Đại hội Toàn quốc năm 2011 của Hội Quy hoạch Hoa Kỳ: “Từ sớm tinh mơ đến tối mịt”

Thành phố cổ kính Boston với gần 400 năm lịch sử là chủ nhà của Đại hội Hội Quy hoạch Hoa kỳ năm 2011

Các thành viên tham gia Đại hội tập trung trong phòng họp lớn để lắng nghe một trong những bài phát biểu chủ chốt của giáo sư kinh tế học Edward Glaeser từ trường Đại học Harvard.

Khẩu hiệu cho lần gặp gỡ năm nay của Hội Quy hoạch Hoa Kỳ: “Từ sớm tinh mơ đến tối mịt”, không phải là một lời nói suông. Từ 6h30 sáng đến 10h30 tối suốt 4 ngày liền từ 9 đến 12/4, hơn 5000 người, ít nhất 1.500 trong số họ là sinh viên [1], đã đổ về trung tâm hội nghị Hynes giữa lòng Boston cổ kính. Họ tới từ khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới để trao đổi niềm đam mê, những nỗ lực, trải nghiệm, bài học và giải pháp cho tương lai của các cộng đồng và nghề quy hoạch. Trải nghiệm của mỗi cá nhân về đại hội sẽ khác nhau nhưng có lẽ hầu hết đều đã trải qua sự háo hức của một cuộc gặp gỡ lớn, sự thích thú từ những ý tưởng mới và cuối cùng cả sự mệt mỏi và luyến tiếc. Có những cảm giác cuối cùng này là bởi dù cố gắng, mỗi người chỉ có thể dự một phần nhỏ trong số hàng trăm workshop, thảo luận và gặp gỡ diễn ra tại Hynes. Tại mỗi thời điểm trong chương trình dày đặc và hấp dẫn của Đại hội có không dưới 20 sự kiện diễn ra và không dưới 50 diễn giả bận rộn trình bày hoặc tranh luận cho những ý tưởng của mình.

Các quầy đăng ký tại chỗ dành cho những ai quyết định tham gia Đại hội vào phút chót

Bài phát biểu chủ đạo khai mạc đại hội được giành cho một học giả đến từ Đại học Harvard: triết gia chính trị học và giáo sư luật Michael Sandel. Tác giả của chuỗi bài giảng ‘Công lý’ nổi tiếng tại trường Harvard bắt đầu bốn ngày thảo luận sôi nổi tại Boston bằng việc nhấn mạnh vai trò của quy hoạch trong việc tạo ra những nơi chốn nuôi dưỡng sự tương tác giữa con người ở các tầng lớp, màu da và sắc tộc. “Tôi tin rằng quy hoạch là một tiếng gọi (trách nhiệm) cao quý”, giáo sư khẳng định rằng các nhà quy hoạch có vai trò to lớn hơn rất nhiều việc định hình và quản lý sự phát triển: “các bạn mang đến một tầm nhìn” (vision). Từ góc nhìn của một người ngoại đạo về nghề quy hoạch, giáo sư Sandel đặt cho thính giả những câu hỏi họ phải tự trả lời: Thành phố giành cho ai? Mục đích của phát triển đô thị là gì? Và vai trò nào dành cho quy hoạch?

Bốn ngày đại hội có lẽ đã mang quy hoạch đi xa hơn những gì giáo sư Sandel kỳ vọng. Những thuyết trình và thảo luận đặt những thách thức các cộng đồng phải đối mặt hôm nay cũng như trong tương lai lên bàn nghị sự, bao gồm cả những câu hỏi thuộc về bản chất và mục đích của quy hoạch mà giáo sư Sandel đã đặt ra. Bên cạnh các chuyên đề thường xuyên được đề cập hằng năm như việc chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề AICP, kỹ năng mềm (đàm phán, sử dụng công cụ đa phương tiện) và các vấn đề chuyên môn cứng (quy hoạch sử dụng đất, y tế công cộng, nhà ở xã hội, v.v…), 180 hội thảo và 64 workshop di động và chuyến thăm quan được tổ chức thành 14 dòng chủ đề chính:

Thính giả xếp hàng trước micro để lần lượt đặt câu hỏi cho diễn giả tại một workshop về quy hoạch thích ứng với hiện tương nước-biển-dâng-cao.

