Không treo mới là QUY HOẠCH!

Sau khi đọc bài “Sống ‘treo’ trong vùng quy hoạch ‘treo‘” với một câu hỏi nhức nhối:”Không treo không phải là quy hoạch?”, tôi đã thử hỏi các bạn trẻ đang hành nghề quy hoạch và nhận được rất nhiều suy nghĩ sâu sắc và cả sự băn khoăn của người tâm huyết với nghề. Tôi cũng gửi vào đó những suy nghĩa của tôi (chữ nghiêng màu nâu) và muốn khẳng định rằng chính phương pháp mà chúng ta đang làm khiến cho quy hoạch trở thành “treo” (bên cạnh các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội khác nằm ngoài tầm kiểm soát của quy hoạch sư). Đó không phải là quy hoạch thực thụ với đầy đủ ý nghĩa kỹ thuật và xã hội của lĩnh vực này. Không “treo” mới là quy hoạch! Nguyễn Đỗ Dũng

L:

Theo ý kiến của riêng em, muốn giải quyết “Treo” thì ta phải biết nguyên nhân.Trên thực tế, QH thành công phải xét đến những vấn đề như :

1. Nhu cầu ( dân số hiện có và nhu cầu nhà cửa), thực trạng kinh tế của hiện tại của người dân và nhà nước.

2. Tài nguyên ( quỹ đất).

3. Vấn đề quản lý, chiến lược kinh tế (cấp chính quyền).

4. Con người.

Hoàn toàn chính xác, có thể nói ngắn gọn là cần hiểu thực trạng và dự báo tương lai à Nhưng trong trường quy hoạch có thực sự dạy những điêu này không? Chính vì thực tế này mà từ hơn 50 năm ngành quy hoạch trên thế giới không còn dạy vẽ mà dạy về kinh tế, xã hội, chính trị và địa lý trong đó nhấn mạnh đến các công cụ để hiểu thực tại (vd: GIS) và các công cụ để dự báo tương lai (vd: tính toán dự báo cơ cấu dân số, tốc độ phát triển kinh tế, trữ lượng tài nguyên để phục vụ phát triển).

Giống như kinh doanh, không có nhu cầu thì làm gì có sản phẩm. Trên thực tế luôn có nhu cầu, nhưng nhu cầu bao nhiêu, như thế nào thì không ai biết??????(không có cty nào điều tra – có thể là trách nhiệm nhà nước). Các nhà đầu tư biết là có nhu cầu thật nhưng lại không chắc, thấy một vài công ty đầu tư được, ‘sốt’ đất nên đua nhau lập QH, xây nhà (toàn là nhà cao cấp đến siêu cấp – giá các căn này ngay cả các KTS làm cả đời cũng không với tới chứ dừng nói người thườn) trong khi như cầu thự tế lại nhà thấp đến trung cấp la nhiều vì dân mình còn nghèo và không nhiều như thế ->> ‘treo’  – lãng phí  (tiền, quỹ đất…).

Rất hay! Do đó mà một trong những mục tiêu tới đây của anh tại công ty là thành lập được một nhóm chuyên về nghiên cứu thị trường và kinh tế để giúp chủ đầu xác định được nhu cầu cũng như phân khúc thị trường (bao nhiêu nhà đủ rẻ để KTS mua được, bao nhiêu để phục vụ công nhân,v.v…). Nhưng đó chỉ là cơ cấu trong từ dự án, ở tầm vĩ mô toàn đô thị hay toàn vùng, đúng là chính quyền phải thực hiện việc xác định khu vực sẽ phát triển và khu vực nào chưa phát triển đô thị. Việc này quan trọng ở 2 khía cạnh:

–       thứ nhất, để tránh cho sự phát triển tràn làn và manh mún (nhà mọc lên ở mọi nơi giữa đồng không mông quạnh) dẫn đến sự lãng phí về hạ tầng và dịch vụ công như việc một khu đô thị mọc lên ở khu Phước Giang, thì chi phí kéo nối hạ tầng sẽ cao hơn là nếu khu đó nằm ngay ở BH hay sát nách BH. Ở các nươc phát triển (có lẽ trừ Mỹ vốn dễ dàng hơn và chấp nhận thị trường tự do) thì các chính quyền địa phương tương đối nghiêm khắc trong việc xác định khu vực phát triển và nếu chủ đất nằm ngoài khu đó thì chỉ có nước chờ đợi hoặc vận động (công khai). Chính quyền kiểm soát phat triển thông qua việc cung cấp hạ tầng và dịch vụ (điện, nước). Việc cho phép phát triển lung tung còn làm lãng phí đất đai có sẵn trong thành phố (BH là ví dụ điển hình) và trong một số trường hợp làm chết thành phố trung tâm vì cư dân sẽ chuyển ra sinh sống ở đô thị mới có môi trường và hạ tầng chất lượng tốt hơn.

