
Thẻ
Đồ án quy hoạch Vùng phát triển Phước Giang: Một thử nghiệm về quy hoạch tổng hợp
Tạp chí Quy hoạch Đô thị, số 5, 2011
Cuối năm 2010, được sự đồng ý của UBND Tỉnh Đồng Nai, công ty Phát triển Khu Công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi) tổ chức cuộc thi quy hoạch cho một vùng nông nghiệp rộng 3249 hecta nằm phía Bắc thành phố Biên Hòa và tả ngạn sông Đồng Nai. Với tên gọi “Cuộc thi ý tưởng thiết kế quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Phước Giang, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai”, nhà tổ chức không dấu giếm tham vọng biến vùng đất đẹp và thưa thớt dân cư thuộc 4 xã phía Tây của huyện Vĩnh Cửu thành một “khu đô thị”. Đề bài cuộc thi đặt ra những yêu cầu chiến lược như sau:
1 – Tận dụng điều kiện tự nhiên;
2 – Bảo tồn công trình tôn giáo, văn hóa, loại hình nhà vườn sinh thái đặc trưng của địa phương, tổ chức tái định cư tại chỗ cho người dân;
3 – Kết nối với Khu công nghiệp và Khu dân cư hiện hữu cũng như thành phố Biên Hòa và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam;
Với một không gian rộng lớn tương đương diện tích thành phố Vũng Tàu hay bốn quận nội thành cũ của Hà Nội và vượt ngoài tầm bao quát thị giác của “thiết kế”, với lượng dân cư thưa thớt (23.000 người) chủ yếu làm nông nghiệp và vị trí “ngõ cụt” trong vùng, cuộc thi mang đến một cơ hội đặc biệt cho những người tâm huyết với quy hoạch tổng hợp (comprehensive planning) để tìm ra một lời giải toàn diện cho sự phát triển của Phước Giang. Với một đội ngũ đa ngành từ kiến trúc sư, quy hoạch sư tới kỹ sư giao thông và nhà kinh tế, chúng tôi nghiên cứu đồ án với tinh thần cầu thị, cởi mở và mong muốn giới thiệu những cách tiếp cận khác trong quy hoạch tại Việt Nam.
Bảy thách thức
Chúng tôi xác định bảy thách thức chính cho sự thành công của Phước Giang:
1. Vị trí: Trong vùng Đông Nam Bộ, Phước Giang dường như nằm ngoài rìa của sự phát triển vốn đang tập trung dọc theo 2 tuyến quốc lộ số 1 (Tp. HCM – Biên Hòa) và số 13 (Tp. HCM – Bình Dương). Tuy nhiên, nếu xét tiểu vùng Bình Dương – Đồng Nai thì Phước Giang lại nằm ở vị trí trung tâm của vùng công nghiệp này. Ở một góc nhìn khác, Phước Giang nằm giữa đường vành đai 3 và đường vành đai 4 của Vùng Kinh tế Trọng điểm Đông Nam Bộ là nơi tập trung nhiều dự án phát triển đô thị mới quan trọng. Tuy vậy, khả năng tiếp cận trực tiếp từ Phước Giang tới hệ thống giao thông và hạ tầng cấp vùng (vd: sân bay, bến cảng) là hết sức khó khăn so với những dự án đô thị này.
2. Môi trường: Mặc dù là vùng đất nông nghiệp xanh tươi, Phước Giang không phải không có những rủi ro về môi trường do nằm về phía bắc vành đai công nghiệp Nam Bình Dương – Biên Hòa. Phước Giang cũng nằm kề cận xã Thạnh Phú là nơi bắt đầu có các hoạt động công nghiệp. Đối lập với thách thức này là vai trò của Phước Giang trong vành đai sinh thái quan trọng nhất vùng Đông Nam Bộ dọc theo sông Đồng Nai và kết nối hai khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng là Vườn quốc gia Nam Cát Tiên và rừng ngập mặn Cần Giờ. Những đặc này khiến cho việc bảo tồn sinh thái, bảo vệ nguồn nước và tránh phát triển cuối hướng gió từ vùng công nghiệp trở nên quan trọng hàng đầu đối với Phước Giang.
