Đánh giá lại các thách thức trong quá trình đại đô thị hóa của Đông Nam Á

T.G. MC GEE

Giáo sư danh dự Đại học British Columbia,Vancouver, Canada

E-mail: tmcgee@interchange.ubc.ca

 

 NHẬP ĐỀ

 

    Tham luận này nhằm tìm hiểu về những thách thức lớn mà sự tăng trưởng của đô thị hóa tại Đông Nam Á đặt ra cho vấn đề chính sách. Bài viết tập trung vào sự hình thành các vùng đại đô thị (VĐĐT). Tuy chỉ chiếm khoảng16% dân số khu vực, các vùng này đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của từng quốc gia.  Ngoài ra, với vai trò là cửa ngõ và điểm nối kết trong nền kinh tế ngày càng hội nhập của khu vực Đông Nam Á và của toàn cầu, các VĐĐT giữ vị trí then chốt trong hoạt động kinh tế quốc gia. Vì vậy, việc đề ra các hệ thống quản lý, điều hành, và quy hoạch đô thị hữu hiệu để có được những vùng đô thị bền vững, duy trì hoạt động kinh tế, an sinh xã hội, và điều kiện sống tốt, đang trở thành những vấn đề trung tâm của chính sách. Bài viết sẽ cố gắng trả lời 6 câu hỏi chính:

  1. Các động lực nào thúc đẩy đô thị hóa ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại các VĐĐT
  2. Mô hình đô thị hóa ở Đông Nam Á tương ứng thế nào với các xu hướng đô thị hóa toàn cầu?
  3. Các đặc điểm chính của sự hình thành các VĐĐT ở Đông Nam Á là gì?
  4. Các đặc điểm không gian chính của VĐĐT ở Đông Nam Á là gì?
  5. Đâu là những thách thức lớn của vùng ven các VĐĐT và tại sao các vùng ven lại đóng vai trò quan trọng trong các chính sách phát triển đô thị bền vững?
  6. Trước những thách thức đó, chủ yếu cần phải có những chính sách nào?
  7. Các câu hỏi này sẽ được trả lời tuần tự nhiều bước. Bước đầu tiên là phân tích các lực tác động ở cấp toàn cầu và cấp địa phương dẫn đến việc hình thành các VĐĐT ở Đông Nam Á. Bước thứ hai là phần phác họa các thành phần dân số của mô hình đô thị hóa này. Phần tiếp theo sẽ tìm hiểu các hệ quả chính về kinh tế, xã hội và môi trường của các mô hình đô thị hóa đó, đặc biệt là các tác động lên vùng ven của các VĐĐT. Sau đó là phần tóm tắt các chính sách chủ yếu cần thiết để quản lý các thách thức đô thị.

  Sau cùng, xin cho phép tôi nhấn mạnh rằng khi tìm hiểu về đô thị hóa ở Đông Nam Á, ta phải xét trong bối cảnh của 3 thực tế đang diễn ra trong tình hình đô thị hóa hiện nay trên quy mô toàn cầu:

(1) Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, trong thế kỷ 21 này, trên 50% dân số toàn cầu sẽ sống trong các khu đô thị.

(2) Việc chuyển dịch dân số từ nông thôn sang thành thị này sẽ kéo theo sự thay đổi về phân bố dân cư đô thị, tạo nên sự khác biệt giữa các khu đô thị có quy mô khác nhau, cụ thể là ngày càng có nhiều khu đô thị lớn có dân số trên 20 triệu người.

(3) Các trung tâm đô thị đang ngày càng có vai trò quan yếu vì là điểm tập trung một phần lớn dân số thế giới. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho việc quản lý nhà nước, tính bền vững của môi trường, và sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

 

1. CÁC LỰC TÁC ĐỘNG LÊN ĐÔ THỊ HÓA

 

Trước hết, tôi xin trình bày một số vấn đề lý thuyết thường được dùng làm cơ sở khi bàn luận về chính sách cho các mô hình đô thị hóa hiện nay ở cấp toàn cầu nhưng cũng áp dụng cả cho khu vực Đông Nam Á. Theo tôi, điểm đáng lưu ý nhất là các nhà nghiên cứu hiên nay cứ nhất mực cho rằng chủ yếu là các lực toàn cầu hóa đã tác động và gây ra đô thị hóa trong khu vực. Các chính sách về đô thị hóa hiện nay ở các quốc gia Đông Nam Á phần lớn đều xuất phát từ quan điểm cho rằng để phát triển cần phải gia tăng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, vì thế cần phải khuyến khích sự tăng trưởng của các trung tâm đô thị nhằm tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập. Như thế, các quốc gia này đã tạo ra những lộ trình phát triển đô thị đăt ra những thách thức lớn hơn cho môi trường, nhu cầu năng lượng, an ninh lương thực, bất bình đẳng trong khu vực, cùng các vấn đề kinh tế – xã hội khác.

Do dựa trên những quan điểm như vậy mà suốt 30 năm qua, mặc dầu nhiều chính phủ cam kết thực hiện phát triển nông thôn, an ninh lương thực, và giải quyết nạn nghèo đói dai dẳng ở nông thôn, các nhà nghiên cứu và các nhà đề ra chính sách tại nhiều quốc gia đang phát triển vẫn thiên về các chiến lược phát triển càng ngày càng coi trọng việc chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế quốc gia của họ sang các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ và gia tăng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Họ làm thế là vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do là lâu nay người ta vẫn tin tưởng mạnh mẽ rằng tốt nhất nên đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ để thu lợi nhiều hơn là nông nghiệp. Ngoài ra, người ta cũng tin rằng đô thị hóa là tất yếu trong quá trình xây dựng nên một nhà nước hiện đại; quả vậy, người ta cho rằng, trong các vùng đô thị, hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, việc hình thành các thị trường đại trà, và năng suất tăng cao đã làm cho các thành phố trở thành vô cùng quan yếu cho quá trình phát triển (Lampard 1955, Scott J 1998 Scott 2001). Hệ quả của cách nhìn này được thể hiện rất rõ tại các quốc gia Đông Á đã phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Các quốc gia này có đặc điểm là đô thị hóa nhanh, sản xuất công nghiệp tăng, và khu vực dịch vụ đô thị ngày càng đóng vai trò quan trọng. Điều này cũng đúng đối với một số quốc gia Đông Nam Á như Malaixia, Inđônêxia, Thái Lan, Phi-líp-pin và các nước mới công nghiệp hóa như Việt Nam. Tuy nhiên, Lào, Campuchia, và Myanma chỉ mới bắt đầu lộ trình này, còn hai “quốc gia-thành phố” là Singapore và Brunei thì đã đi theo một lộ trình thậm chí còn nhanh hơn. Dĩ nhiên, những việc phát triển kể trên còn được thúc đẩy mạnh hơn bởi sự gia tăng hội nhập của Đông Nam Á vào nền kinh tế toàn cầu trong đó các quốc gia-thành phố như Hồng Koong và Singapore tiếp tục giữ một vai trò quan trọng. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nền kinh tế tại các quốc gia đã phát triển, một phần của quá trình toàn cầu hóa đang gây nhiều tranh cãi, cũng góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình nói trên, và trên thế giới đã xuất hiên một sự phân công lại các hệ thống sản xuất toàn cầu. (Olds et al 1999. Mc Gee and Watters 1997,).

 Một hệ quả khác của các chiến lược phát triển theo định hướng đô thị này là trong các nền kinh tế phát triển cao hơn ở Châu Á tỉ lệ dân số làm nông nghiệp đã giảm; dân số ở nông thôn cũng sụt xuống; diện tích đất canh tác của các hộ gia đình giảm mạnh và nông nghiệp được tái cơ cấu theo hướng ngày càng chú trọng đến các hoạt động thuần vốn và phi nông nghiệp, thuê lao động di dân và nhập khẩu lương thực; và năng suất nông nghiệp tăng cao. Chính điều này đã dẫn đến sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị, làm cho dân chúng trong các vùng nông thôn di cư ngày càng nhiều dưới dạng di dân quốc tế, dời lên thành phố, hoặc di cư theo thời vụ.  (Rigg 2001 Hugo 2006)

Các chính sách đã thúc đẩy các xu hướng kể trên được dựa trên các lý thuyết phát triển cho rằng các xã hội đang phát triển hiện đang trải qua thời kỳ quá độ từ kém phát triển thành phát triển. Tốc độ và quy mô của quá trình này ở mỗi quốc gia và mỗi tiểu vùng mỗi khác nhưng đó là một xu hướng toàn cầu. Quan điểm này cũng tương tự như: 1/quan điểm quá độ từ truyền thống sang hiện đại; 2/quan niệm quá độ dân số cho rằng các xã hội đều đi qua các giai đoạn tăng trưởng dân số thấp, sang tăng trưởng dân số cao, rồi lại trở về tăng trưởng dân số thấp; 3/quan niệm quá độ về môi trường cho rằng xã hội càng phát triển thì càng nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến sự bền vững trong bối cảnh các vấn đề về môi trường đang tăng; 4/và cuối cùng là quan niệm đô thị hóa cho rằng khi các quốc gia phát triển cao hơn, sẽ không thể không xảy ra sự thay đổi mức độ đô thị hóa từ thấp đến cao.

 Các lý thuyết quá độ nói trên đều dựa trên ba điều mặc nhận. Điều mặc nhận đầu tiên là việc quá độ là tất yếu, dù ở mỗi quốc gia xảy ra mỗi khác. Thứ hai, việc quá độ là tuyến tính, và để phát triển, các quốc gia bắt buộc phải đi qua một số giai đoạn, dù các giai đoạn dài, ngắn khác nhau tùy từng quốc gia. Thứ ba, việc quá độ ở nông thôn và đô thị là riêng rẽ. Mặc nhận này về cơ bản tách biệt nông tôn khỏi thành thị, như được thể hiện qua cấu trúc không gian và hành chính trong các xã hội. Như vậy, lý thuyết quá độ cho rằng trong quá trình phát triển, các quốc gia cần phải tái sắp xếp lại không gian.

