
Thẻ
Mối quan hệ mật thiết giữa y tế công cộng và thiết kế đô thị
Mối quan tâm về quan hệ giữa thiết kế đô thị và y tế công cộng đã bùng nổ trong những năm gần đây (Jackson 2003; Corburn 2004; Srinivasan và cộng sự 2003). Trong chương này chúng tôi sẽ xem xét mối tương tác mang tính lịch sử giữa y tế công cộng và thiết kế đô thị, chúng tôi sẽ tóm tắt những luồng tư tưởng từ những nghiên cứu đột phá tìm cách xây dựng liên kết giữa 2 lĩnh vực này từ thập kỷ trước. Chúng tôi cũng ghi nhận rằng y tế công cộng về cơ bản đã giúp hình thành ý tưởng cho lĩnh vực thiết kế đô thị xét trên một phạm vi nhất định. Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thiết kế đô thị đóng vai trò tích cực trong việc hướng tới cái nhìn toàn diện hơn về việc thiết kế đô thị là gì và có thể đóng góp gì cho những nghiên cứu cũng như thực hành y tế công cộng, và phần kết luận là những đánh giá của chúng tôi về mối liên kết chặt chẽ và phức tạp giữa thiết kế đô thị – y tế công cộng.
Có hai cách để giới hạn phạm vi mối quan hệ giữa y tế công cộng và thiết kế đô thị. Thứ nhất, chúng ta cần phân biệt giữa thiết kế đô thị với môi trường xây dựng (built environment). Thiết kế đô thị phản ánh yếu tố con người trong việc quản lý, tổ chức và sắp xếp một môi trường vật lý, với những mục đích nhất định của con người. Trong khi đó, môi trường xây dựng có khuynh hướng thiên về một khuôn khổ mang tính hình thức xây dựng và mối quan hệ của chúng. Thiết kế đô thị là quá trình và hoạt động dẫn đến sự thay đổi có tính toán trong môi trường xây dựng, còn môi trường xây dựng là kết quả của sự can thiệp của con người. Nghiên cứu và thực hành y tế công cộng hầu như được định hướng theo môi trường xây dựng, không quan tâm đến việc quá trình môi trường xây dựng được hình thành ra sao cũng như thiết kế đô thị và môi trường xây dựng tác động lẫn nhau như thế nào.
Thứ hai, chúng tôi lưu ý rằng, trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại của lĩnh vực thiết kế đô thị, thiết kế đô thị có cả tính thẩm mỹ và chức năng, hơn nữa, tầm ảnh hưởng cũng như mục đích của hai yếu tố này khá rõ ràng, dù ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, y tế công cộng dễ dàng liên kết với tính chức năng của thiết kế đô thị hơn, và điều đó làm nổi bật một phần chứ không phải toàn bộ nỗ lực của thiết kế đô thị. Chúng tôi phát triển ý tưởng này rộng hơn thông qua những tham khảo về lịch sử.
Sự ra đời của quy hoạch đô thị và mối quan hệ giữa thiết kế đô thị và y tế công cộng
Cuối những năm 1800, cả quy hoạch lẫn các ngành nghề y tế công cộng đều quan tâm đến những căn bệnh phổ biến ở những khu đô thị, trong những nền kinh tế công nghiệp hóa. Thành phố được coi là nơi đông đúc, mất vệ sinh, nơi sản sinh ra bệnh tật, rác rưởi và (phản ánh thái độ của thời bấy giờ) là sự suy tàn của xã hội. Những dịch bệnh truyền nhiễm khá phổ biến được cho là phát sinh từ những khu nhà ổ chuột đe dọa toàn thành phố. Như một phản ứng, phong trào vệ sinh của thời kỳ sau Nội chiến Mỹ tập trung vào việc làm sạch các thành phố, phát triển cơ sở hạ tầng về nước và hệ thống thoát nước, và làm giảm sự tập trung dân số ở các thành phố bằng cách khuyến khích phát triển những khu dân cư có mật độ dân số thấp (Peterson 1983; Sloane 2006). Nhiệm vụ ở đây là sử dụng cơ sở hạ tầng – chủ yếu là hệ thống thoát nước công cộng – và (ở phạm vi hẹp hơn) việc mở rộng đất để chiến đấu chống lại bệnh dịch đô thị (Corburn 2007; Peterson 1983).
