Một chân dung Hà Nội

Nào cùng “tua” (tour) một vòng quanh thủ đô sôi động nhưng đã gần một ngàn năm tuổi

Hoài niệm của Nguyễn Đỗ Dũng*

1. Mấy bữa trời se se lạnh, lại nhớ khi xa Hà Nội, nghe đài báo gió mùa đông bắc đã về là lòng tôi lại xốn xang nỗi nhớ Hà Nội. trong tim lẩm nhẩm mấy vần thơ cũ của nhà thi sĩ – chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ:

“Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

(Nhớ Bắc)

Quê tôi là một tron hai huyện chính của đất kinh kỳ: huyện Thọ Xương. Đó là một mái nhà ở thôn Hòa Mã xưa, nằm không xa tổng hành dinh của của mấy tờ báo mà tôi đã đọc ngấu nghiến một thời: Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong ở phố Hòa Mã nay. Thôn tôi còn có tên khác: Đổi Mã, nghĩa là thay áo, bởi trong thôn có chùa Thiên Quang. Chùa là nơi các vua nước ta từ đời Lý đến Lê tới thay áo thường, mặc lễ phục để vào đàn Nam Giao tế Trời Đất, cầu “quốc thái, dân an”. Dấu xưa chẳng còn, chỗ thiêng một thời sau là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, rồi người ta di dời nhà máy để lấy đất xây nên tòa tháp đôi Vincom nằm giữa hai con phố Bà Triệu và Thái Phiên bây giờ.

2. Phố xá kinh kỳ ngày trước cũng dăm phố lát gạch, lại chừa những lối đi không lát để ngựa, xe đi lại. Dọc hai bên đường, từ Nguyên Phong năm đầu (1251), vua Trần Thái Tôn đã cho trồng những hàng cây, Sau này mới có tên phố Liêu Nhai (Giai) là phố trồng liễu, Hòe Nhai là phố trồng hòe.

Trước cửa nhà hát lớn của thành phố có một con đường chạy thẳng ra Cửa Nam thành Thăng Long (Hà Nội bây giờ vẫn có phố Cửa Nam) được chia thành ba khúc để đặt tên. Thực dân Pháp gọi liền tù tì là phố Pháp Quốc (Tràng Tiền), Anh Quốc (Hàng Khay), Mỹ Quốc (Tràng Thi). Người Việt ta chả chịu, cứ phố đi qua xưởng đúc tiền ngày trước thì gọi là Tràng Tiền, phố có bán khay, tráp thì cứ gọi là Hàng Khay, phố qua chỗ các sĩ tử ngày xưa đi thi thố mong lên ông nghè thì Tràng Thi.

Từ phố Hàng Khay, tôi ra đứng bên bờ hồ Gươm, nhìn về bắc, hứng gió đông lành lạnh vuốt vào mặt. Nước hồ một màu rêu lục. Hồi nhỏ vẫn được nghe mẹ kể sự tích hồ Gươm. Mẹ bảo hồ còn có tên cũ là Tả Vọng. Nhớn lên, coi sách Hà Nội thanh lịch của cụ Hoàng Đạo Thúy mới biết thêm: hồ xưa rộng hơn bây giờ nhiều, vừa gần thành lại thông với song Hồng nên là nơi thao luyện thủy quân. Tên gọi hồ Thủy Quân ra đời từ đấy. Sau hồ bị lấn dần từ giữa thành hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Rồi Hữu Vọng bị người ta lấp đi, chỉ còn Tả Vọng ở lại với những thăm trầm của thủ đô.

Đến đền Ngọc Sơn, ngắm  ngọn tháp bút đang “viết lên trời xanh” (nguyên văn chữ Hán trên tháp: tả thanh thiên). Trước Đài nghiên, cầu Thê Húc – một tia sang nào đó của buổi bình minh (ý nghĩa của từ Thê Húc) còn đọng lại – cong cong nới bờ với đảo Ngọc.

