Sự mâu thuẫn của niềm khát khao

Tôi viết bài này lần đầu tiên vào năm thứ 3 đại học như là bài nghiên cứu cho môn Thành phố trong phim. Trong bản đầu tiên đó tôi minh chứng các phê bình thông qua 3 bộ phim kinh điển đối với dân nghiên cứu đô thị: American Beauty (1999) – phê phán đời sống xã hội ở ngoại ô các thành phố Mỹ (mô hình đơn vị khu dân cư),  La Haine (1995) – phê phán chất lượng sống và bạo lực trong các khu chung cư ở ngoại ô Paris (Đơn vị ở của Le Corbusier), The Truman Show (1998) – phê phán đời sống giả tạo trong một khu đô thị mới (Chủ nghĩa đô thị mới). Sau đó có bổ sung và chỉnh sửa khi tiếp cận với một số bài nghiên cứu thú vị về yếu tố “cộng đồng” trong ngay trước khi đi học cao học. Giờ đây, những thảo luận học thuật liên quan đến giả định về mối quan hệ không gian-xã hội và bản thân các trào lưu quy hoạch cũng có những nhận định và khám phá mới (ít nhất đối với bản thân tôi). Đặc biệt trong bối cảnh tranh luận giữa Chủ nghĩa đô thị mới và Đô thị học cảnh quan (landscape urbanism), cả hai dòng tư duy này trong cải tạo và xây dựng đô thị tại Mỹ có những điều chỉnh mới cũng như tiếp nhận những phê phán mới so với những gì nêu trong bài. Những thảo luận đó sẽ được cập nhật trong một bài viết khác. Cảm ơn Kiều Trang đã cất công dịch bài này ra tiếng Việt.

SỰ MÂU THUẪN CỦA NIỀM KHÁT KHAO:

NHỮNG GIẢ THUYẾT (về mối quan hệ) KHÔNG GIAN – XÃ HỘI CỦA CÁC PHONG TRÀO QUY HOẠCH GIỮA THẾ KỈ 20

 

Nguyên tác tiếng Anh: The paradox of desirability: spatial-social assumption and failures of 20th-century planning movements của Nguyễn Đỗ Dũng

Phan Trần Kiều Trang dịch

Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra vào cuối thế kỉ 18, các thành phố đã trở thành mặt trận để con người đấu tranh chống lại những vấn đề môi trường, xã hội và sức khỏe. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị, dân sự và khoa học đã đứng lên, bằng tầm nhìn và giải pháp của mình để biến đổi điều kiện sống trong đô thị. Một số tập trung vào việc cải thiện tổ chức không gian nhằm thiết lập một xã hội tốt hơn. Với kinh nghiệm dày dặn, họ là những nhà tư tưởng tiên phong đặt nền tảng cho ngành quy hoạch đô thị hiện đại đầu thế kỉ 20, tiêu biểu là Ebenezer Howard, Le Corbusier, Clarence Perry, và những người tiếp tục phát triển lĩnh vực này vào cuối thế kỉ 20 như Andreas Duany và Peter Calthorpe. Họ cùng chia sẻ ước mơ về một thành phố tốt đẹp hơn bằng những bản quy hoạch đầy sáng tạo và nhiệt huyết: Ebenezer Howard đề xuất Thành phố Vườn, Clarence Perry tạo nên các Đơn vị khu dân cư (Neighborhood Planning Unit[i]), Le Corbusier thiết kế Đơn vị ở thẳng đứng (Unité d’ Habitation), còn Andrés Duany và Peter Calthorpe phát triển Chủ nghĩa Đô thị Mới . Mặc cho sự khác biệt cơ bản về điều kiện kinh tế xã hội và vật chất của đô thị trong các giai đoạn mà họ sống, tất cả đều có cùng mục đích đề xuất giải pháp quy hoạch để đạt được sự hài hòa trong quan hệ giữa phát triển đô thị và môi trường tự nhiên, đồng thời khuyến khích các hoạt động tương tác xã hội, từ đó, tăng cường sự gắn kết cộng đồng và tạo ra “cảm thức cộng đồng” (sense of community) bên cạnh giải quyết những vấn đề của thời đại (xem thêm Fishman 1977; Davis & Herbert 1993).

