Về mô hình đô thị vệ tinh

Kiều Trang :

 Em đã đọc bài viết của anh về “Phát triển cân bằng vùng để chữa bệnh đại đô thị”,xin chia sẻ với anh vấn đề mà em đang thắc mắc:

Hiện nay, phát triển thành phố vệ tinh là một xu hướng chung mà các đô thị lớn nước ta đang hướng tới, xét về một khía cạnh, nó có thể giải quyết rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, hay nói cách khác là hậu quả tất yếu của quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, xét về lâu dài, khi có nhiều thành phố vệ tinh phát triển xung quanh một đại đô thị, nó cũng sẽ gây ra những hậu quả tương tự, cũng ô nhiễm và ùn tắc…Nếu như vậy bản thân đại đô thị sẽ chịu cả 2 áp lực của chính bản thân nó (em nghĩ ta có thể giảm bớt áp lực chứ không thể triệt tiêu) và cả những áp lực mới do các đô thị vệ tinh gây nên tại các cửa ngõ quan trọng vào thành phố,và có thể tăng thêm sự khó khăn khi tiếp cận đại đô thị so với trước kia. Anh có thể cho em vài lý giải về vấn đề này được không ạ, cảm ơn anh nhiều.

 

Trả lời Kiều Trang:

Trước hết, anh xin lỗi Trang vì trả lời email của em chậm chễ và cũng xin cảm ơn em vì đã có những băn khoăn thú ví và có trách nhiệm.

Em đã hỏi những câu hỏi lớn và để trả lời, chắc một vài trang giấy vẫn có thể là chưa đủ. Và cũng giống như bản chất của đô thị – một thế giới phức tạp, hỗn độn tới mức không một lý thuyết nào, một cá nhân nào có đủ năng lực tư duy để hiểu thấu đáo về nó – anh cũng không thể trả lời hết tất cả mọi khía cạnh của câu hỏi lớn mà em nêu ra.

Thêm nữa, cũng giống như mọi lĩnh vực học thuật khác, nghiên cứu về đô thị ở Việt Nam gần như chưa được xác lập một cách có hệ thống, do đó để trả lời một câu hỏi dù là nhỏ nhất, anh thường buộc phải hỏi lại người hỏi để xem họ có hiểu các khái niệm giống như anh hiểu mà không.

 

Mô hình "thành phố vườn" của Howard gắn liền với ý tưởng đô thị vệ tinh

Mô hình "thành phố vườn" của Howard gắn liền với ý tưởng đô thị vệ tinh

 

 

Em bắt đầu câu hỏi của em bằng một nhận định :”Hiện nay, phát triển thành phố vệ tinh là một xu hướng chung mà các đô thị lớn nước ta đang hướng tới”. Quả thực, anh không dám chắc về điều này, ít nhất là theo nhận thức của anh về mô hình “đô thị vệ tinh”. Mô hình phát triển đô thị vệ tinh được hiểu trong học thuật về đô thị của phương tây là việc phát triển các thành phố nhỏ và trung bình xung quanh một thành phố trung tâm và chúng được liên kết với thành phố trung tâm này bằng một hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện. Hệ thống giao thông này sẽ cho phép nhiều người dân sống tại các đô thị vệ tinh có thể di chuyển vào đô thị trung tâm hằng ngày dễ dàng. Giữa thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh thường là các vành đai xanh. Các thành phố trung tâm theo mô hình đô thị vệ tinh thường bị giới hạn khu vực phát triển (không thể mở rộng hơn) để không biến thành một đại đô thị khổng lồ. Ví dụ điển hình nhất ở châu Á mà anh biết là hệ thống đô thị mới quy mô trung bình xung quanh thành phố Tokyo (mặc dù Tokyo bản thân đã là một đại đô thị rồi) tại Nhật Bản.