3. Ngập lụt: Trong tương lai, khu vực Tây Nam (xã Bình Hóa) và một số điểm trũng tại Phước Giang sẽ có nguy cơ ngập lụt từ 0.5 đến 2m vào giữa thế kỷ 21 do tác động của nước biển dâng cao và việc triển khai xây dựng đê bảo vệ TP HCM về phía hữu ngạn sông Đông Nai. Do đó việc phân vùng phát triển trong khu Phước Giang cần cân nhắc yếu tố lũ lụt đồng thời cần có những hệ thống hạ tầng đa chức năng để giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai vì chỉ tập trung vào xây dựng hệ thống đê điều.
4. Nền tảng Kinh tế: Bất chấp sự phát triển sôi động các khu công nghiệp và đô thị bên kia bờ sông Đồng Nai phía huyện Tân Uyên (Bình Dương), Phước Giang vẫn là một vùng nông thôn bình yên. Điều này đặt ra câu hỏi về nhu cầu đô thị hóa tại khu vực cũng như nền tảng kinh tế nào cho “khu đô thị Phước Giang” tương lai? Trong bối cảnh cả Bình Dương và Đồng Nai đều đang cạnh tranh trong vai trò là “ngoại ô” sản xuất của TP HCM, Bình Dương bứt phá với việc đầu tư vào “chất lượng sống tốt” (tiện ích đô thị: bệnh viện, trường học, nhà hát,v.v…) nhằm thu hút nhân lực cấp cao thì Phước Giang có thể tận dụng vị trí địa lý sẵn có để tạo cơ hội cho Đồng Nai thực hiện cùng một chiến lược nhưng với chiến thuật khác.
5. Ranh giới đô thị và nông thôn: Bài học phát triển đô thị bền vững trên thế giới cho thấy ranh giới đô thị và nông thôn cần được xác lập rõ ràng. Một ranh giới rõ ràng như vậy nhằm đảm bảo cung cấp hạ tầng và dịch vụ đô thị có hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, vừa gia tăng chất lượng sống của cư dân đô thị. Bằng việc bảo tồn cảnh quan nông thôn và thiên nhiên, dự án Phước Giang có thể đạt giá trị bất động sản cao đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trái lại sự phát triển đô thị tràn lan (urban sprawl) và nhảy cóc (leap-frog) như ở nhiều đô thị nước ta, đặc biệt là thành phố Biên Hòa dẫn tới việc chính quyền không thể cung cấp hiệu quả các dịch vụ đô thị thiết yếu (điện, nước, nước thải, thu gom rác, cứu hỏa, cứu thương,v..v…).
6. Môi trường sống ở nông thôn xuống cấp: Tình trạng đô thị hóa tự phát tại chỗ, gia tăng dân số và mật độ xây dựng trong khi hạ tầng không phát triển tương thích dẫn đến các hiểm họa về môi trường và giảm sút chất lượng sống ở nông thôn. Ở nhiều địa phương bây giờ, thói quen sử dụng các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là túi nylon, dẫn đến vấn đề ứ đọng rác thải do không có bãi gom và xử lý rác.
7. Nguy cơ thất bại dựa trên phương pháp quy hoạch truyền thống: phương pháp quy hoạch vẫn đang được áp dụng tại nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của Chủ nghĩa hiện đại trong quy hoạch do Le Courbusier đề xuất từ nửa đầu của thế kỷ 20 vốn đã bị thế giới phê phán và từ bỏ. Phương pháp này coi nhẹ đặc điểm hiện trạng khu đất (bao gồm cả yếu tố vật chất và văn hóa) và đồng nghĩa quy hoạch với thiết kế mà quên đi vai trò của các công cụ phi-thiết kế khác trong việc phát triển đô thị. Phương pháp này chỉ khả thi khi triển khai một dự án bất động sản trên một diện tích nhỏ, trong thời gian ngắn, bởi một chủ đầu tư duy nhất và mảnh đất không có một lịch sử dày dặn. Phước Giang cần nhiều công cụ quy hoạch phi-thiết kế dựa trên một tầm nhìn được chia sẻ nhằm đạt được một sự tổng hòa về quyền lợi giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư.
Chiến lược phát triển
Với đồ án quy hoạch vùng phát triển Phước Giang, nhóm thực hiện tại Công ty Tư vấn Thanh Bình đã đưa ra 5 chiến lược phát triển chính cho khu vực giàu tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức này:
- Bảo tồn đất nông nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế, thu hút du lịch, nâng cao giá trị bất động sản và thích nghi với biến đổi khí hậu.
- Kết nối với Bình Dương và Biên Hòa để trở thành trung tâm vùng công nghiệp.