Mặc dù những ảnh hưởng to lớn của 4 phong trào quy hoạch về phát triển đô thị trên toàn thế giới, học thuyết cơ bản cho rằng rằng thiết kế vật lý có khả năng ảnh hưởng đến hành vi xã hội và tạo ra cộng đồng xã hội của những trào lưu này đã bị chỉ trích đồng loạt bởi các học giả khoa học xã hội và các học thuật quy hoạch (Davis & Herbert năm 1993, Harvey 1997, Talen 2000, Fainstein 2000). Trong bài viết này, đầu tiên, tác giả cố gắng đưa ra bản tóm tắt ngắn gọn về cách tiếp cận và học thuyết của mỗi trào lưu. Thứ hai, tác giả thảo luận những giả thuyết về mối quan hệ không gian-xã hội của chúng và những phê phán liên quan.

Bản vẽ của Howard mô tả mô hình Thành phố Vườn. Nguồn: http://commons.wikimedia.org/wiki/File:Ebenezer.jpg

 THÀNH PHỐ VƯỜN

Từ cuối thế kỷ 18 đến chiến tranh thế giới thứ hai, nỗ lực giải quyết sự suy thoái xã hội và môi trường trong nền công nghiệp nước Anh đã khởi xướng nhiều mô hình quy hoạch đô thị khác nhau.Trong đó, Thành phố Vườn của Ebenezer Howard được xem là ý tưởng gây ảnh hưởng nhất trong lịch sử quy hoạch đô thị Anglo-Saxon (Hall 1992). Howard không phải là một nhà quy hoạch thực thụ mà là một nhà hoạt động xã hội và “tự đào tạo về lý thuyết” cho bản thân (Fishman 1977, p. 24), ông là người đã cống hiến cả cuộc đời để tìm giải pháp cho các vấn nạn ô nhiễm, dịch bệnh đe dọa và các thành phố công nghiệp ở Anh.

Ý tưởng đột phá của ông về quy hoạch đã được trình bày trước công chúng vào năm 1898 với việc xuất bản cuốn sách: To-morrow: A Peaceful Path to Real Reform[ii] (Ngày mai: Con đường hòa bình tới cuộc cải cách thực sự). Trong cuốn sách này, Thành phố vườn được đề xuất là cộng đồng dân cư khoảng 30.000 người trong một khu vực có mật độ từ trung bình đến thấp trên diện tích 400 ha, được bao quanh bởi vành đai xanh 2.000 ha (rừng, đất nông nghiệp) (Hall 1992). Khi một thành phố vườn đạt đến số lượng dân cư xác định trước, một thành phố vườn khác sẽ phát triển ngay bên cạnh để đáp ứng cho sự quá tải. “Vì vậy, các khu ở mới sẽ phát triển như các tế bào thêm vào hạt nhân phức hợp ở trung tâm của đô thị, trên nền hệ thống không gian xanh của vùng nông thôn” (Hall 1992, p.33). Trung tâm hạt nhân là một thành phố công nghiệp hiện hữu, có kết nối với các vệ tinh của nó (các Thành phố Vườn) bằng nhiều đường hướng tâm và hệ thống đường sắt (Hall 1992). Theo Davis và Herbert (1993), nguyện vọng xã hội đằng sau Thành  phố Vườn của Howard là tái tạo cấu trúc nông thôn các khu làng truyền thống của Anh, loại hình này sẽ tăng cường gắn kết cộng đồng, tạo ra môi trường sống lý tưởng nhưng vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận nơi làm việc và các tiện ích công cộng. Ông cho rằng không chỉ các thành phố lớn mà ngay cả những thị trấn nhỏ cũng có thể trở thành “ngôi nhà của nền văn minh mang tính hợp tác” (Fishman 1977, p. 38).

