Thẻ
Quá nhiều sạn trong bản báo cáo mở rộng Hà Nội
Mặc dù được khẳng định là đã chuẩn bị mất 6 năm, bản báo cáo của chính phủ trình quốc hội về việc mở rộng Hà Nội hết sức thiếu thuyết phục, sơ sài và sai sót về thông tin.
Mở đầu, bản báo cáo cho thấy đô thị Hà Nội chật chội và có chất lượng sống thấp thê thảm như thế nào – diện tích cây xanh chỉ đạt 0.9 m2/người, diện tích ở chỉ đạt 10 m2/người, diện tích dành cho giao thông chỉ chiếm 7% diện tích đô thị, v.v… Tuy nhiên, bản báo cáo sau đó lại không lý giải được mối liên hệ giữa việc mở rộng diện tích lên gấp ba lần và việc giúp gia tăng “thực chất” các chỉ tiêu này cho thành phố. Trong thực tế, việc có thêm rừng quốc gia Ba Vì không giúp thành phố xanh hơn. Tương tự, các khu nghỉ dưỡng ở Đồng Mô không giúp làm giảm mật độ dân cư của thủ đô. Tệ hơn, bên cạnh việc thiếu lý luận, bản báo cáo còn đưa ra nhiều con số không có thứ nguyên (không đơn vị) ví dụ: “tỷ lệ cấp nước đạt hơn 60%” (số hộ, số dân hay diện tích?), “tỷ lệ vận tải công cộng chỉ đạt khoảng 7%” (7% cái gì? thế giới thường dùng tiêu chí “vehicle miles” – tổng chiều dài đường đi được của tất cả các phương tiện giao thông, với chỉ tiêu này thì giao thông công cộng khó mà đạt 7%).

Có thêm Ba Vì, nội thành Hà Nội sẽ xanh hơn?
Để gia tăng các chỉ tiêu đô thị, việc cần làm là mở rộng diện tích khu vực nội thành. Cũng theo bản báo cào thì diện tích hành chính của khu vực nội thành đã tăng 4,5 lần (từ 40 km2 lên gần 179 km2) với 9 quận (từ 4 quận ban đầu) trong khi diện tích xây dựng đô thị chỉ tăng gấp đôi trong 15 năm. Nghĩa là việc phát triển đô thị đã không theo kịp với việc gia tăng quĩ đất. Điều này đặt ra một câu hỏi là liệu thành phố có thiếu quĩ đất hay là công tác phát triển cơ sở hạ tầng đang diễn ra quá chậm chạp.
Cũng trong báo cáo này, chính phủ cung cấp một thông tin thú vị là số lượng cư dân vãng lai tại thủ đô lên đến 2 triệu người, tức là tương đương lượng cư dân vãng lai tại thành phố Hồ Chí Minh mặc dù năng lực kinh tế và sức hút lao động địa phương của thủ đô chỉ bằng một nửa so với thành phố. Số lượng lớn dân vãng lai ở Hà Nội có thể được lý giải một phần là do sự tập trung quá nhiều các dịch vụ công (31 bệnh viện, 100 trường đại học, các cơ quan cấp phép) trong thành phố. Tuy nhiên, thay vì đề xuất phân tán các dịch vụ công này ra các tỉnh nhằm cân bằng phát triển vùng và giảm số dân vãng lai, chính phủ lại đề xuất mở rộng Hà Nội để mở rộng quy mô của các dịch vụ này.