–       thứ hai, để bảo tồn đất nông nghiệp và rừng.

Vấn đề lớn nhất vẫn là nhà nước, thực chất QH là công cụ quản lý của nhà nước. Chính quyền dùng QH trong việc định hướng phát triển cũng như chính sách, chính trị của nhà nước. Vì vậy, trách nhiệm chính vẫn là Chính quyền, là cơ quan quản lập và phê duyệt, cấp phép. Thực trạng cấp phép và QH nhiều cửa nhưng lại không hiệu quả, dẫn đến nhiều dự án được duyệt không phù hợp nhu cầu thực tế và tệ hại nhất là manh mún, làm cho ĐT thành như 1 miếng vá.

Còn phải xét đến người tham gia QH nữa, là chủ đầu tư, chính quyền, cơ quan tư vấn và một người rất quan trọng nữa mà ta lại hay coi nhẹ, đó là người dân – những người trực tiếp sử dụng nó.

Người dân ở đây có 2 vai trò:

–       Đối với quy hoạch do nhà nước thực hiện (quy hoạch chung, quy hoạch cải tạo), người dân là người thụ hưởng đồng thời chịu tác động của quy hoạch. Khi làm một quy hoạch công, câu hỏi lớn nhất là làm sao xác định tỷ lệ cây xanh là bao nhiêu, bao nhiêu nhà nên là cao tầng, bao nhiêu nhà nên là thấp tầng, diện tích thương mại, bên ngoài việc sử dụng các công cụ kỹ thuật (như nghiên cứu thị trường, đánh giá môi trường) thì một cách làm chủ yếu là thu thập ý kiến người dân địa phương và phản ánh mong muốn của họ qua quy hoạch (tất nhiên có sự hỗ trợ và cố vấn của chuyên gia).

–       Đối với quy hoạch do tư nhân thực hiện, người dân là khách hàng tiềm năng (ở đây giả dụ là các dự án có đất sạch). Để xác định khách hàng này muốn gì, các chủ đầu tư ở nước ngoài thực hiện 2 việc: nghiên cứu thị trường và lập nhóm focus group (mời những người có thể là khách hàng tương lai hoặc có đặc điểm xã hội giống khách hàng tương lai) hỏi họ về mong muốn (tức là giống như cách làm ở trên đối với dự án công).

Thường thì có 2 vấn đề ảnh hưởng tới họ,

–       Một là vấn đề đền bù giải tỏa. Thưc trạng của vấn đề này ai cũng biết mà làm ngơ, vì họ là ‘dân đen’ – nghèo, không tiền, không quen biết nên tiếng nói không trọng lượng nên vì quyền lợi của cá nhân mà các cấp, cơ quan đã không có chính sách hợp lý cho người dân, gây nhiều bức xúc cho XH cũng là một trong những nguyên nhân gây Qh ‘treo’

Vấn đề khó và tế nhị ở Vn là đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước thay mặt toàn dân quản lý, tức là số phận của người dân và mảnh đất của họ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực quản lý cũng như sự minh bạch của chính quyền.

– Hai là ‘”chỗ thừa, chỗ thiếu, chỗ không hợp lý”. Đó là câu thường thấy trên báo đài hiện nay do vấn đề QH chưa phản ánh đúng nhu cầu của XH.( QH chưa có tầm nhìn)

Từ những nguyên nhân trên đã gây nên những vấn đề của XH ngày một nghiêm trọng (ĐT hóa, ngập lụt, kẹt xe, hiện tượng bêt tông hóa…), lãng phí tiền của cũng như Tài nguyên – quan trọng nhất là tài nguyên đất là cái quý giá nhất. Theo em, để khắc phục “treo” thì rất là đơn giản, không cần học nghiên cứu cao siêu, vấn đề ở chỗ con người, do chính bản thân mình không chịu thay đổi (nhớ không chính xác, nhung ý này do 1 nhà lãnh đạo – hình như ông Lý Hiển Long đã nói), vì những điều này ai cũng biết. Song song đó, ta nên nghiên cứu, áp dụng các chính sách cũng như kinh nghiệm của các nước phát triển.