Quan điểm về chức năng này đã sớm bị thay thế bởi phong trào Thành phố xinh đẹp trong một thời gian ngắn. Phong trào Thành phố xinh đẹp nâng cao vai trò của tính thẩm mỹ, phản ánh truyền thống xây dựng thành phố trên một quy mô rộng hơn. Kế hoạch Chicago của Daniel Burnham năm 1909 là hình ảnh thu nhỏ tiêu biểu của truyền thống mỹ học phản ánh trong phong trào Thành phố xinh đẹp (Legates và Stout 1998), đây cũng là dấu mốc cho sự ra đời của việc quy hoạch với tư cách một lĩnh vực ở Hoa Kỳ (Hall 1989). Trích dẫn đánh giá của Peter Hall (1988) về Kế hoạch Chicago của Burnham, ông cho rằng: trong kế hoạch này rõ ràng chỉ chú trọng đến tính thẩm mỹ mà quên mất vai trò của y tế.
Rất nhanh sau đó, lĩnh vực quy hoạch đô thị non trẻ đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm của những người theo chủ nghĩa hiện đại về việc xây dựng thành phố đặt trên nền tảng của việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhằm mục đích giải quyết tệ nạn đô thị, đồng thời nó cũng bị ảnh hưởng bởi một chiến lược xây dựng thành phố lớn phản ánh xu hướng lâu dài liên kết thiết kế đô thị với tính cảm hứng, thậm chí là với tầm nhìn của những người theo chủ nghĩa không tưởng của thành phố (ví dụ như Legates và Stout 1998). Hai quan điểm – “Thành phố xinh đẹp”, tâp trung vào khát vọng, thẩm mỹ và “Thành phố chức năng” hẹp hơn và mang tính công cụ (Hall 1989) – từ lâu đã được thấy rõ trong suy nghĩ và thực hành thiết kế đô thị. Y tế công cộng, với cơ sở là sự đo lường khoa học và giải quyết vấn đề, liên kết dễ dàng hơn với “Thành phố chức năng”. Không có nhiều vấn đề phải giải quyết nên y tế công cộng và quy hoạch chỉ cùng tham gia vào phong trào vệ sinh trong thời gian đầu, tuy nhiên cách tiếp cận thiết kế đô thị theo hướng chức năng đã tạo ra cho nó một liên kết sẵn có với y tế công cộng trong suốt thế kỷ XX. Thêm một ví dụ về sự liên kết giữa y tế công cộng và thiết kế đô thị: năm 1948, Ủy ban nghiên cứu vệ sinh nơi ở thuộc Hiệp hội Y tế cộng đồng Mỹ đã sử dụng khu dân cư như một đơn vị cơ bản cho các khu dân cư có lợi cho sức khỏe (Corburn 2007), bắt nguồn từ ý tưởng của Clarence Perry (Banerjee và Baer 1984; Lawhon 2009).