Trọng tâm của bài viết này là: Nếu được dùng như một mô hình để nghiên cứu về đô thị hóa, các lý thuyết về quá độ đều sai sót. Lý do theo tôi là, dựa theo Marcotullio và Lee, các điều kiện quá độ bây giờ rất khác. Trước hết, tốc độ quá độ đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước đây. Đối với quá độ môi trường, Marcotullio và Lee cho rằng “…. điểm đặc thù của thời nay là quá độ đang diễn ra cấp tốc trong một quãng thời gian rất ngắn” (Marcotullio and Lee 2003:331.) Điều này được minh họa rất rõ trong Hình 1, cho thấy sự thay đồi về mức độ đô thị hóa ở các quốc gia Anh-xứ Wales, Mexico, và Trung Quốc. Ta thấy rõ là để đạt được mức độ đô thị hóa như các quốc gia kia, Trung Quốc chỉ mất nửa thời gian so với 100 năm của các quốc gia đó, và dĩ nhiên số dân liên quan cũng cao hơn rất nhiều. Marcotullio và Lee còn cho rằng các giai đoạn quá độ ngày nay đang chồng lặp lên nhau “trong một quá trình quá độ cấp tốc trong một quãng thời gian ngắn hơn rất nhiều so với trước đây.” (sách đã dẫn tr. 331)

image002

Hình 1: Quá độ cấp tốc.  Biểu đồ gia tăng mức đô thị hóa ở: Anh-xứ Wales, Mexico và Trung Quốc

Về cơ bản, việc quá độ cấp tốc được thúc đẩy bởi sự tăng tốc của các dòng lưu chuyển giao dịch về người, hàng hóa, vốn, và thông tin giũa các quốc gia và trong từng quốc gia. Trên bình diện quốc tế, cuộc cách mạng về giao dịch này thường được coi là một phần trong kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa, chủ yếu là do việc các quốc gia khuyến khích đầu tư nước ngoài. Trên bình diện quốc gia, cuộc cách mạng về giao dịch lại khác ở chỗ, là nó chủ yếu nằm ở các dòng lưu chuyển về người, hàng hóa, thông tin và vốn trong phạm vi các nền kinh tế quốc gia… (Xem Hình 2). Như vậy, hiểu theo nghĩa năng động, phát triển được coi là một quá trình biến đổi không gian kinh tế quốc gia, và thực tế cho thấy sự thay đổi này là do tương tác và nối kết thì đúng hơn là do các quá độ diễn ra riêng rẽ ở nông thôn và đô thị. Ở châu Á ngày nay, sự biến đổi sâu sắc từ nông thôn sang thành thị được tạo nên do một mạng lưới các điểm nối kết đang hình thành một không gian năng động gồm các dòng lưu chuyển về người, hàng hóa, thông tin, và vốn.

image004

Hình 2: Không gian giao dịch toàn cầu hóa

Như vậy, ta phải công nhận rằng có những “mạng lưới vĩ mô” đang tái cấu trúc lại không gian đô thị, đặc biệt tạo nên những mạng lưới giao dịch có cường độ cao tập trung tại các VĐĐT, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các vùng đó rất cao nhưng đồng thời gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội và làm gia tăng sự chênh lệch trong phạm vi từng quốc gia. Trong một số ấn phẩm, Douglass đã nêu rõ mức độ độ các VĐĐT liên quan đến các dòng lưu chuyển vốn khác nhau (cấp địa phương, vùng, và quốc tế) đã ảnh hưởng rất nhiều đến diện mạo của các VĐĐT. Ông liên hệ sự phát triển đô thị với 4 giai đoạn chính của việc hình thành vốn trong khu vực, đó là: (1) một giai đoạn mua bán hàng hóa khá dài (chủ yếu là nông sản và tài nguyên). Đây là đặc điểm của thời kỳ thuộc địa; (2) giai đoạn sản xuất công nghiệp (sản xuất để thay thế nhập khẩu và để xuất khẩu vào những năm 1970 và 1980; (3) giai đoạn thống trị của franchise và bán lẻ toàn cầu, trong đó các VĐĐT càng ngày càng quan trọng với vai trò trung tâm tiêu thụ; và cuối cùng (4) là giai đoạn mở rộng vốn tài chính toàn cầu từ giữa những năm 1990, khi vốn bắt đầu được chủ yếu  rót vào các đại dự án và phát triển đất. (Jones and Douglass 2007). Các thời kỳ này liên quan chặt chẽ với các tiến trình đô thị hóa ở Đông Nam Á trong lịch sử, sẽ được nói đến ở Phần 3. 

 2. ĐÔ THỊ HÓA Ở ĐÔNG NAM Á TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU (2)

 Theo những dự báo dài hạn của LHQ, ước lượng dân số thế giới sẽ tăng từ 6.06 tỉ năm 2000 lên 8.27 tỉ tính đến năm 2030. Điều đáng chú ý nhất trong dự báo này là hầu hết mức tăng này sẽ xảy ra tại các khu đô thị, tại đó dân số sẽ tăng từ 2.86 tỉ lên 4.98 tỉ. Một điều nữa cũng quan trọng không kém là trên 90% mức tăng dân số đô thị này sẽ xảy ra tại các nước kém phát triển hơn.

Như nhận định đưa ra tại một hội thảo về các xu hướng đô thị hóa ở Đông Nam Á, cần phải thấy rằng một phần lớn mức tăng dân số đô thị sẽ xảy ra tại Châu Âu. Như vậy, từ năm 2000 đến năm 2030, 58% (tương đương 1.3 tỉ) tổng mức tăng dân số đô thị toàn cầu sẽ xảy ra tại khu vực Châu Á, chủ yếu là tại các quốc gia đông dân nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, In-đô-nê-xia, Bangladesh. Đông Nam Á sẽ chiếm 16% mức tăng dân số đô thị này, nhưng phần lớn sẽ xảy ra tại quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á là In-đô-nê-xi-a. Vì vậy khi bàn về các xu hướng đô thị hóa ở khu vực, chúng ta phải xét đến ảnh hưởng chung của In-đô-nê-xi-a.

Khu vực Đông Nam Á lâu nay vẫn được coi là một vùng có nhiều nền văn hóa và hệ thống chính trị đa dạng, và các mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Như thế, các quốc gia Đông Nam Á đang đi theo những lộ trình đô thị hóa đa dạng như sẽ nói trong phần sau.

Hiện người ta vẫn đang bàn cãi về sự phân phối mức tăng dân số đô thị này giữa các thành phố có quy mô khác nhau sẽ chênh lệch như thế nào. Các thống kê của LHQ cho thấy, tính đến năm 2015, tại các quốc gia kém phát triển, tỉ lệ dân tại các khu đô thị có dân số dưới 500,000 người sẽ hơi giảm, từ 51.2% năm 2000 xuống còn 49.0% năm 2015. Trong cùng thời gian đó, tỉ lệ dân trong các khu đô thị có dân số trên 5 triệu sẽ tăng từ 14.5 lên 16.8%. Còn các số liệu của Đông Nam Á cho thấy tỉ lệ dân sống tại các khu đô thị có dân số dưới 500,000 sẽ giữ nguyên ở mức 64% trong khi tỉ lệ dân tại các khu đô thị có dân số trên 5 triệu sẽ tăng từ 16 đến 20%. Như vậy, ở Đông Nam Á, tại các khu đô thị nhỏ, dân số sẽ không thay đổi, và điều này cho thấy chính sách đang quan tâm quá nhiều đến các vùng đô thị lớn mà ít để ý đến các khu đô thị thứ cấp, đồng thời chính sách cũng ưu tiên cho vấn đề dãn dân tại các thành phố lớn hơn. Nhưng khi phân tích kỹ hơn thực tế đang diễn ra tại các VĐĐT, ta thấy số liệu của LHQ chưa nêu đúng mức dân số tại các vùng này, và như thế các thách thức đặt ra cho chính sách tại các vùng này vẫn rất lớn. Trong các báo cáo nghiên cứu khác, tôi đã công bố một phân tích chi tiết về nguyên nhân của vấn đề nêu trên, trong đó tôi cho rằng thuật ngữ “vùng đô thị nới rộng” sẽ thể hiện được quy mô của các VĐĐT chính xác hơn.

Vì vậy khi bàn về những thách thức đến từ các VĐĐT ta cần phải xác định rõ các đặc điểm của các vùng này.

Đơn giản nhất là định nghĩa các VĐĐT theo nghĩa rộng. Như vậy, một VĐĐT là nơi tập trung tỉ lệ GDP và dân số đô thị đang tăng cao. Để đo lường được mức tăng này về mặt thời gian, cơ sở duy nhất có thể sử dụng là các số liệu thống kê được công bố hai năm một lần của Ban Dân số LHQ, gồm các dữ liệu liên quan đến các khu đô thị có dân số trên 1 triệu. Tuy nhiên cơ sở dữ liệu này vẫn không đủ để tính toán cho các VĐĐT vì các số liệu trong đó đều dựa vào các định nghĩa hành chính và thường chỉ giới hạn vào từng thành phố riêng lẻ mà không xét đến toàn bộ các thành phố nằm trong mạng lưới của các VĐĐT. (Xin xem Montgomery et.al 2004 và Champion and Hugo 2004)

Có một cách tốt hơn để xác định đặc điểm của các VĐĐT là đo lường mức độ hội nhập về mặt chức năng tại các VĐĐT qua các chỉ số như lưu lượng giao thông, các điểm kết nối kinh tế (công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp), thị trường lao động, và di dân, tức là những yếu tố tạo nên “không gian giao dịch” của VĐĐT. Tại các quốc gia, thường các VĐĐT có “không gian giao dịch” phát triển nhất, tập trung nhiều nhất vốn nhân lực, xã hội và kinh tế, có cơ sở hạ tầng phát triển. Vì vậy, các VĐĐT là môi trường thu hút vốn và di dân từ trong nước cũng như nước ngoài.

Một đặc điểm chính của các VĐĐT là đô thị hóa hiện đang lan tỏa từ các điểm nút đô thị nhờ hệ thống giao thông đã được cải thiện và tăng trưởng kinh tế. Tại hầu hết các quốc gia (trừ Nhật) phương tiện giao thông chủ yếu là xe cơ giới, nhưng hiện nay một số quốc gia đã phát triển hơn như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore đã chọn mô hình của Tokyo là hệ thống tàu điện ngầm kết nối với xe buýt ở các vùng ngoại thành. Sự mở rộng đô thị nói trên một phần cũng xuất phát từ việc di dời sản xuất công nghiệp ra vùng ven đô và tái cơ cấu lại khu trung tâm theo hướng dịch vụ. Khi các khu trung tâm được tái cơ cấu để chuyển đổi từ sản xuất công nghiệp sang dịch vụ, dân nội thành sẽ dời ra ngoài, dẫn đến việc dãn dân, và đây cũng là một yếu tố quan trọng trong việc lan tỏa của đô thị hóa. Việc dãn dân này dẫn đến sự hình thành các hành lang đô thị lớn, chẳng hạn các hành lang Tokyo – Osaka, Seoul – Pusan, Taipei – Kaoshuing. Ở Đông Nam Á thì có hành lang Jakarta – Bandung ở đảo Java, đồng thời có những hành lang quy mô nhỏ phát triển dọc theo các đường huyết mạch nối khu trung tâm đô thị với các phi trường, khu công nghiệp, cảng, và khu dân cư mới tại các VĐĐT ở Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nếu khu vực Đông Nam Á đi theo mô hình phát triển hành lang này của các quốc gia mới công nghiệp hóa ở Đông Á, rất có khả năng sẽ xuất hiên thêm các hành lang đô thị, thí dụ hành lang đô thị nối Hà Nội – Hải Phòng với thành phố Hồ Chí Minh, ở giữa có Đà Nẵng, cũng là một VĐĐT mới xuất hiên, và hành lang đô thị nối VĐĐT Bangkok với Singapore đi qua VĐĐT Kuala Lumpur.

Trên quy mô toàn cầu, hiện đang có những tiến trình tạo thuận lợi cho việc hình thành các VĐĐT, đồng thời cũng buộc các khu đô thị phải càng ngày càng tăng khả năng cạnh tranh hơn, để thu hút thêm đầu tư và quảng bá hình ảnh của mình trên thế giới. Mặc dầu đầu tư công nghiệp đang thống trị tiến trình hội nhập, nền kinh tế dịch vụ toàn cầu hiện cũng đang ngày càng hội nhập hơn, nên cần phải thu hút cho được một phần các giao dịch quốc gia và toàn cầu này bằng cách phát triển các dịch vụ tài chính, du lịch, và hội nghị. Mặc dầu cho tới nay, sự cạnh tranh thu hút “vốn giao dịch” này chủ yếu vẫn do từng thành phố riêng lẻ thực hiện, nhưng càng ngày người ta càng ý thức rằng cần phải đề ra những chiến dịch tiếp thị để quảng bá về các cơ hội cho cả một vùng rộng lớn hơn.