1/ Đường sắt cao tốc và các giải pháp mới trong giao thông công cộng. Chủ đề một hội thảo điển hình: (biến đổi) Từ một nhà ga thành một làng đô thị (dựa vào) giao thông công cộng;

2/ Quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng. VD: Vận động người dân để tạo ra sự thay đổi mong muốn;

3/ Nghiên cứu hỗ trợ thực hành về phát triển bền vững. VD: Đánh giá tính hiệu lực của các chương trình phát triển đô thị bền vững;

4/ Bảo tồn đô thị với nguyên lý “xanh”. VD: Tích hợp các hệ thống năng lượng thân thiện với môi trường vào các khu dân cư cũ;

5/ Quy hoạch và nghề quy hoạch trong điều kiện kinh tế mới. VD: Tái tổ chức các Sở Quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế mới.

6/ Tái phát triển vùng ngoại ô: VD: Tái lập quy định quản lý hình thức đô thị (urban form code) cho vùng ngoại ô.

7/ Phát triển Bền vững và Quy hoạch Tổng hợp (Comprehensive Planning). VD: Hạ tầng cảnh quan (Landscape infrastructure) là gì?

8/ Đô thị học (cho vùng) châu thổ (Delta Urbanism): Biến đổi khí hậu, các thành phố và cảng biển. VD: Thích ứng với biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển;

9/ Khóa học ngắn về tài chính công ở cấp chính quyền địa phương. VD: Quản lý chi tiêu và ngân khố địa phương;

10/ Các chủ đề của Ban tổ chức địa phương. VD: Tích hợp các hệ thống sản-xuất thực-phẩm-dựa-vào-cộng đồng vào quy hoạch;

11/ Chủ đề về thành viên hội đồng quy hoạch (Planning Comission) và các vị trí quy hoạch trong chính quyền. VD: Các vấn đề đạo đức (nghề nghiệp) liên quan đến vị trí Ủy viên Hội đồng quy hoạch;

12/ Các thị trấn, vùng nông thôn và sự mở rộng của đô thị. VD: Sử dụng vành đai xanh để kiểm soát sự phát triển đô thị tràn lan (urban sprawl).

13/ Các giải pháp quy hoạch mới cho các thành phố đã qua giai đoạn tăng dân số (mature cities). VD: Cơ chế luật pháp để kiểm soát đất đai sở hữu tư nhân bị bỏ hoang hoặc sử dụng dưới tiềm năng.

14/ Quy hoạch nguồn nước cho đô thị. VD: Quy hoạch “xanh” và hạ tầng nước ở quy mô đường phố và khu dân cư.

Những người tham gia workshop di động về quy hoạch thích ứng với hiện tương nước-biển-dâng-cao đang làm bài tập xác định mép nước (biển) trung bình mới khi mực nước dâng cao thêm 1 m vào cuối thế kỷ tại bờ biển Đông Boston

Ngoài những hội thảo theo chủ đề ở trên với ban diễn giả, đại hội còn có rất nhiều các buổi thảo luận, các triển lãm công nghệ ứng dụng trong quy hoạch, một loạt workshop về Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và cuối cùng là các cuộc gặp được thiết kế để giúp các nhà quy hoạch phát triển mạng lưới quan hệ cũng như các bạn sinh viên tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm.

Cuối cùng, mặc dù không phải là mối quan tâm của nhiều người tham dự đại hội, một phần không thể thiếu của sự kiện này là cuộc họp thường niên của lãnh đạo và đại biểu các chi hội quy hoạch để bàn về tương lai của tổ chức cũng như chọn ra những người lãnh đạo mới. Paul Farmer, Giám đốc điều hành của APA, giới thiệu một trong những hoạt động thường niên quan trọng của tổ chức là Tháng Quốc gia về Quy hoạch Cộng đồng. Hoạt động này nhằm gia tăng nhận thức về sự hiện diện và tầm quan trọng của quy hoạch thông qua các chương trình như: mở cửa các cơ quan quy hoạch cho người dân thăm quan, nói chuyện với học sinh các trường phổ thông về nghề quy hoạch, giới thiệu sách viết về quy hoạch và quy hoạch sư và tổ chức các chuyến tham quan khu dân cư cho chính các cư dân nhằm giới thiệu vai trò của quy hoạch trong việc đảm bảo và gia tăng chất lượng sống ở cộng đồng. Tháng Quốc gia về Quy hoạch Cộng đồng và những hoạt động tuyên truyền khác của APA trong năm vừa qua, theo Paul Farmer, nhằm chuyển tải 3 thông điệp: quy hoạch sư hành nghề với tinh thần “trường kỳ”; quy hoạch sư là người hiện thực hóa (mong muốn và nhu cầu của cộng đồng); và quy hoạch sư là người mang đến các lựa chọn (cho cộng đồng).