Howard không bao giờ tự nhận mình là một nhà quy hoạch, nhưng tầm nhìn và những giải pháp của ông đã đặt nền móng cho nền quy hoạch đô thị hiện đại. Và trong số những nhà tư tưởng tiên phong của thế kỉ, ông cũng là người đầu tiên sử dụng quy hoạch như một công cụ để đạt được những mục đích xã hội lớn hơn, bằng cách kết hợp những ưu điểm của cả đô thị và nông thôn, từ đó tái tạo những đặc tính này với “tỉ lệ nhỏ” trong các thị xã và các ngôi làng truyền thống.

Mô hình Đơn vị khu dân cư được áp dụng đại trà trong quy hoạch đô thị ở Bắc Mỹ như ví dụ về một khu dân cư ngoại ô Canada này. Nguồn: http://www.bing.com/maps

ĐƠN VỊ KHU DÂN CƯ

Ở bên kia Đại Tây Dương, ý tưởng về Thành phố Vườn của Howard được phát triển hơn nữa trong quá trình chuẩn bị cho quy hoạch vùng của thành phố New York vào những năm 1920. Một đóng  góp lớn cho bản quy hoạch này, nhà xã hội học Clarence Perry,  đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra yếu tố chính tạo nên sự phát triển thành công về mặt xã hội trong một cộng đồng. Ông đưa ra các ý tưởng về Đơn vị khu dân cư để cải thiện tương tác xã hội và tạo nên cảm thức cộng đồng. Mục đích chính của ý tưởng là xây dựng một đơn vị ở mật độ từ thấp tới trung bình, thân thiện với người đi bộ, đạt “tỉ lệ con người” và không có giao thông xuyên cắt (Davis & Herbet Hall 1977 và 1992). Quy mô một đơn vị ở được tính toán phù hợp với các tiêu chí về nhà ở và dich vụ công cộng, và đặc biệt phải hỗ trợ cho hoạt động của  một trường tiểu học. (Hall, 1992).

Tại Bắc Mỹ, Đơn vị khu dân cư đã trở thành hình thái tổ chức phổ  biến nhất trong quy hoạch ngoại ô nhờ khả năng đáp ứng các giá trị xã hội (American Dreams). Thêm vào đó, ô tô được sản xuất hàng loạt vào đầu thế kỉ 20 và sự xuất hiên một số lượng nhà ở lớn từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã góp phần to lớn vào việc phân cấp quản lý đô thị, đồng thời đưa mô hình này phát triển trong toàn quốc (Hall năm 1992; LeGates & Stout 2003). Thế nhưng, trái ngược với những điều Perry đã dự kiến, ngày nay, các đơn vị ở ở khu vực ngoại thành trở thành những vùng đất yếu kém về văn hóa, kinh tế, và phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân (Davis & Hebert năm 1993; Fishman 1987).

Cũng học theo mô hình Thành phố Vườn nhưng giải pháp của Le Corbusier là những cộng đồng thẳng đứng. Nguồn: Hall 1992

ĐƠN VỊ Ở

Quy hoạch không phải lúc nào cũng là nghệ thuật đi dật lùi trong đó con người nhìn lại quá khứ để phát triển các ý tưởng mới. Kiến trúc sư Thụy Sĩ Charles Edouard Jeanneret (1887 – 1965), với bút danh Le Corbusier, là linh hồn của phong trào hiện đại trong kiến trúc và quy hoạch đô thị nửa đầu của thế kỷ 20 (Hall 1992). Ông không tán thành việc xây dựng mật độ thấp và phương pháp tiếp cận theo hình thức nông thôn trong đô thị học của Howard và Perry, ông chỉ trích việc lãng phí một quỹ đất quá lớn và những thất bại về mặt xã hội của mô hình đó. Ông muốn “mở những đôi mắt không nhìn thấy” (open the eyes that not see) vẻ đẹp của công nghệ hiện đại (Evers et al 2006, p. 251). Thay vào đó, ông giải quyết căn bệnh đô thị và thiếu gắn kết cộng đồng bằng cách xây dựng những tòa tháp quy mô lớn mà ông tin rằng, đó là nơi tự do cá nhân sẽ được cân bằng với các hoạt động tập thể trong một môi trường mật độ cao.

