
Thẻ
Christopher Alexander và Trường phái hiện tượng luận
Nguyễn Hồng Ngọc
Tôi nhìn chăm chăm vào cuốn sách “Một ngôn ngữ kiểu mẫu” của Christopher Alexander và cộng sự. Đó là một cuốn sách second hand tả tơi được mua từ mạng Amazon 5 năm về trước. Bìa sách bị cong, vỏ bọc chỗ gáy sách bị rách lộ ra phần bìa bên trong màu nâu đỏ. Điều đáng ngạc nhiên là cuốn sách được trang trí như một quyển Kinh Thánh[i], nó dày và cũng có khổ như các quyển kinh thánh ta thường thấy trong học tủ đầu giường ngủ tại các khách sạn[ii]. Bìa màu vàng, chữ nhỏ và hình cũng rất nhỏ. Tất cả gợi cho ta đây là một quyển sách quan trọng, ta có thể đọc một lần nhưng rất cần có nó ở bên để đọc nhiều lần. Một thiết kế hoàn hảo cho nội dung mà Christopher Alexander muốn trình bày.
Một điều cực thích thú khi đọc quyển sách này là bạn có cảm nhận được rất nhiều thông tin thông qua hình ảnh, tất nhiên phần văn bản rất quan trọng, nhưng với một kiến trúc sư như Alexander, hình ảnh và bố cục của quyển sách cũng quan trọng không kém. Từ đẹp không thích hợp để nói về những hình ảnh này. Chúng đích thực hiện ra trước bạn một cách hiện tượng (phenomenology). Chăng hạn, kiểu mẫu “Những nơi chốn linh thiêng” (số 24) in hình ngọn núi tuyệt đẹp tuyết phủ trắng, chúng ta tự nhiên đã cảm thấy cái nhu cầu cần phải bảo tồn những địa điểm linh thiêng như thế này trong cộng đồng. Hoặc trong kiểu mẫu “Những người lớn tuổi ở khắp nơi” (số 40), bạn thấy một ông già đang đọc sách trong vườn hay công viên, ngay cạnh đó là hai đứa trẻ đang chơi đùa. Alexander và đồng sự muốn cho ta thấy nhu cầu của việc cần có những người không còn sức lực như giới trẻ nữa, nhưng hiền minh sống trong mọi cộng đồng. Như vậy tất cả thông tin đến với bạn hầu như trực tiếp và toàn bộ, trước khi bạn đọc đến văn bản.
Với những kiểu mẫu khác mang tính kỹ thuật hơn, ta cần phải khảo sát văn bản của “Một ngôn ngữ kiểu mẫu”. Nhưng lần này bản chất hiện tượng học cũng được thể hiện, dù Alexander có chủ định hay không[iii]. Ở đây một kiểu mẫu với Alexander chính là sản phẩm từ sự quan sát một cách hiện tượng luận từ thực tế xây dựng của tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Đó là cái cách mà con người đã tạo ra môi trường bền vững để họ tồn tại trên thế giới, hay nói như cách của Martin Heidegger, triết gia khai sang hiện tượng luận, để chuyển “cư trú”[3] thành “ở-trong-thế-giới”[4]. Còn nói một cách như David Seamon, một kiến trúc sư quan tâm đến hiện tượng luận trong kiến trúc, một kiểu mẫu là một sơ đồ miêu tả kiến trúc và thiết kế đô thị sở hữu cá tính của địa điểm (sense of place), cùng lúc đó kiểu mẫu cũng bao gồm cả những hướng dẫn làm thế nào để tạo ra nó một cách hiêu quả (Seamon).
