Không bao giờ là quá sớm để … học quy hoạch

Bản dịch của bài Never too soon to start 

Các trường trung học ở Mỹ đang chuẩn bị cho học sinh bước vào lĩnh vực quy hoạch.

Sao có thể nói rằng phải là người lớn mới có thể học về quy hoạch? Những ngày này, ngày càng nhiều các trường trung học mang quy hoạch đến với tuổi “teen” ở bậc học từ lớp 9 đến lớp 12. Trên thực tế, một lượng khá lớn những chương trình trung học lấy quy hoạch làm trọng tâm đào tạo đã được mở ra tại các đô thị khắp nước Mỹ.

Từ Milwaukee tới Brooklyn, Philadelphia và Los Angeles, học sinh trung học đang được tiếp cận với cơ hội đào sâu vào một lĩnh vực, mà thông thường trước đây, các em có thể chưa từng được tiếp cận.

Ý tưởng giảng dạy quy hoạch cho lớp thiếu niên của thế hệ lướt facebook và tôn thờ điện thoại di động dường như là viển vông. Tuy nhiên, các nhà giáo dục phổ thông đằng sau những chương trình này không cố gắng chuẩn bị để học sinh có thể tham dự kỳ thi chứng chỉ hành nghề quy hoạch của Hội Quy hoạch Hoa kỳ. Họ sử dụng một phương pháp tiếp cận tổng hợp nhằm giúp học sinh khám phá vai trò của họ trong các cộng đồng nơi họ sinh sống, khám phá những thay đổi đang tiếp diễn trong các thành phố quanh họ, và khám phá cơ hội lập nghiệp tương lai trong lĩnh vực quy hoạch.

Những chi tiết kỹ thuật cơ bản hầu hết tránh đề cập. Làm sao nộp hồ sơ xin điều chỉnh sử dụng đất ư? Không phải là vấn đề ưu tiên. Những vai trò nào công dân nào có thể có trong việc quyết định dự án nào là nên hay không nên xây dựng trong khu vực dân cư của họ ư? Vâng, đây mới chắc chắn là nội dung cần được giảng dạy.

Martin Buchman, một giáo viên dạy môn điện ảnh và Anh ngữ, người đã giúp xúc tiến một chương trình dạy quy hoạch thí điểm tại Los Angeles, phát biểu. “Chúng tôi đang cố làm cho học sinh chủ động hơn trong việc mang lại thay đổi trong cộng đồng của họ”. Trường East Los Angeles Renaissance Academy of Urban Pnning and Design (Học viện Phục hưng Đông Los Angeles về Quy hoạch và Thiết kế Đô thị) đã mở lớp vào mùa thu năm ngoái trong khu vực quản lý bởi Khu Quản lý Giáo dục Hợp nhất Los Angeles, và hiện đã có khoảng 375 học sinh đã ghi danh ở 3 cấp lớp.

Đây là một phần trong chương trình của trường Esteban Torres mới được thành lập từ việc hợp nhất 5 trường phổ thông ở Đông Los Angeles, cũng là khu vực mà số lượng học sinh cấp 3 lên đến 4000 em. Khi tìm kiếm một khu quản lý giáo dục để thực nghiệm chương trình chuyên đề về quy hoạch, Buchman đã nhìn thấy cơ hội để lập một chương trình học sát sườn với đời sống của các học sinh.

Đông Los Angeles là một khu vực tập trung người gốc Mỹ Latin, với rất nhiều cư dân thuộc thế hệ dân nhập cư thứ nhất và thứ hai. Việc người dân tại đây tham gia vào các hoạt động của chính quyền là khá ít ỏi, tuy nhiên nơi đây vẫn có một lịch sử các hoạt động đấu tranh xã hội. Trong bối cảnh các cuộc phản kháng và bãi khóa của sinh viên nhằm phản đối tình trạng thiếu thốn các cơ sở vật chất trường học vào cuối thập niên 1960, Đông Los Angeles chính là trái tim của phong trào đòi quyền công dân cho người nhập cư gốc Mexico. Một trong những yêu sách của phong trào là phải có một trường trung học cho khu vực này của Đông Los Angeles. Bốn mươi năm sau, ngôi trường ấy cuối cùng cũng đã được xây dựng.