Để chứng mình tính phổ biến của mô hình đang theo đuổi, bản báo cáo đã đưa ra một số mô hình quốc tế mà không lý giải nguyên nhân hình thành các mô hình đó. Bản báo cáo đã cho rằng trên thế giởi có hai mô hình phát triển thủ đô chính mà không lý giải những nguyên nhân địa-chính trị và lịch sử đằng sau những mô hình đó. Hai mô hình đó là: thủ đô chỉ là trung tâm hành chính, và thủ đô là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa. Thực ra thì mô hình thứ nhất thường xuất hiện ở những nước mà đa dạng vùng là một đặc trưng nổi bật (mô hình nhà nước thường là liên bang) và người ta muốn tách biệt trung tâm chính trị ra khỏi các trung tâm kinh tế để giảm tập trung quyền lực (tôi cho rằng nên áp dụng mô hình này ở vn). Mô hình thức hai thường xuất hiện ở những quốc gia có bề dày lịch sử, việc lựa chọn thủ đô là một quyết định của lịch sử và thành phố nhận được nhiều ưu đãi để phát triển thành một trung tâm. Thực tế thì chỉ có ở Vn quốc hội mới rỗi hơi ngồi bản thảo xem thủ đô có cần đảm đương vai trò trung tâm kinh tế hay là không (tức là người ta vẫn thích áp đặt tư duy hành chính vào phát triển kinh tế). Không phải nhờ nghị quyết của trung ương mà thành phố HCM mới trở thành trung tâm kinh tế, không cần đến chính sách của chính phủ thì New York vẫn là trung tâm kinh tế của nước Mĩ và thế giới và cũng chẳng ai bên đó bận tâm xem Washington hay New York hay Chicago hay LA mới là trung tâm văn hóa của nước Mĩ. Thất vọng hơn, nhiều ví dụ quốc tế mà báo cáo sử dụng để nói rằng “thế giới cũng làm giống mình” lại không chính xác. Thành phố hành chính Daejeon ở phía Nam Hàn Quốc hay thủ đô Brazilliar ở trung tâm Brazil đều không phải là sự mở rộng địa giới mà là những đô thị hành chính riêng biệt nằm rất xa thủ đô cũ nhằm mục đích tách trung tâm chính trị ra khỏi trung tâm kinh tế và giảm sự mất cân bằng giữa các miền của đất nước. Thành phố Putrajaya của Malaysia tuy nằm gần thủ đô cũ Kuala Lumpur nhưng là một địa giới hành chính độc lập. Những ví dụ này như vậy cho thấy phương pháp giải quyết vấn đề rất khác so với phương pháp mà chính phủ đang đề xuất.
Bên cạnh đó, đề án đã đúng khi cho việc không có thể chế hành chính cấp vùng gây khó khăn cho việc điều tiết và quản lý việc phát triển chung các vùng đô thị. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ là sai lầm nếu mở rộng Hà Nội thành một “siêu” tỉnh như là giải pháp cho sự thiếu sót này bởi lẽ “siêu” tỉnh này sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh tích cực vốn là một nhân tố quan trọng giúp cho sự phát triển của những vùng kinh tế năng động (vùng kinh tế Đông Nam Bộ với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… đã chứng minh điều này). Thêm nữa, không có một địa giới hành chính “siêu” tỉnh nào có thể giúp giải quyết tất cả các vấn đề cấp vùng bởi vì ranh giới vùng rau xanh phục vụ đô thị sẽ khác với vùng phòng thủ quân sự (vốn đã có mô hình quân khu), khác với vùng điều tiết lũ và càng khác với vùng phát triển kinh tế (vốn phải hướng ra biển). Vả lại, kể cả khi “siêu” tỉnh Hà Nội hình thành thì vẫn sẽ nảy sinh những vấn đề cấp vùng với các địa phương mới mà nó tiếp giáp. Cơ quan cấp vùng không chỉ cần cho mỗi Hà Nội mà còn cần cho nhiều vùng đô thị khác đang hình thành như vùng Đà Nẵng – Huế – Hội An, vùng Sài Gòn – Biên Hòa – Thủ Dầu Một. Giải pháp “đặc cách” cho Hà Nội nhập tỉnh để quy hoạch vùng sẽ là thành một tiền lệ xấu cho các vùng khác.
Trước kia, việc tính toán sai lầm về quy mô dân số Hà Nội đã dẫn đến việc xây dựng sân bay Nội Bài cách thành phố hơn 30 km, và cây cầu Thăng Long tốn kém nhưng ít người dùng trong khi cầu Long Biên và Chương Dương tắc nghẽn mỗi ngày. Gần đây hơn, bản qui hoạch thành phố phát triển về phía bắc sông Hồng nặng tính thẩm mỹ nhưng xa rời thực tế đã không thể thực hiện được. Những bài học lịch sử này cho thấy sự phát triển của Hà Nội cũng như bất cứ một thành phố nào khác phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế và năng lực đáp ứng sự phát triển đó của chính quyền thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, chứ không phải các quyết định hành chính. Việc mở rộng Hà Nội có thể là cần thiết nhưng cách người ta tư duy, lập luận và thực hiện đặt ra quá nhiều nghi ngờ cho giới chuyên môn. Không phải diện tích nhỏ hẹp mà có lẽ chính tư duy và cơ chế đang kìm hãm sự phát triển của thủ đô.
Nguyễn Đỗ Dũng
Ý kiến độc giả