Tóm lại, y tế công cộng đã từng là một trong những yếu tố đo lường của môi trường xây dựng. Nó có tính liên kết chặt chẽ với kết quả của thiết kế đô thị hơn là bản thân quá trình thiết kế, với quan điểm thiên về xây dựng thành phố chức năng hơn là xây dựng thành phố toàn diện. Nói một cách khác, môi trường xây dựng theo quan điểm này không phải là toàn bộ khu dân cư, cũng không phải là bối cảnh cho việc giao tiếp hay cảm hứng trong cộng đồng. Thay vào đó, nó là một tập hợp các tính chất được đo trong phạm vi hẹp và bị chi phối nhằm đạt được mục tiêu cụ thể về y tế (vd: kiếm soát dịch bệnh). Một cuộc thảo luận về nghiên cứu gần đây về mối liên hệ y tế công cộng – thiết kế đô thị đã minh họa sự thiên lệch này, khởi đầu bằng nghiên cứu về hoạt động thể chất, đây có lẽ là nghiên cứu y tế công cộng hẹp nhất, có sự kết hợp chặt chẽ với những khái niệm từ thiết kế đô thị
Sự kết hợp chặt chẽ với phương thức thiết kế đô thị trong nghiên cứu y tế hoạt động thể chất
Khoảng 10 năm trước đây hầu như không có những nghiên cứu về mối liện hệ giữa vận động thể chất của người dân với môi trường xây dựng. Sau đó, các vấn đề đặc biệt về chủ đề này đã xuất hiện trong tạp chí Y tế dự phòng Mỹ (2002), Tạp chí Y tế công cộng Mỹ (2003), tạp chí Nâng cao sức khỏe Mỹ (2003), và Tạp chí của Hiệp hội Quy hoạch Mỹ (2006). Tại Hội nghị học thuật của các nhà hoạch định Mỹ đã thêm mục “Quy hoạch và sức khỏe con người” vào danh mục năm 2004, các hệ thống xếp hạng phổ biến của các phòng kế hoạch cũng có mục “Quy hoạch và sức khỏe” hoặc các danh mục tương tự. Trong năm 2007, đã có hơn 200 bài báo được công bố với chủ đề “Môi trường Xây dựng và Chính sách – Hoạt động thể chất” (Trang web nghiên cứu về cuộc sống năng động, 2009).
Phần lớn nghiên cứu này dựa vào hai lý thuyết được đưa ra trong các tài liệu trước đó. Các học giả y tế công cộng đã có nhiều năm tập trung vào vấn đề thay đổi hành vi, khuyến khích con người không nên sống một cuộc sống ít vận động (mà phải tăng cường hoạt động thể chất nhiều hơn). Lợi ích của hoạt động thể chất đã được chứng minh vào cuối những năm 1990 (Bộ Y tế, 1996; Paffenbarger và các cộng sự, 1986; Leon và các cộng sự ,1987; Ekelund và các cộng sự, 1988; Blair và các cộng sự, 1989; Morris và các cộng sự, 1990;. Sandvik và các cộng sự, 1993). Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, chỉ vận động người dân phải thay đổi hành vi thôi là không đủ để làm tăng tỷ lệ hoạt động thể chất. Cuối thập niên 1990, các học giả y tế công cộng đã chuyển sự chú ý của họ đến môi trường xây dựng (Owen và cộng sự 2004) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận động thể chất hàng ngày. Một số báo cáo phổ biến thời gian đó cho rằng những thay đổi môi trường xây dựng thông qua thiết kế đô thị cũng là nguyên nhân khiến cho xã hội ngày càng lười vận động. Các học giả đã xem môi trường xây dựng là bối cảnh mà trong đó các hành vi diễn ra, khi đó sự can thiệp của thiết kế vào môi trường xây dựng có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc cản trở hoạt động thể chất của cá nhân (Ban nghiên cứu giao thông / Viện Y học, 2005). Một nghiên cứu tài liệu khác về hành vi đi lại đã thu thập số liệu hành vi đi lại của cá nhân kết hợp với số liệu từ các hệ thống thông tin địa lý (GIS) được tiến hành nhiều năm đã rút ra các kết luận sau đây:
Có một sự liên kết rõ ràng giữa các yếu tố môi trường xây dựng và việc đi bộ (Frank 2000, Greenwald và Boarnet 2002; Handy và cộng sự 1998; Handy và cộng sự 2006;. Rodriguez và cộng sự, 2006; Krizek và Johnson, 2006; Boarnet và cộng sự 2005; Boarnet và cộng sự 2008; Ewing và cộng sự 2003; Doyle và cộng sự 2006), các nhà nghiên cứu y tế công cộng và các nhà hoạch định chính sách đã kịch liệt chỉ trích các quy hoạch mở rộng thành phố bừa bãi (Frumkin 2002). Suy luận về quan hệ nguyên nhân – kết quả trở nên khó khăn hơn, chủ yếu do cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu những người thích đi bộ sẽ lựa chọn sống trong những khu dân cư thuận lợi cho việc đi bộ, hay là do yếu tố môi trường xây dựng gây ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng đi bộ và số lượng người đi bộ. Những nghiên cứu gần đây, trong đó tập trung rộng hơn đến tất cả các hành vi đi lại, cho rằng phần nào cả hai trường hợp trên đều đúng, tuy nhiên sự hiện diện của các yếu tố môi trường xây dựng có tạo ra một vài hiệu ứng độc lập đối với hành vi đi lại (Mokhtarian và Cao, 2008)
Nghiên cứu tài liêu này đề cập tương đối ít đến thiết kế đô thị. Có một giả định ngầm rằng việc xác định các yếu tố môi trường xây dựng liên quan đến đi bộ sẽ dẫn đến sự can thiệp trong thiết kế đô thị để hỗ trợ cho các kết luận của nghiên cứu này. Do đó, để làm rõ thiết kế đô thị là quá trình và môi trường xây dựng là kết quả của quá trình đó, trọng tâm y tế công cộng là ở môi trường xây dựng. Phần lớn nghiên cứu này tập trung vào việc phát triển các phép đo định lượng, hoặc công cụ kiểm tra, các đặc điểm môi trường xây dựng (Boarnet và cộng sự 2006; Clifton và cộng sự 2007; Cunningham và cộng sự 2005; Day và cộng sự 2006; Ewing và cộng sự 2006. Hoehner và cộng sự 2005; Hoehner và cộng sự 2007; Lee và Moudon 2006; Saelens và cộng sự 2006; Williams và cộng sự 2005). Môi trường xây dựng là thứ có thể đo lường được, có thể trên một quy mô từng khối, tách thành các yếu tố, và có thể bị chi phối vì mục đích sức khỏe con người.
Cuối những năm 1800, các chuyên gia vệ sinh đã tìm thấy mối quan hệ rõ ràng trong quan điểm này. Có một khảo sát vệ sinh tại Memphis năm 1879-1980 bao gồm một đánh giá toàn diện về điều kiện sống của từng hộ gia đình dài 96 trang (Peterson 1983: 25). Khảo sát này được tiến hành sau khi xảy ra một trận dịch sốt vàng da, giết chết khoảng một phần mười số cư dân của thành phố (Peterson 1983: 25). Ngày nay, công cụ kiểm tra thiết kế đô thị (Clifton và cộng sự 2007; Day và cộng sự 2006) cũng khá đầy đủ, người ta thường tiến hành kiểm kê theo từng khu nhà, ở những các khu vực có tỷ lệ béo phì cao nhất.
Trong cách tiếp cận y tế công cộng đối với hoạt động thể chất và môi trường xây dựng có rất ít những khái niệm về thẩm mỹ, cảm hứng, hoặc khái niệm về xây dựng thành phố lớn. Sự tập trung vào đo lường một phần là do ảnh hưởng mạnh mẽ của các truyền thống khoa học xã hội, định lượng, và kỹ thuật (về phía các nhà nghiên cứu giao thông), đó cũng là trọng tâm của nhiều nghiên cứu hiện hành về hoạt động thể chất và thiết kế đô thị. Thách thức ở đây là việc thảo luận hiện nay về hoạt động thể chất – thiết kế đô thị phải được mở rộng để có thể đề cập không chỉ môi trường xây dựng, mà cả yếu tố con người tạo ra môi trường xây dựng, để thiết kế đô thị không chỉ đơn giản là sự thực hành chức năng cho các mục đích y tế (điều này rất quan trọng), mà còn là một nỗ lực xây dựng thành phố đẹp . Một số gợi ý để hướng đến một cái nhìn toàn diện hơn có thể có được từ việc xem xét mối quan hệ giữa y tế và thiết kế đô thị trong những bối cảnh khác.

