Thẻ
Người sống với những oan hồn
Tha thứ nhưng không quên bởi sự lãng quên của những người đang sống làm chết đi những người đã chết
-Chị sống với người chết là nhiều chứ người sống có mấy!
-Thế chị không sợ sao?
-Mình nghèo quá, cũng chẳng còn biết đi đâu nữa.
Có người quen xuống thăm lấy làm ái ngại cho chị: các cháu còn nhỏ, chị vào ở trong này có trụ lại được không? Ngay cô em gái dưới quê lên, thương anh chị lắm nhưng cũng không dám ngủ lại một đêm. Cô bảo: anh chị ở chung với người chết thế này biết bao giờ mới mở mày mở mặt được. Nhưng rồi anh chị cũng bán được nửa mảnh đất phía ngoài lấy tiền cất một căn nhà nhỏ, chỗ dư dả để chị bắt đầu lo cho các cụ được mồ yên mả đẹp.
Chị ra chợ Mơ gom được hơn 300 cái tiểu, đánh một chuyến xe tải chở về đến đầu ngõ. Chị thuê thêm mấy người xe thồ, bốc vác cùng mình tìm kiếm những hài cốt nằm dưới mảnh đất xung quanh tấm bia để xếp vào tiểu. Khổ nỗi ngày trước đây là những ngôi mộ tập thể nên giờ không thể phân biệt từng bộ hài cốt được. Thôi thì đành để các cụ nằm lẫn lộn với nhau vậy.
Cả ngàn hài cốt nơi đây chủ yếu là vô danh. Họa hoằn lắm mới có vài tấm bia bết bùn đất hay dòng chữ mập mờ trên những viên gạch vuông đậy lên mỗi tiểu. Chị Nhung nhặt nhạnh dần, như người đãi cát tìm vàng, mong cho những hài cốt vô thừa nhận không còn lạnh lùng ba chữ “vô thừa nhận”. Bản danh sách của chị cứ thế mà dài dần, dài dần nhưng vẫn không một dòng địa chỉ: Hoàng Cung Văn 14 tuổi, mất 7/3 Ất Dậu… Đào Huy Vọng mất 7/3 Ất Dậu… Hoàng Thị Canh 9 tuổi… Vũ Trọng Đình 63 tuổi, mất 2/8 Ất Dậu…
Năm 1997, nhà cửa mọc lên như nấm, nói như một ông cán bộ phường thì đó là thời điểm “người với ma giành nhau đất sống”. Để giữ được tấm bia lớn cùng chốn yên nghỉ cho những vong hồn, chị đi xin gạch còn dính đầy vôi vữa người ta phá ra từ những ngôi nhà cũ để về xây tường bao quanh thành một mảnh vườn rộng chừng 120 m2. Xong bức tường, chị dựng thêm một cái miếu nhỏ trước bia để hương khói cho các cụ.
Đã có không ít người tan gia, bại sản tìm đến chị để xin vào vườn quây một khoảng đất 20-30 m2 làm nhà với cái giá hai mươi, ba mươi triệu đồng. Những khoản tiền lớn ấy không ít lần đã làm anh chị đắn đo, nhưng rồi “đừng tham bát mà bỏ mâm” – hai vợ chồng bảo nhau như vậy.
Giờ đây gia đình chị nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh Thắng, trụ cột kinh tế của gia đình, nhọc nhằn đạp những cuốc xe kiếm mỗi ngày khá lắm cũng chỉ 15, 20 nghìn đồng. Chị đi chị chợ cũng bữa đực, bữa cái nên xoay sang làm thêm cái nghề chẳng ra nghề, người ta gọi nôm na là nghề “chỉ chỏ”: bữa nào rảnh chợ búa, chị đứng ra đầu ngõ giúp mấy người cần mua nhà, mua đất hay tìm một địa chỉ ở chốn “ngõ giăng mắc cửu” này để kiếm thêm mấy nghìn lẻ. Rủi thay, mới đây chị bị tai nạn phải bó bột, đến nay vẫn chưa làm việc nặng được nhưng sớm sớm, chiều chiều như thường lệ, chị vẫn lặng lẽ quét dọn chốn yên nghỉ của những oan hồn không mảy may liên can tới mình. Thắp một nén hương, chị thì thào :
Lạy các cụ! Các cụ sống khôn, chết thiêng. Con ăn ở nhân đức, chỉ mong
được phù hộ cho cái sức khỏe để con nuôi các cháu và hương khói cho các cụ.