Với nỗ lực cân bằng cuộc sống cá nhân và sinh hoạt tập thể, mô hình cộng đồng mới Unité de Habitation hay Đơn vị ở bao gồm các dịch vụ công cộng và thương mại như mua sắm, nhà trẻ, phòng tập thể hình và một nhà hát nhỏ, tích hợp trong một tòa nhà và tạo ra những cộng đồng phức hợp theo chiều thẳng đứng (Hall 1992). Le Corbusier cũng nhấn mạnh rằng bằng cách xây dựng các khối tháp dân cư cao tầng, mật độ cao, thành phố có thể dành hầu hết quỹ đất còn lại cho không gian mở, cải thiện chất lượng sống đô thị, thông qua sự tương tác ngày càng tăng giữa con người và môi trường tự nhiên. Trong thực tế, do tính khả thi về tài chính, mô hình Đơn vị ở hình thành trong những dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. Chẳng những vậy, các dự án này chỉ chú tâm vào việc tạo ra các căn hộ với chất lượng xây dựng thấp và thiếu duy tu bảo dưỡng hơn là các khu phức hợp, và đầy đủ tiện ích công cộng theo như các triết lý xã hội ban đầu (Davis and Herbert 1993) mà Le Corbusier đã đề ra. Kết quả là các tòa tháp đã nhanh chóng bị biến chất và trở thành “các pháo đài của những hành vi chống lại xã hội” (Davis and Herbert 1993, p. 169), đặc biệt là ở các nước Anglo-Saxon.

Chủ nghĩa Đô thị Mới áp dụng những nguyên tắc kiến tạo đô thị truyền thông như ví dụ về khu Eastlake (Mississippi) do Andrés Duany thiết kế. Nguồn: http://www.dpz.com

CHỦ NGHĨA ĐÔ THỊ MỚI

Vào cuối thế kỷ 20, Andrés Duany, Peter Calthorpe và các kiến trúc sư, quy hoạch sư theo trào lưu Tân cổ điển khởi xướng một phong trào quy hoạch gọi là Chủ nghĩa Đô thị Mới  để giải quyết các vấn để của cả vùng nội thị và ngoại ô thành phố. Chủ nghĩa này chỉ trích phương pháp quy hoạch truyền thống ở các vùng ngoại ô làm chia rẽ và cô lập các tầng lớp xã hội, sự xuống cấp của các đơn vị ở và sự lệ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân. Chủ nghĩa Đô thị Mới một lần nữa tìm kiếm giải pháp ở quá khứ bằng cách áp dụng các nguyên tắc thiết kế đô thị truyền thống trong các thành phố của Mỹ vào thế kỷ 19. Một trong những mối quan tâm của Chủ nghĩa Đô thị Mới  là hình thái vật chất phải và mối liên hệ của nó với vấn đề gắn kết xã hội. Calthorpe & Fulton (2001) nhấn mạnh: “Tỉ lệ con người trong khu dân cư nghĩa là nhấn mạnh vào tính cộng đồng và một môi trường khuyến khích sự tương tác hàng ngày” ( trang 334). Chủ nghĩa Đô thị Mới  đã chuyển tải  việc xây dựng cảm thức cộng đồng vào những tuyên ngôn cụ thể trong thiết kế. Đầu tiên là nỗ lực xây dựng gắn kết cộng đồng thông qua những kĩ thuật thiết kế chi tiết vốn chưa từng được nhắc đến trong các trào lưu trước đây: (1) kết hợp các không gian ở riêng tư và không gian công cộng xung quanh; (2) bố trí và thiết kế một cách cẩn thận các không gian công cộng (Talen 2000, p. 173). Thêm vào đó, phong trào này cũng đặc biệt nhấn mạnh việc gia tăng mật độ dân cư, sử dụng đất hỗn hợp, khả năng đáp ứng nhà ở cho nhiều tầng lớp dân cư và phát triển đô thị hỗ trợ giao thông công cộng (Transit-oriented development). Mặc dù mục đích và giải pháp thiết kế có sự khác biệt, nhưng định hướng xã hội có những điểm tương tự với những nhà lý thuyết quy hoạch như Ebenezer Howard, Clarence Perry và cả Le Corbusier trong thời kì đầu, với mục tiêu sử dụng các mối quan hệ không gian để tạo ra một cộng đồng xã hội gắn bó khăng khít trong đó những thành tố đa dạng có thể tương tác.