Chính vì vậy mà các VĐĐT đang trở thành những cỗ “máy” phát triển kinh tế tại các quốc gia, và thường đóng góp trên 50% GDP quốc gia. Do phát triển thành công như vậy, nên các VĐĐT cũng gây ra những thách thức cho chính sách, chủ yếu là:

 (1) Thiết lập những hệ thống quản lý và điều hành hữu hiệu cho các VĐĐT

(2) Làm cho các VĐĐT phát triển bền vững trong bối cảnh môi trường đang suy thoái và cạnh tranh kinh tế toàn cầu gay gắt. 

(3) Mang lại cho các VĐĐT những điều kiện sống tốt về mặt công ăn việc làm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, và chính sách xã hội..

4) Làm sao cho người nghèo và người kém may mắn sống tốt trong các VĐĐT để họ có công ăn việc làm và được hưởng các dịch vụ như y tế và giáo dục.

 3. SỰ HÌNH THÀNH CÁC VĐĐT Ở ĐÔNG NAM Á  (3)

 

Trong phần này tôi tập trung phân tích sự tăng trưởng của một số vùng đô thị nới rộng ở Đông Nam Á. Nhưng trước hết cần phải có một cái nhìn tổng quan về quá trình đô thị hóa ở khu vực. Về mặt lịch sử cần phải thấy rõ là khu vực Đông Nam Á có một truyền thống đô thị phông phú. (Askew and Logan 1994) Trước khi tiếp xúc với phương Tây, tại khu vực này đã diễn ra hoạt động mua bán và giao lưu văn hóa rất đa dạng với các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc và Ấn Độ. Thời kỳ này xuất hiện hai loại đô thị. Thứ nhất là các thành phố thương mại như Malaka và Palembang, chủ yếu dựa trên dựa trên hoạt động mua bán sầm uất liên vùng, giữa các vương quốc bản địa với nhau, và các hoạt động mua bán với Trung Quốc và Ấn Độ. Loại thành phố thứ hai là các linh địa, được coi là biểu tượng quốc gia, được đặt trong một vũ trụ quan thống nhất nối kết trời và đất.” Nổi bật nhất này là thành phố Khơ-me Angkor Thom được xây dựng vào thế kỷ 12. Tuy nhiên, chính các cường quốc phương Tây đã thiết lập mạng lưới đô thị cơ bản của Đông Nam Á. Ở giai đoạn đầu từ năm 1500 đến 1800, người phương Tây chỉ tập trung xây dựng các cảng như Malaka, Batavia và Manila để dùng làm căn cứ hải quân và kho chứa hàng hóa cho các hoạt động mua bán của họ. Nhưng từ giữa thế kỷ 18 trở đi, cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu đã làm phát sinh nhu cầu về thị trường và nguyên liệu, vì thế, trong quá trình mở rộng vùng thuộc địa của mình, người phương Tây cố gắng kiểm soát không chỉ vùng biển mà cả đất liền, và tạo nên một mạng lưới các khu đô thị. Nhìn chung, loại hình đô thị phổ biến nhất trong thời kỳ này là là các thành phố – cảng lớn, đa chức năng, như Singapore, Batavia, Manila, Rangoon, Sài gòn – Chợ lớn. Các thành phố cảng này đảm nhiệm một phần lớn các chức năng đô thị. Bangkok cũng giữ những chức năng tương tự, tuy cố gắng không trở thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây. Thời kỳ này cũng hình thành một loại đô thị thứ cấp hơn, có chức năng khá đa dạng, thí dụ các “hoàng thành,” các trung tâm khai thác mỏ, hành chính, và dịch vụ nhỏ, nhằm mục đích hỗ trợ các mạng lưới kiểm soát và khai thác thuộc địa. Như vậy trong giai đoạn thuộc địa kể từ 1800 đã hình thành một mô hình đại đô thị hóa.

Hầu hết các thành phố lớn nhất thời ấy đều chiếm một tỉ lệ dân số lớn của các thuộc địa và có diện tích lớn hơn rất nhiều so với các thành phố được thiết lập về sau. Tính đến đầu những năm 1840, Rangoon lớn gấp 3 lần Mandalay và ở Đông Dương, Sài gòn – Chợ lớn rộng hơn rất nhiều so với Hà Nội. Trong hệ thống đô thị của thời kỳ thuộc địa trước 1940, các thành phố lớn tiên khởi đóng vai trò chủ đạo. Các thành phố này thường có dân số trên 1 triệu, hoạt động chủ yếu là buôn bán, có kết hợp với các chức năng hành chính và quốc phòng. Công nghiệp thì không có gì nhiều ngoại trừ một ít hoạt động chế biến nguyên liệu. Còn đa số dân chúng thì tham gia các hoạt động thứ cấp hơn, nổi bật nhất là các cộng đồng di dân người Hoa và Ấn Độ.

Trong thời kỳ hậu chiến sau 1945, với sự lên cao của tinh thần dân tộc và sự hình thành của các nhà nước độc lập, các mô hình đô thị hóa thay đổi một cách triệt để. Đặc điểm của thời kỳ này là các thành phố lớn bắt đầu đảm nhiệm vai trò trung tâm hành chính của quốc gia. Tại các thành phố tiên khởi, các biểu tượng chính trị của nhà nước mới độc lập, nhà quốc hội, tượng của các lãnh tụ chính trị yêu nước, được đưa vào cảnh quan đô thị. Ngoại lệ duy nhất của thời kỳ này là Hà Nội, ở Việt Nam.  Tính đến năm 1960 chỉ có hai nước (Singapore và Brunei) là đạt tới mức độ đô thị hóa tương đương các quốc gia đã phát triển và cả hai có thể được gọi là quốc gia-thành phố. Về tốc độ, người Mã-lai đô thị hóa rất nhanh, tăng từ 24 lên đến 30%. Trong thập kỷ này, mức độ đô thị hóa ở các nước khác ở Đông Nam Á vẫn còn thấp thể hiện qua việc dân số nông thôn tiếp tục tăng nhanh hơn dân số thành thị. Cấu trúc kinh tế của các thành phố không thay đổi mấy, và lượng di dân từ nông thôn đang tăng gây thêm áp lực cho cơ sở hạ tầng tại chỗ như nhà ở, đường sá, điện, nước. Nhiều di dân đến sống trong các khu dân cư bất hợp pháp ở vùng ven, trên các khu đất trống hoặc các nhà chung cư chật chội ở nội thành. Vào thời kỳ này bắt đầu mọc lên loại nhà cửa mới dành cho giới thượng lưu mới nổi ở các khu đất ngoại ô như Kenny Hill ở Kuala Lumpur, và Makata City ở Phi-líp-pin.

Từ năm 1960 đến 1990, mô hình này bắt đầu thay đổi triệt để. Trước hết, như được thể hiện trong Bảng 2, mức độ đô thị hóa bắt đầu có chênh lệch rất lớn giữa một bên là các quốc gia có mức đô thị hóa rất thấp như Campuchia, Lào, Myanma, và Việt Nam (dưới 25%) và một bên là những nước đang tăng mức đô thị hóa của mình lên trên 30% như Indonesia, Thái Lan, Phi-líp-pin, Singapore và Brunei. Có ba điều kiện chính góp phần tạo nên sự chênh lệch này. Thứ nhất là điều kiện địa chính trị của Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh đang tăng cao dẫn đến sự phân chia rất rõ giữa một bên là các quốc gia xã hội chủ nghĩa của khu vực (Lào và Việt Nam) cùng với các quốc gia đang bị lên án là Campuchia và Myanma, và một bên là các nước theo phe tư bản như Singapore, Thái Lan, Malayxia, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia và Brunei. Trong các nền kinh tế chỉ huy bị chiến tranh tàn phá, mọi sức lực đều dồn vào việc tái thiết xã hội, một xã hội chủ yếu là nông nghiệp với mức độ đô thị hóa rất thấp. Còn trong các nước theo tư bản, chính sách của nhà nước tập trung vào tăng năng suất nông nghiệp và tăng trưởng công nghiệp nhằm thay thế nhập khẩu nhờ nguồn đầu tư quốc tế, từ đó tốc độ đô thị hóa càng tăng cao hơn nữa.

Một điều kiện thứ hai gây ra chênh lệch về mức độ đô thị hóa giữa các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn này là sự tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình các quốc gia đã phát triển bắt đầu tái cơ cấu lại nền kinh tế của mình từ những năm 1960. Singapore, Thái Lan, Malayxia, Phi-líp-pin, và In-đô-nê-xia trở thành những nơi tập trung một lượng lớn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp nhằm mục đích sản xuất cho tiêu dùng nội địa hoặc xuất khẩu, từ đó hình thành các khu công nghiệp, khu xuất khẩu tự do, phi trường và cảng công-te-nơ, và các cơ sở hạ tầng khác tập trung vào các VĐĐT chính tại các quốc gia đó. Chẳng hạn, tính đến 1985, gần 60% công nghiệp sản xuất ngoài ngành dầu mỏ đều tập trung ở VĐĐT Jabotakek. Tính đến năm 1989, tại 6 quốc gia tư bản của Đông Nam Á kể trên, sản xuất công nghiệp đã đóng góp vào GDP nhiều hơn nông nghiệp.

Một điều kiện thứ ba là sự tăng trưởng của du lịch trong khu vực. Vào đầu những năm 1960, hầu hết mỗi VĐĐT của các quốc gia tư bản theo cơ chế thị trường trong khu vực đón không tới 100,000 du khách/năm nhưng đến cuối những năm 1980, số lượng du khách vượt 1 triệu. Thành quả này là nhờ gia tăng và nâng cao chất lượng các dịch vụ như tài chính, dẫn đến sự thay đổi diện mạo của khu trung tâm của các VĐĐT với sự xuất hiện của nhiều khách sạn và khu thương mại. Thời kỳ này dân số trung lưu gia tăng rất nhanh đồng thời nhà ở cho nhu cầu của họ cũng phát triển mạnh. Trong khi đó, các nước xã hội chủ nghĩa không tham gia vào quá trình này vì họ đang lo tái thiết và xây dựng lại các hệ thống kinh tế và chính trị của mình.

Những điều kiện nói trên đã tạo nên bốn mô hình đô thị hóa ở Đông Nam Á vào cuối những năm 1980. Thứ nhất, Singapore nổi lên như là trung tâm của khu vực khi chính phủ Singapore bắt đầu một chương trình đầy tham vọng nhằm biến quốc gia này thành đô thị hậu công nghiệp hàng đầu ở Đông Nam Á. Ngành công nghiệp thuần lao động được nhanh chóng tái cơ cấu và chuyên ra nước ngoài, sang miền nam Johor của Malaixia và đảo Batam thuộc tỉnh Riau của In-đô-nê-xi-a trong một dự án xây dựng một vùng tam giác tăng trưởng của khu vực tận dụng kết hợp được các thế mạnh sản xuất trong vùng. (Macleod and Mc Gee 1996)

Thứ hai là một nhóm các quốc gia đang đô thị hóa trong những điều kiện chính trị xã hội bất ổn hơn nhiều. Ở Malayxia, di sản của thời kỳ thực dân là một xã hội đa sắc tộc gồm người Mã-lai, người Hoa, và người Ấn Độ cùng tồn tại trong một bối cảnh mà quyền lực chính trị phần lớn nằm trong tay những người Mã-lai chủ yếu tập trung ở nông thôn còn quyền lục kinh tế lại do người Hoa ở thành thị nắm giữ. Những vụ bạo động sắc tộc xảy ra năm 1969 do số người Mã-lai bất mãn khởi xướng tại các trung tâm đô thị chính đã dẫn đến việc hình thành chính sách Tân Kinh tế, qua đó người Mã-lai được phép tham gia vào các ngành công nghiệp mới đang phát triển rất nhanh vào thời đó, nhờ vậy mà số dân Mã-lai ở các vùng đô thị tăng lên. Còn ở Phi-líp-pin và Thái Lan, sự bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị đã gây ra làn sóng di cư của dân nông thôn lên đô thị nhưng do tăng trưởng công nghiệp chậm lại nên nạn nghèo đói ở đô thị vẫn tồn tại dai dẳng.