- Cung cấp tiện ích Văn hóa – Thể thao cấp vùng nhằm tạo ra một cộng đồng sáng tạo và khỏe mạnh đồng thời trở thành tâm điểm của toàn vùng.
- Dựa vào các kịch bản phát triển cho Phước Giang để xác định những khu vực đô thị hóa, mức độ đô thị hóa và những khu vực ưu tiên phát triển.
- Thành công bằng cách tạo ra chất lượng sống tốt cho tất cả mọi người và dựa trên di sản thiên nhiên và lịch sử.
Giải pháp tổ chức và kết nối không gian
1. Xây dựng một chuỗi các đô thị tại các vị trí chiến lược về cảnh quan và hạ tầng và trong vòng bán kính đi bộ 800m thay vì dàn trải để bảo tồn cảnh quan nông nghiệp, môi trường thiên nhiên và tối đa số công trình và dân số có thể tiếp cận với những cảnh quan này, do đó mà gia tăng giá trị đất đai.
2. Các khu dân cư nông thôn được kiểm soát mật độ để đảm bảo khả năng trung hòa của môi trường đối với chất thải sinh hoạt đồng thời dùng những khu đô thị mới để thu hút nhu cầu đô thị hóa tại địa phương. Bên cạnh đó, thiết kế đô thị với những công cụ tinh tế nhất được sử dụng để tạo ra những thành phố mới sẽ mang cảm hứng cho cư dân và du khách dựa trên những di sản sẵn có của địa phương: mặt nước và những cánh đồng.
3. Xây dựng các đô thị mới và cải tạo các khu dân cư hiện hữu tại điểm giao nhau của các tuyến giao thông quan trọng (đường bộ và đường thủy) nhằm thu hút nhu cầu đô thị hóa tại chỗ và gia tăng khả năng tiếp cận toàn vùng cho các hoạt động kinh tế tại đây.
4. Tập trung phát triển phía Tây Phước Giang dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai để: 1) khai thác nhu cầu phát triển và các hoạt động kinh tế mạnh mẽ phía Bình Dương; 2) khai thác khả năng kết nối giao thông với thành phố mới Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh (cả đường bộ và đường sông); 3) bảo tồn cảnh quan nông nghiệp phần phía Đông Phước Giang và bảo vệ nguồn nước thượng nguồn sông Đồng Nai; 4) tránh xa các khu công nghiệp vốn nằm ở đầu gió Đông Nam phía Nam và Đông Phước Giang; 5) chiếm lĩnh khu vực có nguy cơ phát triển các hoạt động du lịch tự phát do vị trí thuận lợi.
5. Không phát triển tại các khu vực thấp để tránh nguy cơ bị ngập do lũ và thủy triều và tại các khu vực trũng để tránh nguy cơ bị ngập do mưa lớn. Những khu vực thấp và trũng đồng thời cũng là những khu vực trồng lúa nước do đó chiến lược này đồng thời bảo tồn cảnh quan nông nghiệp và bảo vệ tiềm năng du lịch của khu vực – lợi thế cạnh tranh quan trọng của Phước Giang.
6. Hệ thống giao thông vùng đi qua Phước Giang bao gồm đường vành đai thành phố Biên Hòa, đường Đồng Khởi nối dài và đường nối sang Bình Dương cần phải được thiết kế nhằm tối đa hóa tiềm năng và hiện thức hóa các chiến lược phát triển nêu trên. Việc mở thêm tuyến nối với Bình Dương về phía Bắc thông qua thị trấn Uyên Hưng là cần thiết để tiếp cận với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ phía Tân Uyên và rút ngắn khoảng cách tới đường vành đai 4 của toàn vùng đô thị Đông Nam Bộ. Kết nối Phước Giang với các thành phố khác ở Đồng Nai bằng hệ thống buýt tốc hành BRT[i].
Phương pháp quy hoạch
Để chuyển những chiến lược phát triển thành giải pháp thiết kế đối với một dự án quy hoạch chung mang yếu tố vùng, nhóm tư vấn đề xuất một chương trình quy hoạch 2 lớp (layer):
– Lớp quy hoạch phân khu chức năng cấp vùng (function-based planning) gần gũi với phương pháp quy hoạch truyền thống tại Việt Nam. Lớp này nhằm đưa ra một khung quản lý sử dụng đất trong vùng hướng tới sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và khu vực nông thôn.