Seaside - Andrés Duany thiết kế vào thập niên 80, mở đầu cho trào lưu Đô thị Mới ở Mỹ - là bối cảnh cho bộ phim The Truman Show (show diễn của một con người thực) của tài tử Jim Carrey năm 1998. Bộ phim được coi là một trong những phê phán mạnh mẽ vào trào lưu Đô thị Mới.

PHÊ PHÁN ĐỐI VỚI CHỦ NGHĨA ĐÔ THỊ MỚI VÀ CÁC TRÀO LƯU QUY HOẠCH ĐẶT TRỌNG TÂM VÀO THIẾT KẾ

Chủ nghĩa Đô thị Mới  đã nhận được sự chú ý đáng kể ở Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng gặp phải nhiều chỉ trích từ giới học thuật, các nhà khoa học xã hội cũng như những người bảo thủ – lực lượng ủng hộ cho giải pháp thị trường tự do và tự do cá nhân trong quy hoạch. Marshall (2003) chỉ trích rằng Chủ nghĩa Đô thị Mới đã thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội và tính đa dạng của các loại hình ở. Vấn đề này được Fainstein (2000)  bàn luận thêm khi bà chỉ rõ những người ủng hộ phong trào quy hoạch “đổi chác” ý đồ xã hội để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính từ nhà đầu tư tư nhân cho ý tưởng (thiết kế) của họ. Đây là nguyên nhân đánh bại các nguyên lý cấp tiến của Ebenezer Howard và giờ đây được lặp lại trong Chủ nghĩa Đô thị Mới  (Fainstein 2000). Marshall (2003) cũng lên án Chủ nghĩa Đô thị Mới  bỏ qua tầm quan trọng của giao thông, bỏ qua những động lực đô thị, chính trị và kinh tế trong việc đình hình nơi chúng ta sing sống. Ông kết luận thành công của Chủ nghĩa Đô thị Mới chỉ là tạo ra những hình ảnh mỳ miều có lợi cho kinh doanh bất động sản chứ không phải những không gian với tính đô thị thực thụ. Những khía cạnh bị chỉ trích nhiều nhất trong trào lưu này, có lẽ không gì khác ngoài việc trào lưu giả định rằng thiết kế có sức mạnh để tạo ra cảm thức cộng đồng, điều đã từng được áp dụng trong các mô hình trước đó: Thành phố vườn, Đơn vị khu dân cưĐơn vị ở thẳng đứng. Khen ngợi một số khía cạnh của Chủ nghĩa Đô thị Mới  như là sự quan tâm đến không gian công cộng và chất lượng môi trường, Harvey (1997) lại bày tỏ sự lo ngại của ông về mục tiêu xã hội của trào lưu này:

Điều khiến tôi thực sự lo lắng là sự lặp đi lặp lại ở mức độ nguyên tắc cùng một sai lầm với các phong cách quy hoạch và kiến trúc mà chính trào lưu chỉ trích. Nói một cách đơn giản, trào lưu này không duy trì được ý tưởng rằng việc định hình các trật tự  không gian sẽ hoặc có thể đặt nền móng cho các trật tự đạo đức và thẩm mỹ mới. Nó không nhận ra được rằng trở ngại cơ bản của Chủ nghĩa Hiện đại là thói quen thường xuyên đặt những mô dạng không gian (spatial form) vượt lên trên các tiến trình xã hội (Harvey 1997, trang 2).