Nói đơn giản mà không đơn giản tí nào. Không chỉ phức tạp bởi sự đan xen giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể trong việc quản lý đất đai, mà phức tạp cả về mặt kỹ thuật (phát triển ở đâu, phát triển như thế nào? Bao giờ phát triển) – những thứ mà rất tiếc là quy hoạch sư trong nước không được trong bị kỹ năng cứng (khả năng phân tích, kiến thức đa ngành) và mềm (khả năng thuyết phục, công cụ pháp lý,v.v…) để thực hiện.

Một điều nữa anh muốn nói thêm với L và mọi người là nguyên nhân cơ bản dẫn đến quy hoach treo ở Vn là quy hoạch chỉ được thực hiện thông qua công cụ duy nhất là thiết kế. Tức là vẽ ra một tương lai định sẵn và áp đặt cho người dân trong khi bản thân nhà quy hoạch không có năng lực dự báo tương lai cũng như không hiểu nguyện vọng người dân (trong trường quy hoạch của chính quyền). Điển hình nhất là dự án An Hòa mà anh sẽ trao đổi ở dưới. Có nhiều cách khác nhau để làm quy hoạch, nhất là quy hoạch chung và quy hoạch cải tạo là thông qua chính sách và công cụ pháp lý (quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều lệ quản lý kiến trúc) để cải tạo một khu vực mà không cần phải vẽ ra trên mặt bằng. Những công cụ này đều vô cùng thú vị và có thể rất sáng tạo nếu người làm quy hoạch có hiểu biết, tâm huyết và sự nghiêm túc để thực hiện. Do đó, thay vì coi nhẹ, hãy tìm cách làm cuốn điều lệ và cuốn thuyết minh hay hơn, rõ hơn, dễ hiểu hơn và chặt chẽ hơn!

Anh rất thích bình luận của L! Hãy mang những tâm tư này vào công việc, em nhé!

Việc "thiết kế hóa" một đồ án quy hoạch cho một vùng rộng lớn vượt ngoài tàm bao quát thị giác của kiến trúc sư sẽ khiến gia tăng nguy cơ đồ án biến thành một quy hoạch "treo" khổng lồ như trong trường hợp của Hà Nội

D:

RE: không ‘treo’ không phải là quy hoạch

Quy hoạch sau khi được duyệt, bất kể quy mô và cấp độ quy hoạch, đều có thể treo và không treo, có những khu quy hoạch treo hàng chục năm trời, lại có những khu dự án vừa triển khai thi công vừa lo làm hồ sơ quy hoạch và thiết kế kỹ thuật. Tại sao lại treo, và tại sao lại không treo?

Những dự án như đường sắt cao tốc Bắc-Nam có nên gọi là treo không? Hay như dự án sân bay Long Thành, có thể gọi sự chậm trễ đó là ‘treo’? Hay những quy định mới nhằm chỉnh trang đô thị – như mở rộng đường và hẻm –  được áp đặt cho người dân nhưng không biết bao giờ triển khai và đền bù? Theo em, quy hoạch treo là quy hoạch không “khả thi” tại các thời điểm mà theo dự tính là sẽ được “thực thi”. Một cách phổ biến thì quy hoạch treo thường là quy hoạch được duyệt rồi, được tất cả các bên đồng thuận rồi (nhiều khi trừ người dân ra), mà không triển khai được các bước tiếp theo –  thường là đầu tư xây dựng, thì gọi là treo.

Anh nghĩ em đã có những suy nghĩ có chiều sâu khi cố gắng định nghĩa thế nào là quy hoạch treo. Tuy nhiên có 2 vấn đề em cần cẩn trọng:

–       Thứ nhất, em đồng nghĩa quy hoạch với dự án, nhất là dự ấn bất động sản. Đây là một nghĩa rất hẹp. Bởi khi đồng nghĩa Qh với dự án tức là có một chủ đầu tư cụ thể và có sự bắt đầu và kết thúc. Quy hoạch rộng hơn thế rất nhiều. Ví dụ quy hoạch vùng, quy hoạch chung nhằm tạo khung quản lý và định hướng phát triển, không có 1 cá nhân nào triển khai toàn bộ những gì được nhắc đến mà toàn xã hội cùng thực hiện. quy hoạch dạng này cũng không có điểm kết thúc mà liên tục được cập nhật mỗi 5 năm năm để phù hợp với tình hình mới.

