Trận lụt lịch sử tại Hà Nội: Sẽ là bài học cuối cùng?

Khi trận lụt lịch sử tại Hà Nội rút nước cũng là khi những “cơn mưa” trách nhiệm bắt đầu và cách dễ nhất là đổ lỗi cho thiên nhiên. Phần trách nhiệm của chính quyền thành phố là…học những bài học đắt giá mà người dân vừa trả bằng cả tính mạng và tài sản của mình. Nhưng liệu lần này sẽ những người có trách nhiệm sẽ thuộc bài?

Cho tới khi chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thú nhận rằng hệ thống thoát nước của thành phố chỉ có thể đáp ứng được những trận mưa 86mm, đã không ít lãnh đạo thành phố đổ tại hoàn toàn cho thiên nhiên. Sau đó, có lẽ để thể hiện quyết tâm, một lãnh đạo khẳng khẳng định với báo chí rằng thành phố sẽ lấy mực nước năm nay làm chuẩn để thiết kế thoát nước. Tuy nhiên, việc thiết kế thoát nước phải dựa trên nghiên cứu lịch sử và nguy cơ tiềm tàng trong tương lai chứ không phải kinh nghiệm vừa trải qua. Trong lý thuyết sơ đẳng về thoát nước, năng lực của hệ thống thường được thiết kế để đối phó với lụt có tần suất 100 năm một lần. Còn cách làm theo lời vị lãnh đạo trên thì không có gì đảm bảo rằng thành phố sẽ lại không ngập chìm trong biển nước vào trận lụt năm tới và những năm sau đó. Có lẽ đây cũng là cách tư duy dẫn đến việc cao độ thiết kế của trạm bơm Yên Sở thấp hơn mặt nước lụt năm nay.

Những gì vừa xảy ra cho thấy lãnh đạo thành phố vẫn tuy duy theo kiểu đối phó chứ chưa bao giờ hoạch định một chiến lược dài hơi cho vấn nạn lụt đô thị. Trận lụt lịch sử 24 năm trước khiến 100,000 cư dân đồng bằng Bắc Bộ thiệt mạng, chưa bao giờ trở thành bài học cho thành phố.

Phải hơn 20 năm rồi người Hà Nội mới lại phải đối mặt với một cơn lụt khủng khiếp thế này. Nhưng đó là những gì mà người dân nhiều địa phương khác vẫn phải gánh chịu hàng năm. Mới năm ngoái, nhiều thành phố miền Trung đã chìm trong biển nước suốt cả thảng trời với mức nước gần bằng lũ lịch sử năm 1964. Hay năm 1999, lũ về giữa đêm khuya, nước dâng 0,5 m mỗi giờ, cướp đi sinh mạng hơn 400 người và 1/3 GDP của thành phố Huế. Những bài học đó Hà Nội hay Sài Gòn đã học chưa?

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng khắp toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Dự báo rằng trong viễn cảnh lạc quan khi mà mực nước biển chỉ dâng cao 1m vào cuối thể kỷ thì 5% diện tích đất nước sẽ bị ngập, chủ yếu tập trung tại hai vựa lúa là đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Việt Nam sẽ mất 10% GDP và không dưới 10 triệu người sẽ mất nhà cửa, Những năm sau đó, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa cùng với sự tan vỡ của hệ thống cơ sở hạ tầng vốn tập trung ở vùng đồng bằng.

Trước một viễn cảnh nhiều thách thức như vậy mà dường như chúng ta vẫn quá thờ ơ. Quy chuẩn về quy hoạch đô thị vẫn chưa đề cập đến các vấn đề thay đổi khí hậu. Còn trong thực tế, diện tích mặt nước trong đô thị đang bị thu hẹp đồng thời với việc gia tăng bề mặt bề mặt tông hóa. Trung bình, lượng mưa đổ xuống đất cây xanh tự nhiên sẽ thẩm thấu vào đất hoặc bốc hơi và chỉ để lại 20% lượng nước chảy trên bề mặt, tỉ lệ này đối với đô thị là 50%. Do đó, nhiều quốc gia quy định công trình xây dựng, từ nhà dân đến vỉa hè, phải dành một phần đất để tự nhiên, trồng cây xanh hoặc dùng vật liệu có lỗ rỗng nhằm tăng khả năng thẩm thấu tại chỗ. Nếu công trình xây mới có quy mô lớn làm giảm khả năng thoát nước bề mặt của khu vực thì công trình đó cũng phải chia sẻ gánh nặng hạ tầng với thành phố bằng việc xây dựng hồ hoặc bể chứa ngầm ngay trong diện tích xây dựng.

Bên cạnh đó, thông tin địa lý về lũ lụt là rất quan trọng. Tại các thành phố nước ta, các bản đồ xác định ranh giới vùng có nguy cơ ngập lụt chưa có hoặc có mà chưa được công bố rộng rãi. Trong khi đó tại nhiều quốc gia phát triển, bản đồ vùng có nguy cơ ngập lụt (theo lụt tần suất 100 năm) là một trong hai bản đồ quan trọng nhất được công bố chi tiết theo qui định của luật pháp (cùng với bản đồ sử dụng đất). Khu vực có khả năng xảy ra lụt chỉ được cải tạo, chỉnh trang công trình hiện hữu mà không được thực hiện phát triển đô thị mới.

Mới đây, khi nghiên cứu lại quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh, một công ty tư vấn nước ngoài nhận thấy rằng mặc dù có tới 70% diện tích của đô thị có nguy cơ bị ngập do thủy triều, bản quy hoạch đã được phê duyệt năm 1998 không hề đếm xỉa đến yếu tố sống còn này. Thậm chí, bản quy hoạch đó còn đề xuất phát triển đô thị tại những vùng trũng và giành đất ở chỗ cao ráo làm…công viên và đất nông nghiệp.

Ở một đất nước nhiều rủi ro thiên tai như Việt Nam, giải quyết vấn đề lũ lụt và đối phó với thay đổi khí hậu không đơn thuần là việc đắp đê cao hơn, xây thêm nhiều trạm bơm hay mở rộng kích thước của cống ngầm. Đó phải là một ý thức ăn sâu vào mỗi nhà lãnh đạo và mỗi công dân như đi đường thì phải đi bên phải. Có như vậy thì mỗi khi lũ lụt xảy ra, chúng ta mới không phải học lại bài học cũ và có cơ hội vượt qua được thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 này.

Nguyễn Đỗ Dũng