Ngoài ra, như Harvey (1989), Fishman (1987) và các nghiên cứu khác đã chứng minh, xã hội Mỹ và những giấc mơ của nó được xây dựng trên nền văn hóa tiêu dùng và sự phân tách (các thành phần xã hội) (exclusion). Liệu Chủ nghĩa Đô thị Mới có thể không chỉ thay thế trật tự (tổ chức) không gian, mà còn là cả ý thức hệ ẩn chứa trong sự sắp đặt đó? Hơn nữa, những nhà quy hoạch theo trào lưu Đô thị Mới giả định rằng, trước hết hình thức thích hợp của một thành phố phải được cấu trúc từ các đơn vị khu dân cư, tiếp theo, các đơn vị ở phải tương đương với một “cộng đồng”, và cuối cùng, “cộng đồng” phải là điều mà hầu hết người Mỹ muốn và cần. Harvey (1997) cho rằng khái niệm về “cộng đồng” trong Chủ nghĩa Đô thị Mới là chưa rõ ràng và mang tính hình thức. Ông lập luận : Cộng đồng đã được áp đặt như “một liều thuốc giải đối với bất kì mối đe dọa nào của chứng rối loạn xã hội” (social disorder) ( trang 3). Trong thực tế, cộng đồng trở thành những yếu tố then chốt để kiểm soát xã hội : “tất cả những điều mà làm cho thành phố trở nên rất thú vị – sự bất ngờ, những xung đột, sự hứng thú khám phá điều chưa biết trong thành phố – sẽ được kiểm soát chặt chẽ và sẽ bị loại bỏ với một tấm bảng lớn ghi “không có bất cứ hành vi xấu nào được tồn tại ở đây” (Harvey 1997, p.3). Bất chấp thực tế đó, ý tưởng về giải pháp “cộng đồng là trung tâm” để giải quyết các vấn nạn xã hội bám rễ vào ý thức đám đông với Chủ nghĩa Đô thị Mới là một hình thức biểu hiện. Harvey kết  luận rằng Chủ nghĩa Đô thị Mới từ chối đối đầu với quyền lực kinh tế chính trị, điều đó làm giảm đi tính cách mạng của nó (Harvey 1997).

Những phê phán của Harvey (1997), Fainstein (2000) và Talen (2000) đối với Chủ nghĩa Đô thị Mới  cũng có thể được áp dụng với ba phong trào lớn còn lại trong quy hoạch đô thị thế kỷ 20. Nguyên nhân duy nhất khiến có rất nhiều các chỉ trích và những tranh cãi liên quan đến Chủ nghĩa Đô thị Mới là trong thực tế, phong trào này mới được phát triển gần đây trong một thời đại quy hoạch đã “ly dị” khỏi mối quan hệ lịch sử với kiến trúc, và giờ đây dựa vào cơ sở lý thuyết và phương pháp của các ngành khoa học xã hội. Nghiên cứu của Talen(2000)  về “vấn đề của (khái niệm) cộng đồng trong quy hoạch” đã đưa ra lời phê bình công bằng và có tính xây dựng đối với những phong trào quy hoạch này và học thuyết về mối quan hệ không gian-xã hội của chúng. Talen (2000) cung cấp một số nghiên cứu để kiểm chứng về hiệu quả của thiết kế vật thể đối với hành vi con người và tương tác xã hội, nhưng không phải là cảm thức tâm lý về cộng đồng (trang.177). Hơn nữa, trọng tâm của các nghiên cứu này không phải trên quy mô của một khu dân cư – mối quan tâm chính của các phong trào quy hoạch – nhưng chỉ là thiết kế một khu vực nhỏ (site design). Bà đề xuất:

Thứ nhất, các nhà quy hoạch đô thị nên tránh xa khái niệm cộng đồng trong quy hoạch vật thể, mà thay vào đó, sử dụng một thành phần cụ thể hơn trong định nghĩa của nó. Họ nên thay thế bằng những thành tố cụ thể sao cho phù hợp hơn với bối cảnh quy hoạch vật thể, ví dụ sự tương tác giữa các cư dân cư. Thứ hai, việc xây dựng cộng đồng như một tiến trình không những phải được tăng cường thường xuyên mà còn phải khác biệt với ý tưởng rằng cộng đồng là mục tiêu cuối cùng (Talen 2000, p. 179).