–       Thứ 2, định nghĩa của em chưa đủ hẹp để làm rõ trường hợp quy hoạch treo. Nếu em có 1 mảnh đất của chính mình, tự vẽ ra một bản quy hoạch nhưng vì không khả thi nên chưa thực hiện, thì quy hoạch đó tuy cũng “treo” nhưng không phải vấn đề cộng đồng xã hội phải quan tâm. Vấn đề ở đây là quy hoạch “treo” mà chúng ta lăn tăn là những quy hoạch sử dụng đất do chính quyền giao vốn đang có người dân sinh sống hoặc sản xuất do đó mà làm đình trệ các hoạt động này trong khi cũng không sử dụng vào mục đích nào khác (vì chưa khả thi).

Và do vấn đề đầu tư xây dự thường liên quan đến nhiều lĩnh vực – môi trường, tự nhiên, con người, kinh tế, kỹ thuật,tài chính, chính trị, văn hóa xã hội,…nên có rất nhiều vấn đề thuộc một hoặc nhiều lĩnh vực đó là nguyên nhân khiến quy hoạch không khả thi. Nếu thiết kế quy hoạch không giải quyết ‘thấu tình đạt lý’ các vấn đề đó, thì đều có nguy cơ treo.

Đúng rồi, vì xây dựng thường liên quan nhiều lĩnh vực nên không thể chỉ thiết kế theo nghĩa hẹp mà chúng ta đang làm. Và cái khó là làm sao biết thế nào là “thấu tình đạt lý” bởi chuyện 100% đối tượng tham gia quy hoạch đều giành được điều mình mong muốn là điều không thể. Để tiến gần tới mục tiêu “thấu tình đạt lý này” thì cần cơ chế thị trường với dự án tư (thuận mua vừa bán về đất đai) và cần cơ chế dân chủ với dự án công (chấp nhận theo ý kiến số đông nhưng có biện pháp bôi thương cho thiểu số thua thiệt)

Nguyên nhân chung nhất và quan trong nhất trong tất cả các nguyên nhân là vấn đề kinh tế (YES!). Quy luật kinh tế thị trường là quy luật chung nhất trong thời đại ngày nay. Đã xa rồi cái thời mà vua chúa hay giáo hội cho xây thành phố, cung điện, đền đài,…(nhưng em có biết rằng phương pháp quy hoạch ở Vn mà chúng ta được đào tạo ra đời trong thời kỳ mà chính quyền là nhà đầu tư duy nhất, là nhà thiết kế, nhà thi công và nhà phân phối luôn! Do đó chỉ cần vẽ là đủ vì tôi vẽ cho tôi thì sao cũng được!) không vì mục đích kiếm tiền mà để hưởng thụ, củng cố quyền lực hay phô trương thanh thế (thời mà em nói có thể đã xa, nhưng bệnh này thì vẫn còn!), đơn giản vì họ ‘giàu có’ bằng cách khác – quyền lực. Ngày nay, muốn thực hiện một quy hoạch, phải huy động vốn – thường là rất khổng lồ, và không ai hay tổ chức nào bỏ tiền ra mà không muốn thu lại và đạt được lợi nhuận – siêu lợi nhuận. Nhưng ngược lại do tầm nhìn – năng lực hạn chế (chính chúng ta sẽ phải lo việc này!) hay thiếu cẩn trọng của nhà đầu tư, nhà quy hoạch, chính quyền,… không lường trước các rủi ro – lỗ vốn, để cho tới khi triển khai thực sự mới lộ diện vấn đề.

Như anh đã nói ở đây, khi em nói đến “vốn” và “lợi nhuận” thì em lại thu hẹp quy hoạch vào một dự án bất động sản tư nhân. Quy hoạch có thể không cần vốn và không phải để thu lợi nhuận!

Thế là: –     Chi phí đền bù giải tỏa cao: treo.

–       Không quản lý được đất đai, khiến việc thu hồi mặt bằng càng lúc càng khó khăn: treo nặng hơn

–       Chi phí  san nền, xây cầu, đầu tư hạ tầng quá cao: treo

–       Phương án kinh tế kỹ thuật không hiệu quả : treo

–       Sử dụng đất không hợp lý khiến sản phẩm thuộc dự án có nguy cơ không bán được, không đáp ứng nhu cầu thị trường: treo (vị trí dự án quá xa các khu đông dân cư, trung tâm việc làm, đô thị lớn hiện hữu … hay tại khu vực không có nhu cầu

–       Ăn theo quy hoạch chung hay quy hoạch vùng ‘treo’:  treo dây chuyền.