Không gian công cộng có chất lượng cao sẽ khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động ngoài trời và đi bộ. Nguồn: Havard School of Public Health
Người khuyết tật và khả năng tiếp cận (hòa nhập) – điều chỉnh thiết kế đô thị để người khuyết tật có thể hòa nhập
Khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế và xã hội là một khái niệm cơ bản dùng để nghiên cứu về sự chênh lệch, sự bất công bằng, và các yếu tố xã hội của y tế. Nghiên cứu từ những năm 1990 đã có xu hướng tập trung vào các điều kiện xã hội hiện có (tình trạng kinh tế – xã hội, thiếu các dịch vụ có sẵn), thiết lập thể chế, hành vi cá nhân, và những thách thức về hậu cần (như thiếu vận chuyển), những nghiên cứu này lập luận rằng việc sử dụng dịch vụ thấp có thể bắt nguồn từ sự kết hợp đặc thù của những đặc điểm hoặc các yếu tố đối với quần thể riêng biệt (Crane và Takahashi 2008). Tuy nhiên, khi đưa ra khái niệm về sử dụng và tiếp cận các dịch vụ, người ta ít đề cập tới các yếu tố môi trường xây dựng cụ thể.
Mặc dù số lượng những nghiên cứu về y tế công cộng hay thiết kế đô thị còn ít ỏi, nhưng mối liên kết trực tiếp giữa sức khỏe và thiết kế đô thị đã được củng cố qua phong trào đòi quyền của người khuyết tật (Johnson 1999). Đạo luật người Mỹ khuyết tật năm 1990 (ADA, được sửa đổi gần đây nhất năm 2008) nhấn mạnh người khuyết tật gặp nhiều trở ngại trong việc di chuyển, việc làm, nhà ở, và sự tham gia quyền công dân. Luật pháp liên bang này đã nêu rõ rào cản “kiến trúc” như một hình thức phân biệt đối xử, cản trở người khuyết tật có được việc làm, nhà ở và dịch vụ mà những người bình thường khác được hưởng (Đạo luật người Mỹ khuyết tật năm 1990). Theo ADA, khuyết tật được định nghĩa là bất kỳ sự suy yếu về tinh thần hoặc thể chất, làm giảm khả năng tự chăm sóc bản thân của con người, gây trở ngại cho các chức năng sinh hoạt cơ bản (ví dụ như đi bộ, ăn uống, lắng nghe, vv). Một trong số các nghiên cứu nêu bật ý nghĩa pháp lý của ADA đối với thiết kế đô thị là nghiên cứu của Mazumdar và Geis (2001, 2002).
Ngày nay, ADA yêu cầu các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tạo điều kiện cho người khuyết tật trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (ví dụ như xe lăn có thể lên xe buýt), vào phòng khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng tạp hóa, trường học, và viện bảo tàng, theo những cách thống nhất (có nghĩa là những tiện nghi cho người khuyết tật không nên tách biệt hoặc khác nhau ở những dịch vụ hay cơ sở vật chất khác nhau). Cụ thể, đạo luật coi sự thiếu tiện nghi này như một hình thức phân biệt đối xử (xem ADA 1990: 11). Mặc dù việc thực hiện đạo luật ADA đã tạo ra môi trường xây dựng dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật, tuy nhiên, Hội đồng Quốc gia về Người tàn tật (2004) đã chỉ ra những trở ngại vật lý vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.
Sự chênh lệch về sức khỏe ở các khu dân cư
Trong các tài liệu về hoạt động thể chất, các nhà nghiên cứu y tế công cộng nghiên cứu các vấn đề y tế rộng lớn như sự chênh lệch về sức khỏe (hoặc nơi tập trung bệnh tật/ nơi bệnh tật hoành hành hoặc tử vong/ tử vong ở một chủng tộc/ dân tộc cụ thể, tuổi tác, giới tính, hoặc các nhóm xã hội khác, hoặc những nơi không đủ điều kiện y tế) hoặc các yếu tố môi trường xã hội làm ảnh hưởng, gây ra bệnh tật, tử vong (ví dụ như yếu tố quyết định xã hội về sức khỏe và bệnh tật) và họ ngày càng nhận thấy vai trò của môi trường xây dựng như một yếu tố quan trọng cần làm rõ.