Thứ ba là In-đô-nê-xi-a với một mô hình đô thị hóa khác, đặc biệt là ở đảo Java nơi có mật độ dân nông thôn rất cao do họ di cư theo thời vụ, mỗi tháng về nhà hai ba lần và dùng thu nhập kiếm được ở thành phố để chu cấp cho gia đình ở nông thôn.

Cuối cùng là các nước xã hội chủ nghĩa Lào và Việt Nam. Từ cuối những năm 1970, hai nền kinh tế này bắt đầu từ từ tự do hóa và đô thị hóa bắt đầu gia tăng, chủ yếu ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Viêng-chăn. 

Như vậy tính đến năm 1990 các tiến trình đô thị hóa đã bắt đầu chuyển động tạo điều kiện cho sự tăng tốc của các VĐĐT ở Đông Nam Á tiến đến hội nhập toàn cầu sâu, thấy rõ nhất là qua việc hình thành các “không gian theo định hướng toàn cầu.” Tại các trung tâm đô thị, bắt đầu xuất hiện các khu du lịch, khu xuất khẩu, vô số những trung tâm thương mại, và các khu nhà ở cho số dân có thu nhập trung bình. Các không gian này càng ngày càng được nối với nhau bằng hệ thống đường sá với mức độ hiệu quả khác nhau. Như thế, các VĐĐT đang trở nên ngày phụ thuộc vào xe cộ hơn và nhờ vậy mở rộng nhanh hơn vào những vùng sâu vùng xa kế cận.

  1. Thậm chí đến năm 2008 ở Bangkok một số dự án xây dựng vẫn chưa thể khởi động lại. Một hệ quả thứ hai là khi cuộc khủng hoảng tài chính trở nên trầm trọng hơn, sự bất mãn âm ỉ từ lâu của người nghèo, giới sinh viên, thậm chí cả dân trung lưu, đối với chính phủ được dịp bùng phát. Ở In-đô-nê-xi-a, sự bất mãn này đã điều kiện dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Suharto năm 1998. Mặc dầu kinh tế toàn cầu đã hồi phục kể từ năm 2001, việc tăng giá dầu và lương thực gần đây, cùng với việc các VĐĐT ở Đông Nam Á càng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các thay đổi môi trường thí dụ vấn đề mực nước biển dâng cao và cung cấp nước sạch, đã tăng thêm rủi ro cho các vùng đó.  

4. CẤU TRÚC KHÔNG GIAN CỦA CÁC VĐĐT Ở ĐÔNG NAM Á (5)

 

Trong phần này tôi sẽ phác họa các đặc điểm chính của cấu trúc không gian của một số VĐĐT ở Đông Nam Á. Để hiểu được tầm quan trọng của các VĐĐT trong bối cảnh Đông Nam Á, cần phải xem xét quá trình tăng trưởng dân số trong các vùng đó. Tuy nhiên điều này không phải dễ vì kể từ năm 1950 đến nay việc tăng trưởng dân số nhanh và mở rộng về không gian của các VĐĐT thường lại xảy ra ở các đơn vị hành chính và điều tra dân số được phân loại là khu vực nông thôn, vì vậy trong sổ sách không được coi là dân số đô thị. Quả vậy, việc xác định ranh giới đô thị ở Đông Nam Á quá thu hẹp.

Trong phần phân tích sau đây, tôi sử dụng hai loại dữ liệu để đạt được cái nhìn chính xác hơn. Trước đây, nhằm xác định ranh giới của các VĐĐT ở Đông Nam Á để phục vụ việc phân tích trong một tập khảo luận về các VĐĐT ở Đông Nam Á xuất bản năm 1995, tôi đã sử dụng các dữ liệu từ nhiều cuộc điều tra dân số thực hiện từ năm 1960 đến 1990 (Mc Gee and Robinson eds 1995). Từ các dữ liệu đó, tôi rút ra những dữ liệu phù hợp với định nghĩa dựa trên chức năng của các VĐĐT, mà trước đây tôi gọi là các Vùng Đô thị nới rộng (VĐTNR). Theo định nghĩa này, ranh giới của các VĐTNR được xác định dựa trên cường độ lưu chuyển của hàng hóa, người, thông tin và vốn đang diễn ra trong một không gian đô thị nới rộng, về cơ bản ứng với khái niệm “không gian giao dịch” mà tôi đã nói đến trong Phần 1. Vì vậy, với loại dữ liệu này, VĐTNR sẽ lớn hơn về mặt dân số lẫn diện tích so với loại dữ liệu theo cái nhìn điều tra dân số. Tôi chọn phương pháp này là vì càng ngày càng có nhiều nghiên cứu thực địa cho thấy rằng sự lan tỏa của đô thị hóa gắn liền với sự gia tăng của các hoạt động đô thị thể hiện qua việc gia tăng số dân tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp, đất nông nghiệp bị mất, các khu công nghiệp và khu dân cư lan rộng. Với loại dữ liệu này, các hộ gia đình nông thôn nằm ở ngoại vi các VĐTNR sẽ được nhập vào VĐTNR, và quả thực ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều hộ gia đình nông thôn này đang tăng thu nhập nhờ các nguồn phi nông nghiệp, thí dụ lao động phi nông nghiệp, công việc ở các nhà máy, hoặc di cư ra đô thị. Ngoài ra, loại dữ liệu này cũng có những số liệu thống kê cho phép khảo sát thêm được 3 thập kỷ trong giai đoạn 1960-1990, nhờ đó xác định được xa hơn các xu hướng lan tỏa của đô thị. Đây là các dữ liệu của 4 VĐĐT là Jakarta, Bangkok, Manila, và TP. Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1990 (6), cho thấy mặc dầu dân số tại các khu trung tâm của các VĐĐT có tăng (trừ thành phố Hồ Chí Minh), nhưng tỉ lệ so với dân số toàn vùng lại giảm, lý do là dân số ở các vành đai trong và ngoài đã tăng rất nhanh. Tính đến năm 1990, đa số dân số đô thị của Bangkok, Jakarta, và Manila đều tập trung vào hai vành đai này. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, dân số ở khu trung tâm vẫn tiếp tục tăng, điều này cho thấy các lực tác động lên sự mở rộng đô thị như đã nói ở một phần trước vẫn còn phát triển chậm.

Đối với giai đoạn 1990-2000 tôi dựa trên các dữ liệu của Jones. (Xin xem Jones 2002. 2006) Về mặt thuật ngữ dành cho cấu trúc không gian của VĐĐT, các từ được Mc Gee sử dụng trong phần phân tích về đại đô thị xuất bản năm 1995 là ‘city proper’, ‘metro’, và ‘rings’ (khu trung tâm, vùng nội vi, vùng ngoại vi) của các VĐTNR cũng tương tự như các từ ‘core’, ‘inner zone’, và ‘outer zone’ được Gavin Jones sử dụng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng do các dữ liệu của Mc Gee xuất phát từ định nghĩa dựa trên chức năng, nên vùng ngoại vi của Mc Gee sẽ rộng hơn rất nhiều. Thí dụ đối với năm 1990, dữ liệu của Mc Gee và Gavin Jones khớp với nhau, ngoại trừ vùng ngoại vi của Mc Gee đông dân hơn. Đối với trường hợp của Jakarta chẳng hạn, dân số vùng ngoại vi năm 1990 trong dữ liệu của Mc Gee là 4.8 triệu, trong dữ liệu của Jones là 3.4 triệu. Còn số liệu cho khu trung tâm và vùng nội vi thì hai số liệu ít chênh lẹch hơn.

  1. Tuy nhiên, do phân tích của Jones theo rất sát những tiêu chí về dân số thí dụ mật độ dân số, tỉ lệ lao động nông nghiệp, nên tôi sử dụng dữ liệu này cho những năm 1990.   

Những kết quả phân tích chính của Jones (2006) như sau:

  1. Dân số của tất cả 4 VĐĐT được xét đến trong khảo luận này đều tăng trong những năm 1990 và 3 trong số đó đã trở thành những trung tâm đô thị đông dân nhất thế giới. Ngoại trừ TP. Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng ở khu trung tâm của tất cả các VĐĐT này đều có chậm lại, nhưng mật độ dân số vẫn rất cao (Bảng 3)
  2. Tỉ lệ dân số của các VĐĐT này so với dân số cả nước vẫn đang tăng (Bảng 4) và điều này, như nhận định của Jones, “đi ngược lại với kết luận của một số nhà quan sát khi họ sử dụng số liệu dân số của những vùng được xác định theo ranh giới hành chính mà cho rằng nhiều đại đô thị đã qua rồi thời kỳ tăng trưởng dân số nhanh và tỉ lệ dân số so với dân số cả nước của các vùng này đang giảm” (Jones, 2006:262)
  3. Nói chung, tỉ lệ gia tăng ở các vùng ngoài khu trung tâm (vùng nội vi và ngoại vi) vẫn cao hơn so với khu trung tâm, cao nhất là vùng nội vi, tức là vùng cận đô và là nơi các vùng ở khu trung tâm cơi nới ra. Sở dĩ như vậy là vì vùng nội vi là nơi tiếp nhận dân từ khu trung tâm dời ra, có tỉ lệ tăng dân số sinh học cao, và có tỉ lệ tăng dân số cơ học cao do di dân từ các vùng ngoài VĐĐT đến. (Bảng 5)
  4. Tỉ lệ gia tăng dân số của tất cả các VĐĐT này đều cao hơn nhiều so với cả nước. (Bảng 6)

Phù hợp với lập luận của tham luận này, các kết quả phân tích quan trọng nhất là ở Bảng 5, cho thấy các vùng ngoài khu trung tâm đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc gia tăng dân số, với tỉ lệ dân số so với dân số của cả VĐĐT đang tăng, mặc dầu tính đến năm 2000 chỉ có Jakarta và Manila là có đa số dân đô thị sống ở các vùng ngoài khu trung tâm này. Sở dĩ Bangkok không rơi vào trường hợp như Jakarta và Manila là do việc xác định ranh giới cho các vùng vòng ngoài này quá hẹp, mặc dầu các vùng này đã lan rất rộng trong những năm 1990.

Phát hiện quan trọng nhất của việc phân tích này là, ngoại trừ TP. Hồ Chí Minh, những vùng ngoài khu trung tâm (nhưng trong phạm vi của VĐĐT) đang càng ngày càng quan trọng về mặt dân số, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những thập kỷ tới. Lúc đó, dân số Đông Nam Á dự báo sẽ tăng thêm khoảng 37% còn dân số đô thị sẽ tăng hơn gấp đôi (107%) trong khi dân số nông thôn vẫn giữ nguyên. (UN World Urbanization Prospects 2003). Như vậy mức độ đô thị hóa của Đông Nam Á sẽ tăng từ 37% lên đến 56% vào năm 2030. Cho nên, nếu xu hướng mở rộng đô thị cứ tiếp tục do được thúc đẩy bởi việc phát triển công nghệ xe hơi trong mấy thập kỷ qua thì hầu hết mức tăng dân số đô thị sẽ diễn ra ở vùng ven của các khu đô thị Đông Nam Á, tức là sẽ tăng khoảng 156 triệu (chiếm 75% của tổng mức tăng đô) trong vòng 30 năm tới. Dĩ nhiên dự báo này cũng còn tùy vào các xu hướng dân số về tử suất, sinh suất, và việc di dân, mà Hugo đã tập trung phân tích kỹ trong 1 số công trình đã xuất bản. (Xem Hugo 2003, 2006), trong đó Hugo cho rằng vào đầu thế kỷ 21 tỉ lệ sinh ở các khu đô thị lớn sẽ thấp hơn rất nhiều so với cả nước. Ngoài ra có bằng chứng cho thấy sinh suất ở vùng ven cao hơn do tỉ lệ phụ nữ ở độ tuổi sinh con ở đó cao hơn. Phân tích của Hugo còn cho rằng số tăng dân số do di dân và việc phân định lại ranh giới hành chánh sẽ chiếm 60% trong tổng mức tăng dân số đô thị trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Nếu lập luận của chúng tôi cho rằng phần lớn việc gia tăng dân số đô thị đều xảy ra ở vùng ven là đúng thì theo các xu hướng tăng dân nói trên dân số vùng ven đang tiếp tục tăng. Tuy ở Đông Nam Á một phần lớn mức tăng đó sẽ xảy ra ở In-đô-nê-xi-a, nhưng ở những quốc gia như Việt Nam (dân số sẽ đạt 100 triệu trong vài thập kỷ tới), một lượng lớn dân cư chắc chắn sẽ tập trung vào vùng ven.