–       Không huy động được vốn: treo

–       …

Để một quy hoạch không treo thì quy hoạch đó cần thỏa mãn lợi ích của tất cả các bên:

–       Người có quyền: Chính quyền

–       Người có nhiều tiền, và có thể cũng có quyền: Chủ đầu tư

Người có ít tiền hơn nhưng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ dự án: người dân có đất thuộc khu quy hoạch và người mua các sản phẩm và dịch vụ thuộc dự án khu dân cư, khu du lịch, khu thương mại, khu công nghiệp,…

Thực ra quyền lợi của người dân gắn chặt với 2 bên trên: đối với chính quyền là tính chính đáng của quyền lực chính trị của họ vốn được người dân giao cho, và đối với chủ đầu tư là lợi nhuận của họ chỉ thành hiện thực khi người dân, với tư cách là khách hàng, chấp nhận sản phẩm bất động sản đó. Do đó về bản chất và lâu dài, quyền và tiền được tạo ra bởi người dân. Quan nhất thời, Dân vạn đại!

C:

Sau khi đọc bài viết thì “Nhà đóng góp quy hoạch không chuyên” xin có một vài ý kiến.

Việc quy hoạch treo là do một số nguyên nhân sau:

Một là do chúng ta thiếu tầm nhìn, chúng ta lên chưa đủ cao để nhìn ra xa, đứng ở 1-500 mà nhìn mãi không thấy 1-2000 và những quy hoạch lớn hơn, dẫn đến khi quy hoạch không tính được hết nhu cầu sử dụng đất.Đến khi xã hội phát triển đến mức mà nó phải đến thì lại phát hiện ra thiếu quỹ đất…làm sao bây giờ! Thế là treo.

Đọc của C. anh lo quá, cho C. làm lãnh đạo thì anh thất nghiệp! Tư vấn không có lỗi trong quy hoạch treo nếu chúng ta cố gắng làm tất cả trong khả năng của mình: tìm hiểu quy định chung, liên hệ với các dự án xung quanh, cố gắng (dựa vào kinh nghiệm) phản ánh nhu cầu của người dân và thị trường thông qua quy hoạch. Việc giao đất là của chính quyền và việc triển khai dự án là của chủ đầu tư. Nhưng anh đồng ý với C về việc thiếu một cái nhìn tổng thể và vai trò lớn hơn khi chúng ta chỉ quanh quẩn trong đồ án 1/500 thậm chí 1/2000 (thực ra anh không thấy có sự khác biệt gì giữa hai tỷ lệ này). Thầy Kirby rất vui khi thấy mình làm quy hoạch Phước Giang thay vì chỉ chăm chú tỉa tót những mảnh vá đẹp!

Hai là quy hoạch có được tầm nhìn một chút thì lại lủng ở vấn đề quản lý. Nếu như quỹ đất trong quy hoạch đã được tính là làm công trình loại A, nhưng tại thời điểm này chưa cần thiết nên chưa làm hay chưa có vốn nên chưa làm. Vậy là lấy đất đó làm công trình loại B,C gì đó, và khi quy hoạch vào vị trí đó thì cơ cấu thay đổi….rồi lại đền bù giải tỏa…Thế là treo.

Việc xác định công trình loại A hay B ở cấp vi mô hay việc phát triển cả một đô thị ở cấp vĩ mô là việc không dễ dàng gì kể cả khi chúng ta có tất cả những số liệu chi tiết nhất và thuê được nhà kinh tế học vừa đoạt giải Nobel bởi chỉ một trận động đất ở Nhật Bản có thể làm thị trường tài chính chao đảo và nguồn vốn đầu tư đứt đoạn hay nội chiến ở Lybia khiến giá xăng dầu tăng và người dân từ bỏ mơ ước mua một “căn nhà nhỏ trên thảo nguyên” để sống trong những căn hộ chật chội trong thành phố nơi họ có thể đi bộ đi làm. Chính thể quy hoạch khi được thực hiện bởi nhà nước và không phải một dự án bất động sản cụ thể (xây để bán) thì cần là chiến lược được thực tế thông qua chính sách và quy định hơn là bản vẽ vốn luôn phải dựa trên số liệu và nhu cầu cứng tại một thời điểm nhất định!

Để chẩm dứt quy hoạch treo thì  cách tốt nhất là “cắt” đứt dây cho nó đứt xuống thế là hết treo.

Đó là một cách rất hay: nhà nước phải kiên quyết cầm kéo và cắt. Một cách còn hay hơn là không treo cái gì lên cả: thiết kế xây dựng chỉ khi có nhu cầu thực và bằng đất sạch mà chủ đầu tư có được thông qua thị trường tự do!