RobertSampson và các đồng nghiệp của ông đã có ảnh hưởng đặc biệt trong việc khám phá các thuộc tính của các khu dân cư ở địa phương và kết quả về mặt sức khỏe (Sampson và cộng sự 2002; Sampson và cộng sự 1997.). Nhìn từ góc độ y tế công cộng, việc tập trung vào các khu dân cư là xa rời các phương pháp tiếp cận y tế công cộng điển hình, phương pháp tiếp cận có xu hướng nhấn mạnh vào việc nghiên cứu dân số lớn (để thiết lập xu hướng dịch tễ học), và thay vì phân tích ở cấp khu dân cư, phương pháp này tập trung vào các yếu tố địa phương ảnh hưởng đến hành vi cá nhân (chứ không phải các yếu tố xã hội-nhân khẩu học, thái độ, hoặc kiến thức). Điều mà những tài liệu này nhấn mạnh là vai trò quan trọng của yếu tố ở cấp cộng đồng, bao gồm cả môi trường xây dựng, trong việc tạo ra và củng cố cấu trúc, tổ chức, cộng đồng, và các rào cản cá nhân đối với việc chăm sóc sức khỏe và các nguồn lực (dẫn đến bất lợi và bất bình đẳng), và làm thế nào để đo lường và đánh giá các yếu tố này một cách tốt nhất (Sampson và cộng sự 2005). Điều đáng quan tâm ở đây là sự khác biệt cấu trúc dẫn đến sự chênh lệch về sức khỏe và sự bất bình đẳng. Mặc dù thước đo xã hội học đối với khu dân cư, chẳng hạn như sự ổn định dân cư và phân biệt chủng tộc ..vv.. có xu hướng chiếm ưu thế, tuy nhiên vai trò của môi trường xây dựng vẫn còn tương đối mờ nhạt. Có ít các nhà nghiên cứu y tế đã đánh giá vai trò của môi trường xây dựng và thiết kế đô thị đối với các hành vi sức khỏe (Grusky và Swanson 2004 là ngoại lệ)
Nhà ở và bệnh hen suyễn
Các nhà nghiên cứu y tế công cộng đã tranh luận suốt hơn một thập kỷ rằng chất lượng nhà ở thấp, đặc biệt là sự hiện diện của nấm mốc, có liên quan đến nguy cơ tăng cao và phổ biến của bệnh hen suyễn ở trẻ. Ví dụ, Strachan (1988) tìm ra rằng sau khi kiểm soát các yếu tố quyền sở hữu nhà ở, quy mô hộ gia đình, sự hiện diện của người hút thuốc trong gia đình, và việc nấu ăn với các thiết bị khí ga là điều kiện lý tưởng để nấm mốc sinh sôi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn lên ba lần. Mặc dù thiết kế nhà ở có thuộc tính của kiến trúc nhiều hơn là thiết kế đô thị, nhưng nghiên cứu này chỉ ra rằng các nhà thiết kế cũng như công việc thiết kế cần phải hiểu rõ việc những công trình kiến trúc đã có tuổi và vật liệu kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thế nào.
Đảo nhiệt (heat islands) và sức khỏe
Heat islands: Những khu vực được xây dựng bằng bê tông và nhựa đường, ít cây cối có nhiệt độ cao hơn khoảng 10 – 20 độF so với những khu vực khác
Nhà ở và đô thị hóa kém chất lượng đã dẫn đến bệnh tật và tử vong. Điều này có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi thời tiết trở nên khắc nghiệt cùng với biến đổi khí hậu. Sóng nhiệt có xu hướng tác động cao nhất ở những thành phố trung tâm, bởi nhiệt độ ở đây cao hơn và việc hạ nhiệt về đêm cũng kém hơn những khu vực ít trải nhựa, ít những công trình xây dựng hơn (McMichael 2000). Các tác động của khí hậu đến sức khỏe có xu hướng tập trung vào thành phần dân số ít vận động (người cao tuổi) và thành phần thu nhập thấp. Y tế công cộng và quy hoạch đã bắt đầu tập trung vào các vấn đề này, nhưng cũng chưa đưa ra được phương pháp rõ ràng với các can thiệp về mặt thiết kế đô thị.
