Phí dịch vụ công và công bằng xã hội

Năm 2007 là một năm ồn ào tranh luận về phí dịch vụ công và công bằng xã hội như vấn đề tăng học phí, về sự nhập nhèm giữa xã hội hóa và tư hữu hóa dịch vụ công như vấn đề cổ phần hóa bệnh viện, trường học. Liệu đang có một sự luẩn quẩn giữa lệ phí thấp và chất lượng thấp, liệu lệ phí thấp và nhà nước nắm giữ dịch vụ công có đảm bảo công bằng xã hội? Nguyễn Đỗ Dũng, một nhà quy hoạch đô thị trẻ hiện làm việc tại Canada, chia sẻ một vài suy nghĩ của mình.

 

Phí các dịch vụ công cơ bản như y tế và giáo dục tác động trực tiếp tới cơ hội phát triển của mỗi cá nhân trong xã hội, bởi vậy chúng không chỉ phản ánh mà cả định hingf công bằng xã hội. Một trong những bài học đầu tiên mà tôi học được ở giảng đường đại học nước ngoài là bài “Chức năng xã hội của Giáo dục”. Bên cạnh chức năng hiển nhiên là đào tạo nhân lực, phổ biến văn hóa và giá trị đạo đức chung, giáo dục còn có một chức năng xã hội khác rất quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách phải thấm nhuần: chức năng đảm bảo công bằng xã hội. Công bằng xã hội không đồng nghĩa với không có người giàu và người nghèo. Công bằng xã hội, trước hết, là công bằng cơ hội. Trong một xã hội lành mạnh, mọi người, dù bất cứ tầng lớp nào, đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục. Một đứa trẻ không may mắn sinh ra trong một gia định ở đáy cùng xã hội, nhưng nhờ được chăm sóc sức khỏe tốt qua hệ thống y tế và truyền đạt kiến thức, kỹ năng qua hệ thống giáo dục, cộng với nỗ lực làm việc mà có thể dễ dàng thay đổi vị trí xã hội của mình. Ở một đất nước còn rất nghèo như Việt Nam, nếu học phí cao, cộng với lệ phí và tiêu cực sẽ tước đi cơ hội thay đổi vị trí xã hội của người nghèo. Giáo dục rất quan trọng với một quốc gia đang nỗ lực thoát nghèo như Việt Nam, và còn quan trọng hơn đối với mỗi đứa trẻ sinh ra trong những gia đình nghèo khó. Bởi vậy, trong khi chúng ta đang nỗ lực để đạt được mục tiêu những mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng thì kim chỉ nam cho bất cứ một chính sách giáo dục nào phải là đảm bảo không có bất cứ trẻ em nào bị chối bỏ cơ hội đạt được tiềm năng của mình thông qua giáo dục.

Quả là có một vòng luẩn quẩn giữa lệ phí thấp và chất lượng thấp như bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân từng đề cập. Hơn thế nữa, nhìn rộng ra trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công, lệ phí thấp không phải lúc nào cũng có lợi cho người nghèo. Nhiều phân tích của Ngân Hàng Thế Giới về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ở các quốc gia đang phát triển cho thấy chi phí thấp làm người nghèo khốn đốn như thế nào. Ví dụ từ hệ thống cung cấp nước tại thành phố Bueros Aires, thủ đô của Argentina, cho thấy phí dịch vụ thấp do áp lực chính trị, cộng với chi phí cao do bộ máy cồng kềnh, tham nhũng và thất thoát do hệ thống cung cấp cũ kỹ dẫn đến khủng khoảng thiếu một cách giả tạo, bản than hệ thống không thể mở rộng. Hệ quả cuối cùng là hệ thống chỉ cung cấp dịch vụ giới hạn ở khu trung tâm thành phố, nơi những người có thu nhập cao hơn sinh sống. Một ví dụ khác từ hệ thống bệnh viện công của Việt Nam: phí chính thức thấp (mặc dù vẫn còn cao với nhiều người nghèo) làm cho bệnh viện và ngành y tế không đủ tiền để nâng cấp dịch vụ và mở rộng hệ thống, làm cho lương bác sĩ, y tá cũng thấp. Hệ quả là không ít bác sĩ và y tá phải dựa vào “phong bì” để sống, các bệnh viện tử tế tập trung trong một vài thành phố lớn và luôn quá tải. Trong một hệ thống y tế mà bác sĩ sống nhờ phong bì, số giường bệnh ít và chỉ có ở khu đô thị lớn, thì người chịu thiệt thòi sẽ là dân nghèo thành thì và nông dân. Đây là hiện tượng không chỉ ở Việt Nam, cũng không chỉ trong ngành y tế mà rất phổ biến trong mọi lĩnh vực cơ sở hạ tầng (Điện, nước, giáo dục, y tế) và ở  nhiều nước đang phát triển.