Vì sao lại cần có kiểu mẫu, theo Alexander thì công tác xây dựng và kiến trúc hiện tại khiến con người bị xa lạ[5]. Chúng khước từ sự tôn trọng cảm xúc của người sử dụng (xem Katarxis3, trong buổi phỏng vấn với Michael Mehaffy), tệ hơn nữa chúng tại thí nghiệm lên cảm xúc của con người. Nhà toán học và nghiên cứu kiến trúc Nikos Salingaros còn tuyên bố đó là một tội ác. Đỉnh điểm của sự phẫn nộ của Alexander được thể hiện trong cuộc luận chiến của ông với Peter Eisenman năm 1982 tại Đại học Harvard. Khi Eisenman tuyên bố thẳng thừng rằng ông cảm thông với những kiến trúc sư thể hiện sự lo sợ trong kiến trúc và bởi vì nổi sợ có mặt khắp nơi trên thế giới, kiến trúc sư phải mang nó vào trong công trình kiến trúc. Chẳng cần phải nói đối với một người luôn mong muốn làm điều đúng như Alexander (ông lấy ví dự đóng một cái bàn một cách đúng đắn), tuyên bố của Eisenman thật vô nghĩa. Ông đáp lại rằng những kiến trúc sư hậu hiện đại và giải tỏa kết cấu như Eisenman đang chửi cha thế giới![iv].
Với “Một ngôn ngữ kiểu mẫu” Alexander mong muốn thực hiện quá trình hàn gắn (healing) thế giới. Mỗi một hành động xây dựng dù là trang trí nội thất hay xây dựng một quảng trường phải nhằm mục đích hàn gắn môi trường xây dựng. Ở đây hàn gắn có nghĩa là “tạo thành toàn thể” (“make whole”). Ông cũng mong muốn tìm hiểu cái cách mà kiến trúc truyền thống trên khắp thế giới đã đạt đến cảm giác tổng thể (sense of togetherness) và hài hòa nhưt thế nào (Alexander, 1977), làm thế nào đạt được chất lượng hài hòa và thu hút như thành phố Venice, hoặc Oxford, hay những công trình như nhà thờ Chartres Cathedral. Như vậy một ngôn ngữ kiểu mẫu là một phương pháp mang tính khái niệm mà qua đó người thiết kế lẫn người thường đều có thể sử dụng nó để tăng cường cái cá tính của nơi chốn (Seamon, 2000).
Để hiểu hơn về bản chất hiện tượng luận của “Một ngôn ngữ kiểu mẫu,” hãy nghiên cứu một trong số 253 kiểu mẫu. Chẳng hạn “Cửa sổ nhìn vào cuộc sống” (số, 192). Alexander cho rằng thông qua cửa sổ con người có được mối liên hệ vật lý và thị giác với thế giới. Chúng ta cũng thấy rằng thông qua của sổ, con người có mối liên hệ giữa trong và ngoài. Một kiểu mẫu khác “Chốn cửa sổ” (số, 180) trong đó Alexander ca ngợi những lợi ích của cửa sổ có bệ của thấp với ghế ngồi thoải mái. Ông cho răng cần thiết phải tạo ra trong nhà ít nhất một “Chốn cửa sổ như vậy”. Theo Alexander thì khi người ta bước vào nhà, một cách tự nhiên họ sẽ bị hút về phía có ánh sáng tức phía có cửa sổ, tiếp đến họ muốn được nghỉ ngơi và được cảm thấy thoải mái. Chính vì thế kiểu mẫu “Chốn cửa sổ” giải quyết được hai nhu cầu trên, và cũng chính nhờ thế mà không gian thuần túy đã được chuyển thành nơi chốn nhờ sự liên hệ với cảm xúc của con người, nhờ được chiếu sang và được làm cho thoải mái (Alexander, 1977, xem Seamon, 2000). Cứ như thế nếu có càng nhiều kiểu mẫu hiện diện trong một không gian, không gian đó càng đậm đặc hơn và trờ thành có ý nghĩa hơn. Để nêu rõ Alexander gần gũi với phương pháp hiện tượng luận như thế nào chúng ta hãy đọc bài thơ “Một tối mùa đông” của George Trakl mà Heidegger dùng như mở đầu cho khái niệm “cư trú” (trích từ Genius Loci- về hiện tượng học của kiến trúc, xem Norberg-Schulz, tr 8).