Anh chị đã có ba mụn con: thằng cu Tuấn (11 tuổi), con Mai (9 tuổi), con Linh (8 tuổi), đứa nào đứa ấy đều thương bố mẹ, gắng học hành cả. Một sớm tôi đến thăm, bắt gặp con Linh đội cái nón rách hí hửng xách cái cặp lồng phở mới mua về. Ba ngàn đồng phở được trộn với cơm nguội chia đều cho cả nhà làm bữa sáng. Chị Nhung ngậm ngùi tâm sự :
Mình có tuổi rồi, khổ mấy cũng chịu được chỉ thương chúng nó đang tuổi ăn, tuổi học. Rồi cả chuyện dính dáng đến hài cốt nữa chứ, cứ nghe người lớn nói chuyện nhắc đến đó là mặt đứa nào đứa ấy len lét cả – Nói đến đây hai mắt chị đỏ hoe – Thằng Tuấn có lần hỏi bố : sao bố mua nhà đâu chẳng mua, lại mua cái nơi toàn xương là xương thế này? Bố nó nghèo, thương con đau nhói trong lòng, gặng trả lời: xương đâu mà xương, người bên làng Mai Động giết trâu, giết bò quẳng ở đó chứ! Thằng bé cứ đinh ninh vậy cho đến một lần nó vấp phải một mảng xương đầu trong vườn. Từ dạo ấy bọn trẻ hãi luôn. Cứ 9 giờ tối là chúng bắt bố mẹ khoá chặt cửa lại. Con Mai nhiều đêm trằn trọc mãi không ngủ được vì ám ảnh bởi những người mặc áo tang trắng. Rồi mai đây liệu mấy đứa có dám khoe bạn bè rằng nhà chúng ở chỗ “Bể xương”, liệu có ai qua nhà chơi với chúng ngoài mấy đứa trẻ quẩn quanh trong ngõ ngách này…
Giải pháp thứ nhất là ném xuống sông Kim Ngưu, sông Hồng (bởi thế nên khi thực hiện dự án kè sông Kim Ngưư, người ta đã vớt lên rất nhiều tiểu, nồi). Giải pháp thứ hai là để ở khe tường giữa các nhà. Giải pháp thứ ba là qui tập vào vườn cạnh nhà chị Nhung.
Tuy nhiên một số người vô lương tâm, phần cũng vì sợ quá mà không biết xoay sở ra sao, dấm dúi chờ đến nửa đêm đem quẳng cả trước cửa nhà chị Nhung. “Nhà nào ăn ở thất đức thôi thì họ phải gánh”, chị chỉ nghĩ có vậy rồi lại âm thầm chôn cất những nắm xương đã xỉn màu.
Chuyện ly kỳ xung quanh những hài cốt, dân trong xóm râm ran bàn như cơm bữa. Nào là chuyện nhà anh T. đào móng tìm thấy 27 tiểu trẻ con, đem vứt trộm xuống sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Chương Dương. Sau cả nhà đau ốm liên miên, làm ăn thất bát, anh T. lại tính thuê thợ lặn xuống vớt lên nhưng đám thợ đòi 15 triệu nên giờ vẫn bó tay. Rồi chuyện có nhà câu trộm điện trong vườn bèn lấy một mảng xương đầu ngụy trang để dọa cán bộ xuống kiểm tra. Hay như chuyện nhà bà C. sát nách “bể xương” muốn xây nhà mới nhưng không dám đào móng mà phạt tường cũ cách sàn độ một thước, nêm đất, nêm cát vào thành…”móng nổi” rồi xây tiếp lên trên.
Nỗi ám ảnh về những hài cốt còn nằm sâu dưới lòng đất, về điều kiện sinh hoạt thiếu thốn (theo ông Nguyễn Văn Thi, chủ tịch phường Vĩnh Tuy thì đến nay 80% dân trong phường vẫn phải dùng nước giếng khoan, trong đó có cả những gia đình trong khu vực nghĩa trang cũ) đã khiến nhiều gia đình đến rồi lại đi. Chỉ còn gia đình chị Nhung và lũ chuột ẩn náu dưới “bể xương” là bám rễ lâu nhất ở cái mảnh đất đầy éo le, lằng nhằng giữa người sống với người chết này.