“Khi chúng tôi trao đổi với các cư dân địa phương, những người có khái niệm về quy hoạch đô thị, thì họ rất phấn khích” về chương trình mới, Michael Leavy, một giáo viên Anh ngữ, người đã giúp khởi động chương trình, cho biết. Ông nói rằng chỉ ra cho học sinh thấy làm cách nào để có thể tham gia và trở thành một phần của thành phố, cũng như thế giới xung quanh vốn đang đổi thay chính là tạo dựng sự tự tin và “trao quyền” (empowering) cho họ cũng như gia đình họ.

Và mặc dù nhiều học sinh đã chọn đến học tại trường này, không phải tất cả số họ quan tâm đến cái gọi là “được trao quyền”, hay thậm chí, trở thành một nhà quy hoạch đô thị. Một số học sinh, như Victor Borja, một tân học viên 16 tuổi, chỉ nghĩ là việc này nghe chừng thú vị. “Khóa học khiến tôi chú ý bởi vì tôi là một nghệ sỹ, và tôi cho rằng mình có thể kết hợp nghệ thuật vào thiết kế hay quy hoạch đô thị”.

Trường cung cấp các môn học tự chọn về hệ thống thông tin địa lý (GIS), vẽ kỹ thuật kiến trúc và địa lý bên cạnh các môn học bắt buộc như toán, lịch sử hay Anh ngữ. Không một giáo viên nào của trường được đào tạo chuyên ngành quy hoạch đô thị.

Zoe Souliotis-Foley, một giáo viên Anh ngữ và phát ngôn viên của chương trình, nói “Rất lý tưởng một khi chúng tôi có thể lựa chọn các giáo viên đều là các chuyên gia quy hoạch đô thị, nhưng kinh phí hạn hẹp sẽ không cho phép chúng tôi thực hiện điều này”

Các tình nguyện viên hiện giúp giải quyết sự thiếu sót này. Các sinh viên cao học ngành Quy hoạch của Trường Đại học Tổng hợp California, Los Angeles (UCLA) đã giúp triển khai các workshop thực hành. Los Angeles Education Partnership (Tổ chức Hợp tác Giáo dục Los Angeles) giúp xây dựng nội dung chương trình và giúp việc phê duyệt chương trình thử nghiệm. Nhà quy hoạch đô thị James Rojas, người có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Los Angeles, hiện đang cố vấn cho các giáo viên về chương trình dạy và chủ trì các workshop tương tác về xây dựng mô hình quy hoạch cùng với học sinh.

Một buổi học thực hành trên máy tính tại trường East Los Angeles Renaissance Academy of Urban Planning and Design. Nguồn: Planning.org

Kế hoạch chung

Tuy nhiên Trường Đông Los Angeles chỉ là điển hình mới nhất của loại hình trường học này. Dự án đầu tiên, Học viện Quy hoạch Đô thị Thành phố New York, đã được bắt đầu vào năm 2003 tại Brooklyn. Đây là một trường học tương đối truyền thống với khoảng 475 học sinh và chương trình tám tiết một ngày học. Quy hoạch đô thị là một chủ đề chính trong chương trình dạy của trường và các giáo viên chuẩn bị môn dưới hình thức các bài tập trên lớp hơn là tập trung kiến thức vào bài giảng – đây là mô hình mà các trường học tương tự cũng đang theo đuổi.

Josh Lapidus, một giáo viên Quy hoạch đô thị của trường, người có bằng về Địa lý Đô thị, nói “Chúng tôi không thực sự thảo luận về Quy hoạch đô thị như một lĩnh vực chuyên môn; chúng tôi đề cập đến những gì có thể trở thành một vấn đề trong Quy hoạch đô thị. Ý tưởng luôn được mở rộng theo cách chúng tôi nghĩ về quy hoạch, và sử dụng chúng như một công cụ để đưa học sinh ra khỏi không gian lớp học truyền thống và đến với cộng đồng, để hiểu được mọi việc vận hành ra sao và làm sao để họ có thể tham gia vào quá trình”

“Ngay cả những người có bằng cao học về Quy hoạch đô thị vẫn khó lòng giải thích được cho mẹ họ hiểu về công việc họ đang làm. Vậy nên càng khó hơn nữa cho một học sinh trung học hiểu thế nào là quy hoạch.” Lapidus khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng thêm rằng học sinh vẫn có thể nắm được các khái niệm như tổ chức cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, quá trình ra quyết định tại địa phương, kiến trúc, thiết kế đô thị, và giao thông.