– Lớp quy hoạch định dạng (form-based planning) theo phương pháp transect planning[ii] nhằm tạo ra tạo ra những môi trường tổng hòa theo từng đặc điểm khu vực sinh sống (nông thôn, ngoại ô hoặc trung tâm đô thị). Phương pháp này nhấn mạnh tới thiết kế đô thị thân thiện với con người và khuyến khích sử dụng đất hỗn hợp. Quy hoạch định dạng có thể mang tính pháp lý dưới dạng một bộ quản lý quy hoạch dựa vào SmartCode[iii]. Tính hoàn thiện và chặt chẽ của SmartCode cho phép đô thị phát triển hài hòa và bền vững mà không cần phải bản vẽ hóa tất cả các chi tiết của đô thị.
Quy hoạch đô thị phải đối mặt với những vấn đề của quá khứ, hiện tại và tương lai. Bản Quy hoạch vùng Phước Giang là nỗ lực của chúng tôi trong hoàn cảnh Việt Nam nhằm đối mặt với những vấn đề của một địa phương đang trong quá trình công nghiệp hóa và đáp ứng mục tiêu của nhà đầu tư. Xin trân trọng giới thiêu tới các bạn Bản quy hoạch Vùng phát triển Phước Giang do Công ty Tư vấn Thanh Bình thực hiện.
Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, Tiến sĩ quy hoạch vùng Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Kiến trúc sư Nguyễn Phương Nga, Kỹ sư Nguyễn Quang
Ghi chú: Toàn bộ nội dung của Bản quy hoạch Phước Giang có thể download ở địa chỉ: http://issuu.com/nguyendo/docs/phuocgiang
[i] BRT hay Bus Rapid Transit là khái niệm chỉ hệ thống sử dụng xe buýt chạy trên đường giành riêng nên đạt tốc độ cao hơn xe buýt thường và có hệ thống nhà ga, trạm dừng có hệ thống kiểm soát vé nhằm rút ngắn thời gian dừng của xe. Mục đích của hệ thống BRT là tạo ra chất lượng dịch vụ tương đương GTCC dựa vào đường sắt nhưng với chi phí thấp và tính linh hoạt cao của xe buýt.
[ii] Dựa vào nghiên cứu về sinh thái học, Transect, dịch nôm na là một lát cắt địa lý, đã trở thành một công cụ để hiểu hệ thống định cư phức tạp của con người. Transect Planning phân chia một thành phố thành từng khu vực theo mức độ “đô thị” để có thể quản lý và quy định về kiến trúc và cảnh quan nhằm nhấn mạnh đặc thù và tạo ra môi trường tổng hòa trong mỗi khu vực.
[iii] SmartCode là một bộ quản lý quy hoạch mở dựa vào transect planning và cho phép người sử dụng điều chỉnh theo đặc điểm địa phương.
Quy hoạch chung mà làm thế này ah ? Vớ vẩn………
Chào bạn, có thể nói rõ hơn thay vì chỉ chê bai đơn thuần?
Chúc mừng Dũng
Phương án này đạt giải nhất thì phải
Mình có nghe rất nhiều chuyên gia khen phương án này
Có thể nói là một phương án quy hoạch chung tốt nhất từ trước đến nay
Bạn nên gửi dự thi quốc tế, chắc chắn sẽ đạt giải lớn
Anh ơi, em nghe đồn Quy hoạch 1/5000 giờ xếp vào quy hoạch phân khu mà ? Theo em để chính xác ko thể là “Cuộc thi ý tưởng thiết kế quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Phước Giang, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai” mà để là “Quy hoạch vùng phát triển phước giang” được rồi.
Tên gọi là của ban tổ chức đặt em ạ.
Đồ án này làm hay quá anh ạ
Xin chao
Mình đồng ý rằng việc tổ chức không gian đô thị như vậy là rất tốt, bởi lẽ đồ án tận dụng được diều kiện thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên để xây dựng nên một vùng đô thị gần sát với thiên nhiên và sống cùng thiên nhiên. Ở Việt Nam khi nghiên cứu về quy hoạch đô thị người ta thường không làm tốt vấn đề này bởi một số lý do như thói quen hoặc không yêu cầu về chất nghiên cứu nghiêm túc từ các nhà quản lý đô thị.
