morphology of MUR Expansion,” Ch. 2 in G. Jones and M. Douglass, eds., The Rise of Mega-Urban Regions in Pacific Asia – Urban Dynamics in a Global Era (Singapore: Singapore University Press, forthcoming).
Douglass, Mike and Pornpan Boonchuen (2006), “Bangkok – Intentional World City, in Mark Amen, Kevin Archer, and M. Martin Bosman, eds., Relocating Global Cities: From The Center To The Margins (New York: Rowman & Littlefield Publishers), 75-100.
Douglass, Mike, and Liling Huang (2007), “Globalizing the City in Southeast Asia: Utopia on the Urban Edge – the Case of Phu My Hung, Saigon,” International Journal of Asia-Pacific Studies, 3:2, 1-41. http://www.usm.my/ijaps/default.asp?tag=2&vol=5.
Douglass, Mike, Trung Quang Le, Cameron Kawika Lowry, Hao Thien Nguyen, Anh Nguyen Pham, Nghi Dong Thai, Hernani Yulinawati (2008), “The Livability of Mega-Urban Regions in Southeast Asia,” Ch. 10 in G. Jones and M. Douglass, eds., Douglass, eds., The Rise of Mega-Urban Regions in Pacific Asia – Urban Dynamics in a Global Era (Singapore: Singapore University Press), 288-325.
Eaton, Ruth (2001), Ideal Cities – Utopianism and the (Un)Built Environment (London Thames and Hudson).
Firman, Tommy (1997), “Land Conversion and Urban Development in the Northern Region of West Java, Indonesia,” Urban Studies, 34, 1027–1046.
Fishman, Robert (1987), “Bourgeois Utopias: The Rise and Fall of Suburbia (NY: Basic Books).
Flusty, Stephen (2001), “The Banality of Interdiction: Surveillance, Control and the Displacement of Diversity,” International Journal of Urban and Regional Research, 25:3, 658-664.
Flyvbjerg, Bent, Nils Bruzelius and Werner Rothengatter (2003), Megaprojects and Risk : An Anatomy of Ambition (Cambridge: Cambridge University Press).
Foucault, Michel (1967) Of Other Spaces, Heterotopias. http://foucault.info/documents/ foucault.heteroTopia.en.html
Gatsiounis, Ioannis (2007), “A Megaproject Bears Witness to Malaysia’s Faith in Economic Planning,” International Herald Tribune, 3 May.
Gleeson, Brendan (2006), “Desocializing Space: the Decline of the Public Realm in Western Sydney,” Social & Cultural Geography, 7:1, February, 19-34.
Graham, Stephen and Simon Marvin (2001) Splintering Urbanism: Networked Infrastructures, Technological Mobilities and the Urban Condition, London: Routledge.
GS E&C (Goldstar Engineering and Construction (2007), Investor Relations News, May. http://www.gsconstir.co.kr/english/news_04_view.asp?rnum=92&page=1&startpage=1&count=2
Hall, Peter (2002), Cities of Tomorrow: An Intellectual History of Urban Planning and Design in the Twentieth Century (Oxford: Blackwell).
Harvey, David (2000), Spaces of Hope (Berkeley, U. Cal. Press).
Harvey, David (2000), Spaces of Hope (Edinburgh: Edinburgh University Press).
Hogan, T. and C. Houston (2002), “Corporate Cities – Urban Gateways or Gated Communities against the City? The Case of Lippo, Jakarta,” in T Bunnell, LBW Drummond and KC Ho Eds, Critical Reflections on Cities in Southeast Asia. (Singapore: Times Academic), 243-264.
Investmentmart (2007), “Ho Chi Minh City’s Northwest Metropolitan Area”. http://www.investmentmart.gov.vn/FDIproject.aspx?Id=265. Accessed 31 Aug 2007.
Iskandar Malaysia (2008), “Facts and Figures.” http://www.idr.com.my/.
Jacobs, Jane (1961), The Death and Life of Great American Cities (New York: Doubleday).
Jameson, F. (1991) Postmodernism, or, The Cultural Logic of Late Capitalism, London: Verso.
Jameson, F. (1998) The Cultural Turn, London: Verso.
Jones, Gavin and Mike Douglass, eds. (2008), The Rise of Mega-Urban Regions in Pacific Asia – Urban Dynamics in a Global Era (Singapore: Singapore University Press).
Knox, Paul (2005), “Vulgaria: The Re-Enchantment of Suburbia,” Opolis, 1:2, 33-46.
Kota Wisata (2007), “Master Plan.” http://www.kota-wisata.com/menu/masterplan.aspx
Kristof, Nicholas with David Sanger (1999), “How U.S. Wooed Asia to Let Cash Flow In,” New York Times, February 16.
Kumar, Krishan (2003), Aspects of the western utopian tradition, History of the Human Sciences, 16:1, 63-77.
