Giáo sư Annette Kim: “Vỉa hè Sài Gòn là không gian công cộng sống động, nhân bản và hợp tác”

Bài đăng trên Tuổi Trẻ số ngày 5/1/2014

Bài đăng trên Tuổi Trẻ số ngày 5/1/2014

Annette Kim, Phó giáo sư đô thị học và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã có hơn 15 năm nghiên cứu TP.HCM. Bà và cộng sự (KTS Lê Nguyễn Hương Giang) đã tìm thấy ở vỉa hè TP.HCM bình dị những phẩm chất để tạo nên một đô thị sống tốt.

Giáo sư Annette Kim sáng lập Phòng nghiên cứu vỉa hè (Lab Vỉa Hè – SLAB) tại MIT, tìm kiếm những phương pháp họa đồ sáng tạo để mô tả không gian công cộng quan trọng này. Các nhà nghiên cứu tại SLAB đã lăn lộn trên những con phố của sáu phường trung tâm TP.HCM để ghi lại hàng ngàn hoạt động trên vỉa hè và phỏng vấn 250 người bán hàng rong. Kết quả của ba năm làm việc cần mẫn là buổi triển lãm khai mạc ngày 4-1 tại TP. HCM, và một cuốn sách khai phá phương pháp bản đồ địa nhân học dùng trong khảo sát vỉa hè thành phố. TUỔI TRẺ trò chuyện với giáo sư Annette Kim ngay trước giờ khai mạc triển lãm Văn hóa sinh hoạt ngoài trời tại Tp.HCM:

 

Giáo sư đã khám phá được điều gì từ những nghiên cứu và quan sát vỉa hè Tp. HCM?

 

–  GS Annette Kim: Phát hiện thú vị nhất là về mức độ tin tưởng và hợp tác xã hội diễn ra trên vỉa hè. Hầu hết những người bán hàng rong chia sẻ rằng các cửa tiệm thường giúp đỡ họ, cho họ dùng điện nước miễn phí và gửi đồ qua đêm. Lý do để giải thích cho sự giúp đỡ này là vì mọi người hiểu rằng những bán hàng rong cần phải kiếm sống. Thậm chí các cửa tiệm cũng coi những gánh hàng rong là phần bổ sung cho dịch vụ của họ, ví dụ các nhà hàng thì phục vụ đồ ăn còn cà-phê được bán trên vỉa hè. Lý do khác nữa là người dân thấy sự tiện lợi mà những gánh hàng rong mang lại. Những người bán hàng rong cũng hợp tác với nhau như trường hợp ba người bán hủ tiếu, bán nước và bán kẹo góp chung tiền mua bàn ghế nhựa và linh động về chuyện khách ngồi ở đâu. Tất cả những sinh hoạt trên vỉa hè, bao gồm cả buôn bán, chỉ chiếm từ 10% đến 40% không gian, còn để lại khá nhiều chỗ trống cho người đi bộ. Trong khi đó, hoạt động chiếm nhiều không gian nhất là đỗ xe gắn máy.

Trên những vỉa hè TP.HCM, nhiều người cùng chia sẻ không gian cho những hoạt động khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Ở một góc phố, lúc 5g sáng, vỉa hè là nơi ngả lưng của những người muốn hưởng sự thoáng đãng của khí trời. Sau đó là nơi phục vụ bữa sáng và cà phê. Có một khoảng lặng trước khi vỉa hè lại đông đúc trong giờ ăn trưa. Vào lúc xế chiều, vỉa hè là nơi mọi người ngồi nghỉ, ngắm phố phường hoặc mua bán. Tất cả những câu chuyện này diễn ra trên một đoạn vỉa hè. Thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này.

Biểu đồ sử dụng vỉa hè tại một góc phố Tp.HCM. Nguồn: Annette Kim

Biểu đồ sử dụng vỉa hè tại một góc phố Tp.HCM. Nguồn: Annette Kim

Những quan sát này có ý nghĩa như thế nào với một nhà quy hoạch như bà?

– GS Annette KimKhông gian đô thị sống động của TP.HCM có nhiều điều để cho thế giới học hỏi. Và phần lớn sự sống động đó diễn ra trên vỉa hè. Các thành phố trên thế giới đang bối rối với việc quy hoạch và quản lý không gian công cộng như thế nào khi mà có quá nhiều người nhập cư và các đô thị trở nên đông đúc. Cho tới nay, hầu hết các nhà quy hoạch tập trung vào những không gian công cộng hoành tráng như quảng trường. Tuy nhiên, chính những vỉa hè khiêm nhường mới là không gian công cộng quan trọng nhất, nơi mà mọi người sử dụng, gặp gỡ và tương tác với nhau mỗi ngày. Vỉa hè cũng là nơi có thể giúp rất nhiều người kiếm sống và đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội. Từ góc nhìn của nhà quy hoạch, tôi tự hỏi liệu vỉa hè có phải chỉ dành cho người đi bộ? Vỉa hè đa chức năng, cũng giống như khái niệm sử dụng đất hỗn hợp, là một phần tạo nên một thành phố sôi động, bền vững và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng. Vỉa hè ở TP.HCM còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội.