Thị trưởng thành phố Boston Thomas M. Merino đồng thời cũng là một quy hoạch sư phát biểu bế mạc Đại hội.

Sau phần tôn vinh và cảm ơn sự đóng góp của các lãnh đạo nhiệm kỳ 2009-2011, chủ tịch mới của APA, Mitchell Silver [2], có bài phát biểu ấn tượng. Ông thách thức các nhà quy hoạch nỗ lực không mệt mỏi để theo đuổi những mục tiêu của hai năm tới và xa hơn nữa: dẫn dắt quốc gia và hợp tác toàn cầu; nâng cao giá trị của quy hoạch và quy hoạch sư; dẫn dắt các cộng đồng tới một tương lai công bằng và bền vững hơn; nuôi dưỡng và hỗ trợ tinh thần tiên phong trong quy hoạch; đề xuất và thực hiện các chiến lược mới nhằm thu hút sự quan tâm rộng lớn hơn của xã hội; và hành động với tinh thần “Một APA”. Cuối cùng, ông kêu gọi các thành viên của APA hãy “si tình” với quy hoạch một lần nữa và “bắt đầu một cuộc tình lãng mạn (với quy hoạch)”.

Nguyễn Đỗ Dũng, viết từ Boston

Hội Quy hoạch Hoa Kỳ (American Planning Association – APA) là một tổ chức nghề nghiệp và giáo dục độc lập và phi lợi nhuận nhằm phát triển nghệ thuật và khoa học quy hoạch cũng như hoạt động thực hành quy hoạch bao gồm các lĩnh vực: quy hoạch vật thể (thiết kế đô thị, giao thông, sử dụng đất và môi trường, v.v…), quy hoạch kinh tế và quy hoạch xã hội. APA có vai trò dẫn đầu trong việc tạo ra các cộng đồng dân cư thịnh vượng, sống động, bền vững và an toàn thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của ngành quy hoạch, cổ vũ giáo dục và sự tham gia của cộng cồng, và cung cấp công cụ và sự trợ giúp cần thiết để đáp ứng nhu cầu và thách thức của sự phát triển. APA ngày nay có hơn 40.000 thành viên [3], trong đó 13.000 người là quy hoạch sư có chứng chỉ hành nghề (thành viên của American Institute of Certified Planners – AICP, một thành tố của APA). Vào năm 2009, APA kỷ niệm một thế kỷ phong trào quy hoạch tại Hoa Kỳ, bắt đầu bằng Hội thảo Quốc gia về Quy hoạch Thành phố diễn ra tại thủ đô Washington DC năm 1909. Đại hội Toàn quốc năm 2011 là lần thứ 103 một sự kiện như vậy diễn ra tại nước Mỹ.

 

[1] Tất cả những ai tham dự đại hội đều phải đóng tiền phí (từ 125 dollar dành cho sinh viên đến 995 dollar Mỹ dành cho người không phải hội viên APA) để có thể có mặt tại Đại hội. Một số hội thảo và workshop còn thu thêm lệ phí. Việc có mặt ở hầu hết các hội thảo đều được tính điểm vào hệ thống chứng chỉ hành nghề.

[2] Ngoài vai trò là chủ tịch APA, Ông Mitchel Silver là Giám đốc Quy hoạch và Phát triển kinh tế đương nhiệm tại thành phố Reigh (bang North Carolina). Trước đó ông từng là Giám đốc Quy hoạch của thành phố New York, phó giám đốc quy hoạch tại thủ đô Washington DC và giám đốc điều hành một thị trấn nhỏ tại New Jersey.

[3] Tất cả mọi người đều có thể trở thành hội viên APA thông qua việc đóng lệ phí Hội. Đặc điểm này phản ánh mục đích của APA không chỉ là một tổ chức nghề nghiệp mà còn là một tổ chức giáo dục và vận động cho vai trò và vị trí của quy hoạch trong xã hội. AICP là tổ chức con nằm trong APA và chỉ giành riêng cho các nhà quy hoạch chuyên nghiệp. AICP nhận thành viên thông qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề và xem xét quá trình làm việc.