Luan, Kinh (2007), “Hong Kong, New Zealand firms keen on real estate, Saigon Times, Monday, July 23. http://www.saigontimes.com.vn/daily/detail.asp?muc=2&Sobao=2987&SoTT=10. Accessed August 17, 2007.
MacLeod, Gordon and Kevin Ward (2002) “Spaces of Utopia and Dystopia: Landscaping the Contemporary City. Geografiska Annaler B, 84:3–4, 153–170.
Mamas, Si Gde and Rizky Komalasari (2008), “Jakarta – Dynamics of Change and Livability”, in Jones, Gavin and Mike Douglass, eds., Chapter 5 in The Rise of Mega-Urban Regions in Pacific Asia – Urban Dynamics in a Global Era (Singapore: Singapore University Press),
Mazlish, Bruce (2003), “A Tale of Two Enclosures; Self and Society as a Setting for Utopias,” Theory, Culture & Society, 20:1, 43–60
Megaworld Corporation (2007a), “Eastwood City”. http://www.eastwood-properties.com/
Megaworld Corporation (2007b), “Megaworld Speeds up Construction of Global One Center & Eastwood LeGrand.” http://www.megaworldinternational.com/news/index.cfm#
Merrifield, Andy (2000) “The dialectics of dystopia: disorder and zero tolerance in the city, International Journal of Urban and Regional Research, 24: 473–489.
MTT (Muang Thong Thani) (2007), “About Muang Thong Thani.” http://www.mttbkk.com/ about-mtt.htm.
Mumford, Lewis (1922), The Story of Utopia (New York: Boni and Liveright).
Olds, Kris, Tim Bunnell and Scott Leckie (2002), “Forced Evictions in Tropical Cities: An Introduction,” Singapore Journal of Tropical Geography, 23(3), 2002, 247-251
OPM (Overseas Property Mall) (2007), “Malaysia: Will the Planned Iskandar Development Region Complement the Role of Singapore or Mimic and Compete with It?” 4 May. http://www.overseaspropertymall.com/regions/south-east-asia-property/malaysian-property/malaysia-will-the-planned-iskandar-development-region-complement-the-role-of-singapore-or-mimic-and-compete-with-it/.
Peattie, Lisa (1998) “Convivial Cities” in Mike Douglass and John Friedmann, eds., Cities for Citizens: Planning and the Rise of Civil Society in a Global Age (Chichester: Wiley & Sons), 247-253.
Phong, Tien (2006), “$2bil for Biggest Urban Area in the North,” Vietnam Net, Nov 11. http://english.vietnamnet.vn/biz/2006/04/559318/.
- POSCO E&C (2007) “POSCO E&C Starts Construction of Vietnam’s First Independent New City.” http://www.poscoenc.com/english/pr/press_view.asp?hBOARD_ID=PR&hDOC_ ID=2292007.04.25. Accessed 4 April 2007.
PMHC (Phu My Hung Corporation) (2004), “Saigon South Vision for the New Millennium”. http://www.saigonsouth.com/saigonsouth/saigonsouth.htm. Accessed 12 November 2007.
PMHC (Phu My Hung Corporation) (2007), “Saigon South Urban Development”. http://www.saigonsouth.com/saigonsouth/saigonsouth.htm. Accessed 12 November 2007.
Pinder, David (2002), “In Defence of Utopian Urbanism: Imaging Cities after the ‘End of Utopia’”, Geografiska Annaler, 84 B, 3-4, 229-241.
PKG (Page Kirkland Group) (2007), “Ciputra Hanoi International City,” http://www.pagekirkland.com/home.asp?pageid=1BD2BEB963118660&projectid=14B436E0FA6E2F40. Accessed 28 Aug 2007.
Platt, E. (2001): In search of the comfort zone, Financial Times 13 October: 19–22.
Sandercock, Leonie(1998), Towards Cosmopolis: Planning for Multicultural Cities. Chichester: John Wiley.
Sandercock, Leonie(2003), Cosmopolis II: Mongrel Cities in the 21st Century (New York: Continuum Press).
Shatkin, Gavin (2007), “The city and the bottom line: urban megaprojects and the privatization of planning in Southeast Asia,” Environment and Planning A, advance online publication, 30 March 2007, 1-19.
Shoshkes, Ellen (2004), “East-West: Interactions between the United States and Japan and Their Effect on Utopian Realism,” Journal of Planning History, 3:3, 215-240.
Sutiprapa, Jarunun, Paranee Watana, Preeya Mithranon and Chanpen Taesrikul (2007), “Bangkok – Globalizing the City of Angels,” Ch. 4 in G. Jones and M. Douglass, eds., The Rise of Mega-Urban Regions in Pacific Asia – Urban Dynamics in a Global Era (Singapore: Singapore University Press, forthcoming).
Thanh Nien News (2007), “Malaysian Firm to Build $3.5 bn University Town in HCMC. Aug 2. http://www.thanhniennews.com/print.php?catid=2&newsid=30602
TPC (Transaction Promotion Center) (2007), North-West Metropolitan Area,” no date. http://www.vinafrica.com/shop/Transaction%20Promotion%20Center/2583/tradelead/0/15850. Accessed 31 August 2007.