Nghĩa là bây giờ cho ngưng, tạm thơì không có quy với hoạch gì hết (Ấy đừng, có thể tạm dừng quy hoạch theo kiểu thiết kế khu đô thị mới, nhưng có thể vẫn làm quy hoạch cải tạo, quy hoạch bảo tồn, quy hoạch giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế,…). Mang toàn bộ những quy hoạch đang treo ra cho mấy đứa học lớp một lớp hai và nhờ chúng tìm xem cái thằng 1-500 nó đè lên 1-2000 ở chỗ nào (nhưng kể cả khi 1/500 có đè vừa khít 1/2000, quy hoạch cũng vấn co thể treo vì đơn giản là không dựa vào nghiên cứu nhu cầu hiện tại và tương lai). Kế đến là đọc tên các vị đang treo dự án ra và không cấp thêm bất cứ dự án nào nếu như vẫn chưa làm xong dự án đang làm. Thêm nữa là bắt bà con dòng họ mấy ông làm dự án phải dọn đến ở tại vị trí đang bị treo (thế thì những khu họ đang ở thành những “khu dân cư treo” vì không có người thì sao?). Hic hic

Cảm ơn.

H:

Với vai trò của người lam quy hoạch, em thấy cách làm quy hoạch của mình hiện nay chưa đúng ( đa số làm 1/500 trước) và trong chính bản thân những quy hoạch cụ thể đã được làm quy hoạch chi tiết 1/5000-1/2000 cách làm quy hoạch cũng phản khoa học, không được nghiên cứu rõ ràng , không có chiến lược và tầm nhìn cụ thể > tuy nhiên khi đã làm sai  thì chấp nhận phải sửa nhưng các nhà lãnh đạo, làm quy hoạch từng quận Huyện lại kêu thiếu này thiếu kia ( Q9 và Nhà Bè đất trống còn rất nhiều) phải chăng đất đã được phân chia hết để làm dự án hết rồi???

Hoàn toàn đồng ý với H. Thực ra cách làm quy hoạch hiện nay đẩy trách nhiệm cho chủ đầu tư tư nhân rất nhiều trong việc bố trí các công trình công cộng, miễn là đủ chỉ tiêu diện tích. Nên sẽ không ngạc nhiên nếu 2 dự án đô thị mới cạnh nhau sẽ vô tình bố trí trường học cạnh nhau hoặc cùng lặp lại hoặc cùng thiếu một dạng công trình công cộng. Đúng ra, chính quyền phải đi trước trong việc thiết lập quy hoạch công trình công cộng (trường học, bệnh viện) về vị trí để tối ưu bán kính phục vụ và yêu cầu chủ đầu tư dành phần đất đó cho mục đích công (vị trí không cần quá chính xác). Kế đến, kế hoạch sử dụng đất phải đi trước dựa trên nhu cầu phát triển và bố trí hạ tầng của chính quyền. Ví dụ như hệ thống đường vành đai tại thành phố Calgary đã được mua sãn đất 30 năm trước khi triển khai khi mà đất còn rất rẻ hoặc trong sự quản lý của nhà nước. Hay khi nghiên cứu khả thi về dự án đường sắt cao tốc được đệ trình, chính quyền tỉnh Alberta (cơ quan chi tiền cho dự án) lập tức mua đất tại Calgary và Edmonton để phòng trường hợp cần xây nhà ga. Nếu dự án không được phê duyệt hoặc thực thi, chính quyền có thể bán đất đó đi (việc này thậm chí có thể gia tăng nguồn thu cho ngân sách). Việc chuẩn bị sẵn quỹ đất giúp giảm chi phí đền bù đồng thời giảm mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tư sang đất công cộng.

Cuộc sống của người dân nằm trong dự án quy hoạch treo thật sự là khốn khổ như khu vực Bình Qưới là 1 phường của quận Bình Thạnh mà nhìn chẳng khác gì một miền quê nhà cửa xây tạm bợ, đường sá không phát triển. Bản thân người dân sống trong những căn nhà ổ chuột, nhà tạm cũng không dám xây sửa vì không được chính quyền cho phép, họ chẳng dám xây dựng gì trên mảnh đât của chính mình nếu có chỉ là xây tạm không biết ngày nào bị giải toả. Nếu em mà là chính quyền thì em sẽ làm một số biện pháp tạm thời sau khi đã có quy hoạch 1/2000

Những biện pháp tạm thời này là gì thì lại không đơn giản. Nhiều nơi chính quyền cho phép người dân tạm thời sửa chữa nhà cửa nhưng việc này cũng không bền vững vì gây lãng phí nếu dự án triển khai. Cốt lõi ở đây vẫn là vấn đề nhạy cảm: đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Anh nghĩ nhà nước nên thay đổi chính sách để vẫn đảm bảo quyền ưu tiên sử dụng đất cho mục đích công nhưng không nên tham gia vào việc giúp nhà đầu tư lấy đất làm dự án, hãy để họ thương lượng với người dân, hãy để “cơ chế thị trường” làm việc.