Theo định nghĩa này thì cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều chưa có các đô thị vệ tinh. Thành phố Hà Đông (nay là một quận của Hà Nội) hay Biên Hòa hoặc Thủ Dầu một đều chưa phải là những đô thị vệ tinh. Chúng chỉ là những thành phố phát triển hoàn toàn độc lập và tự nhiên trong mối liên hệ với Hà Nội hay Tp HCM. Đến một thời điểm khi mà các đô thị lớn dần lên và mở rộng diện tích, có vẻ gắn bó với nhau hơn. Nếu không có chiến lược hạn chế, ranh giới của chúng sẽ chạm nhau vào một ngày nào đó và biến thành một đại đô thị khổng lồ. Nếu em đi từ Tp HCM lên Biên Hòa, em sẽ thấy hiện tượng này. Đây là hiện tưởng phổ biến trên thế giới. Thử xem một vài ví dụ ở Canada (nơi anh hiểu khá rõ), thành phố Toronto với 5 triệu dân thực ra là một vùng đô thị gồm có 5 thành phố trong đó bản thân Toronto chỉ có 2 triệu dân. Thành phố Vancouver với 2 triệu dân thực ra là một vùng đô thị có 10 thành phố độc lập, trong đó bản thân Vancouver chỉ có 500 ngàn dân. New York, Tokyo hay Manila đều là những vùng đô thị như vậy. Một ngày kia có thể người sẽ nói: Tp Hồ Chí Minh là một đại đô thị 20 triệu dân với 6 thành phố (Sài Gòn (khu vực nội đô tp hcm hiện hữu), Nhơn Trạch, Hiệp Phước, Tây Bắc (Củ Chi), Thủ Dầu Một, Biên Hòa) trong đó bản thân Sài Gòn có 10 triệu dân. Ở TP Hồ Chí Minh, Đô thị Tây Bắc và Đô thị Hiệp Phước có hy vọng sẽ trở thành những đô thị vệ tinh đầu tiên của thành phố và được kết nối với trung tâm Sài Gòn bằng tàu điện mặt đất và tàu điện ngầm. Tuy nhiên nếu chính quyền không quyết tâm và có chiến lược phù hợp để thực thi cũng như hạn chế phát triển vùng Hóc Môn và Nhà Bè thì e rằng Tây Bắc và Hiệp Phước không thành hình hoặc sẽ lại chìm vào trong lòng một Sài Gòn rộng mênh mông như Hà Đông biến thành một quận của Hà Nội vậy.

Cứ như anh kể ở trên thì hình như mô hình vệ tinh không có nhiều ví dụ thành công trên thế giới. Có thể nói như vậy. Lý do là bởi mô hình này không dễ tiến hành và cũng không phải luôn là tối ưu để mà áp dụng. Các nhà quy hoạch ở Vn luôn nói về mô hình này bởi đó là những gì họ học được ở các trường đại học Liên Xô trong thời kỳ mà kinh tế thị trường không tồn tại (chính quyền có thể quyết định mọi thứ bao gồm cả việc một gia đình sống ở đâu, diện tích nhà rộng bao nhiêu và họ làm nghề gì) hoặc là họ bị choáng ngợp bởi những vùng đô thị như Copenhagen hay Paris nơi mà mô hình đô thị vệ tinh ít nhiều thành công mà không hiểu về cái giá mà những nơi đó đã phải trả cũng như những công cụ mà họ đã có để thành công.

Không có một mô hình nào hoàn hảo cả. Đã có lãnh đạo một đia phương phone hỏi anh cho họ những bước cơ bản để phát triển một đô thị. Câu trả lời của anh có lẽ làm vị đó thất vọng: nghiên cứu bản thân thành phố đó, nghiên cứu vùng đô thị mà nó liên quan, nghiên cứu vùng lãnh thổ. Chỉ thông qua những nghiên cứu cụ thể chúng ta mới có thể đưa ra một mô hình phù hợp bởi không có thành phố nào giống thành phố nào ở trên thế giới này.

