Ngày Trái Đất: Đừng run sợ, hãy cứ mỉm cười

Giữa tất cả những bàn luận bi quan về một thảm họa sắp diễn ra thì sự xuất hiện của bài viết này có lẽ như một điều bất ngờ, nhưng khi chúng ta tiến gần đến lần kỉ niệm thứ 40 kể từ Ngày Trái Đất đầu tiên thì những ai quan tâm đến môi trường thực sự có nhiều lý do để vui mừng hơn. Dĩ nhiên đó không phải là cách nhìn của những người tổ chức Ngày Trái Đất 2010. Đối với họ, “Trái đất đang nguy cấp hơn bao giờ hết” (theo một lời kêu gọi gần đây trên mạng). Nhưng hãy nghĩ xem: tại tất cả các quốc gia phát triển, không khí đã trở nên dễ thở và nước uống đã an toàn hơn so với thời điểm 1970. Tại hầu hết các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, tình trạng phá rừng đã chuyển thành tái trồng rừng. Hơn nữa, tỉ lệ suy dinh dưỡng đã giảm bớt và có thêm nhiều người được tiếp cận với vệ sinh và nước sạch.

Những dự báo mang tính thảm họa của các nhà hoạt động môi trường chẳng phải là điều gì mới mẻ. Cho đến 10 năm trước đây tôi vẫn tuyệt đối tin vào những tiên đoán đó. Như nhiều người trong chúng ta, tôi đã nghĩ rằng thế giới đang trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày. Suy nghĩ này chỉ thay đổi khi với tư cách một giảng viên đại học, tôi cho các sinh viên chứng minh điều ngược lại mà lúc đó tôi thấy rất gượng gạo rằng các chỉ số môi trường thực ra đang được cải thiện.

Ngạc nhiên thay, những dữ liệu thu thập được cho chúng tôi cho thấy rằng những chỉ số môi trường chính đúng là đang có chiều hướng tốt hơn. Chúng tôi cũng phát hiện ra sự chênh lệch không mấy hay ho giữa những mối quan tâm chủ yếu của các nước giàu và những vấn đề thật sự đang gây hại cho thế giới.

Nếu có điều gì phải bi quan thì đó chính là khoảng cách giữa quan niệm và thực tế này đang ngày một nong rộng ra theo năm tháng. Ví dụ, một trong những “vấn đề lớn” ma các nhà tổ chức Ngày Trái Đất năm nay nhắc đến đó là việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Nhắc lại điều này có lẽ gây nhàm chán, nhưng nếu không có những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp năng suất cao được phát triển suốt 60 năm qua thì gần như chắc chắn tất cả rừng trên thế giới sẽ bị xóa sổ cho mục đích sản xuất lương thực. Và đói kém sẽ còn trầm trọng hơn rất nhiều.

Biến đổi khí hậu đang khấn cấp?

Dĩ nhiên trong suy nghĩ của các nhà vận động cho Ngày Trái Đất thì không có thách thức môi trường nào cấp thiết hơn là yêu cầu cắt giảm carbon để ngăn chặn hiện tượng trái đất nóng lên. Nhưng liệu biến đổi khí hậu có phải là vấn đề lớn nhất phải đối phó?

Vậy còn vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà, tác nhân môi trường gây tử vong hàng đầu thế giới thì sao? Ở những nước nghèo, 2,5 tỉ người dựa vào (năng lượng) “sinh khối” (gỗ, rác thải, phân động vật) để nấu ăn và giữ ấm. Trong năm nay, ô nhiễm phát sinh từ những hoạt động đó sẽ giết chết khoảng 1,3 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Chuyển từ nhiên liệu sinh khối sang nhiên liệu hóa thạch sẽ cải thiện đáng kể cuộc sống của hơn một phần ba dân số thế giới. Điều không may là Ngày Trái Đất năm nay chúng ta sẽ chẳng nghe thấy ai phát biểu ủng hộ việc sử dụng nhiều hơn nhiên liệu hóa thạch tại các nước nghèo.

