
Thẻ
Hội thảo về mô hình Đô thị Đại học: Tìm kiếm ý tưởng và sự đồng thuận

Khu trường đại học Standford ở quận Santa Clara, phía nam thành phố San Francisco, là nơi khởi đầu của Thung lũng Silicon
Hội thảo quốc gia: Hình thành và Phát triển Đô thị Đại học Việt Nam tại ĐHQG TP HCM, ngày 20/2/2009
Tập hợp gần 60 nhà giáo dục, quản lí và các nhà qui hoạch, những người tổ chức muốn tìm kiếm một sự đồng thuận về khái niệm “đô thị đại học”. Tuy nhiên, những trao đổi tại hội thảo cho thấy không có một mô hình nhất định và vai trò của nhà nước nên là tạo ra cơ chế để các trường đại học tự xây dựng mô hình cho riêng mình.
Định hình một khái niệm
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, ĐHQG TPHCM, đưa ra định nghĩa Đô thị đại học là tập hợp các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên một lãnh thổ, trong số này có một trường đại học lớn nhất đóng vai trò là chủ thể mẹ, chúng ở gần nhau trên cùng một lãnh thổ và có chức năng giống nhau, chia sẻ chung nhiều cơ sở hạ tầng và dịch vụ và đồng thuận về nguyên tắc vận hành. Tuy nhiên, các ví dụ được đề cập trong tham luận cũng như trong hội thảo như “thành phố Đại học Quốc gia Singapore”, “thị trấn đại học tài chính kế toán UEF” tại Nam Sài Gòn, “đô thị đại học Tân Tạo” tại Long An, v.v… dường như vẫn chỉ là các trường đại học đơn lẻ với nhiều khoa khác nhau dù qui mô lớn như thế nào đi nữa. Các ví dụ khác như ĐHQG TP HCM và ĐHQG Hà Nội hay Đại học Vũ Hán (tập hợp từ 4 trường đại học độc lập) đều là những đại học hình thành từ các trường đại học độc lập, ít gắn kết thông qua các quyết định hành chính.
Khi gọi tên một mô hình đại học thì trước hết chúng ta phải nhận ra rằng quan niệm về một trường đại học rất đa dạng trên thế giới. Mô hình đại học tại Việt Nam, vốn rập khuôn từ mô hình Liên Xô, rất khác với nền học thuật phương Tây và khác với ngay cả những quốc gia láng giềng như Thai Lan, Trung Quốc và Singapore vốn đi theo mô hình đa ngành, đa học thuật. Các trường đại học tại các quốc gia kể trên cũng không chỉ đề cao sự tương tác và liên kết giữa các lĩnh vực học thuật trong trường mà cả sự tương tác và liên kết với cộng đồng. Đại học không chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức và chuyên môn, đại học cũng phải phụng sự cộng đồng và đem lại ánh sáng văn hóa cho xã hội thông qua nghiên cứu khoa học và thực hành văn hóa (hội họa, điển ảnh, âm nhạc,v.v.). Bà Tôn Nữ Thị Ninh, chủ tịch Hội đồng Sáng lập Đại học Quốc tế Trí Việt, chỉ ra rằng:”đại học không chỉ là nơi chuyển giao trí thức, đại học phải là nơi tạo ra tri thức”. Nguyên lý vận hành và vai trò xã hội của trường đại học chính là những cơ sở cho việc quy hoạch và thiết kế trường.

Trường Đại học Pennsylvania và 3 trường đại học khác tạo thành một khu mang tên Thành phố Đại học trong nội thành thành phố Philadelphia
Mô hình không mô hình
Trong thực tế thế giới, một số trường đại học phát triển, thu hút các trường đại học khác, thu hút các ngành công nghiệp và dân cư để thành một đô thị không phải dựa trên một mô hình hay một chiến lược qui hoạch nào cả mà bằng một triết lý đơn giản: đào tạo kết hợp với nghiên cứu để tạo ra những sinh viên giỏi nhất và tạo điều kiện tốt nhất cho họ lập nghiệp sau khi ra trường. Trường đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã sản sinh ra Silicon Valley bằng việc xây dựng những văn phòng cho sinh viên thuê để lập nghiệp ngay trên đất của trường bên cạnh việc đầu tư vào nghiên cứu và chất lượng giáo dục hàng đầu. Trường đại học Pennsylvania với những phòng thí nghiệm y-sinh học hàng đầu thế giới đã thu hút rất nhiều các viện nghiên cứu và các trường đại học khác đến mở văn phòng và xây dựng cơ sở đạo tạo xung quanh trường, ngay gần trung tâm thành phố Philadenphia. Khu vực này nay được người dân địa phương gọi nôm na là Thành phố Đại học (University City).