Mô hình đô thị vệ tinh có thể nói ra đời vào cuối thế kỷ 19 cùng với ý tưởng “thành phố vườn” của Ebenezer Howard. Tác giả (một nhà hoạt động xã hội) của chúng nhận thấy các thành phố công nghiệp của nước Anh trở nên tồi tệ để sống do ô nhiễm và mật độ dân số cao. Ông đề xuất xây dựng các thành phố chỉ khoảng 30 ngàn dân nằm trên các trục đường sắt nối với thành phố trung tâm và cách ly với các thành phố này bởi vành đai xanh. Ý tưởng này trở nên ảnh hưởng trên thế giới trong lĩnh vực phát triển đô thị. Dù vậy thì cũng chỉ có 2 “thành phố vườn” thực sự được xây dựng tại nước Anh. Trở lại mô hình đô thị vệ tinh, em sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ở Mĩ chỉ có 1 vùng đô thị duy nhất thực hiện mô hình này (và thành công) là Portland tại bang Oregon. Tại Canada thì có thể nói Vancouver và Ottawa đi theo mô hình này. Mặc dù những thành phố anh vừa nêu tên đều trở thành những tấm gương trong quy hoạch đô thị ở Bắc Mĩ, chúng có những điều kiện nhất định cũng như phải trả giá đắt cho mô hình mà chúng theo đuổi để thành công. Vancouver và Portland là những nơi mà người dân đặc biệt trân trọng vấn đề bảo vệ môi trường và dễ dàng hơn các nơi khác trong việc hy sinh các quyền lợi kinh tế để đạt được một môi trường sống tốt hơn. Ottawa là thủ đô của Canada và có một tỉ lệ lớn văn phòng và người lao động liên quan đến chính phủ liên bang, tức là họ “dễ bảo” hơn trong việc thực thi một mô hình và dễ chấp nhận hy sinh quyền lợi kinh tế (cha chung không ai khóc mà!). Vậy quyền lợi kinh tế bị hy sinh trong việc thực thi mô hình đô thị vệ tinh là gì: chi phí hạ tầng (xây hệ thống giao thông công cộng cấp vùng) và giá đất tăng. Thử tưởng tượng mà xem, người ta sẽ đặt ra ranh giới phát triển cho các thành phố trung tâm (growth boundary) à khiến cho diện tích đô thị không thể mở rộng à khiến cho giá đất tăng à cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn à thành phố trở nên kém hấp dẫn đối với người dân và doanh nghiệp à phát triển kinh tế bị hạn chế. Chi phí để xây dựng hệ thống tàu điện/metro nối các thành phố vệ tinh với thành phố trung tâm là rất tốn kém và các hệ thống này kém hiệu quả do phải chạy qua các vành đai xanh vốn không có hoặc không có nhiều người sinh sống (tức là có những đoạn đường không ra tiền trực tiếp). Chưa kể mô hình đô thị vệ tinh cần có một khung pháp lý để quản lí toàn bộ vùng đô thị này (mà vn vẫn chưa có) và đảm bảo các thành phố vệ tinh không mâu thuẫn với nhau hay với đô thị trung tâm về quyền lợi. Tất nhiên đây chỉ là sơ lược vài hạn chế trogn nhiều hạn chế khác của mô hình đô thị vệ tinh. Mô hình thành phố đơn (một thành phố lớn duy nhất nằm chiếm lĩnh một vùng đô thị) như Hà Nội có những ưu điểm nhất định mà mô hình đô thị vệ tinh không có được. Anh đã từng nghiên cứu vấn đề này và sẽ đề cập cụ thể trong một bài khác.

Trả lời câu hỏi của em, anh nghĩ rằng những vấn nạn mà chúng ta đang phải chịu đựng như tắc đường, ô nhiễm,.v.v… chưa hẳn là vấn đề của “đại đô thị”. Không có vấn nạn gì là tất yếu cả. Hãy nhìn vào Tokyo hay New York, những đô thị có quy mô gấp 3 đến 5 lần Hà Nội hay Sài Gòn nhưng chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều. Những vấn nạn chúng ta đang phải chịu đựng trước hết bắt nguồn từ năng lực quy hoạch, quản lí qui hoạch và thực hiện qui hoạch yếu kém của chính quyền. Em đã lo sợ rằng các đô thị trung tâm sẽ chịu cảnh “một cổ hai tròng” khi mà đô thị vệ tinh phát triển lên. Em đang mường tượng các đô thị vệ tinh sẽ phát triển như là những gì mà em chứng kiến tại Sài Gòn hay Hà Nội hôm nay. Thực ra một nguyên lí cơ bản của mô hình vệ tinh chính là việc giới hạn qui mô phát triển về cả dân số và đất đai đối với các đô thị vệ tinh cũng như thành phố trung tâm. Cũng chí lí do này mà mô hình đô thị vệ tinh khó thực thi và kém hấp dẫn ở khía cạnh kinh tế. Để tránh ùn tắc thì cần một hệ thống giao thông công cộng tốt. Còn đề giảm ô nhiễm thì cần có các vành đai xanh. Cuối cùng, mô hình cần một cơ quan quản lí cấp vùng để điều phối các hoạt động chung.

Em đã hỏi một câu hỏi lớn và rất rộng. Anh xin trả lời sơ lược như vậy. em có thể tham khảo thêm bài anh viết về việc mở rộng Hà Nội (“Mở rộng Hà Nội: Sẽ thoát chiếc áo chật?”) trên Tuổi Trẻ ngày 1/4/2008, trong đó có nói nhiều về vấn đề vùng đô thị.

Dũng đô thị