Trong một dự án gần đây, các học sinh đã nghiên cứu một chương trình mới của thành phố nhằm vào việc xây dựng các quảng trường công cộng để chậm lại tốc độ các dòng giao thong (NV: traffic calming). Họ xem xét chương trình được vận hành ra sao, các vấn đề giao thông nào mà thành phố đang cố gắng khắc phục, các giải pháp được lựa chọn như thế nào. Sau đó, các học sinh xác định các tuyến đường nào trong khu vực họ sống có thể được lợi từ các quảng trường trên và đệ trình đề xuất tới thành phố. Lapidus nói rằng, điều này chủ yếu chỉ là bài tập lý thuyết do các dự án thực tế buộc phải được duy trì bởi một nhóm hoạt động của cộng đồng, tuy nhiên nỗ lực này hiện giúp học sinh hiểu biết về khái niệm quá trình ra quyết định tại địa phương.

Với các lớp về Sinh thái học Đô thị, Địa lý Đô thị, Kiến trúc và Thiết kế, chương trình đào tạo chú trọng vào chủ đề Quy hoạch Đô thị một cách tổng quát, nhưng, theo Lapidus, trường không cố gắng “truyền giáo”: “Chúng tôi tất nhiên rất mong muốn các học sinh ra sau khi ra trường sẽ có định hướng trở thành các quy hoạch sư. Nhưng cũng sẽ là rất vui nếu các em chọn trở thành các nhà tổ chức cộng đồng hay kiến trúc sư hay nhà thiết kế, hay thậm chí chỉ đơn giản là vào đại học nói chung.”

Thầy và trò của trường Academy of Urban Planning tại New York đang kiểm nghiệm chất lượng nước tại chân cầu Brooklyn. Nguồn: http://www.aupnyc.org

Đáp ứng nhu cầu

Mục tiêu cuối cùng đang có chiều hướng trở nên quan trọng hơn với các trường phổ thông trung học dạng này. Hầu hết các trường đều có địa điểm tại các khu dân cư “bị lãng quên”, nơi tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao. Đây đặc biệt là một vấn đề cốt lõi tại trường Kiến Trúc và Quy hoạch Đô thị hay còn được gọi là SUPAR, một trường công hoạt động độc lập (NV: Charter school), đã hoạt động từ năm 2007 tại Milwaukee. Ngôi trường được thành lập thông qua sự hợp tác giữa Trường đại học Wisconsin–Milwaukee (UWM) và hệ thống các trường công Milwaukee

Nancy Frank, thành viên Hội Quy hoạch Hoa kỳ, đồng thời là giáo sư Quy hoạch Đô thị của Trường đại học Wisconsin–Milwaukee, là người đã tham gia vào SUPAR ngay từ đầu. Giống như các nhà giáo dục khác, bà chú trọng vào tầm quan trọng của việc giúp học sinh hiểu được vai trò họ có thể đáp ứng trong cương vị một công dân nhằm cải thiện cộng đồng và khu vực dân cư của họ, tuy nhiên bà cũng đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng về mặt xã hội của dự án.

“Chúng tôi nhìn nhận sự cần thiết về mảng Quy hoạch Đô thị, từ quan điểm luân lý, để có những hành động trực tiếp giải quyết vấn đề tỷ lệ tốt nghiệp quá thấp trong các hệ thống trường học của thành phố lớn chúng ta,”  Frank phát biểu. Bà gọi các tỷ lệ tốt nghiệp của thành phố là “kinh khủng”.

Hai phần ba số học sinh trung học trong hệ thống trường công Milwaukee tốt nghiệp vào năm học 2008 – 2009, theo số liệu của văn phòng Hệ thống Cộng đồng. Số liệu vẫn chưa được công bố cho SUPAR, nhưng Fank cho rằng trong ba năm vừa qua tất cả các học sinh cuối cấp đều tốt nghiệp.

