Chống ngập lụt tại Tp. HCM: Không thể chỉ trông chờ vào đê bao

Bản trên Tuổi Trẻ

Tình trạng ngập lụt tại Tp. HCM là vô cùng trầm trọng với hơn 1,8 triệu người và hơn 34 km2 diện tích đô thị bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tới nay giải pháp vẫn chủ yếu dựa vào việc xây dựng đê bao như đề xuất trong Quy hoạch thủy lợi chống ngập mới đây của thành phố với tổng chi phí lên tới 11.000 tỉ đồng. Sau 10 năm tiêu tốn hơn 1 tỉ đô-la vào các dự án thoát nước, chúng ta cần nhìn lại bản chất vấn đề.

Sai lầm trong phát triển đô thị gây ngập lụt

Một loạt các nghiên cứu gần đây cho thấy chính quá trình phát triển đô thị với nhiều sai lầm gây ngập lụt hơn là biến đổi của mực nước biển và sông. Trong gần 30 năm qua, mực nước tối đa tại Vũng Tàu không thay đổi, tại Biên Hòa tăng ít nhưng tại Phú An, ngay trung tâm thành phố, và các trạm khác nằm sâu trong nội địa, lại tăng rất nhanh. Mực nước tại Phú An chỉ bắt đầu tăng đột biến từ những năm đầu thập niên 90, trùng với thời kỳ phát triển đô thị mạnh mẽ của thành phố.

Cũng từ thời điểm đó tới nay, diện tích bê-tông hóa bề mặt của thành phố tăng gấp 4 lần, thu hẹp diện tích chứa nước, giảm đáng kể khả năng thấm tự nhiên vào lòng đất, hạ thấp mực nước ngầm, gây lún trầm trọng và làm thành phố trở nên rủi ro hơn trước mưa lũ.

Hơn nữa, việc bê-tông hóa một diện tích lớn làm tăng nhiệt độ bề mặt đô thị. Con số ghi nhận được rất đáng quan ngại: nhiệt độ bề mặt tối đa tăng từ 39,8 độ C năm 1989 lên 48,4 độ C năm 2006. Chính sự gia tăng nhiệt độ này tác động vào khí hậu khu vực thành phố và góp phần gây ra những cơn mưa lớn và kéo dài hơn bao giờ hết.

Giải pháp cho vấn đề không phải là dừng phát triển đô thị mà là phát triển với hình thức tốt hơn. Chúng ta có thể học những gì mà thế giới đã làm nửa thế kỷ nay: khuyến khích nhà chung cư thay nhà phố vốn đang kín đặc thành phố, quy định tỷ lệ diện tích không bê-tông hóa tối thiểu trong mọi lô đất; xây dựng các công trình công cộng đa chức năng có khả năng chứa nước mưa khi vượt quá năng lực của hệ thống như công viên, sân chơi, quảng trường; chuyển các mảng xanh còn lại dọc bờ sông Sài Gòn như tại bán đảo Thanh Đa thành công viên và hồ chứa; và hạn chế cho phép xây dựng trong vùng trũng và quy định các dự án chiếm cứ khu vực thoát và chứa nước như tại Nhà Bè và quận 7 cần phải xây dựng hồ chứa tại chỗ và/hoặc chia sẻ kinh phí nâng cấp hệ thống thoát nước của thành phố.

Bản đồ dự báo vùng ngập lụt vào năm 2050 của ICEM thực hiện cho UBND TP HCM (tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB) trong kịnh bản có hệ thống đê bao bảo vệ như quy hoạch cho thấy hiệu quả của hệ thống này còn hạn chế và nguy cơ ngập lụt sẽ bị đẩy sang các địa phương khác.

Cần một giải pháp tổng hợp

Bản thân cách thức thiết kế hệ thống thoát nước cũ kỹ của chúng ta cũng góp phần gây ngập. 75% các vị trí ngập trong thành phố có cao độ trên 2,5m, tức là những điểm này ngập hoàn toàn do cách thiết kế hệ thống thoát nước cục bộ và toàn thành phố. Quản lý cao độ xây dựng để tạo ra một độ dốc địa hình nhân tạo, công việc quan trọng số một của thành phố với tư cách nhà quản lý đô thị, được thực hiện vô cùng kém cỏi thời gian qua, dẫn tới cuộc chạy đua tôn nền giữa nhà, đường và hẻm. Bản thân hệ thống thoát nước mưa được tổ chức theo mô hình cũ là gom nước bằng cống ngầm và đưa tới hạ lưu để xả. Cách thức này dẫn đến những khu vực không may mắn như quận 6 bị ngập do nằm trong khu vực xả nước của thành phố. Phương pháp thoát nước hiện đại đề cao khả năng chứa nước và thoát nước tại chỗ thông quà hồ chứa và thẩm thấu xuống lòng đất ngay chính tại từng khu vực.  Giải pháp này có thể giảm từ 20% đến 40% lượng nước chảy trên bề mặt tùy theo thiết kế và lượng mưa. Thành phố Rotterdam (Hà Lan) đối phó với nguy cơ ngập lụt bằng chương trình “Sống chung với nước” trong đó đặt mục tiêu gia tăng khả năng chứa nước tại chỗ trong nội đô thêm 240.000 m3 thông qua những thay đổi nhỏ trong thiết kế hạ tầng và công trình.

Ô trồng cây có nền đất thấp và thông với cống thoát nước mưa để gia tăng khả năng chưá nước tại chỗ tại thành phố Portland (Hoa Kỳ)

Trước viễn cảnh nước biển sẽ dâng cao, giải pháp chống ngập vẫn cần xây dựng các công trình như đê và trạm bơm dọc theo bờ sông và đập ngăn triều. Tuy nhiên, chỉ dựa vào những công trình này sẽ không giải quyết triệt để vấn đề ngập lụt: đê sẽ làm nền đất đô thị tiếp tục lún và những vùng trũng sẽ tiếp tục ngập nếu hệ thống thoát nước không thay đổi. Vấn đề ngập lụt ở thành phố Hồ Chí Minh quá phức tạp để chỉ dựa vào một vài dự án tốn hàng chục ngàn tỉ, nhất là khi những dự án đó vẫn dựa trên những số liệu cũ, chưa tính đến biến đổi khí hậu và có thể đẩy rủi ro ngập cho các địa phương lân cận. Chúng ta cần một giải pháp tổng hợp và rất nhiều những thay đổi nhỏ ở mỗi lô đất, mỗi khu phố, và trong ý thức mỗi người dân thành phố.

Nguyễn Đỗ Dũng