Một giải pháp một số quốc gia đang áp dụng thông qua hỗ trợ của Ngân Hàng Thế Giới (chương trình “Tư nhân giúp dân nghèo”) là tư hữu hóa một phần hệ thống cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hệ thống phân phối) nhằm tăng hiệu quả quản lí, tăng khả năng mở rộng dịch vụ và giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước. Phí sẽ tăng, hệ thống và dịch vụ sẽ được phát triển nhờ có vốn tái đầu tư. Nhà nước quản lí chất lượng và trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tiền phí cho người nghèo. Nhờ vậy mà người nghèo, dân vùng xa có cơ hội được hưởng các dịch vụ với chất lượng gần hoặc tương đương như người có thu nhập cao hơn ở thành thị. Tuy nhiên, giải pháp áp dụng vào thực tế không đơn giản như kể ra ở đây vì những người có tiền và có quyền thường lũng đoạn chính sách vì lợi ích cá nhân. Như tiến sĩ Vũ Quang Việt (Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Liên Hiệp Quốc) đã từng cảnh báo: người giàu sẽ lại chạy chọt để hóa thân thành “người nghèo” nếu thiếu sự minh bạch và sự quản lí nghiêm túc của chính quyền.

Thực tế là việc nhà nước nắm khư khư các dịch vụ công không có gì đảm bảo cho công bằng xã hội, cứ nhìn vào hệ thống y tế, giáo dục Việt Nam thì thấy. Nhưng để có thể tư nhân hóa, cổ phần hóa và xã hội hóa thành công (Công bằng + Chất lượng) thì lại đòi hỏi mạnh mẽ vai trò điều tiết, quản lí của nhà nước và vai trò hỗ trợ, giám sát của công luận và các tổ chức phi chính phủ. Nhưng khác với việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục dựa chủ yếu vào con người. Nếu như nhà nước thu thuế của dân để xây một cây cầu, mở một con đường hay kéo điện về môt vùng quê thì tác động đối với cuộc sống của nhân dân là tức thì và dễ nhận thấy. Nhưng đối với ngành giáo dục, nơi mà phần lớn ngân sách dung để chi chả cho giáo viên và phương pháp cung cấp dịch vụ tới người dân chủ yếu bằng hình thức giáo viên giảng bài cho học sinh, thì mối liên hệ giữa tăng lệ phí và tăng chất lượng là rất mập mờ và khó kiểm chứng. Trong hoàn cảnh thiếu vắng một triết lý giáo dục đúng đắn, một sách lược giáo dục khoa học và cụ thể, và một kiểm toán minh bạch thì liệu tăng học phí thêm cho giáo dục có giúp thay đổi tình hình một cách rõ rệt. Bản thân ngân sách giáo dục từ năm 1998 đến năm 2007 đã tăng lên 6 lần với số lượng học sinh không thay đổi. Nhưng liệu ai dám khằng định rằng đã có sự thay đổi lớn về chất trong nên giáo dục việt Nam trong khoảng thời gian trên. Như vậy đối với vấn đề phí, vận hành và sở hữu dịch vụ công thì trước khi mỗi chính sách đi vào đời sống cần thông qua một quá trình nghiên cứu khoa học và tư vấn xã hội một cách minh bạch và cầu thị để đảm bảo sự hài hòa giữa chất lượng, chi phí dịch vụ và công bằng xã hội.

Nguyễn Đỗ Dũng