Nhìn lại lịch sử phát triển đô thị trong thế kỷ 20, nếu không có những nhà quy hoạch tư tưởng như Ebenezer Howard, Le Corbusier, Clarence Perry, Andreas Duany và Peter Calthorpe, chất lượng sống của các đô thị trên thế giới sẽ không được cải thiện như những gì chúng ta đã được trải nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới. Những giả định của họ còn cần nhiều truy vấn, tuy nhiên, điều đó cũng dễ hiểu vì tất cả họ không chỉ là nhà quy hoạch đô thị hay nhà thiết kế mà còn hiện diện trên cương vị các nhà lãnh đạo xã hội, những người phải đưa ra tầm nhìn vững chắc và biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Andrés Duany từng tuyên bố:

Giờ đây, linh động, cởi mở với những ý tưởng khác là điều quan trọng, tuy nhiên, khi bạn đối đầu với thế giới, một điều quan trọng không kém là giữ cho các ý tưởng then chốt bất di bất dịch – một điều bạn có thể học hỏi từ Le Corbusier là để gây ảnh hưởng và tạo sự thuyết phục – là bạn phải luận chiến. Bạn không thể thuyết phục mọi người bằng cách nói nước đôi như: “ Một mặt vấn đề sẽ thế này, mặt khác nó sẽ thế khác”. Bạn chỉ làm họ chán, và họ sẽ bắt đầu công kích bạn. Với vai trò  của người hùng biện, bạn phải làm rõ vấn đề… và phải tấn công. Bất cứ khi nào tôi được mời đến nói chuyện tại Hiệp hội bất động sản đô thị ( một tổ chức của các nhà phát triển bất động sản), tôi đều cố gắng gây tâm lý bất an cho họ bằng việc tôi chắc chắn rằng họ sai (Trong Fainstein 2000, Trang 462).

Một ví dụ khác về vấn đề này là việc Ebenezer Howard và  Le Corbusier đều đã từ chối chấp nhận việc cải tạo các đô thị hiện hữu và sự quả quyết của họ trong việc kêu gọi tạo ra những sự chuyển đổi cơ bản và toàn diện cho các thành phố. Howard khẳng định rằng  mô hình đô thị cũ đã “hoàn tất công việc” của nó  (Fainstein 2000) và Le Corbusier cũng sẵn sàng tuyên bố “ giết chết đường phố” (khi yếu tố này được coi là không có chức năng xã hội trong lý thuyết quy hoạch đô thị của ông). Có thể tinh thần ấy quan trọng đối với các nhà lãnh đạo của các phong trào quy hoạch để tăng tính quyết đoán, tự tin vạch ra những tầm nhìn mới, và giữ kiên định trước những quan điểm đối kháng. Tuy nhiên, một điều bắt buộc cho giới học thuật là phải nhận ra giới hạn của những ý tưởng vô có tầm ảnh hưởng rộng khắp này, khai thác chúng với sự hoài nghi, điều chỉnh và thích ứng chúng với các bối cảnh khác nhau của phát triển đô thị.