Tôi không nói là chúng ta cứ vô tư phớt lờ hiện tượng trái đất nóng lên. Biến đổi khí hậu do lỗi của con người là có thật, và đúng là chúng ta phải hành động. Nhưng trong một thế giới mà hầu hết các nước đang phát triển phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch để vận hành nền kinh tế thì việc khăng khăng đòi mạnh tay cắt giảm phát thải carbon như giải pháp duy nhất cho tất cả cho thấy sự thiếu thực tế và thiếu cả đạo đức. Giải pháp này chỉ hợp lý trong trường hợp chúng ta hỗ trợ các nước đang phát triển những lựa chọn thay thế than và dầu rẻ tiền và thực tế. Nhưng chúng ta không làm được, và khi không thể giúp được gì thì những điều chúng ta đang thực sự làm khi kêu gọi cắt giảm phần lớn carbon chính là bảo những người nghèo hãy cứ tiếp tục sống cuộc đời tăm tối và đau khổ.

Hãy giúp đỡ những nước nghèo trước

Vậy chúng ta nên làm thế nào? Đầu tiên là chúng ta có thể suy xét một trong những bài học quan trọng trong 40 năm đấu tranh vì môi trường vừa qua. Không thể nào đòi hỏi người ta phải quan tâm đến việc môi trường sẽ ra sao trong 100 năm tới nếu họ đang phải lo nghĩ đến việc con cái có đủ ăn hay không. Lưu ý được điểm này, chúng ta nên tập trung vào nhiều vấn đề khẩn thiết hơn của những nước nghèo trong hiện tại – những vấn đề như suy dinh dưỡng, giáo dục, bệnh dịch và nước sạch. Đồng thời, phải có những bước đi hiệu quả nhằm đảm bảo rằng tương lai của những nước này đến từ những nguồn năng lượng xanh. Chừng nào điện năng từ những nguồn bền vững như mặt trời còn tốn kém gấp 10 lần điện sản xuất ra ở các nhà máy chạy than thì chừng đó chỉ có những nước giàu mới chịu ủng hộ năng lượng xanh (và không được quên điều kiện phải có trợ cấp từ chính phủ). Điều chúng ta cần làm đó là hỗ trợ những đột phá công nghệ để làm sao cho năng lượng mặt trời rẻ hơn năng lượng hóa thạch. Một khi làm được việc đó thì chẳng cần phải ép buộc ai từ bỏ than và dầu nữa.

Do đó, mục tiêu của chúng ta gồm có hai bước: thứ nhất, xử lý ngay những vấn đề cấp thiết ở những nước đang phát triển; thứ hai, giúp những nước này có được những công nghệ cần thiết để tạo ra một thế giới xanh và thịnh vượng. Ngạc nhiên là những điều này dường như không gây được sự hứng thú ở các phong trào môi trường. Nhưng trong khi họ kêu gào về những thảm họa từ sự tham lam và ngốn xăng của chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây, thì nhân Ngày Trái Đất, những người còn lại trong chúng ta hãy cứ vui mừng vì những thành tựu môi trường đã đạt được và vạch ra một con đường thích hợp cho những thử thách trước mắt.

Đăng ngày 21/04/2010 tại USA Today

—————————-

Vài nét về tác giả Bjorn Lombor, nguồn Facebook

Bjorn Lombrg là giáo sư – diễn giả người Đan Mạch cộng tác tại trường Copenhagen Business School và là người sáng lập – giám đốc Copenhagen Consensus Center, một tổ chức tư vấn nổi tiếng huy động những nhà kinh tế hàng đầu để xác định thứ tự ưu tiên giải quyết những vấn đề lớn của thế giới, trong đó có bệnh sốt rét, HIV/AIDS và tình trạng thiếu nước sinh hoạt, dựa trên những phân tích phí tổn – lợi ích của các giải pháp được đưa ra.

Dấu ấn đầu tiên của Lomborg trên các diễn đàn thế giới xuất hiện vào năm 2001 với quyển sách The Skeptical Environmentalist (download trích đoạn quyển sách), trong đó ông lập luận rằng mặc dù ô nhiễm và các vấn đề môi trường khác cần được giải quyết thì những bước tiến lớn trong môi trường cũng đã xuất hiện và tình hình không đến nỗi kinh khủng như các nhà hoạt động khẳng định. Quyển sách năm 2007 với tựa Cool It: The Skeptical Environmentalists Guide to Global Warming thách thức những suy nghĩ truyền thống về những cách thức ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu, cũng là cảm hứng để nhà làm phim Ondi Timoner thực hiện bộ phim tài liệu cùng tên. Phim đã được chọn chiếu khai mạc tai Liên hoan phim quốc tế Toronto năm 2010. Trailer:

Nguyễn Thanh Việt dịch và tổng hợp