 

5. XÉT LẠI CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VÙNG VEN CỦA CÁC ĐÔ THỊ Ở ĐÔNG NAM Á

 

Trong khuôn khổ của bài tham luận này, tôi muốn nói rằng chúng ta nên dùng từ “urban fringe” – vùng ven, để chỉ những vùng nằm ngoài khu trung tâm của các VĐĐT. Thuật ngữ này rộng hơn là thuật ngữ “peri-urban fringe” – vùng cận đô, tức là thuộc vùng nội vi, nơi khu trung tâm cơi nới lấn ra không đều. (7) Còn vùng ngoại vi thì gần tương đương với vùng desakota trong các VĐĐT Châu Á. (Mc Gee 1991). (8) Định nghĩa về vùng ven này có ba điểm cần chú ý. Thứ nhất “vùng ven” chỉ là một khái niệm. Để có được một định nghĩa chính xác hơn về vùng ven, phải dựa vào đặc thù của từng VĐĐT. Thứ hai, theo định nghĩa này, tại vùng ven có sự tương tác giữa nông thôn và thành thị trong phạm vi của hệ sinh thái VĐĐT. Thứ ba, vùng ven không cố định về mặt địa lý. Trong các VĐĐT, khu trung tâm đô thị cứ lấn sang vùng nội vi hoặc mở rộng thông qua tái phân định biên giới hành chính, như trường hợp của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2008. (9) Còn vùng ngoại vi thì cứ tiếp tục mở rộng ra ngoài cùng với các hoạt động đô thị xâm chiếm các vùng nông thôn. Như vậy, mặc dầu vùng ven của các VĐĐT đều bị tác động giống nhau bởi những lực kinh tế – xã hội, nhưng thường giữa các VĐĐT vẫn có những khác biệt sâu sắc do mức phát triển kinh tế, kinh tế chính trị, và văn hóa của từng quốc gia là khác nhau.

Điều này cho thấy khi nghiên cứu vùng ven của các VĐĐT ở Đông Nam Á, cần tập trung thu thập thông tin để làm cơ sở cho việc đề ra chính sách, bởi vì, như chúng tôi đã trình bày, các thách thức về môi trường, quản lý, xã hội, và kinh tế đến từ các VĐĐT là rất lớn. Ngoài ra có thể nói thêm rằng, cần phải gấp rút xem xét lại chính sách đô thị vì các VĐĐT đang rất dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của những thay đổi toàn cầu, và những biến động về giá năng lượng và giá thực phẩm toàn cầu.

Khi xem xét lại chính sách đô thị cần phải hiểu rõ các yếu tố then chốt trong quá trình đô thị hóa ở Đông Nam Á trong vòng 50 năm qua.

 Thứ nhất, hầu hết các VĐĐT đều lan tỏa rất nhanh ra khỏi ranh giới khu trung tâm, nhưng điều này cũng đúng đối với các đô thị thứ cấp.

 Thứ hai, tốc độ phát triển và đặc điểm của vùng ven ở mỗi VĐĐT mỗi khác, nguyên nhân là do các VĐĐT có những hệ sinh thái, cách sử dụng đất, chính sách đô thị của các cấp chính quyền, và mức độ, tốc độ hội nhập vào hệ thống toàn cầu khác nhau.

Một điểm chung khác của việc đô thị mở rộng ra vùng ven là các “vùng sâu vùng xa” này được sử dụng làm địa bàn biên giới nhằm cung cấp các tài nguyên như nước, thực phẩm, vật liệu xây dựng, lao động để phục vụ cho các hoạt động đô thị tại khu trung tâm hoặc trên đất đô thị trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nhà ở, và giải trí. Atkinson nêu rõ rằng “khi phân tích các đô thị và vùng ven về mặt chức năng như vậy, ta chú trọng đến các tài nguyên quan trọng, coi đó là những vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến tính bền vững” (Atkinson 1999.)

  1. Một điểm chung nữa của việc mở rộng đô thị là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đại trà ở khu vực Đông Nam Á dưới nhiều hình thức, từ việc nhà nước độc quyền chuyển đổi (Myanma) cho đến việc người dân tự động chuyển đổi. Giữa hai thái cực này còn có hình thức tư nhân được phép chuyển đổi, và hai thị trường đất tồn tại song song, thí dụ như ở Việt Nam (Ngân hàng thế giới 2007: 66, Geertman 2007). Việc chuyển đổi này làm cho đất nông nghiệp nhanh chóng chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp. Ở cấp địa phương việc chuyển đổi xảy ra mạnh nhất, làm cho cảnh quan đô thị ngày càng phân mảng, chắp vá xen kẽ nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau. Đặc biệt khi đô thị lan tỏa ra vùng ven thì ở đó các hoạt động đô thị tự phát tăng lên, tạo nên một loại “đô thị hóa vô hình” (De Gregorio, et.al 2003) hoặc “đô thị hóa vụng trộm”.  

Quá trình mở rộng đô thị này cũng kéo theo sự phân bổ vốn nhà nước cũng như vốn tư nhân không đều. Phần lớn đầu tư của chính phủ và tư nhân là nhắm vào đầu tư cơ sở hạ tầng và những lãnh vực đang được xây dựng để tạo điều kiện cho tăng trưởng của công nghiệp, các phức hợp nhà ở, đô thị mới, đường cao tốc, phi trường quốc tế, cảng công-te-nơ, nhằm mục đích hội nhập VĐĐT và làm cho nó thu hút được vốn toàn cầu nhiều hơn. Phần lớn vốn đầu tư này (cả công lẫn tư) đều tập trung cho các khu trung tâm và các vùng nội vi của các VĐĐT nên dẫn đến mâu thuẫn ở chỗ các khu trung tâm đô thị càng ngày càng tham gia nhiều vào các giao dịch toàn cầu trong khi nhiều chỗ ở vùng ven lại bị tách ra khỏi quá trình này.

    Cuối cùng ở Đông Nam Á quá trình mở rộng đô thị thay đổi tùy theo các đặc điểm sinh thái, lịch sử, và kinh tế chính trị của từng địa phương. Nhìn chung, theo tôi ở Đông Nam Á VĐĐT được chia làm 3 loại dựa trên đặc điểm tương tác giữa khu trung tâm và vùng ven.

1)                      Những VĐĐT chủ yếu mở rộng vào các vùng chuyên canh lúa có mật độ dân số nông thôn cao như Bangkok, Manila, Jakarta, và Hà Nội.

2)                      Những VĐĐT mở rộng vào các vùng nông nghiệp đa canh, bao gồm các loại cây công nghiệp, có mật độ dân số nông thôn thấp hơn nhiều, thí dụ Kuala Lumpur, thành phố Hồ Chí Minh.

3)                      Cuối cùng là Sijori (Singapore), một VĐĐT điển hình của việc mở rộng đô thị vượt qua biên giới quốc gia sang Nam Johor (Malayxia), Batam và Bintang thuộc tỉnh Riau của In-đô-nê-xi-a. Loại này về mặt sinh thái giống loại 2, nhưng có sự hợp tác quốc tế.

  Như vậy tuy các vùng ven được hình thành theo những tiến trình mở rộng đô thị như nhau nhưng lại phát triển theo những hướng khác nhau và các thách thức đối với chính sách cũng thay đổi theo từng quốc gia. Tuy nhiên, vùng ven vẫn luôn là nơi diễn ra cạnh tranh gay gắt vì tài nguyên và chứa đựng những hiểm họa đối với hệ sinh thái. Như vậy, vùng ven chính là trung tâm của sự nối kết giữa địa phương và toàn cầu, của sự tái sắp xếp không gian đô thị để có sự can thiệp kịp thời về chính sách.  

 

6. ĐÔ THỊ HÓA Ở ĐÔNG NAM Á VÀ NHỮNG THÁCH THỨC VỀ MẶT CHÍNH SÁCH

 

Sự thay đổi về mặt đô thị ở Đông Nam Á như đã nói trên đây đã đặt ra những thách thức trong việc đề ra những chính sách để quản lý đô thị hóa cách hiệu quả nhất. Có thể nói rằng trọng điểm của việc đề ra chính sách chính là các VĐĐT bởi vì chúng có vai trò kinh tế quan trọng và chúng đặt ra những thách thức đối với sự bền vững và điều kiện sống. Theo tôi khi đề ra chính sách phải lưu ý đến 3 điều. Thứ nhất, cần phải công nhận rằng quá trình thay đổi đô thị tại các VĐĐT ở Đông Nam Á đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho các hệ sinh thái của các quốc gia trong khu vực đặc biệt là đối với các VĐĐT. Thứ hai, cần phải công nhận rằng sự phát triển đô thị đang diễn ra quá nhanh, đến mức các hệ thống quản lý và điều hành hiện nay thường không đủ khả năng xử lý các vấn đề vì sự phân công phân nhiệm chưa đồng bộ và khả năng còn hạn chế. Thứ ba, cần phải thay đổi quan điểm tách rời nông thôn và thành thị, đặc biệt là trong các VĐĐT, và xem xét lại sự phân loại nông thôn và thành thị về mặt không gian.

Trong bối cảnh Đông Nam Á hiện nay, không thể không công nhận thực tế này, là các VĐĐT đã trở thành những tâm điểm quan trọng nhất của không gian quốc gia. Tuy nhiên các chính phủ không nhanh nhạy mà hiểu ra bản chất của các VĐĐT này đặc biệt là các vùng không gian nơi hoạt đông đô thị mới lan ra như được mô tả trong Hình 3 và 4 dưới đây (Mc Gee et al 2007).

image006

Hình 3. Sự phân bổ không gian trong một quốc gia Châu Á giả định

image008

 Hình 4: Sự phân bổ không gian của VĐĐT Đông Nam Á (khoảng năm 2000)

   

Tại Đông Nam Á hầu hết các VĐĐT đều nằm ở miền duyên hải. Thậm chí Hà Nội và Kuala Lumpur, tuy xa biển, vẫn được nối kết với các cảng trong hệ thống VĐĐT. Tuy nhiên, như đã nói, giữa các VĐĐT có nhiều khác biệt về lịch sử, sinh thái, và văn hóa. Khi đề ra chính sách cho các VĐĐT, cần phải tính đến các khác biệt này cũng như sự khác biệt về không gian giữa khu trung tâm đô thị, vùng cận đô, và vùng ven. Điều này là quan trọng, một phần vì chính vùng biên của VĐĐT sẽ là nơi có tăng trưởng đô thị lớn nhất, chiếm tới 75% tổng mức tăng đô thị trong vòng 2 thập kỷ tới, một phần vì sự tái cấu trúc lại các khu trung tâm đô thị và việc các khu trung tâm này càng ngày càng định hướng theo kinh tế toàn cầu đang tạo nên sự mất cân bằng tài chính giữa khu trung tâm và vùng biên. Đề ra chính sách phù hợp cho các vùng biên này thật không dễ, vì không giống như các khu trung tâm đô thị ở Đông Nam Á thường được quản lý bởi một chính quyền duy nhất, các vùng biên thường phân mảng về mặt chính trị, đồng thời giữa các khu vực trong vùng biên cũng có những khác biệt về hệ sinh thái, vì vậy các nhà đề ra chính sách gặp rất nhiều khó khăn. Các vùng ven tạo nên một môi trường quản lý phức tạp, trong đó vô số các quyết định từ địa phương mâu thuẫn với các chỉ đạo của cấp trên, với doanh nghiệp, vv, làm cho việc quản lý các vùng ven không được thông suốt. (Xem Hình 5).

image010

Hình 5: Mô hình xung đột về quyết định ở vùng ven của các VĐĐT ở ĐNÁ.