Là một trường công hoạt động độc lập, SUPAR sử dụng một chương trình dự án cơ sở với một thời lượng nhỏ trên lớp cho các môn học chuyên ngành. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên bao gồm giáo sư của Trường đại học Wisconsin–Milwaukee và các tình nguyện viên là các sinh viên cao học, các học sinh chọn các chủ đề mà họ thích khám phá để tìm hiểu. Cố vấn học viên tại SUPAR, Cristine Parr, cho rằng cách thức này giúp học sinh tham gia tốt hơn vào quá trình giảng dạy.

Parr nói: “Bên cạnh đó, chương trình của chúng tôi đồng thời cũng rất độc lập với dự án cơ sở, vậy nên tất cả học sinh đều trở thành các Kiến trúc sư hay Quy hoạch sư tương lai là không cần thiết. Mục đích ở đây là để đưa các em đến với những hoạt động lớn lao ở độ tuổi học phổ thong.”

Mặc dù không phải học sinh nào cũng chọn tìm hiểu các đề tài liên quan trực tiếp đến Quy hoạch Đô thị hay Kiến trúc, họ vẫn được học về rất nhiều các kỹ năng cũng như tiến trình của các lĩnh vực ấy. Các học sinh năm đầu học môn Hệ thống Thông tin Đại lý (GIS) với các sinh viên cao học của Trường đại học Wisconsin–Milwaukee, và học sinh toàn trường cùng tham gia tạo lập các dự án công cộng như vườn đô thị hay các hoạt động dịch vụ cộng đồng khác.

“Một trong những điều thực sự gây tranh cãi, đặc biệt cho học sinh trung học và cũng hầu như chắn chắn cho bậc trung học cơ sở, là việc nhìn thấy mối liên hệ giữa những gì các em đã học trong trường với thực tế. Thực tế xã hội không phải là điều hoàn toàn tách rời với những trải nghiệm trong trường của học sinh, chính vì vậy chúng tôi cố gắng xem xét sự việc trên góc độ thực tiễn cho tất cả các lĩnh vực trong chương trình giảng dạy” Parr phát biểu.

Nhìn thấy mối liên hệ giữa lý thuyết trong trường và thế giới thực cũng đồng thời có nghĩa nhận ra khả năng cho một nghề nghiệp tương lai. Parr nói thêm: “Cụm từ “Quy hoạch Đô thị” không mang ý nghĩa gì đối với hầu hết các học sinh và cả người lớn, nhưng thông qua sự kết hợp với Trường đại học Wisconsin–Milwaukee, họ đang dần nhận ra một loạt cơ hội nghể nghiệp liên quan”.

Một lượng học sinh tốt nghiệp từ SUPAR đã bắt đầu tiếp tục theo học Kiến trúc ở bậc đại học, và Josh Lapidus thuộc học viện Quy hoạch Đô thị tại New York nói rằng các cựu học sinh của ông cũng đang bước vào lĩnh vực Quy hoạch đô thị, cả bằng việc học lên đại học lẫn hành nghề. Reynold Martin, học khóa đầu tiên của học viện và đã tốt nghiệp năm 2007, ngay sau đó đã giúp lập Hội các Quy hoạch sư trẻ. Đây là một tổ chức xuyên quốc gia của các nhóm hoạt động đưa những người trẻ quan tâm tham gia vào các vấn đề Quy hoạch. Hội hiện đang chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc lần thứ tư vào cuối năm nay tại Chicago.

Martin hiện làm việc ở vị trí điều phối viên chương trình cho một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về các hoạt động khuyến kích học chữ thông qua thơ ca, song anh bày tỏ vẫn đang mong chờ được  phát triển các mối quan tâm chuyên ngành của mình về quy hoạch đô thị, có thể tập trung vào lĩnh vực thiết lập chính sách hay tổ chức cộng đồng. “Tôi hình dung mình trong một tổ chức phi lợi nhuận chuyên biệt hóa trong công tác phát triển cộng đồng, sử dụng nghệ thuật để cải thiện cộng đồng, liên kết mọi người với nhau để bàn luận về vấn để nhà ở, chính sách và các dự án cải thiện khu dân cư” Martin nói. “ Có quá nhiều khía cạnh khiến khó có thể chỉ chọn một”

