Một ngày để hướng ra biển và biên cương Tổ Quốc
Tôi là một người Việt trẻ sinh ra ở thành phố cảng Hải Phòng, có nhiều năm tuổi thơ gắn bó với vịnh Hạ Long và thành phố biển Vũng Tàu nhưng tôi biết rất ít về biển Đông và những hải đảo của đất nước. Sách giáo khoa cho chúng tôi biết quá ít và quá chung chung về vùng lãnh hải của đất nước, về cuộc sống và những cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương ngoài đảo xa.
Khi tôi lớn lên, cha tôi, một phóng viên đã từng đặt chân lên những Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, đã kể cho tôi nghe về cuộc sống và số phận của những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Rồi tôi may mắn được một nhà sử học đáng kính chỉ cho thấy trong bản đồ Hồng Đức, bản đồ hành chính đầu tiên của nước ta được thực hiện dưới thời vua Lê Thánh Tông – ông cha ta đã xoay ngang phương vị bản đồ để nhấn mạnh thế phong thủy của đất nước: lưng dựa dãy Trường Sơn, mặt tiền hướng ra biển và đặt khối lục địa Trung Hoa sang bên cạnh thay vì ở phía trên mảnh đất Việt Nam bé nhỏ. Sau đó Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (hoàn thành 1838, thời Nguyễn) đã lặp lại cách thể hiện của Hồng Đức Bản Đồ, thể hiện hình hài hoàn chỉnh của đất nước với thế “dựa núi, nhìn ra biển” và những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được mô tả thuộc về Việt Nam và vẽ rất gần đất liền. (Tiếc thay, “Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố” do NXB Bản Đồ ấn hành mới đây đã xoay ngược lại Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ trên bìa sách). Nhưng tôi phải nhờ đến việc … đi du học tại Canada, tôi mới có được những hiểu biết cụ thể của tôi về biển Đông và những hải đảo. Trong cuốn sách giáo khoa nhập môn về Địa lý học tôi được đọc vào năm thứ nhất đại học, có một bài và một bản đồ biển Đông rất chi tiết với đường lãnh hải tuyên bố của từng quốc gia trong khu vực, tên từng hòn đảo và quốc gia đang chiếm đóng, vị trí các giàn khoan dầu khí và các tuyến hàng hải thương mại chính. Làm sao để mọi người Việt Nam đều có được những kiến thức về biển và đảo của Việt Nam như những bạn học của tôi ở một giảng đường miền Tây Canada xa xôi? Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đều đã có ngày kỷ niệm quốc gia về biển để người dân trân trọng tài nguyên và lãnh hải của đất nước, còn chúng ta?

Hồng Đức Bản Đồ
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3000 km nhưng không có một nhà hàng hải được thế giới biết đến và đội tàu biển ít ỏi vài trăm chiếc của chúng ta luôn nằm trong top 10 thế giới về số tàu bị lưu giữ vì vi phạm các nguyên tắc an toàn hàng hải tại cảng nước ngoài (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số 22 – 2009). Biển cũng là nơi im tiếng súng vệ quốc cuối cùng và là nơi bắt nguồn của những cơn bão nhiệt đới dữ dội tàn phá nhà cửa và mùa màng của nhân dân.
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3000 km nhưng đó không chỉ là tiềm năng du lịch lớn lao và nguồn tài nguyên dầu khí đang đóng góp 1/3 tổng ngân sách quốc gia, quan trọng hơn, đó là cánh cửa để đất nước bước ra thế giới và hàng hóa Việt Nam hòa vào dòng chảy thương mại từ Đông sang Tây. Và những hòn đảo xa xôi mới thực sự là điểm địa đầu tổ quốc.
Nhưng để trở thành quốc gia biển và vươn ra biển, để bảo vệ hải đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ cần những động thái của chính quyền mà hơn hết là lòng yêu nước, nhận thức và sự quan tâm của mỗi người dân đối với biển, với số phận từng hòn đảo và từng người lính giữ đảo. Và lòng yêu nước, tinh thần hướng ra biển phải bắt nguồn từ sự hình thành mối liên hệ và hiểu biết về những mảnh đất cụ thể, những sự kiện cụ thể và những con người cụ thể. Một “Ngày biển Đông và hải đảo Việt Nam” là dịp để hình thành và nung nấu trong mỗi người Việt Nam một nhân thức và mối dây liên hệ tình cảm cụ thể và chân thành như vậy.
Nguyễn Đỗ Dũng
Ý kiến độc giả