Sự khác biệt giữa vùng ven và các khu trung tâm đô thị trong các VĐĐT ở Đông Nam Á đòi hỏi phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp, nhưng điều này không phải dễ. Một số quốc gia ở Đông Nam Á đã chọn những chiến lược tái tổ chức hành chính rất đa dạng, từ việc thành lập những chính quyền cấp đô thị với quyền hành hạn chế đối với chính quyền cấp cơ sở như trường hợp của Manila, cho đến việc mở rộng cấu trúc hành chính bằng cách sát nhập các chính quyền ở các địa phương kế cận vào chính quyền thành phố như trường hợp của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2008. Các biện pháp trên giúp cho việc quản lý đô thị được quy về một mối hơn, việc quy hoạch được tổng hợp hơn, đặc biệt là việc quy hoạch cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị bao quát được một không gian rộng hơn. Khi các chính sách được đưa ra từ cấp vùng, sẽ có những thuận lợi sau:

(1) Các biện pháp đưa ra từ cấp vùng sẽ giúp cho việc phân bổ nguồn lực được hợp lý hơn.

(2) Việc quản lý từ cấp vùng sẽ làm cho việc cung cấp dịch vụ được hiệu quả hơn và tránh được trùng lặp.

(3) Việc quản lý từ cấp vùng bao quát được cả hệ sinh thái, để đưa ra những chính sách về bền vững môi trường, làm giảm các vấn đề môi trường và bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái.

(4) Các chính sách đề ra từ cấp vùng sẽ giúp cho việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như nước sinh hoạt và thoát nước thải được hiệu quả hơn, giúp cải thiện được điều kiện sống tại VĐĐT và

(5) Việc quản lý từ cấp vùng sẽ chú trọng đến việc quảng bá và tiếp thị cho toàn vùng để hấp dẫn đầu tư hơn và có khả năng cạnh tranh hơn.

  Khi áp dụng các chính sách nói trên, phải quyết tâm thực hiện bốn điều sau đây. Thứ nhất, ở cấp VĐĐT, phải coi việc quản lý là thực hiện ý chí chính trị đồng thời là thực hiện quyền lực chính trị. Xin lưu ý là khi áp dụng các chính sách ở cấp VĐĐT không nhất thiết phải đặt ra thêm các cấp chính quyền mới như trường hợp các thành phố được nâng lên cấp tỉnh ở Việt Nam hay Kuala Lumpur trở thành lãnh thổ liên bang năm 1972. Trong một số trường hợp, thí dụ như khi thành lập Chính quyền vùng đô thị Manila, các chính quyền cấp cơ sở vẫn không mất đi quyền lực chính trị của mình. Đối với các vùng đô thị rộng lớn bao gồm nhiều tỉnh thành thì có thể áp dụng các mô hình hợp tác quản lý khác nhau, chẳng hạn hợp tác giữa các cấp chính quyền (chính quyền cấp thành phố, chính quyền cấp vùng, vv) trong việc quy hoạch nhằm vượt qua các thách thức về chính sách. Sự hợp tác này không nhất thiết phải thực hiện giữa các cấp chính quyền thành phố với nhau mà còn có thể giữa các ban ngành trong VĐĐT thí dụ giao thông vận tải, môi trường. Cũng có thể đề ra những chính sách để khuyến khích sự hợp tác trong quy mô nhỏ hơn, thí dụ giữa 2, 3 thành phố với nhau.

   Thứ hai, việc quản lý các VĐĐT phải hướng tới việc đảm bảo điều kiện sống tốt hơn và sự bền vững cũng như sự tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của toàn vùng. Việc tăng khả năng cạnh tranh cho toàn vùng này là một phần của chiến lược nâng cao sức hấp dẫn của VĐĐT được thực hiện bằng nhiều bước với sự tham gia của chính quyền các cấp, đồng thời có thể thông qua sự hợp tác thành phố-vùng, công-tư, chính quyền-tổ chức dân sự. Thật vậy, việc mở rộng ranh giới hành chánh của các thành phố ở Đông Nam Á như đã nói trước đây đã tạo ra cơ chế thuận lợi giúp cho những quyết định về quản lý được linh hoạt và sáng tạo hơn. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi phải duy trì một tầm nhìn bao quát toàn vùng đối với không gian của VĐĐT, và tầm nhìn này đang bắt đầu từng bước phát triển ở các VĐĐT Đông Nam Á. Tầm nhìn bao quát toàn vùng này cũng có phần tương ứng với nhãn quan vùng đô thị ở Mỹ và Châu Âu đã được Brenner tổng kết rất kỹ. Ông mô tả nhãn quan vùng đô thị “bao gồm tất cả các chiến lược nhằm thiết lập các thiết chế, chính sách hoặc cơ chế quản lý ở một quy mô địa lý rộng tương đương phạm vi các mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau về xã hội và kinh tế xảy ra trong một vùng đô thị.” (Brenner 1999).

Thứ ba, phải quyết tâm bảo vệ các hệ sinh thái trong đó có các vùng đô thị nới rông. Tôi muốn nhấn mạnh rằng trước tiên phải lưu ý đến các đặc điểm địa phương của các hệ sinh thái đặc biệt là ở Đông Nam Á, vì trong khu vực này các hệ sinh thái của các vùng đại dô thị rất đa dạng đòi hỏi chính sách phải phù hợp với đặc thù địa phương. Về mặt chính sách, các VĐĐT được coi là một phần không thể thiếu trong các hệ sinh thái quốc gia, và khái niệm này cần được làm rõ hơn nữa. Định nghĩa về hệ sinh thái thì có nhiều, nhưng định nghĩa đơn giản nhất của hệ sinh thái là sự tương tác năng động giữa con người và môi trường qua trung gian của các cơ cấu thiết chế. Theo định nghĩa này, hệ sinh thái cung cấp tài nguyên (nước, lương thực, năng lượng, và đất) thiết yếu để con người sống tốt. Các hệ sinh thái này có thể bị thay đổi do tác động của con người, dẫn đến sự xuống cấp của hệ sinh thái lẫn an sinh của con người. Theo cách nhìn này, các vùng đô thị lớn cũng là những hệ sinh thái nhỏ thường được hỗ trợ bởi các quá trình sinh vật lý từ các nơi khác. Do các VĐĐT này sử dụng nhiều năng lượng, chế biến vật liệu nhiều, và tiêu thụ hàng hóa nhiều, nên cần đến các hệ thống năng lượng trong vùng cũng như bên ngoài nhiều hơn so với các vùng nông thôn.

Những nhu cầu đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng và trữ lượng không khí, đến việc sản xuất lương thực tại địa phương, việc đổ bỏ chất thải, và các mặt khác của môi trường xung quanh. Những ảnh hưởng này được thấy rất rõ ở khu vực Đông Nam Á. (10)

 Khi nhìn nhận như vậy, điều cơ bản không chỉ là công nhận cần phải đưa vấn đề bảo vệ các hệ sinh thái vào chính sách, nhưng còn phải đưa khái niệm “cấu trúc không gian” vào quá trình soạn chính sách nữa. Năm 1995 Mc Gee và Robinson đã cho rằng điều cấp bách nhất đối với các VĐĐT ở Đông Nam Á là phải xây dựng chính sách ở cấp vùng, nghĩa là việc quy hoạch ở cấp vùng sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu về chính sách cho các VĐĐT. Nhưng trong thập kỷ sau đó, quan điểm này không còn được chấp nhận rộng rãi như trước nữa, khi quan điểm tân tự do phát triển, ủng hộ việc nới lỏng quản lý, tư hữu hóa, và phân quyền. Quan điểm tân tự do đã được đưa vào chính sách phát triển của các quốc gia Đông Nam Á và đây cũng là điều mà các tổ chức quốc tế thường đòi hỏi khi họ cho vay tiền. Trong một số trường hợp, các chính sách theo khuynh hướng tân tự do lại mâu thuẫn với đường lối hiện đại hóa của các chính phủ Đông Nam Á, vì vậy có sự thiếu đồng bộ về chính sách, đặc biệt là tại các vùng ven của các VĐĐT. Như vậy, các giải pháp về chính sách cho các VĐĐT ở VĐĐT phải kết hợp giữa việc hoạch định từ cấp vùng – điều này rất cần cho việc bảo vệ các hệ sinh thái, sự can thiệp ở các cấp thấp hơn ở khu trung tâm đô thị, vùng nội vi và ngoại vi, và cuối cùng là các biện pháp ở cấp cơ sở.

Thứ tư, các chính sách áp dụng cho các VĐĐT phải tính đến yếu tố là các VĐĐT đang trở nên dễ bị tổn thương trước việc địa cầu đang nóng lên (11) và và việc tăng giá nhiên liệu hóa thạch và lương thực dường như còn kéo dài. Như đã nói, các VĐĐT được hình thành trong một lộ trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm nguồn năng lượng chính cho vận chuyển và đang ngày càng phụ thuộc và lương thực nhập khẩu. Nhiều vùng còn nằm ở vùng trũng của các đồng bằng ven biển nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi việc mực nước biển dự báo sẽ lên cao, và nếu điều này xảy ra thì chính các khu trung tâm sẽ bị ảnh hưởng chứ không phải các vùng ven. Các tác động toàn cầu kể trên đã bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực, chẳng hạn các vụ bạo động ở Jakarta xảy ra do giá dầu tăng, và còn có thể làm tăng sự bất mãn trong xã hội cũng như sự cạnh tranh để giành lấy những nguồn tài nguyên khan hiếm. Ở các quốc gia đã phát triển, để đối phó với vấn đề nhiên liệu, người ta đã đề nghị quy hoạch những khu trung tâm đô thị có mật độ dân số cao (những thành phố kín dân), cấm sử dụng xe hơi, và phát triển các hệ thống vận chuyển công cộng (xin xem Marcotullio 1991). Đề xuất về chính sách này, tuy rất hấp dẫn đối với các thành phố phương Tây, lại ít khả thi ở Đông Nam Á, vì khu trung tâm của nhiều VĐĐT trong khu vực đã có mật độ dân số rất cao, cao hơn hẳn các đô thị phương Tây. Về phương diện không gian đô thị, một số chính sách đã tập trung phát triển loại hình nhiều nút đô thị ở vùng ven các VĐĐT, trong đó có một số điểm nút được phát triển thành khu trung tâm có mật độ dân số cao (Xin xem Robinson 1995). Về phương diện bảo vệ các hệ sinh thái, có những chính sách tập trung phát triển các nguồn năng lượng thay thế, bảo vệ nguồn nước, và ưu tiên cho việc phát triển các phương tiện đi lại công cộng. Một đề xuất khác về chính sách là tăng sản xuất lương thực ở các vùng ngoại biên để cung cấp cho các VĐĐT, nhưng các nhà quy hoạch chính thống không coi giải pháp này là khả thi. Nếu áp dụng đề xuất này cho các vùng ngoại biên chuyên canh lúa và có mật độ dân số nông thôn cao chẳng hạn ở các VĐĐT Manila, Jakarta, và Bangkok, thì điều này có nghĩa là quay trở lại mối quan hệ truyền thống đã tồn tại hàng bao thế kỷ giữa các đô thị và vùng ven. Nhưng việc đầu tư như vậy vào vùng ven của các VĐĐT phải cố gắng mới duy trì được, vì nó sẽ xung khắc với việc ưu tiên tạo nên những vùng đô thị có khả năng cạnh tranh quốc tế. Dĩ nhiên, tất cả các chính sách nói trên sẽ phải phù hợp với bối cảnh địa phương của từng VĐĐT, tuy nhiên chính sách nào cũng phải đáp ứng được các yêu cầu sau: (1) đóng góp hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế; (2) đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của địa phương và của toàn cầu; (3) bảo vệ hiệu quả các hệ sinh thái; (4) góp phần hữu hiệu vào việc mang lại an sinh cho người nghèo và người kém may mắn, tạo thêm công ăn việc làm và giảm bớt sự nghèo đói ở đô thị; (5) tạo ra được một môi trường có điều kiện sống tốt bằng cách gia tăng cung cấp các dịch vụ như y tế, giáo dục, nhà ở, chăm sóc người già, vv (12)