Bên cạnh nét độc đáo, sống động và tính nhân bản như bà nhận định, đâu là những giá trị kinh tế-xã hội của vỉa hè Sài Gòn, thưa bà?

– GS Annette KimCuộc sống vỉa hè là một trong những ấn tượng đậm nhất mà TP.HCM để lại trong lòng du khách. Tôi đã khảo sát du khách quốc tế từ bốn nhóm ngôn ngữ khác nhau xem họ chia sẻ những gì về chuyến đi tới thành phố và 40% những trao đổi là về vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn, uống cà-phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè. Đô thị Sài Gòn khiến nhiều du khách hồi tưởng về quá khứ và tiếc rằng cuộc sống vỉa hè đã biến mất khỏi quê hương họ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng kinh tế vỉa hè là một phần quan trọng của an sinh xã hội. Một số ước tính rằng nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lượng thực phẩm cho thành phố.

Nhiều người cho rằng cuộc sống vỉa hè ở Sài Gòn là biểu hiện của kinh tế phi chính thức và một xã hội còn nghèo với những vấn đề vệ sinh môi trường và trật tự đô thị, bà có đề xuất gì để vỉa hè thành phố trở thành không gian công cộng tốt hơn cho tất cả mọi người mà không làm mất đi những “cá tính” tích cực của nó?

– GS Annette KimÀ, trong khảo sát của chúng tôi, các du khách quốc tế chia sẻ rằng đi bộ trên vỉa hè là phần thú vị nhất nhưng họ không biết định hướng như thế nào và do đó không có cơ hội khám phá thêm về cuộc sống đường phố Sài Gòn. Vào năm 2011, tôi đã đề xuất một dự án thí điểm: sơn một vạch màu dọc theo vỉa hè, nối kết các điểm du lịch chính, đi qua những khu dân cư bình dị, nhằm tạo nên một trải nghiệm thú vị cho du khách. Tôi hy vọng ý tưởng duy trì và bảo tồn những sinh hoạt cộng đồng sống động trên đường phố vẫn còn tiếp diễn. Đó là những gì mà triển lãm của tôi tôn vinh: TP.HCM trong cuộc sống thường nhật.

Đề xuất tuyến đi bộ trong trung tâm Tp.HCM của SLAB - Dự án đã được UBND Tp.HCM phê duyệt năm 2011 nhưng bị đình trệ tới nay

Đề xuất tuyến đi bộ trong trung tâm Tp.HCM của SLAB – Dự án đã được UBND Tp.HCM phê duyệt năm 2011 nhưng bị đình trệ tới nay

Giáo sư đã truyền tải những khám phá của mình vào cuộc triển lãm này như thế nào?

– GS Annette KimCó nhiều điều thú vị diễn ra trên vỉa hè, câu hỏi là liệu chúng ta còn có đủ sự nhạy cảm để nhận ra hay không. Một phần của dự án là nhằm giúp chúng ta nhận ra những điều khiêm nhường kỳ diệu của cuộc sống thường nhật đang diễn ra trong thành phố. Do đó mà những bức ảnh trong triển lãm được ghi nhận bởi những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư. Chúng tôi cũng giới thiệu một trong những phương pháp họa đồ sáng tạo nhất của dự án: những đoạn video họa đồ kể chuyện. Những thước phim dài 5 phút này có thể ghi lại nơi chốn một cách sống động, diễn tả những đổi thay về âm thanh, trong không gian và theo thời gian.

Thật tuyệt vời với tôi khi thấy những người sinh ra và lớn lên ngay tại Sài Gòn, nhìn thấy thành phố mỗi ngày, chợt nhận ra những gì mình đã bỏ qua. Điều đó truyền cho tôi cảm hứng để thực hiện triển lãm này và những thử nghiệm mới với họa đồ, để chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn cuộc sống quanh mình.

Các nghiên cứu và hoạt động của GS Annette Kim tại Tp.HCM

Dự án:

  • Tuyến đi bộ du lịch trung tâm Tp.HCM – Đã được UBND Tp.HCM đã đồng ý thực hiện vào 5/2011
  • Giám khảo cuộc thi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu Tp.HCM, 2007-2008
  • Đánh giá hoạt động thị trường bất động sản và áp lực đất đai tại Tp.HCM – Dự án của Ngân hàng Thế giới – 2000-2001
  • Thành viên nhóm nghiên cứu quy hoạch Nam Sài Gòn, 1996

 Sách:

  • Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng Tp.HCM. NXB Đại học Chicago, 2014
  • Học làm kinh tế tư bản: Các doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế chuyển đổi. NXB Đại học Oxford, 2008
Mật độ các hoạt động vỉa hè (phi giao thông) tại trung tâm Tp.HCM. Nguồn: SLAB

Mật độ các hoạt động vỉa hè (phi giao thông) tại trung tâm Tp.HCM. Nguồn: SLAB

Nguyễn Đỗ Dũng & Đỗ Như Quỳnh thực hiện

Đọc thêm về nghiên cứu vỉa hè Sài Gòn của SLAB: Sài Gòn – thành phố vỉa hè