KẾT LUẬN

Trào lưu Đô thị Mới  phát triển thành tổ chức có tên gọi Đại hội của Chủ nghĩa Đô thị Mới (CNU) và thông qua một bản tuyên ngôn với 27 nguyên tắc trong nỗ lực chữa lành những căn bệnh đô thị thông qua thiết kế. Thật thú vị, hơn sáu mươi năm trước đó, Chủ nghĩa Hiện đại của Le Corbusier cũng đã tổ chức một Đại hội khác và những nguyên tắc khác: Đại hội của Kiến trúc Hiện đại (CIAM) và Hiến chương Athens, với rất nhiều mối quan tâm giống nhau nhưng đề xuất khác nhau. Những trào lưu này, bao gồm cả Thành phố Vườn và Đơn vị khu dân cư, đơn giản chỉ là những thành phần trong vòng quay liên tục của tư duy quy hoạch và thiết kế đô thị. Mỗi phong trào dựa trên một tầm nhìn (có phần) cứng nhắc được phát triển bởi một người hay một nhóm người, nhưng lại giả định rằng tất cả mọi người sẽ thấy tính logic cơ bản trong tầm nhìn của nó và ủng hộ nó. Tất cả họ đều lấy cảm hứng từ niềm tin rằng thay đổi tổ chức vật thể sẽ tự động dẫn đến thay đổi về tổ chức xã hội. Tuy nhiên trong thực tế, việc hiện thực hóa các ý tưởng không chỉ bị chi phối bởi các nguyên tắc thiết kế, mà còn bởi các lực lượng xã hội, chính trị và kinh tế. Tất cả các trào lưu quy hoạch đều thể hiện phần nào mong muốn của nhân loại. Nhưng thật không may, sự thất bại của những phong trào này nằm ở chỗ họ quá chú trọng trong việc tạo ra môt số kết quả xã hội mà bỏ qua chính tiến trình xã hội vốn kiến tạo nên các cộng đồng đô thị.

Mỗi cộng đồng, mỗi khu dân cư đều có những thành tố vật thể và thiết kế, cũng như là sản phẩm của những tiến trình xã hội nội tại và đến từ bên ngoài. Các nhà quy hoạch và thiết kế đô thị nên thoát khỏi niềm tin rằng những mô dạng nhất định của thiết kế vật thể sẽ dẫn đến những hình thái nhất định trong hành vi xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, họ vẫn nên tập trung tạo ra các không gian đô thị như là nơi chốn mà ở đó, quá trình cư dân cùng nhau xây dựng cộng đồng được diễn ra và họ đóng vai trò như một phần của tiến trình liên tục này. Cuối cùng, nhận thức rằng chỉ bản thân thiết kế không thể giải quyết vấn đề xã hội, nhưng chúng ta cũng hiểu rằng chỉ xã hội học, kinh tế học hoặc tâm lý học cũng không thể làm được việc đó.


[i] Neighborhood Planning Unit vẫn được dịch ra tiếng Việt là Đơn vị láng giềng. Thực tế thì từ neighborhood có nghĩa chính xác là khu dân cư hay một cộng đồng do đó tôi dịch khái niệm này là Đơn vị khu dân cư.

[ii] Cuốn sách được tái bản năm 1902 với một tựa khác, nổi tiếng hơn: Garden Cities of To-morrow (Những thành phố vườn của ngày mai)

Tham khảo

Calthorpe, P & Fulton, W. (2000). The Regional City: planning for the end of sprawl. Washington, DC: Island Press

Davis, W. & Herbert, D. (1993). Communities within Cities: an Urban Social Geography. London: Belhaven Press.

Evers, B. et al (2006). Architectural Theory: from the Renaissance to the Present. Koln, Germany:Taschen.

Fainstein , S. (2000). New Directions in Planning Theory. Urban Affairs Review, 35(4), 451-478

Fischer, R. (1977). “Urban uopias: Ebenezer Howard, Frank Lloyd Wright and Le Corbusier” in Campbell, S. & Fainstein, S. (2008). Readings in Planning Theory. Malden, MA: Blackwell Publishing

Fishman, R. (1987). Bourgeois Utopias: the Rise and Fall of Suburbia. New York: Basic Books.

Hall, P. (1992). Urban and Regional Planning. New York, NY: Routledge

Harvey, D. (1997). The New Urbanism and the Communitarian Trap. Harvard Design Magazine. Winter/Spring 1997. Number 1.

LeGates, R. & Stout, F. (eds, 2003). The City Reader. New York, NY:Routledge.

Marshall, A. (2003). How Cities Work. Austin, TX: University of Texas Press

Talen, E. (2000). The Problem with community in Planning. Journal of Planning Literature, 15(2), 171-183