 

 KẾT LUẬN

 

Trong tham luận này tôi đã cố gắng chỉ ra những thách thức lớn mà sự tăng trưởng của các VĐTCL hiện nay ở Đông Nam Á đặt ra cho tính bền vững tương lai của các xã hội Đông Nam Á. Điều tôi quan tâm nhất là những thách thức xuất phát từ sự phát triển lịch sử của các VĐTCL, tầm quan trọng của việc sử dụng một phương pháp tiếp cận đa cấp khi phân tích các tiến trình hình thành các VĐTCL đó, và, từ quan điểm của tham luận này, sự cần thiết phải xem xét lại các đặc điểm không gian nội tại của các vùng này. Đặc biệt tôi đã lưu ý quý vị về tầm quan trọng của vùng ven đô thị trong sự hình thành của các VĐTCL và tầm quan trọng của các vùng ven trong đô thị hóa trong tương lai. Nhưng quan trọng đến mức nào cũng còn tùy vào việc liệu lộ trình phát triển dựa vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch – một đặc điểm của các thành phố Đông Nam Á – sẽ còn tồn tại lâu đến chừng nào. Tôi đã bác bỏ quan điểm phổ biến hiện nay cho rằng đô thị hóa được thúc đẩy bởi toàn cầu hóa, vì thực ra quá trình hình thành các vùng đô thị, với vai trò chủ chốt trong tăng trưởng, là một quá trình tương tác giữa các cấp địa phương, vùng, và quốc gia. Cuối cùng, tôi đã nhấn mạnh rằng các VĐĐT đang ngày càng dễ bị tổn thương trước các tác động toàn cầu, bao gồm việc địa cầu đang nóng lên và giá năng lượng, lương thực tăng. Như vậy, nhiệm vụ trước mắt là phải tính đến những yếu tố kể trên khi hoạch định tương lai để làm sao cho không gian đang thay đổi của các VĐĐT ở Đông Nam Á mang lại những điều kiện sống tốt và có tính bền vững. Xin nhắc lại ý trong câu trích dẫn ở đầu bài tham luận, là hầu hết các giải pháp cho các thách thức của đại đô thị hóa trong từng VĐĐT sẽ phải dựa trên đặc điểm sinh thái địa phương cùng với một cách tiếp cận đa cấp.


 

GHI CHÚ

1. Khu vực Đông Nam Á gồm các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Malayxia, Singapore, In-đô-nê-xi-a, Brunei, Phi-líp-pin và Timor Leste.

2. Số liệu của LHQ (2002) (2005) và UNFPA ( 2007)

3. Phần này dựa theo 1967, 1997 và 2002.

4.  Xin tham khảo Kenichero (2001). Kelly (2003) Spreitzhofer (2002) Nakagawa (2004) Lysaga (2006), Waibel (2006) để biết về những điển cứu mới đây liên quan đến xu hướng phát triển này. 

5 .Tôi không có đủ chỗ để nói kỹ hơn về những thay đổi kinh tế quan trọng xảy ra trong các vùng ven này. Xin xem các phân tích chi tiết về vấn đề này trong Ginsburg, Koppel and Mc Gee (1991) Mc Gee and Robinson (1995) và Douglass and Jones (2007)

6 .Xin xem Bảng 1.2 và 1.3 trong Mc Gee (1995a): tr.12-13 và Mc Gee (1995b)

7. Khái niệm desakota xuất phát từ các nghiên cứu thực địa ở đảo Java vào cuối những năm 1980, và đã được các nhà nghiên cứu về đô thị hóa ở Đông Nam Á áp dụng. Nhiều cuộc nghiên cứu đã kiểm chừng khái niệm này, như được tổng kết trong Kelly and Mc Gee 2003. Tuy nhiên, khái niệm này lại được bàn luận nhiều nhất bởi các nhà nghiên cứu về đô thị hóa ở Trung Quốc. Xin xem Mc Gee et.al (2007) tr. 65-73.

8. Có nhiều định nghĩa khác nhau về vùng ven. Chẳng hạn, Webster (2002) và (2003) trong công trình nghiên cứu về Trung Quốc coi vùng cận đô (peri-urban) là tương đương với định nghĩa về desakota trước đây của Mc Gee.

 9. Chúng ta sẽ phải chờ kết quả đợt điều tra dân số tiếp theo thì mới biết được việc mở rộng ranh giới đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến mức độ đô thị hóa chính thức như thế nào. Nhưng chúng ta biết chắc rằng việc sát nhập các tỉnh giáp ranh vào Hà Nội – được phê duyệt ngày 1 tháng 4 – sẽ tăng diện tích vùng đô thị Hà Nội lên gấp 3 và tăng dân số thêm khoảng 5 triệu người. Tháng 6/2008, thành phố Hồ Chí Minh xin được mở rộng, và nếu được phê chuẩn, vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ được sát nhập thêm một số tỉnh giáp ranh, dân số sẽ tăng đạt mức 18-20 triệu, và như thế sẽ biến thành phố Hồ Chí Minh thành vùng đô thị lớn thứ 3 ở Đông Nam Á. Những diễn biến trên sẽ làm tăng đáng kể mức đô thị hóa chính thức ở Việt Nam. Thông tin này được lấy từ nhiều phóng sự của Thông tấn xã Việt Nam năm 2008. Xin xem <http://Vietnamnews.vnagency.com.vn&gt;

10          Xin xem Greer and Perry (2004).

11          Xin xem De Sherbinen, Schiller A and Pulsiper, A (2007)

  1. Trong một ấn bản mới đây, Ngân hàng phát triển Châu Á rất ủng hộ các vấn đề ưu tiên này, và điều này có nghĩa là các tổ chức quốc tế nên thay đổi chính sách của mình. Xin xem Asian Development Bank (2008)

 

Tài liệu tham khảo.

Asian Development Bank (2008) Managing Asian Cities. Asian Development Bank. Manila.

Askew, M and Logan W.S. (eds.) (1994) Cultural Identity and Urban Change in Southeast Asia. Interpretative Essays. Geelong, Deakin University Press.

Barter, T (1999) An International Comparative Perspective on Urban Transport and Urban Form in Pacific Asia: Challenges of Rapid Modernization in Dense Cities. Institute for Sustainability and Technology Policy, Murdoch University.Perth.

Brenner N (1999) Globalization as reterritorialism: the rescaling of urban governance in the European Union. Urban Studies, 36(3): 431-435

Champion, T and Hugo G. (eds.) (2004) New Forms of Urbanization. Beyond the Rural-Urban Dichotomy. Aldershot. Ashgate.

Curtis, F. (2004) “ Eco-localism and sustainability” Ecological Economics: 83-102

De Gregorio, M, Leisz, S.J. and Vogler, J (2003) “The Invisible Urbanization Transition: Rural Urbanization in the Red River Delta” Paper presented at the 7th International Congress of the Asian Planning Schools Association. Hanoi 12-14 September 2003.

De Sherbinin, A, Schiller, A and Pulsipher A ( 2007) The vulnerability of global cities to climate hazards. Environment and Urbanization, 19(1): 39-64

Forbes, D (1997) Metropolis and Megaurban Region in Pacific Asia” Tidschrift vooe Econoische en Social Geographie 88(5): 457-468

  1. http://www.montclair.edu/hadish/drivessouthhtml. Accessed 14/09/04

Geertman, Stephanie (2007) The Self-Organizing City in Vietnam. Processes of Change and Transformation in Hanoi. Bouwstenen Publicatieburo. Eindhoven

Graham, S. (1997) “ Cities in a Real Time Age: The Paradigm Challenge of Telecommunications to the Conception and Planning of Urban Space” Environment and Planning. (29): 105-127.

Greer, T and Perry M. (2003) Environment and Natural Resources in Chia, L.S. (ed.) Southeast Asia Transformed. A Geography of Change. Institute of Southeast Asian Studies. Singapore: 143-190

Haughton, G and Mc Granahan. “ Editorial Urban Ecologies” Environment and Urbanization, 18(1): 3-8

Hugo, G (2004) Demographic Change and Implications. In Chia, L.S. Southeast Asia Transformed. A Geography of Change. Institute of Southeast Asian Studies. Singapore: 95-142

Hugo G. (2006) Population Development and Urban Outlook for Southeast Asia. In Wong T-C, Shaw B.J. and Goh K.C. (eds.) Challenging Sustainability.Urban Development and Change in Southeast Asia. Marshall Cavendish International. Singapore: 268-298

Jones, G.W ( 2002) Southeast Asia Urbanization and the Growth of Mega-Urban Regions. Journal of Population Research, 19(2) 119-136.

Jones, G. W (2006) Urbanization in Southeast Asia. In: Wong T-C. Shaw, B.J and Goh K-C. (eds) Challenging Sustainability. Urban Development and Change in Southeast Asia. Singapore. Marshall Cavendish International.; 247-265.

Jones, G.W and Douglass M. (eds.) The Rise of Mega-Urban Regions in Pacific Asia- Urban Dynamics in a Global Era. Singapore University Press. Singapore

Kelly, P.F. and Mc Gee, T.G. (2003) Changing Spaces: Southeast Asian Urbanization in an era of Volatile Globalization in Chia, L. S. Southeast Asia Transformed.A Geography of Change. Institute of Southeast Asian Studies.Singapore: 257-286

Kelly, P.F. (1997) Globalization.Power and the Politics of Scale in the Philippines” Geoforum.28 (2): 151-171

Kelley P.F. (1998) The Politics of Urban-Rural Relations: Land Use Conversion in the Philippines Environment and Urbanization 10 (1):35-54

Kelly, P.F. (2000) Landscapes of Globalization.Human Geographies of economic change in the Philippines. London Routledge.

Kelly, P.F. (2003) Urbanization and the Politics of Land in the Manila Region”

Annals of the American Academy of Political and Social Science, 590: 170-187

Kusno, A. (2000) Beyond the postcolonial: Architecture, urban space and political cultures in Indonesia. London. Routledge.