Cảnh thanh bình làm tôi chợt nhớ một câu trong lời chúc mừng Hà Nội – thành phố vì hòa bình – của ông tổng giám đốc UNESCO viết mãi tận Paris :”Chính nơi đang đọc diễn văn này, giữa lòng thành phố, bên một hồ nước mà ngay cái tên đã thể hiện ước nguyện hòa bình của nhân dân Việt Nam: Hoàn Kiếm.”

Bản đồ Hà Nội năm 1873

3. Phía bắc huyện Thọ Xương, trên đất quận Hoàn Kiếm ngày nay, huyện Quảng Đức có khu buôn bán sầm uất đã làm nên “phồn hoa thứ nhất Long Thành”. Dân tứ xứ về đây buôn bán hợp thành từng phố nghề: từ cái ăn ở Hàng Mắm, Hàng Muối,… đến cái mặc ở Hàng Nón, Hàng Giấy,…người thèm thuốc lào qua Hàng Điếu sắm điếu cày, còn con gái chải chuốt hay rẽ qua Hàng Lược. Lạ thay, giữa khu phố xưa ấy lại có Hàng Cá, Hàng Bè, Hàng Buồm, Cầu Gỗ nằm xa tít bến song? Hóa ra ngày trước cũng chưa lâu lắm, song Hồng, sông Tô gặp nhau ở đó. Chốn ngã ba sông này lúc nào cũng tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền trong những ngày phiên chợ. Số lượng thuyền bè lớn lăm, đến khó mà lội xuống bờ sông. Một người tên Richarol, mắt xanh mũi lõ từ phương xa tới có so sánh thế này :”ngay cả thành phố Venice (Italia) với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ của nó cũng không thể đem đến cho người ta được ý niệm về sự hoạt động buồn bán và về dân số trên sông Kẻ Chợ (một tên gọi khác của Hà Nội)”. Sau này sông Hồng đổi dòng chảy, sông Tô thì người Pháp lấp đi, nghề dính dáng đến sông nước vì thế cũng mất dần. Thì chả nhẽ người ta mua “buồm”, mua “bè” ở đây rồi … ròng rã chở qua các phố phường đông đúc của Hà Nội để ra được bến sông!

Đã nhắc đến bến sông, thế nào cũng phải đến bến Đông Bộ Đầu gần chùa Hòe Nhai chỗ Hàng Than, Yên Phụ bây giờ, để lắng nghe dư âm của một thời hào hung. Còn nhớ như mới đây thôi, mùa thu năm 1284, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đeo ấn “Tiết chế thiên hạ binh mã” duyệt ba quân. Người lên trướng đài hô lớn: “Bản chức vâng lệnh đem quân đánh giặc. Các tướng sĩ ai nấy phải đồng lòng, gắng sức, thua không nản, thắng không kiêu…”. Quân sĩ “dạ” một tiếng vang dội đất trời (theo sách của cụ Hàng Đạo Thúy).

Cũng chỗ này còn có bãi Phúc Xã là dấu tích của đê Cơ Xá, vua Lý Nhân Tông cho đắp đã gần ngàn năm trước. Từ con đê ngăn nước sông Hồng, chống lụt cho kinh thành này mà bắt đầu việc đắp đê trị thủy có hệ thống của nước Việt ta.

4. Từ đây đi sang kinh thành Thăng Long cũng không xa xôi mấy. Gần 200 năm trước, thấy người Tây bảo :”trước thế kỷ 19, Thăng Long là một trong những thành phố đẹp nhất châu Á” (Chaigneau, trong tác phẩm Mesmonire sen la Conchinchine 1820) vậy mà thăm lại thấy những cung điện nguy nga tráng lệ một thời nay còn đâu? Lỗi thiên nhiên có được là bao mà lỗi con người muôn phần. Nhìn cổng thành Cửa Bắc trên phố mang tên chí sĩ Phan Đình Phùng lòng lại càng thấu nỗi đau của những thế hệ người Việt mất nước:

Thế kỷ 15, giặc Minh xâm phạm bờ cõi. Những can-đa, can-ái (con-trai, con-gái – tiếng Việt đời Trần theo sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn) cũng một thời tuổi trẻ như chúng tôi đây không còn được hát điệu dân ca quê nhà. Sách vở chúng cũng đốt hết để cho hình dung của những thế hệ người Việt hôm nay về cha ông thuở trước thật ít ỏi. Ở kinh thành Đông Đô (tên gọi của Thăng Long lúc bấy giờ), để đúc vũ khí, chúng nấu chảy cả chuông Quy Điền, phá tháp Báo Thiên – hai trong tứ đại khí vốn là niềm tự hào của dân Việt. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, giặc Pháp đặt ách đô hộ. Thực dân dạy học trò mình thuở ấy rằng dân Việt gốc… Gooloa. Thực dân cũng tiếp tục công việc của quân Minh ngày trước: phá nốt chùa Báo Thiên, san phẳng cung điện và thành quách của Hà Nội. Vậy là biết bao kiệt tác về kiến trúc đã bị chôn vùi vào dĩ vãng.

Thế sao còn Cửa Bắc nhỉ? Hóa ra bởi nơi này năm 1882 bị Pháp bắn trúng 2 phát đại bác. Chúng lưu lại cho hậu thế với tấm biển để khoe chiến công và thị uy người Việt Nam. Đến Hà Nội, bạn đã bao giờ thắc mắc về những con đường nhô cao hơn bình thường như đường Hoàng Hoa Thám, Bưởi, La Thành, Giảng Võ,… nối liền những cửa ô Thụy Khuê, ô Cầu Giấy, ô Chợ Dừa,… vào kinh thành ngày trước? Đó chính là dấu tích còn sót lại của những đoạn tường thành bị người Pháp san ra làm đường.

5. “Vắng ngắt như chùa bà Đanh”, câu này lưu truyền trong dân gian. Vậy sao chùa vắng? Chùa Bà Đanh là tên nôm của chùa Châu Lâm ở làng Thụy Khuê ngay gần thành Hà Nội xưa hay quảng trường Ba Đình ngày nay. Ngôi chùa này được cất lên vào thời vua Lê Thánh Tông cùng với viện Châu Lâm để làm chỗ cúng lễ cho những người Chiêm Thành bị bắt về sau những cuộc chiến tranh. Tương truyền bà Đanh là người đã có công dựng chùa này. Sau này viện Châu Lâm bị phá rồi thực dân Pháp bắt chùa dời đi để lấy đất dựng trường Trung học Bảo hộ (nay là trường Chu Văn An) nên người đến thắp hương ngày một ít, cảnh chùa cứ vắng dần, vắng dần…

Không xa chùa là thôn Khán Xuân, nơi một ông đồ xứ Nghệ và một bà Kinh Bắc sinh ra nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Khi góa chồng rồi, nữ sĩ lại về đây ngâm vịnh:

Tiếng gà eo óc gáy trên hom

Oán hận trông ra khắp mọi chòm…

Xuống phường Cát Linh, xưa là chốn phồn hoa, các quan to hay lập dinh thự ở nơi này. Ngày trước qua đây, người ta còn chỉ dinh ông thượng thư này, ông quận công kia, cả dinh Nguyễn Khản, chỗ chàng công tử Nguyễn Du đã ở mấy năm. Đến phố Tôn Đức Thắng (Hàng Bột ngày trước), lại nhớ cũng trên con đường này năm 1911, dân làng Lủ ra đón đám rước vinh quy cuối cùng: ông nghè Nguyễn Sỹ Giác về bái tổ.

Đi khắp Hà Nội tìm dấu xưa mà chẳng còn là bao. Thầm đọc dăm câu thơ của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu, ngậm ngùi một tâm trạng:

Tiêu điều lũy cổ, gió thu bay

Dấu xưa vời vợi, nói ai đây?

Tôi lại về thôn nhà, ăn miếng đậu phụ nổi tiếng kinh thành và viết mấy dòng gửi gắm một chút se lạnh, chút hoài niệm và tâm tình về một thủ đô gần ngàn năm tuổi.

* tôi viết câu chuyện này vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội và đăng ở trên tờ báo tường của lớp cấp 3 để chia sẻ với bạn bè về một quá khứ thân thương, gần gũi và đậm chất bi hùng của thành phố.