“Hữu xạ tự nhiên hương”, chất lượng giáo dục, nghiên cứu và khả năng liên kết với cộng đồng (nhà nước, xã hội và doanh nghiệp) của đại học sẽ là nền móng phát triển cho các đô thị đại học (nếu có thể gọi tên như vậy) chứ không phải một quyết định hành chính hay một khái niệm pháp lý nào đó. Hay nói một cách khác, như ý kiến của các kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất và Nguyễn Thiềm, đại học có thể trở thành hạt nhân phát triển của đô thị chứ không phải một đô thị.
Giáo sư Phạm Phụ, cố vấn dự án Khu Đô thị Đại học Quốc tế Đà Lạt, cho biết rằng một nghiên cứu đã đánh giá hệ thống giáo dục đại học Mỹ có chất lượng tốt nhất thế giới bởi hệ thống này không có … hệ thống và tổ chức nào cả. Một số ý kiến trong hội thảo cho rằng việc Bộ Xây dựng đang nghiên cứu quy hoạch hệ thống trường đại học trong cả nước là không cần thiết và thậm chí cản trở sự phát triển của các trường đại học, nhất là đối với các trường ngoài công lập vốn không nhận được hỗ trợ tài chính của nhà nước và trong khi chúng ta đang đề xuất mô hình cho phép các trường công lập độc lập, tự chủ trong phát triển.
Bản thân người viết cho rằng chính những qui định quá cụ thể nhưng lỗi thời của Quy chuẩn Quy hoạch và Tiêu chuẩn thiết kế trường đại học (TCVN 3981 được lập vào năm… 1985) cản trở việc phát triển các khu đại học có chất lượng. Tiêu chuẩn thiết kế trường đại học dựa trên hình dung về một mô hình đại học duy nhất nên đưa ra những tiêu chuẩn xa vời thực tế và cứng nhắc (ký túc xá chỉ cao tối đa 5 tầng, diện tích vườn hoa, cây xanh chiếm 40% diện tích khu trường, v.v…). Thực tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các trường đại học không chỉ nằm ở ngoại ô trên những diện tích đất đai rộng lớn mà nhiều trường vẫn nằm trong trung tâm thành phố với mật độ xây dựng lớn và cao tầng. Có lẽ tiêu chuẩn chỉ nên qui định về diện tích xây dựng tối thiểu cho mỗi sinh viên, giảng viên và các qui định về an toàn khác, còn phần sử dụng đất nên để cho các bản qui hoạch chung và chi tiết xây dựng đô thị qui định.
Đô thị hóa đại học
Trở lại với thực tế, giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ bài học đau đớn về vấn đề “đô thị hóa đại học”. Đó là trường hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK), nơi từng có diện tích hơn 30 ha, nay chỉ còn 11 ha vì cắt đất cho dân cư. Khuôn viên rộng rãi của trường ngày trước nay là những khu giảng đường biệt lập và sinh viên phải “di chuyển từ hàng rào này tới hàng rào khác để tới lớp học”. Giáo sư tiếc rằng nếu chúng ta có một tầm nhìn tốt hơn thì có lẽ là cụm 3 trường đại học bao gồm ĐHBK, ĐH Xây dựng và ĐH Kinh tế Quốc dân đã có thể trở thành một “đô thị đại học” trong lòng thủ đô Hà Nội.
Vấn đề “đô thị hóa đại học” không chỉ là câu chuyện của quá khứ. Giáo sư Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG TPHCM chia sẻ nỗi bức xức về việc người dân lấn chiếm, xây dựng và kinh doanh trái phép ngay trong khuôn viên nhà trường (80% nằm trên đất của huyện Dĩ An, Bình Dương). Chính quyền nông thôn tại địa phương không đủ nhân lực để hỗ trợ nhà trường và giải pháp trước mắt là các công trình giáo dục được xây tản mát khắp nơi và hàng rào được dựng lên để giữ đất.
Một không gian giáo dục, nghiên cứu và văn hóa tử tế vẫn còn là giấc mơ xa vời với ngay trường ĐHQG TP HCM bởi thiếu những công cụ pháp lý và hỗ trợ cần thiết từ chính quyền. Cơ chế, chính sách nào để rồi các đại học Việt Nam, trong cũng như ngoài công lập, có thể tự tìm ra mô hình phát triển phù hợp vẫn là câu hỏi để ngỏ dành cho các nhà quản lí.
Nguyễn Đỗ Dũng
Bài đã đăng trên tạp chí Người Đô Thị
Ý kiến độc giả