Tuy nhiên cũng cần phải xem lại rằng theo nhiệm vụ đặc ra của UBND Tỉnh là phải xây dựng một đô thị Phước Giang có số dân cư khá lớn(!). Mình thực sự không nhớ nỗi, hình như là yêu cầu trên 15 vạn dân, như vậy đồ án này đã thỏa mãn các tiêu chí của Nhiệm vụ quy hoạch chưa?! Ở đây chúng ta không bàn về việc lập ra nhiệm vụ quy hoạch như vậy hay hay là dở, hợp lý hay không hợp lý, nhưng chúng ta thấy một điều là điều kiện để lập quy hoạch thì phải có Nhiệm vụ thiết kế và đó là cái khung cứng pháp lý cần phải tuân thủ một cách nghiêm túc, ngay cả khi quyết định quy mô dân số cho khu đô thị Phước Giang thì thực sự mình không hiểu cơ sở tính toán ở đâu (chắc có lẽ lấy quy mô diện tích chi cho chỉ tiêu!!!!)
Đồ án đáp ứng được dân số khoảng 15 vạn người. Thực ra nếu xem kỹ bảng quy định chỉ tiêu quy hoạch cho từng loại transect zone, bạn sẽ thấy là mật độ có thể linh động thay đổi. Mục tiêu đồ án không phải là đưa ra một hình ảnh cố định và một chỉ tiêu cứng về quy hoạch. Thiết kế các khu chỉ là mình hoạ và thỏa mãn yêu cầu của cuộc thi. Quan trọng nhất là đồ án đưa ra một khung phát triển dựa trên nguyên tắc bảo tồn đất đai nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.
Xong khi em qua bài viết này, em muốn hỏi những vấn đề sau:
1. Dựa trên chương trình đề xuất, thì 2 lớp quy hoạch này sẽ được thực hiện theo thứ tự nào trước hay chúng được thực hiện song song ?
2.Do nhưng Legend trên những bản vẽ không rõ, nên em muốn hỏi rõ hơn về cách quy hoạch 2 lớp này được áp dụng cho từng khu vực (T1,T2,T3,T4) như thế nào?
3. Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 phương thức layers này là gì? Vì trong phân tích ở bài viết, em thấy khái niệm phân tích của “Lớp quy hoạch phân khu chức năng cấp vùng (function-based planning) ” khá chung chung, và em cảm giác như chức năng của nó nằm cả trong phần chức năng của “Lớp quy hoạch định dạng (form-based planning)”.
Xin Cám ơn
Jin Nguyen
Vấn đề việc làm thì tính sao. Nhiêu đô thị quá mà không có việc làm thì ai mà vào ở.
Bạn có một nhận xét chính xác. Dù trong đồ án có cố gắng giải quyết vấn đề này nhưng vì không có số liệu và đồ án được thực hiện dưới dạng 1 cuộc thi kéo dài 1 tháng, giải pháp đưa ra chưa thực sự thuyết phục.
Thực ra việc tổ chức thi quy hoạch cho một vùng đất rộng 3000 hecta và một đề bài thiết kế không có đầu vào kinh tế như cuộc thi Phước Giang là một ý tưởng tồi và vô ích.
Quan trọng hơn, chính quyền không thể tiếp tục thụ động cấp phép quy hoạch cho bất cứ ai có nhu cầu làm bất động sản. Đất đai là tài nguyên quý giá và có giới hạn. Do đó diện tích đất được chuyển đổi cho mục đích xây dựng đô thị cần được tính toán dựa trên nhu cầu thực của nền kinh tế và ngân quỹ đất đai chứ không phải ý đồ cá nhân của các nhà đầu tư.
môi trường thiên nhiên, cảnh quan nông thôn và hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi là chất liệu và động lực cho sự phát triển đô thị và du lịch;
– động lực này không mấy thực tế
Động lực này có thực tế hay không còn do cách làm. Đã có rất nhiều ví dụ trên thế giới rằng từ không có gì người ta có thể tạo ra một điểm đến hấp dẫn
Dạ cho em hỏi tại sao lại không được phép xây ban công ở ngoại ô và nông thôn vậy ạ ? Em nghĩ ở nông thôn và ngoại ô, đất rộng, cây nhiều, cảnh quan đẹp thì nên có ban công để ngắm nhìn thiên nhiên chứ ạ.
Ở đâu có cái quy định đó hả em?
Dạ tại em thấy trong bảng quy hoạch định dạng, cột T2 – nông thôn dòng “ban công” có chữ “ko cho phép”