Đầu tư mạng lưới giao thông chính nối với quận Thủ Đức, làm giao thông có thu phí.

Giao đất cho chủ đầu tư thục sự có năng lực và quy định thời gian hoàn thành (vấn đề là làm sao biết được ông nào có năng lực, bản thân ông có tiền nhiều cũng chưa chắc triển khai ngay một dự án khi chưa thấy thuận lợi)

Có những khu vực nên để người dân tự cải tạo nhưng vẫn phải cải tạo theo quy định chung, những mạng lưới đường nhỏ thì để người dân tự chung sức với hình thức nhà nước và người dân cùng làm. (Điều này vô cùng quan trọng: hãy chấp nhận công trình và hạ tầng ở mức dưới tiêu chuẩn khi mà đất nước còn nghèo và người dân còn khó khăn, vấn đề là đảm bảo việc công trình và hạ tầng này khi cần có thể được nâng cấp hoặc xây mới để đạt tiêu chuẩn cao hơn! Như chấp nhận đường đất và đưa ra tiêu chuẩn cho nó)

Muốn xoá bỏ quy hoạch treo người mạnh tay nhất phải là chính quyền, họ phải có chính sách hợp lý .Chung tay với chính quyền là nhà quy hoạch phải thực sự có tâm không chỉ biết làm lợi cho chủ đầu tư mà còn phải làm đẹp đô thị và làm lợi cho người dân, Quy hoạch là để phục vụ con người và làm đẹp đô thị mà ko đáp ứng được thì đó là quy hoạch thất bại.

Bản quy hoạch mang tên Voisin của Le Corbusier cho khu vực trung tâm Paris hoàn toàn bỏ qua hiện trạng và lịch sử. Nguồn: Le Corbusier (1929). City of Tomorrow and Its Planning. New York, NY: Payson & Clarke

KT:

Quy hoạch treo không phải là vấn đề quá xa lạ mà đã kéo dài trong một thời gian khá lâu . Một trong những nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến tình trạng này là sự phối hợp chưa tốt giữa chính quyền, nhà quy hoạch, nhà đầu tư và cả người dân. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” làm cho quá trình thực hiện quy hoạch không đồng bộ, gây thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng mà thật ra, nếu không có những hậu quả ấy thì tình hình cũng đủ “nghiêm trọng” lắm rồi.. Ai cũng hướng đến phát triển toàn diện, những giải pháp chiến lược và tầm nhìn dài hạn để thay đổi thực tế, như thể thời cuộc đang rối ren, cần những “ anh hùng” ra tay dẹp loạn, mà chờ hoài không thấy,” cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kì” này không biết bao giờ mới kết thúc. Cái chữ “treo” này sẽ còn tồn tại lâu…

Chẳng nói đâu xa, hãy nhìn đồ án An Hòa!