56 năm đã trôi qua, tôi chạnh lòng xót xa và cảm thấy mình như có lỗi với những đồng bào xấu số khi đứng trước vong linh họ. Một chứng tích lịch sử và cả ngàn số phận tang thương chỉ còn được nghĩ đến và hương khói bởi những đồng bào ít học, nghèo khó của họ. Đó là một gia đình người đạp xích lô đã 15 năm giữ nấm mồ chung. Đó là những người xe thồ, bốc vác dựng lán ngủ trên mái bằng nhà chị Nhung. Đến ngày rằm họ góp nhau mỗi người 200 đồng mua một thẻ hương để an ủi những oan hồn nơi đây. Mấy chục năm qua không một cơ quan chức năng nào ngó ngàng tới. Chị Nhung cho biết năm 1990 cụ Võ An Ninh, tác giả những bức ảnh xúc động về nạn đói năm 1945, và bốn nhà sử học Nhật Bản đã lặn lội tới đây lấy tài liệu tố cáo tội ác phát xít Nhật. Bẵng đi đã hơn 10 năm, đến ngày hôm nay mới lại có những con người trở lại để chị gửi gắm niềm hy vọng. Đó là niềm hy vọng giản dị mà chị không biết nói ra đầu môi mà chỉ biết thể hiện bằng những gắng gỏi suốt 15 năm qua: tạo cho các cụ một nơi xứng đáng hơn để an giấc ngàn thu, để thằng Tuấn, con Mai, con Linh và những đứa trẻ khác ở “xóm bể xương” không còn ám ảnh, tự ti về nơi chúng sinh ra và khi khôn lớn, có ăn, có mặc, bọn trẻ cũng như thế hệ chúng ta hôm nay không quên những tháng năm đau khổ trong quá khứ.
Hà Nội, tháng 8, 2001
Nhà sử học Dương Trung Quốc, tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay:
Ngày nay chúng ta khó có thể hình dung nổi con số “2 triệu” người chết đói khủng khiếp đến mức nào, nhất là vào thời kỳ đó dân số nước ta chỉ hơn 20 triệu. Khủng khiếp đến mức có người nghi ngờ về độ chuẩn xác thì các nhà sử học Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau nghiên cứu để tìm ra câu trả lời. Họ đã lật từng trang tư liệu cũ, trở lại điều tra các làng xóm, các dòng họ, các gia đình đã từng lâm nạn đói để khẳng định con số đó là có thật!
Ký ức và những tấm ảnh tư liệu đã ghi nhận bao hình ảnh đau thương với những xác chết ngổn ngang, những chuyến xe bò chở cả những người đang thoi thóp, những hố chôn chung và chôn vội,…và cả những bằng chứng về tình nghĩa đồng bào đã chia cơm sẻ áo. Có một sự kiện đáng ghi nhớ là chỉ vài năm sau nạn đói, ngay trong cùng địch tạm chiếm, nhân dân Hà Nội đã qui tập hài cốt, chôn cất tử tế và dựng nên một tấm bia tưởng niệm. Không lẽ chúng ta chấp nhận cơn sốt đất đai, công cuộc đô thị hóa Hà Nội
và sự thờ ơ của chính chúng ta hủy hoại chứng tích cuối cùng của một sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, chúng ta hãy dành một nơi xứng đáng hơn tưởng nhớ đồng bào chết đói năm Ất Dậu để không ai bị lãng quên, để hàng triệu thân nhân họ cũng như lớp lớp thế hệ người Việt Nam có một nơi để hương khói cho những con người mà oan hồn của họ đã trút thêm ngon lửa căm hờn, tiếp sức cho dân tộc Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền sống của chính mình. Đó cũng là cách chúng ta đối xử công bằng với một quá khứ đau thương và những thế hệ sau không trách chúng ta là vô ơn, bạc nghĩa.
Notes:
1. Sau bài Người sống với những oan hồn, Nguyễn Đỗ Dũng còn thực hiện phỏng vấn giáo sư sử học Văn Tạo trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 33 (2001) trang 3 với tựa: Hãy dựng tượng đài tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói năm Ất Dậu.
2. Tháng 11 năm 2001, Nguyễn Đỗ Dũng cùng Nguyễn Thanh Huyền và Đỗ Ngọc Sơn tại Khoa Quy hoạch, Đại học Kiến Trúc Hà Nội, bắt đầu thực hiện đề tài nghiên cứu : Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945. Đề tài sau đó được giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học của trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội và giải khuyến khích của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Sau khi bài viết được đăng, cùng với những nỗ lực của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tạp chí Xưa & Nay và các cơ quan truyền thông khác, khu vườn chị Nhung trông coi đã được thiết kế xây dựng mới thành Khu tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945 trong phạm vi đất không thay đổi và với quy mô nhỏ. Công trình đã được khánh thành vào cuối tháng 12 năm 2001 và một lễ dâng hương được tổ chức với sự tham gia chủ lễ của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên và một số trí thức tên tuổi.
4. Ngày Rằm tháng 7 âm lịch (lễ cúng chúng sinh) được chọn là ngày tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói năm Ất Dậu.
5. Sách về nạn đói: Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử. Văn Tạo và Furuta Motoo. Tiểu ban Hợp tác Việt – Nhật nghiên cứu nạn đói năm 1945 ở Việt Nam xuất bản. Tóm lược lịch sử về Nạn đói năm 1945 do Nguyễn Đỗ Dũng thực hiện cho phần viết của đề tài nghiên cứu Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945 sẽ được đăng tải cùng một số ảnh tư liệu trong thời gian tới cùng với bài viết này.
Ý kiến độc giả