Tìm kiếm sự tổng hòa
Sựcách biệt giữa thiết kế đô thị và y tế thể hiện ở hai điểm : Thứ nhất, sự khác biệt giữa việc xem thành phố như một tập hợp các công cụ chức năng và việc nhìn nhận thành phố như là một tổng thể của nhiều mặt mang tính thẩm mỹ/ khát vọng, và thứ hai, sự khác biệt giữa việc tập trung vào môi trường xây dựng mà không chú ý đến quá trình đã tạo ra môi trường đó, với việc nghiên cứu cả quá trình thiết kế lẫn kết quả của nó (môi trường xây dựng). Liệu những cách biệt này có thể được xóa nhòa? Ở đây chúng tôi thảo luận về hai đóng góp có thể có của y tế công cộng cho thiết kế đô thị – một nhỏ, và một lớn.
Xét về khía cạnh công cụ và đo lường, các tài liệu về hoạt động thể chất đã ngày càng quan tâm đến cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ, môi trường đường phố, công viên và không gian mở, cũng như các yếu tố vật lý cho việc đi lại bằng các phương tiện phi cơ giới. Tương tự như vậy, việc nghiên cứu và thực hành đạo luật ADA đã nâng cao tầm quan trọng của việc điều chỉnh thiết kế làm tăng khả năng hòa nhập cho những người khuyết tật. Cả hai nỗ lực này đều rất quan trọng, và cả hai đã làm tăng nhận thức về tầm quan trọng của thiết kế đô thị như một sự bổ trợ. Nhìnchung, những yếu tố thiết kế của cuộc sống đô thị là những phần quan trọng, nhưng liệu lĩnh vực y tế công cộng có thể làm nhiều hơn là việc chỉ thỉnh thoảng thu hút sự chú ý để điều chỉnh những thiết kế đã bị xem nhẹ? Chúng tôi đề xuất một hướng đi khả thi hơn để có được quan điểm rộng hơn này.
Kết nối tính chức năng với tính thẩm mỹ / khát vọng có thể bắt đầu từ việc cùng tập trung vào đối tượng khu dân cư nhưng không phải với tư cách là một tập hợp các bộ phận để vận hành mà với tư cách là nơi sinh sống của con người. Vai trò của thiết kế đô thị như là một quá trình, trong đó có yếu tố con người cần phải được khôi phục – không thể chỉ tập trung toàn bộ vào môi trường xây dựng. Khởi đầu là những tài liệu gần đây về sự chênh lệch sức khỏe trong nghiên cứu các khu dân cư một cách toàn diện hơn, để làm rõ những yếu tố quyết định mang tính xã hội đối với sức khỏe và để liên kết yếu tố sức khỏe con người với xã hội. Những tài liệu này tập trung vào những trở ngại về kết cấu để giải quyết các vấn đề về bất công và bất bình đẳng. Ngoài ra cũng cần phải có phương pháp luận để làm cầu nối cho sự phân cách này. Nâng đơn vị phân tích lên cấp trung mô (mesoscale: mm, cm) – phân tích các khu dân cư đủ lớn để nắm bắt được cuộc sống trong môi trường xây dựng, nhưng phải nhỏ hơn cấp thành phố hoặc các khu đô thị. Việc phân tích ở cấp trung mô này về cơ bản chưa có ở các nghiên cứu về hoạt động thể chất, mặc dù đã được xem xét trong các nghiên cứu về các “hòn đảo nhiệt”. Các nhà nghiên cứu hoạt động thể chất, kết nối với quy hoạch giao thông, có thể mở rộng sự tập trung dân cư của họ vượt qua cấp khối đường phố và tập hợp lại thành cấp khu dân cư, đủ lớn để trở thành trung tâm của các hoạt động, sinh hoạt, mua sắm, và làm việc, và chuyển trọng tâm từ các yếu tố đơn lẻ sang không gian của hoạt động. Các đô thị lớn đang theo đuổi những kế hoạch với tầm nhìn tăng trưởng, tập trung phát triển vào các nút đô thị. Ví dụ, Đồ án quy hoạch khu vực Sacramento (2009) và kế hoạch COMPASS của Hiệp hội thuộc chính phủ Nam California (2009). Những kế hoạch đó vốn xem các khu dân cư như trụ cột của quy hoạch đô thị, nhưng thông tin về các chi tiết cụ thể của các công trình xây dựng khu dân cư đô thị lại thiếu rành mạch. Công trình xây dựng khu dân cư phải là yếu tố cốt lõi quan trọng trong công tác y tế công cộng và thiết kế đô thị, cả về tính chức năng lẫn tính thẩm mỹ.
