Chung cư Hà Nội qua góc nhìn và đôi tay của Nguyễn Mạnh Hùng

Họa sĩ bên mô hình chung cư Hà Nội. Nguồn: hung6776.com

Họa sĩ bên mô hình chung cư Hà Nội. Nguồn: hung6776.com

Nguyễn Mạnh Hùng là một nghệ sỹ đương đại và là nhạc sỹ thể nghiệm.

Hùng được biết đến như người mang tới tinh thần tươi mới và sáng tạo nguyên bản thuần khiết cho nghệ thuật thị giác ở Việt Nam. Làm việc với những tác phẩm tranh giá vẽ, Hùng cũng đồng thời sáng tác với điêu khắc, sắp đặt và biểu diễn.

Hùng bắt đầu phong cách riêng của mình như một hoạ sỹ siêu thực, anh sáng tác với sự quan sát, kinh nghiệm sống của người Việt, và các tác phẩm cho chúng ta thấy rõ một niềm đam mê đặc biệt với các phương tiện, trang thiết bị quân sự.

Hùng được đào tạo tại trường đại học mỹ thuật Hà Nội và đã tham gia nhiều sự kiện, triển lãm, hoà nhạc  nhóm cũng như cá nhân tại Việt Nam và cả quốc tế. Hùng cũng được biết đến như một curator của Nhà Sàn Studio, một không gian nghệ thuật đương đại nổi tiếng tại Hà Nội – Việt Nam.

Được giới thiệu trong khuôn khổ chương trình ba năm một lần về nghệ thuật đương đại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 7 tại Queensland, Australia (kéo dài tới 14/4/2013) là tác phẩm điêu khắc công phu của Nguyễn Mạnh Hùng với tựa đề “chung sống tại thiên đường” (Living together in paradise). Người nghệ sĩ tạo ra một mô hình cao 3m và vô cùng tỉ mỉ mô tả lại nhà chung cư mà tác giả đã sinh sống suốt những năm tuổi thơ.

Hùng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật dựa trên trải nghiệm của quan sát của mình về cuộc sống và văn hóa Việt Nam. Trong tác phẩm “một hành tinh, một chướng ngại vật”, họa sĩ lấy cảm hứng từ cảnh quan kiến trúc Việt Nam để tạo dựng một mô hình chi tiết với những vật liệu đơn giản nhằm diễn tả điều kiện sống tồi tệ, thiếu nước, và sự khó khăn về kinh tế vốn được trải nghiệm bởi phần lớn dân số Việt Nam.

Họa sĩ Hùng chia sẻ về tác phẩm “chung sống tại thiên đường”:

Tôi sinh ra và lớn lên ở một khu tập thể tại thủ đô Hà Nội. Với hơn 20 năm gắn bó ở đó, tôi thấy nó không mang nhiều đời sống của đô thị mà đúng hơn là một quần thể các khu “làng” chồng chất lên nhau.

Người ta tự cải tạo không gian sống, chăn nuôi, trồng trọt và nâng cấp điều kiện sống trong hoàn cảnh chung chạ.

Ở đó, mọi người chia sẻ với nhau mọi chuyện và không có nhiều khoảng riêng tư, bí mật. Tôi tự hỏi: “Liệu các thiên thần có thể sống chung với nhau trên một thiên đường?”

nguyen_manh_hung02

nguyen_manh_hung03

nguyen_manh_hung04

nguyen_manh_hung05

Họa sĩ Hùng chia sẻ về tác phẩm “một hành tinh, một chướng ngại vật”:

Vào thời kỳ khó khăn của nền kinh tế bao cấp, một căn hộ theo tiêu chuẩn được phân cho 2 hoặc 3 gia đình chung nhau. Các gia đình phải tự lo chuyện đàm phán phân chia không gian sống với nhau, gia đình nào lấy nhà tắm thì giành lại phần bếp cho gia đình kia, hoặc ngược lại. Và họ dùng chung nhà vệ sinh.

Với điều kiện sống chật hẹp, thiếu nước, kinh tế khó khăn… các gia đình thường phải mở rộng không gian sống bằng các lồng sắt, tự trang bị máy bơm nước và đường ống, tự chăn nuôi gia súc gia cầm trong căn hộ của mình để cải thiện đời sống. Những yếu tố đó làm thay đổi phần lớn hình dáng và cấu trúc của toà nhà và ảnh hưởng đến thói quen, nếp sinh hoạt của người dân.

Đời sống trong các toà nhà này không phải là đời sống của những con người trong đô thị mà là trong một khu làng. Một khu làng cao tầng.

Lịch sử của Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến và những người hứng chịu hậu quả của bom đạn chính là người dân Việt Nam.

Trong tác phẩm này tôi xử dụng cả 2 hình ảnh gắn liền với người Việt là chiến luỹ và khu chung cư để kết hợp thành một installation nhằm đưa ra một quan điểm về chiến tranh dưới ngôn ngữ nghệ thuật.

nguyen_manh_hung06

nguyen_manh_hung07

nguyen_manh_hung08

Nguồn: Tổng hợp từ designboom.com và hung6776.com