MỘT TỐI MÙA ĐÔNG
Bên cửa sổ tuyết rơi thành lớp
Tiếng chuông cầu nguyện ngân dài
Ngôi nhà đầy đủ
Trên bàn dọn đầy
Lang thang đâu đó người hỡi
Đến trước cửa, dưới bóng chiều
Hoa kiều diễm nở vàng
Rút từ đất những giọt sương lành
Kẻ lang thang lặng dừng bước
Đớn đau quay lại bậc thềm
Ở kia, trong ánh sang rực
Bánh mì và rượu vang trên bàn
Bạn đọc hẳn sẽ tha thứ cho tôi vì tội dám dịch một bản dịch thơ tiếng Anh (ngôn ngữ gốc là tiếng Na Uy) trong khi mình không có một kiến thức gì về thơ. Tuy nhiên điều chúng ta quan tâm ở đây là nội dung nhiều hơn chất thơ vì cũng chính từ nội dung bài thơ này mà Heidegger đã xây dựng nên khái niệm “cư trú” (baun) rất quan trọng. Bài thơ phân biệt rõ khái niệm “bên ngoài” và “bên trong”. Khổ thơ đầu tiên miêu tả thế giới tự nhiên và nhân tạo “bên ngoài” thông qua “tuyết rơi”, “chuông ngân”. Và rồi trong khổ thờ thứ hai và khổ thơ cuối nhà thơ giới thiệu thế giới “bên trong”, khi con người cảm thấy “nhà đầy đủ”, và qua cửa sổ, khái niệm bên trong như là phần bổ sung cho bên ngoài xuất hiện. Trong khi sự tương phản giữa trong và ngoài là rõ rang: sang sủa, ấm áp đối với tối tăm, lạnh lẽo, thì thế giới bên trong lại nhận được đủ đầy ý nghĩa bởi hoa trái thánh thần của bầu trời và mặt đất- thông qua thế giới bên ngoài. Vì thế “ngôi nhà và cái bàn nhận và hội tụ, rồi mang thế giới lại gần hơn. Cư trú (to dwell) trong một ngôi nhà vì thế có nghĩa là ở trong thế giới (ibid, 9). Như vậy các kiểu mẫu của Alexander “Cửa sổ nhìn ra cuộc sống” và “Chốn cửa sổ” đã hoàn thành chức năng giống như cửa sổ trong thơ của Georg Trakl vi chúng đảm bảo khả năng cung cấp “đủ đầy”.
Sau thành công vang dội của “Một ngôn ngữ kiểu mẫu”[6], Alexander đã dành 25 năm trời để nghiền ngẫm, thực nghiệm và kiểm chứng các kiểu mẫu rồi từ đó viết nên bộ sách đồ sộ bốn quyển “Về Tự nhiên tính của Trật tự”. Một điều Alexander nhận thấy trong công trình ông trực tiếp tham gia là trong khi ông đang cố vận dụng các kiểu mẫu của mình thì công ty xây dựng vẫn hoạt động với kiểu kinh-doanh-như-thường-lệ, cuối cùng tạo ra một kết qua chung chung không thể thỏa mãn được. Hoặc là khi người dân thường vận dụng các kiểu mẫu của ông, họ đã tạo ra những kết quả khá là kỳ quặc do không nắm được khái niệm mà sau này ông gọi là “tính toàn thể” (wholeness). Khái niệm “tính toàn thể” của Alexander cũng đã từng được ông đề cập tới thông qua những tên gọi khác nhau “phẩm chất mà không cần tên gọi”, “cách xây dựng vượt thời gian”, “mức độ của sự sống”. Nay khái niệm “tính toàn thể” có thể nói đã đại diện đầy đủ nhất cho phương pháp hiện tượng luận của ông. Theo Alexander “tính toàn thể” là “nguồn gốc của sự gắn bó tồn tại trong bất kỳ phần nào của thế giới” hoặc cái toàn thể được liên hệ mật thiết với những phẩm chất khác như vẻ đẹp, sức khỏe, an lành, sự sống động và sự sống (Seamon, 2007). Để đạt được phẩm chất của tính toàn thể, một mặt Alexander sử dụng 15 thuộc tính hình học của cấu trúc mà ông gọi là quá trình biến đổi bảo toàn cấu trúc[v], ông cho rằng có mặt trong tất cả mọi vật, mọi công trình, mọi nơi chốn và mọi hoàn cảnh duy trì được cái toàn thể và sự sống. Mười lăm thuộc tính này được Alexander phát triển một cách hiện tượng luận. Mặt khác để đảm bảo đạt được quá trình phát triển lần lần mà ông cho rằng vô cùng quan trọng đối với việc hình thành tính toàn thể, ông đề xuất quá trình phát triển gọi là generative process[7]. Đó là quá trinh mà cái toàn thể hiện tại được cải tạo thành cái toàn thể mới, và tình trạng của hệ thống thì luôn được bảo tồn và cải thiện.