Sự tham gia của y tế công cộng, nếu tập trung vào mối liên hệ giữa môi trường xây dựng, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và các tác động đối với con người, có thể giúp chúng ta có một cách nhìn nhận mới: thành phố không chỉ là một tập hợp các bộ phận để vận hành mà còn là một nơi để sinh sống. Từ các phong trào Chủ nghĩa đô thị mới và Tăng trưởng thông minh (đã bao quát cả tính thẩm mỹ (khát vọng) và tính chức năng, cũng như bao quát cả quá trình lẫn kết quả của thiết kế đô thị) có thể rút ra mối liên hệ rõ ràng với những nỗ lực của đồ án quy hoạch hiện đại, và những khái niệm toàn diện hơn. Mối liên hệ này có thể giúp có những hiểu biết vượt ra ngoài cách tiếp cận thuần túy về chức năng đối với thiết kế đô thị và sức khỏe. Hơn thế, nó đòi hỏi thành phố và các khu vực lân cận phải trở thành trọng tâm của sự phân tích – sự thay đổi này khá lớn đối với các nghiên cứu hoạt động thể chất, nhưng vẫn còn khiêm tốn để các nhà nghiên cứu khảo sát ảnh hưởng của khu dân cư đối với sự chênh lệch về sức khỏe, tác động của nhà ở, khí hậu đối với sức khỏe.
Chúng tôi đề nghị các nhà nghiên cứu y tế và các nhà thiết kế cùng hợp tác để định nghĩa lại những khái niệm về yếu tố môi trường xây dựng, không phải với tư cách là tập hợp các bộ phận để vận hành, mà với tư cách là kết cấu của cộng đồng, là đối tượng trung tâm của tư tưởng và thực hành. Đặc biệt, không nên quá tập trung vào tính thẩm mỹ của thành phố, mà nên tập trung vào vai trò của các khu dân cư trong đời sống và khát vọng của con người. Điều này giúp cho hai lĩnh vực y tế công cộng và thiết kế đô thị có thể kết hợp theo những cách sâu sắc và lâu dài hơn.
Marlon G. Boarnet and Lois M. Takahashi
Trần Kiều Thanh Hà lược dịch từ sách Đồng hành cùng thiết kế đô thị / Phần III: Những ảnh hưởng / Chương 15: Mối quan hệ mật thiết giữa y tế công cộng và thiết kế đô thị
Lời tựa: Nhằm mục đích hợp tác, mở rộng kiến thức về thiết kế đô thị, một số thành viên trong nhóm dothivietnam@googlegroups.com đã nỗ lực lược dịch cuốn “Companion to Urban Design”, bao gồm 9 phần. Dưới đây là nội dung phần 3: Những ảnh hưởng. Luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình
Em đang nghiên cứu về Lịch sử quản lý đô thị SG. Em kính để nghị Ban quản trị website cho em xin địa chỉ mail để em nhờ anh chị tư vấn về tư liệu. Em chân thành cảm ơn