Một dự án cơ sở khác, dạng trường phổ thông trung học đào tạo trọng tâm về Đô thị, là Chương trình Quản trị Đô thị đặt tại trường trung học Tây Philadelphia. Việc chuẩn vị kiến thức cho học sinh bước vào bậc học sau trung học được ưu tiên, bằng cách vạch ra cho họ những nghề nghiệp khả khi. Chương trình học tập trung vào tìm hiểu đô thị, cung cấp các khóa học về Kinh tế Đô thị, Sinh thái Đô thị và Xã hội học Đô thị. Đơn cử một môn học tên gọi “Quản lý nền đất trống” cung cấp cho các học sinh một góc nhìn mang tính thực hành về phát triển cộng đồng ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, các vấn đề về thực hiện chương trình và các thảo luận về quyền quản lý gần đây khiến tương lai của trường vẫn là một dấu chấm hỏi.

Kiểm nghiệm thực tế

Nhưng giáo dục về quy hoạch không bị giới hạn trong các chương trình đã đề cập của các trường phổ thông trung học đào tạo trọng tâm. Một chương trình phát triển giả định đã được Urban Land Institute (ULI – Viện Đất Đô thị) thiết lập với tên gọi UrbanPlan (Bản Quy hoạch Đô thị) đã huy động hơn 20,000 lớp học trên toàn quốc từ năm 2004. 15 giờ học của chương trình tập trung vào Kinh tế học và Chính quyền. Các học sinh được tổ chức thành các nhóm có nhiệm vụ soạn thảo một yêu cầu đề xuất cho việc tái phát triển một khu đất bị hư hại trong một thành phố giả định.

Cũng như với một dự án xây dựng thật sự, các học sinh phải đáp ứng cho cả hai thành phần thị trường và phi thị trường bằng việc giải quyết với các vấn đề như nguyên tắc phân khu chức năng, chính trị, các nhóm dân cư và thiết kế. Paula Blasier, Giám đốc của Bản Quy hoạch Đô thị, bày tỏ rằng chương trình nhằm chỉ ra cho học sinh các bên liên quan trong một quá trình phát triển dự án, và nhất là làm sao để các bên có thể tương tác tốt hơn với nhau.

“Chúng tôi xem xét các xung đột và kết hợp để cùng đưa ra quyết định cái gì sẽ được xây dựng, ở đâu, khi nào, mức độ xây dựng. Chúng tôi cho rằng đây là một bước nền tảng thiết yếu” cho bất cứ ai muốn bàn luận về phát triển đô thị một cách có chiều sâu, Blasier trả lời.

Cuối cùng, các học sinh trình bày các dự án của họ cho một hội đồng thành phố giả định được dựng lên và tham gia bởi các thành viên của ULI. Hội đồng là bộ phận thảo luận, đánh gía cũng như chấp thuận thông qua dự án hay không. Blasier nói rằng chương trình cố gắng đem lại cho học sinh một cái nhìn toàn diện về quá trình phát triển dự án cũng như nhiều lợi ích khác nhau từ những người chơi tham gia. Hiện có khoảng 150 trường trên cả nước thực tham gia hiện chương trình.

Rất khó khẳng định các loại hình chương trình như trên sẽ đào tạo ra các Quy hoạch sư Đô thị cho tương lai, nhưng với hầu hết các nhà giáo dục của chương trình, điều đó gần như không cần thiết. Chủ đề chung xuyên suốt chương trình chính là sử dụng quy hoạch để đem lại cách thức tiếp cận đa chiều và các khái niệm dựa trên thực tế, cũng như các khái niệm liên quan tới cuộc sống của các học sinh.

“Mỗi người đều là một quy hoạch gia. Và mỗi người đều có một quan niệm riêng về thành phố”, James Rojas nói khi mô tả về cách thức giảng dạy khái niệm quy hoạch cho học sinh. “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng ý tưởng của các em là hợp lý và có giá trị, do đó đây chính là cách làm rõ khái niệm cần học”

Nate Berg, Tạp chí Planning của Hội Quy hoạch Hoa Kỳ

Nguyễn Minh Quỳnh Hoa (Công ty Tư vấn Thanh Bình) dịch