Hình 7: Một lối đi giữa hai khối nhà học (Nguồn: Living neighborhood, http://www.livingneigborhoods.org)
Mặc dù chưa có một kiểm nghiệm nào cho các nguyên tắc của “Về tự nhiên tính của trật tự” trên quy mô đô thị, nhưng những công trinh kiến trúc Alexander thực hiện rất thành công. Phần lớn đạt được phẩm chất trật tự, có sự sống (Sermon, 2007). Một trong những công trình như vậy là Khu học xá Eishin của một trường Cao đẳng tại Nhật Bản. Không gian kiến trúc không chỉ thân mật mà còn quan hệ rât mật thiết với con người. Chỉ cần nhìn vào các bức ảnh chúng ta cũng cảm thấy cái bình lặng, giản dị nhưng cũng rất thanh lịch của công trình. Như với vòm công và lối đi giữa các dãy nhà được xây dựng với tỷ lệ nhân văn, trần có các độ cao khác nhau dựa trên cảm xúc và chuyển động, hoặc chỗ ngồi dọc hành lang nơi sinh viên có thể tập trung, trao đổi hoặc đơn giản chỉ nhìn ngắm những người khác. Cảm xúc quan trọng nhất là sự sống trong công trình.
Có người nhận xét rằng “Về Tự nhiên tính của Trật tự” không phải là một công trình khoa học mà là một tác phẩm triết học. Hóa ra đó lại là điều mà Christopher Alexander muốn làm, khi ông cho rằng kể từ thời Descartes và Newton, chúng ta đã vô tình phân chia kiến thức loài người thành khoa học, triết học, nghệ thuật, v.v…Trong khi đó khoa học, theo ông không thể thiếu đi thuộc tính giá trị. Ông thúc dục chúng ta mang các giá trị vào khoa học và nghệ thuật kiến trúc và quy hoạch đô thị không phải bằng “giải tỏa kết cấu” hoặc “diễn dịch” thông qua “diễn ngôn” như những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại thường làm mà trên cơ sở khoa học của cảm xúc. Phải, cảm xúc cugnx dựa trên cơ sở khoa học và có một sự đồng thuận khá lớn, chính vì cấu trúc hình học mà 15 thuộc tính của ông đề cập đến[8]. Đó chính là thông điệp mà “Về Tự nhiên Tính của Trật tự” gửi tới chúng ta và giục chúng ta “ở-trong-thế-giới”.
GHI CHÚ:
[1] Hiện tượng luận (trích từ Từ điển Bách khoa Triết học Stanford): Được xác định như là việc nghiên cứu cấu trúc của kinh nghiệm hoặc nhận thức. Về mặt từ ngữ mà nói, hiện tượng luận nghiên cứu “hiện tượng” xuất hiện của mọi vật hoặc mọi vật như là chúng xuất hiện trong kinh nghiệm của chúng ta, hoặc cách mà chúng ta trải nghiệm chúng, tức là ý nghĩa của sự vật có được trong kinh nghiệm của chúng ta. Hiện tượng luật nghiên cứu kinh nghiệm nhận thức như cách được trải nghiệm một cách chủ quan hoặc từ quan niệm của ngôi thứ nhất hành động. Đây là một lĩnh vực của triết học được phân biệt và liên quan tới những lĩnh vực khác của triết học như bản thể luận (nghiên cứu về tồn tại hoặc trả lời cầu hỏi cái gì), phương pháp luận (nghiên cứu về kiến thức), logic (nghiên cứu về giá trị của tư duy), đạo đức (nghiên cứu về hành động nào là đúng, sai) v.v…
[2] Email: nguyenhongngoc@rocketmail.com
[3] tiếng Đức: buan, tiếng Anh: dwell.
[4] tiếng Đức: Dasein, tiếng Anh: being-in-the-world
[5] Nguyên văn: alienation.
[6] “Một ngôn ngữ kiểu mẫu” là tác phẩm kiến trúc bán chạy nhất đến tận thời điểm này. Nên nhớ tác phẩm này ra đời từ năm 1977.