Lampard EE (1965) Historical aspects of urbanization. In: Hauser PM, Schnore LF (eds) The Study of the Urbanization Process. The Free Press Glencoe Illinois

Leaf, M (1994) “The suburbanization of Jakarta: A Concurrence of Economics and Ideology” Third World Planning Review, 16(4): 341-356

Leaf, M. (1996) “ Building the Road for the BMW Culture, Vision and the Extended Metropolitan Region of Jakarta” Environment and Planning A 28: 1617-1635.

Lysaga, A.A. (2006) The Manila Mega-Urban Region.In Search of a Model

SERP (Socio-Economic Research Portal for the Philippines. Manila

Macleod, S and Mc Gee, T.G. (1996) The Singapore- Johor-Riau Growth Triangle: An Emerging Extended Metropolitan Region in Lo. F-C and Yeung Y-M (eds) Emerging World Cities in Pacific Asia. Tokyo United Nations University Press.

Mc Gee, T.G. (1967) The Southeast Asian City. A social geography of the primate cities of Southeast Asia. G Bell & Sons. London.

Mc Gee T.G. (1991) The Emergence of Desakota Regions in Asia. Expanding a Hypothesis. In: Ginsburg NJ, Koppel B, Mc Gee TG (eds) The Extended Metropolis. Settlement Transition in Asia. University of Hawaii Press, Honolulu: 3-26

Mc Gee, T.G. (1995a) Metrofitting the Emerging mega-urban regions of ASEAN: An Overview” in T.G. Mc Gee and I.M. Robinson (eds) The Mega-Urban Regions of Southeast Asia. UBC. Press, Vancouver.:3-26

Mc Gee, T.G. (1995 b) The urban future of Vietnam. Third World Planning Review. (17) 3:353-277

Mc Gee T.G and Robinson (eds)(1995) The Mega-Urban Regions of Southeast Asia. UBC Press, Vancouver.

Mc Gee, T.G. (1997a) Five decades of urbanization in Southeast Asia” Institute of Asia- Pacific Studies. Chinese University of Hong Kong. Hong Kong.

Mc Gee,T.G. (1995) The Urban Future of Vietnam. Third World Planning Review. (17)3: 253- 267.

Mc Gee, T.G. (1997a) Five decades of urbanization in Southeast Asia” Institute of Asia- Pacific Studies. Chinese University of Hong Kong. Hong Kong.

Mc Gee TG, Watters RF (eds) (1997b) Geographies of the Asia-Pacific Region.  Hurst, London

Mc Gee, T.G. ( 2000) The Urban Future of Vietnam Reconsidered. Ritsumeikan Journal of Geography 12: 1-18

Mc Gee, 2002. Reconstructing the Southeast Asian city in an era of volatile globalization. In Bunnell, T, Drummond, L.B.W and Ho, K.C. “Critical Reflections on Cities in Southeast Asia. Brill/ Times Academic Press. Leiden and Singapore.

Mc Gee, T. G, Lin, G.C.S, Marton, AM, Wang, M.Y, Wu, W. (2007) China’s Urban Space. Development under Market Socialism. Routledge, London and New York

Marcotullio, P.J. (1991) “ The compact city, environmental transition theory and Asia- Pacific sustainable development”. Paper presented at an International Workshop, “ New Approaches to Land Management for Sustainable Urban Regions 29-30th October 1991” Department of Urban Engineering, University of Tokyo.

Marcotullio PJ, Lee YS (2003) Environmental transitions and urban transportation systems. A comparison of Asian and North American Experience. International Development Review. 25(4); 325-354

Montgomery, M.R, Stren, R, Cohen, B and Reed, H.E. Cities Transformed. Demographic Change and the Implications for the Developing World, Earthscan London.

Nakagawa, S. (2004) “ Changes in the Residential, Occupational and Gender Structure of Greater Bangkok in the Globalization Process. DELA.21 205-212

Olds K, Dicken P, Kelly P, Kong LE, Yeung HCW (eds) (1999) Globalization and the Asia Pacific: Contested Territories. Routledge, London

Rigg J (2001) More than the Soil. Prentice Hall, Singapore

Robinson, I.M. “ Emerging Spatial Patterns in ASEAN Mega-Urban Regions. Alternative Strategies. In Mc Gee, T.G and Robinson, I.M. The Mega-Urban Regions of Southeast Asia. UBC Press, Vancouver: 78-108

Santos, M. (1979) The Shared Space.The Two Circuits of the Urban Economy in Underdeveloped Countries. Methuen London.

Scott AJ (ed) (2001) Global City Regions. Trends, Theory, Policy. Oxford University Press, Oxford and New York

Scott JC (1998) Seeing Like a State. How Certain Schemes to Improve the Human Condition Have Failed. Yale University Press, New Haven and London.

Spreitzhofer, G (2002) From Farming to Franchising: Current aspects of transformation in post-crisis Metro-Jakarta” ASIEN, 87(8): 52-64

UN. Department of Economic and Social Affairs. Population Division (2002) World Urbanization Prospects: The 2001 Revision. Data tables and Highlights. United Nations, New York

UN Department of Economic and Department of Social Affairs.Population Division (2004) World Urbanization Prospects. 2003. United Nations New York

United Nations Population Fund (2007) State of the World Population 2007.

Unleashing the Potential for Urban Growth. United Nations New York.

Waibel, M (2006) “ The Production of Urban Space in Vietnam’s Metropolis in the course of the transition. Internationalization, Polarization and Newly Emerging Lifestyles in Vietnamese Society. TRALOG. A Journal for Planning and Building in the Third World. 89(2): 43-48

Webster, D (2002) “ On the Edge: Shaping the Future of Peri-Urban East Asia”

Discussion Paper. The Urban Dynamics of East Asia Project. Asia Pacific Research Center. Stanford University.

Webster D, Cai J, Muller L, Luo B (2003) Emerging Third Stage Peri-urbanization. Functional Specialization in the Hangzhou Peri-Urban Region. Working Paper. Asia Pacific Research Center, Stanford University.

World Bank. (2007) “ Special Focus. Sustainable Development in East Asia’s Urban Fringe” East Asia Update April 2007.

http//siteresources-worldbank-org/INTEAPHALFYEARLYUPDATE/Resources/550192-1175629375/EAP-Update-April 2007-sp-focus.pdf. Accessed 3 August 2008.

 

Bảng 1. Đông Nam Á. Tổng dân số, Dân số đô thị, Mức đô thị hóa (2007) Tỉ lệ lao động nông nghiệp, tính theo từng lộ trình đô thị hóa.

 

Loại Tổng dân số (triệu) Dân số đô thị (triệu) Mức đô thị hóa (2007) Tỉ lệ lao động nông nghiệp
Loại 1        
Brunei

3                                         

.2

72.2

1.0

Singapore
  1. 4.3                                        

4.3

100.0

Loại 2

 

 

 

 

In-đô-nê-xi-a
  1. 226.0                                          

112.0

48.1

44.0

Malaixia
  1. 25.7                                                                           

16.0

67.3

15.0

Phi-líp-pin
  1. 84.0                                                                           

51.0

62.7

37.0

Thái Lan
  1. 63.0                                                       
  2. 20.0                     
 

31.1

43.0

Loại 3

 

 

 

 

Việt Nam
  1. 63.0                                                                            

20.0

31.1

43.0

Myanma
  1. 52.0                                                                           

18.0

30.7

63.0

Lào
  1. 5.6                                                                           

4.1

20.6 

85.0

Nguồn: Ngân hàng thế giới (2008) Báo cáo về phát triển thế giới 2007

 

Lộ trình đô thị hóa được chia thành

Loại 1 Mức đô thị hóa cao > 70%

Loại 2 Mức đô thị hóa trung bình 30- 69%

Loại 3. Mức đô thị hóa thấp < 30%.

Nguồn: Báo cáo phát triển thế giới 2008


Bảng 2. Các mức độ đô thị hóa ở Đông Nam Á 1950 -2000

 

Quốc gia

1950

1960

1970

1980

1990

2000

Brunei
  1. 43.4                                     

42.8

44.0

49.7

Khg số liệu Khg số liệu
Singapore
  1. 98.0                      
  2. 100.0      
 

100.0

100.0

100.0

100.0

In-đô-nê-xi-a
  1. 12.2                                   

14.9

17.1

22.2

30.6

40.3

Malaixia
  1. 24.5                             
  2. 30.0        
 

33.5

42.0

49.8

57.5

Phi-líp-pin
  1. 19.8                                     

21.4

33.3

37.5

48.8

59.0

Thái Lan
  1. 10.0                              

11.4

20.8

  1. 24.5       

32.5

40.0

Việt Nam Khg số liệu                             Khg số liệu          

18.3

19.2 

19.9 

22.3

Myanma
  1. 12.9                           
  2. 14.3        
 

22.8

24.0 

24.8

28.4

Lào
  1. 6.5                                         

8.5

9.6

13.4

18.6

25.1

Nguồn: Mc Gee; 1967, 1979; Jones, 1997 và ESCAP, 1992

 

 

Bảng 3. Các số liệu cơ bản về các VĐĐT ở Đông Nam Á (1990-2000) được nhắc đến trong tham luận

  Diện tích (km2) Dân số (1000) Mật độ (ng/km2)
 

 

1990 2000 1990 2000
Jakarta

 

 

 

 

 

K. Trg tâm

662

8,347

8,347

12,421

12,610

V. nội vi

2,374

9,435

9,435

2,289

3,975

V. ngoại vi

3,319

3,407

3,407

1,097

1,087

Tổng cộng

6,175

21,190

21,190

2,769

3,432

Bangkok

 

 

 

 

 

K. Trg tâm

876

5,455

5,876

6,215

6,709

V. nội vi

1,907

1,596

2,380

837

1,248

V. ngoại vi

4,465

1,593

2,163

348

472

Tổng cộng

7,248

8,634

10,419

1,172

1,411

Manila

 

 

 

 

 

K. Trg tâm

663

7,907

9,880

12,551

15,642

V. nội vi

3,105

4,183

6,365

6,215

6,709

V. ngoại vi

8,322

3,819

5,368

461

648

Tổng cộng

12,061

15,909

21,613

1,324

1,641

TP HCM

 

 

 

 

 

K. Trg tâm

170

2,320

3,230

13,647

18,841

V. nội vi

617

904

1,078

1,465

1,747

V. ngoại vi

1,308

700

756

535

578

Tổng cộng

2,095

3,924

5,037

1,873

2,404

Nguồn: Jones 2006.

 

Bảng 4. Tỉ lệ dân số các VĐĐT so với dân số quốc gia (1990-2000)

 

Jakarta

Bangkok

Manila

Tp HCM

1990

9.4

15.8

26.1

5.9

2000

60.6

43.6

28.6

6.4

Nguồn: Jones 2006

 

Bảng 5.  Các VĐĐT được bàn đến trong tham luận. Tỉ lệ dân số ở vùng nội vi và ngoại vi. Tăng trưởng dân số so với mức tăng trưởng chung của VĐĐT (%) 1990-2000

 

Jakarta

Bangkok

Manila

Tp HCM

1990

51.9

36.9

50.3

40.9

% trong tổng tăng của VĐĐT

97.9

75.9

65.4

20.7

2000

60.6

43.6

54.3

36.4

Nguồn: Jones 2006  

 

 

Bảng 6.  Các quốc gia Đông Nam Á và các VĐĐT được bàn đến trong tham luận. Tốc độ gia tăng dân số trung bình hàng năm (%) 1990-2000.

% trung bình năm

Jakarta

Bangkok

Manila

TP HCM

2.1

1.9

3.1

2.8

In-đô-nê-xi-a

Thái Lan

Phi-líp-pin

Việt Nam

1.5

1.4

2.1

1.7