Turner, Charles (2003), Mannheim’s Utopia Today, History Of The Human Sciences Vol. 16 No. 1, pp. 27–47
VIR (Vietnam Investment Review) (2007), “Residents Cry Foul over Service Fees” No 826 13 August. http://www.vir.com.vn/Client/VIR/index.asp?url=content.asp&doc=8115
Waibel, Michael (2004), “The development of Saigon South New Urban Area; A sign of an increasing internalization and polarization in Vietnamese society,” Pacific News, 22, 10-12.
Waibel, Michael (2006), “The Production of Urban Space in Vietnam’s Metropolis in the Course of Transition,” Trialog, 89-2, 43-48.
WWC (World City Co.) (2008), “Camko Master Plan.” http://www.worldcitycambodia.com /about_01.html. (sourced 8 Nov 2008).
[1] Một công ty New Zealand, Contue Jinwan Enterprise Group, hiện đang tìm một khu đất 300 ha để xây dựng một đô thị mới. (Luan 2007).
[2] Người dân ở Ciputra, Hà Nội, không hài lòng với giá thực phẩm và một số mặt hàng khác. Thí dụ, họ cho rằng “một cây kem đắt gấp bốn lần ở nơi khác” (Phong 2006:1).
[3] Các dự án này đi vào hoạt động theo từng giai đoạn để thu tiền, thậm chí khi cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa có. Đây chính là việc bị khiếu nại nhiều nhất. (Shatkin 2007). Chẳng hạn người dân ở Ciputra, Hà Nội, khiếu nại là họ không có chỗ cho trẻ em chơi, không có công viên, bệnh viện, nhà trẻ, và sân teenis. Một số căn nhà đã bán lâu rồi mà vẫn chưa mắc điện thoại. (VIR 2007; Phong 2006). Ban quản lý có khi để mấy tháng vẫn chưa trả lời các khiếu nại.
người viết phê bình thẳng tay quá. Tuy đặt vấn đề rất hay nhưng phần giải pháp tác giả chỉ nói sơ sài trong phần kết luận, cũng không giới thiệu một vài mô hình để người đọc tìm hiểu thêm. Có lẽ nó dành cho 1 topic khác.
Bài này có điểm sai.
theo nhiều tư liệu, NỮ GIỚI CHUNG là tờ báo đầu tiên dành cho những vấn đề của nữ giới ở Việt Nam, cũng là tờ báo đầu tiên do một người đàn bà Việt Nam làm chủ bút, và người đó là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Theo Nguyễn Thanh Liêm, “Số đầu tiên ra ngày 1, tháng 2, năm 1918 (50 năm sau Gia Định Báo do Petrus Ký làm chủ bút). Mỗi tuần xuất bản ngày Thứ Sáu, gồm các mục như Xã Thuyết, Học Nghề, Gia Chánh, Văn Uyển, và Tạp Trở. Tòa soạn đặt tại số 13 đường Taberd, Sàigon. Trong số mở đầu bà chủ bút có nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc Ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hằng ngày, chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ, tạo sự tiếp xúc giữa những con người với nhau. . . Tuần báo Nữ Giới Chung chỉ sống được có 6 tháng rồi đình bản, số cuối cùng ra ngày 19 tháng 7, năm 1918. Tuy không sống lâu nhưng nó cũng đánh dấu sự thức tỉnh của một số người về quyền sống của phụ nữ, của con người, của văn minh khoa học. Tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc đã thể hiện trong mục đích của tờ báo. Giá trị và vai trò của người phụ nữ Việt Nam được lưu ý nâng cao. Ba năm sau đó bà Sương Nguyệt Anh tạ thế. Tờ báo đã chết, người chủ bút đã ra đi, nhưng bà đã để lại cho thế hệ sau một Bắt Đầu vô cùng tốt đẹp.
Tờ báo Phụ nữ Tân văn của Phan Khôi, tác giả bài thơ Tình Già ra mắt lần đầu tiên vào năm 1929 tức là sau khi Nữ Giới Chung đình bản hơn một thập kỷ.
Làm sao để dẫn bài viết này nhỉ? Có vẻ nguồn gốc của bài viết là một công trình được dịch lại nhưng lại không thấy để nguồn và người dịch.
Bài viết rất hay. Xin phản hồi với lời bình luận đầu tiên, công trình khoa học nào cũng có phạm vi-mục đích riêng của mình, hơn nữa giải pháp đâu thể do một người đưa ra cho cả một vùng gồm bao nhiêu quốc gia như vậy được, đưa ra định hướng sao lại được xem là “sơ sài”.
Đây là bài đăng trong một hội thảo. Nếu bạn còn cần thông tin thì email mình.
Search ten tac gia: Mike Douglass, Professor, Department of Urban and Regional Planning, University of Hawaii at Manoa. Bai nay available tren mang.