[7] Generative process: tạm dịch là quá trình sinh trưởng, phát sinh, tiến hóa.
[8] Xem 15 thuộc tính hình học được liệt kê ở cuối bài. Hoặc xem them thông tin trong bài “Giới thiệu generative process và thử nghĩ về quy hoạch thành phố Hội An”.
[i] Cách đây mấy năm trong một chuyến dẫn sinh viên đi tham quan miền Nam Việt Nam, khi tôi mang theo cuốn “A Pattern Langua” trên xe, một bạn sinh viên đã cầm lên và nói đùa. Đây là kinh thánh. Ta có thể hiểu đó là một nhận thức có từ hiện tượng của quyển sách.
[ii] Trong các khách sạn ở Mỹ người ta thường để Kinh Thánh trong các hộc tủ đầu giường.
[iii] Alexander chưa bao giờ xác nhận mình là một kiến trúc sư thuộc trường phái hiện tượng học, cũng như bất cứ trường phái nào khác. Có lẽ ông tự cho rằng sự phân loại không thích hợp với mình.
[iv] Nguyên văn: “I find that incomprehensible. I find it very irresponsible. I find it nutty. I feel sorry for the man. I also feel incredibly angry because he is fucking up the world.”
Xem cuộc tranh luận giữa Christopher Alexander và Peter Eisenman tại đâyhttp://www.katarxis3.com/Alexander_Eisenman_Debate.htm. Công trình mà Peter Eisenman dẫn đến là của Rafael Monero tại Tây Ban Nha.
[v] 15 thuộc tính đó là: Mức độ quy mô, Trung tâm mạnh, Đường biên, Sự lặp lại xen kẽ, không gian tích cực, Hình dạng tốt, Đối xứng cục bộ, Cài nhau chặt chẽ, Tương phản, Gradient, Sự thô, Tiếng vọng, Khoảng trống, Sự biến hình, Sự đơn giản, Sự bất phân ly.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Alexander, C et al. Một ngôn ngữ kiểu mẫu: Thành phố- Công trình- Xây dựng (A patter language: Towns. Buildings. Constructions). 1977, Nxb: Oxford University Press. NY
1. Katarxis3. Sự liên quan giữa kiến trúc và khoa học (The interaction of Architecture and Science). Download từ trang mạng Katarxis3 vào ngày 28 tháng 10 năm 2010. http://www.katarxis3.com/Alexander_Architecture_Science.htm.
2. Noberg-Schulz, C. Genius Loci- Về hiện tượng học của kiến trúc (Genius Loci- Toward a phenomenology of architecture). Rizzoli. Newyork. 1980.
3. Seamon, D. Christopher Alexander và hiện tượng học của cái toàn thể (Christopher Alexander and a Phenomenology of Wholeness). Bài đọc tại hội thảo tại Hiện hội Nghiên cứu Thiết kế Môi trường (Conference paper at Environmental Design Research Association (EDRA)). Sacramento, CA, 2007. Dowloadn từ trang mạng của Khoa Kiến trúc, Đại học Bang Kansas vào ngày 28 tháng 10 năm 2010.http://www.arch.ksu.edu/seamon/Alexander%20as%20phenomenology%20of%20wholeness%20dec%2008.pdf
4. Seamon, D. Cụ thể hóa khái niệm Cư trú của Heidegger: Đóng góp của Thomas Thiis-Evensen và Christopher Alexander, trong quyển Xây dựng và Cư trú (Concretizing Heidegger’s Notion of Dwelling: The Contributions of Thomas Thiis-Evensen And Christopher Alexander- Building and Dwelling [Bauen und Wohnen]), biên tập bởi Eduard Führ. Munich, Germany: Waxmann Verlag GmbH; New York: Waxmann, 2000, pp. 189-202; Download ngày 28 tháng 10 năm 2010 từ trang web http://www.arch.ksu.edu/seamon/Heidegger.htm
5. Salingaros, N. Bài giảng trên mạng Thiết kế bền vững theo thuật toán: Tương lai của lý thuyết kiến trúc (Algorithmich Sustainable Design: The Future of Architecture Theory). Download từ Webpage của Nikos Salingaros vào ngày 28 tháng 10 năm 2010. http://zeta.math.utsa.edu/~yxk833/algorithmic.html
Ý kiến độc giả