Phải bù đắp cho diện tích kênh rạch bị lấp

Phản hồi loạt bài “Sông rạch ra đi, ngập lụt ở lại” (Tuổi Trẻ 7-8/1/2009)


Hai bài báo đã đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong quản lí kênh rạch. Những vấn đề đó có nguyên nhân không chỉ từ “thói quen” không tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp mà còn có nguyên nhân từ những qui định không rõ ràng, năng lực quản lí yếu kém và thiếu qui hoạch đồng bộ của chính quyền. San lấp kênh rạch, ao hồ nhiều khi là cần thiết, vấn đề là các nhà đầu tư dưới sự quản lí của chính quyền sẽ thực hiện việc san lấp như thế nào.

Hệ thống kênh rạch, ao hồ không chỉ quan trọng trong việc đảm bảo thoát và chứa nước mưa, nước thải mà còn có giá trị cảnh quan và liên quan mật thiết tới sức khỏe cộng đồng, do đó được coi là một tài sản công quan trọng tại nhiều quốc gia dù nằm trong bất cứ khu đất thuộc sở hữu như thế nào.

Tuy nhiên, ở TP HCM cũng như nhiều đô thị lớn khác của đất nước vốn nằm ở vùng đất thấp và nhiều kênh rạch, ao hồ, thì việc giữ lại toàn bộ hiện tích mặt nước hiện hữu là điều không thể và không nên. Nhiều kênh rạch nhỏ hoặc khi cạn khi đầy hoặc được sử dụng như những kênh thoát nước thải. Chúng không có giá trị cảnh quan nhưng làm giảm hiệu quả sự dụng đất, gây ô nhiễm môi trường, làm xấu bộ mặt đô thị nên cần được cống hóa hoặc có thể được san lấp khi có hệ thống hạ tầng thay thế.

Trong quá trình phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng đồng bộ thì việc san lấp diện tích mặt nước là điều không thể tránh khỏi. Để xây dựng ở phía nam Hồ Gươm một khu phố Tây xinh đẹp mà tới ngày hôm nay vẫn là một điểm đặc sắc của Hà Nội, người Pháp đã phải lấp đi rất nhiều ao hồ. Ngay tại TP HCM, những dự án qui mô nhất và là niềm tự hào của thành phố như Khu Đô thị mới Nam TP hay khu trung tâm Thủ Thiêm tương lai cũng là những dự án đã, đang và sẽ cần lấp đi hàng chục hecta mặt nước.

Một cách trực quan, việc lấp đi diện tích mặt nước dẫn tới hai vấn đề: giảm khả năng thoát nước thải và giảm khả năng thoát nước mưa cho mỗi khu dân cư và cho toàn thành phố.

Vấn đề thứ nhất ảnh hưởng ngay lập tức tới cuộc sống người dân tại khu vực, được chính quyền chú ý và được giải quyết bằng xây dựng hệ thống cống thoát nước thay thế. Vai trò của chính quyền là chỉ cho phép san lấp kênh rạch sau khi đã có qui hoạch hệ thống cống thay thế và phải đảm bảo việc xây dựng cống hoàn thành trước khi san lấp kênh rạch xảy ra.

Vấn đề thứ hai ít rõ ràng hơn, có thể không gây ảnh hưởng trực tiếp tại nơi san lấp và thường được “nhắm mắt làm ngơ” hoặc “phạt để tồn tại”. Và mặc dù vấn đề này cũng có thể được giải quyết bằng xây dựng hạ tầng thay thế nhưng chúng ta vẫn chưa có chế tài để thực hiện. Tại các quốc gia phát triển, việc san lấp kênh rạch, ao hồ nhỏ cũng như xây dựng các công trình làm giảm khả năng tiêu thoát nước mưa sẽ được cấp phép nếu như chủ đầu tư có các giải pháp hạ tầng thay thế như đào hồ điều hòa, xây dựng bể ngầm phòng hộ hoặc chia sẻ chi phí nâng cấp hệ thống cống của thành phố. Trong nghiên cứu cho thành phố Hồ Chí Minh, một công ty tư vấn quốc tế cũng đã đề xuất việc qui định xây dựng hồ điều hòa trong các khu đô thị mới với dung tích 180-200 m3 cho mỗi hecta xây dựng.

Chuyện san lấp kênh rạch, ao hồ vô tội vạ không phải là mới ở thành phố Hồ Chí Minh. Và sau mỗi lần báo chí và dư luận lên tiếng, việc quản lí, cấp phép san lấp đôi khi lại trở nên khó khăn một cách thái quá như một số dự án mà bản thân tôi đã chứng kiến. Trong những dự án đó, những dòng kênh nhỏ đã cạn nước, hoặc sử dụng làm kênh thoát nước thải rất hôi thối không được phép cống hóa vì “ngại dư luận” dù chủ đầu tư đã trình bày phương án kỹ thuật hoàn chỉnh. Quá trình đô thị hóa sẽ còn đòi hỏi san lấp nhiều diện tích mặt nước hơn nữa, cơ quan có thẩm quyền không thể hành động theo dư luận mà cần có qui hoạch hoàn chỉnh hệ thống mặt nước cũng như các qui định chặt chẽ, cụ thể về việc xây dựng hạ tầng thoát nước thay thế.