Lược sử tư duy về đô thị

Chuyên mục Đô thị thường thức, Tạp chí Xây dựng, 10.2009

Nguyễn Đỗ Dũng

Đô thị là biểu trưng của nền văn minh nhân loại. Và chưa bao giờ trong lịch sử loài người, các thành phố lại có vị trí quan trọng tuyệt đối như hôm nay trong việc tạo dựng và phát triển các giá trị nhân loại. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi đô thị trở thành tâm điểm nghiên cứu của nhiều ngành khoa học.

Từ xa xưa, các nền văn minh ở cả phương Đông và phương Tây đã có những nhận thức về tổ chức đô thị nhằm đạt được những mục đích về tâm linh, quyền lực hay phòng thủ. Thế kỷ 4 trước Công Nguyên, triết gia Hy Lạp Aristotle bắt đầu nhìn nhận đô thị từ góc độ dân sinh và tổ chức xã hội, đặt nền móng đầu tiên cho ngành quy hoạch hiện đại. Trong tác phẩm The Politics (Chính trị học), ông miêu tả mô hình một cộng đồng lý tưởng có quy mô dân số khoảng 5000 người – “đủ nhỏ để tiếng nói của mỗi cá nhân có thể được lắng nghe bởi toàn bộ cộng đồng, và đủ lớn để có thể tự cung, tự cấp.”[i]

Tuy nhiên, các nghiên cứu về đô thị chỉ thực sự bùng nổ vào thế kỷ 19 khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra tại nước Anh cùng với sự xuất hiện của các thành phố công nghiệp chật chội và ô nhiễm. Nhà vô sản Federic Engles đã quan sát những khu ổ chuột của công nhân ở Manchester và hoàn thành những trang viết đầu tiên của ngành Xã hội học đô thị. Ebenezer Howard, một thương gia và nhà hoạt động xã hội, thì đề xuất mô hình đô thị vệ tinh thông qua việc xây dựng các thành phố vườn bao quanh bởi các vành đai xanh và liên kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống đường sắt.[ii]

Quảng cáo thành phố vườn Welwyn tại Anh vào đầu thế kỷ 20 nhắc đến tình trạng ô nhiễm tại các thành phố công nghiệp do các nhà máy xây dựng gần các khu dân cư.

Đầu thế kỷ 20, các ngành đào tạo liên quan đến đô thị rục rịch ra đời. Năm 1909, trường Đại học Liverpool ở Anh và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ cùng lúc mở chương trình Quy hoạch Đô thị đầu tiên trên thế giới. Vào những năm 1930, ngành Xã hội học đô thị ra đời khi những các nhà xã hội học ở trường Đại học Chicago bàng hoàng trước những dòng người nhập cư vào thành phố và những biến đổi trong đời sống đô thị và bắt tay vào nghiên cứu những sự biến đổi này tại Chicago.

Đến những năm 60, 70, khi xã hội phương Tây bắt đầu bước sang giai đoạn hậu hiện đại, các tác phẩm của nhà báo Jane Jacob, nhà nghiên cứu Kevin Lynch và kiến trúc sư theo trường phái cổ điển Léon Krier đã đặt đô thị dưới góc nhìn nhân bản hơn và nhấn mạnh yếu tố con người thay vì công năng của trường phái Le Corbusier hay trường phái quy hoạch Victoria từ thế kỷ 19.

Cuối cùng, nghiên cứu về đô thị là xem xét các khả năng phát triển, các triển vọng tương lai của đô thị. Các nhà dân số học đều dự đoán về việc tăng dân số và sự tiếp tục của tiến trình đô thị hóa, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Ở các quốc gia phát triển, tốc độ đô thị hóa chựng lại và hình thức định cư giống nông thôn với các cụm dân cư quy mô nhỏ, mật độ thấp bao quanh bởi không gian xanh đang trở nên thịnh hành. Một số học giả thậm chí tin rằng công nghệ thông tin và công nghệ giao thông vận tải hiện đại làm gia tăng khả năng giao tiếp của con người và đồng thời làm cho các thành phố trở nên không cần thiết. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác lại cho thấy khả năng này không có căn cứ. Các nghiên cứu này lập luận rằng khi công nghệ giúp con người giải quyết các giao dịch thường ngày, con người sẽ có nhiều thời gian hơn để giành cho những giao tiếp nhân bản mang nhiều cảm xúc mà không gian số không thể truyền tải cũng như những giao tiếp chia sẻ tư duy và thông tin mà không gian số trở nên không an toàn.

Đô thị là biểu tượng của nền văn mình, do đó nghiên cứu đô thị cũng chính là nghiên cứu xã hội đương đại, là tìm hiểu cách thức mà chúng ta đã, đang và sẽ tồn tại. Không có cá nhân nào hay lĩnh vực học thuật nào có thể chiếm lĩnh và giải trình toàn bộ các vấn đề đô thị. Và như chính các thành phố luôn biến đổi, nhận thức về đô thị luôn biến đổi và có nhiều điềm cần khám phá mỗi ngày.


[i] Để tìm hiểu về lịch sử tư duy về đô thị, tham khảo các tác giả LeGates, R. & Stout, F. The City Reader (Tuyển tập các bài viết về đô thị), nhà xuất bản Routledge, New York

[ii] Để tìm hiểu lịch sử tư duy về quy hoạch đô thị, tham khảo tác giả Peter Hall. Urban and Regional Planning (Quy hoạch đô thị và vùng). Nhà xuất bản Routledge, New York.