Nhà trường dạy em làm trong đồ án tốt nghiệp đúng như những gì mà đồ án quy hoạch xã An Hòa năm 1999 đã làm và gây hậu quả không lường cho người dân và chính quyên địa phương: vẽ đường thẳng băng xuyên qua một khu dân cư lâu đời với chằng chịt ngõ hẻm mà không hề quan tâm đến hiện trạng và khả năng thực thi của đồ án. Hậu quả trong thực tế: không chỉ người dân không thể xây nhà mà bản thân trụ sở xã cũng không thể cơi nới, mở rộng vì lỡ nằm ….giữa lòng đường của bản quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt. Để thực hiện đồ án qh chung 1999 đó cũng như đồ án tốt nghiệp của em, chỉ có nước dời toàn bộ dân chúng ra khỏi khu vực, san bằng và sau đó xây mới lại từ đầu. Anh muốn nhấn mạnh rằng chính phương pháp quy hoạch dựa đơn thuần vào thiết kế, và tệ hơn là thiết kế không dựa trên sự tôn trọng hiện trạng và lịch sử đã tạo ra quy hoạch treo. Nếu tra cứu lịch sử thì sẽ phát hiện ngay ông tổ của quy hoạch treo ở Vn là Le Corbusier khi mà ông này vào năm 1925 trong đồ án Vosin (Plan Vosin) đã đề xuất san phẳng Paris cổ kính để xây nên những tòa chung cư theo trường phái Hiện đại (Modernism) của ông. Rất may ý định đó đã bị phản đối kịch liệt và không bao giờ thành hiện thực. Tất nhiên trước Le Corbusier người ta cũng làm như vậy để quy hoạch (như Haussman dời người nghèo ra ngoài ngoại ô và đập đi nhiều công trình để xây dựng Paris tráng lệ dưới thời Napoleon Đệ Tam – việc này dẫn đến nhiều hậu quả xã hội tới này vẫn chưa thể giải quyết ở thành phố này) nhưng không ai đề cập một cách có hệ thống và quyết liệt như Le Corbusier trong việc áp đặt một quy hoạch lên một hiện trạng. Ông ấy từng tuyên bố “Bản quy hoạch/thiết kế là nhà độc tài” (The plan is dictator!).

Anh viết bình luận dài hơn em viết rồi. Em viết chung chung và có vẻ chưa suy nghĩ về vấn đề này nhiều. Có lẽ em không quan tâm hoặc chưa có trải nghiệm nhiều về vấn đề này chăng?

Đồ án quy hoạch chung xã An Hòa giáp ranh Biên Hòa đã được phê duyệt năm 1999 kẻ ô bàn cờ cho một khu dân cư lịch sử khiến cho rất nhiều nhà dân và cả trụ sở UBND xã không thể xây dựng, cải tạo vì nằm trong lộ giới đường. Một ví dụ điển hình của phương pháp quy hoạch dựa vào thiết kế đơn thuần gây ra tình trạng quy hoạch treo vì đòi hỏi vai trò của nhà nước như một chủ đầu tư bất động sản với số vốn lớn mà không quan tâm đến nguồn tài chính, nhu cầu và mong ước của người dân.

Ph:

Một bài báo nói rất rõ ràng về thực trạng quy hoạch tại Việt Nam hiện nay. Với những phân tích đầy đủ và đưa ra những nguyên nhân mà để khắc phục không phải là chuyện một sớm một chiều. Những nguyên nhân này làm Ph liên tưởng tới hình ảnh con rắn cố gắng nuốt cái đuôi của mình (HAY! Nhưng câu hỏi là nên chặt đầu hay chặt đuôi con rắn?), cũng như những nguyên căn đó không biết giải quyết xong khi nào. Bất chợt Ph nhớ đến một ý trong brochure của công ty: chúng ta đang đối mặt với những vấn đề của đô thị, nếu như phương pháp quy hoạch mà chúng ta vẫn thực hiện bấy lâu không phải là nguyên nhân thì cũng không còn phù hợp để giải quyết những vấn đề đặt ra (Cảm ơn Ph đã nhắc câu này mà anh rất muốn nói. Câu này anh biến tấu từ lời của Albert Einstein :”chúng ta không thể gỉai quyết vấn đề bằng cách dùng phương pháp mà đã gây ra chính nó”). Như bài báo nói, chính quy hoạch đang làm cho người dân ở những dự án quy hoạch treo đó nghèo đi, đồng nghĩa với việc đất nước nghèo đi (giống như con rắn tự làm đau mình!). Không giống như hình ảnh con rắn cố nuốt đuôi của mình, những bài học về quy hoạch hoàn toàn có thể giải quyết được (Bravo! Anh tin là mọi thứ đều có giải pháp, và như em nói: cần tâm, dũng và cả trí nữa nếu không lại là phá hoại). Đó phải chăng là sự cân bằng quy hoạch từ trên xuống và quy hoạch từ dưới lên. Hãy bắt đầu bằng một định hướng phát triển chiến lược, bằng cả cái “tâm”, cái “tài” cái “dũng ” của những người có trách nhiệm (trong đó có tất cả chúng ta, những người làm quy hoạch!).

Vẫn biết rằng nhận mình sai đã khó, sửa sai còn khó hơn (Nói được thế này là đã đi được một phần con đường thiên lý rồi đó Ph!). Thế mới cần sự dũng cảm. Liên hệ với chúng ta, trong công việc rất cần sự học hỏi, phản biện, tất cả với tinh thần “cầu thị” (“Thực sự cầu thị”).