
Thẻ
Tái sinh không gian công cộng
Trong một thành phố Hà Nội đang ngày càng chật chội, ba sinh viên kiến trúc, Huỳnh Đức Trung, Chu Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Thái Hà, từ Đại học Xây dựng đã tìm cách tái sinh một không gian cây xanh – mặt nước còn sót lại trong một khu dân cư cũ thành một không gian công cộng đầy ắp những điều lý thú. Ước mong lớn của những người thiết kế là tạo ra một mẫu hình cho những khu dân cư khác trong thành phố. Và họ đã vươn tới ước mơ đó bằng một phương pháp bản đồ tỷ mỉ về cách cư dân sử dụng không gian công cộng và phương pháp thiết kế lấy con người làm trung tâm, với những đặc điểm sử dụng không gian công cộng khác nhau của mỗi lứa tuổi. Có lẽ đồ án sẽ thành công hơn nếu thiết kế đơn giản hơn để người dân có thể tự hoặc cùng tham gia xây dựng và các yếu tố môi trường như vi khí hậu và nước được tích hợp vào trong thiết kế để không gian công cộng này thực sự thân thiện với con người và môi trường. Hy vọng từ những ý tưởng ban đầu này sẽ được chính quyền và người dân địa phương tiếp nhận và giúp biến thành hiện thực. Chúc mừng ba bạn về giải thưởng có ý nghĩa này và hy vọng các bạn tiếp tục theo đuổi đề tài không gian công cộng trong suốt sự nghiệp thiết kế tới đây của các bạn.
Trang dothivietnam.org trân trọng giới thiệu với các bạn đồ án “Tái sinh không gian công cộng”, một trong những đồ án lọt vào Top 10 của cuộc thi Tài năng Kiến trúc 2013.
Nguyễn Đỗ Dũng
Một đô thị thường được tạo bởi một tập hợp công trình xây dựng, nhưng sự sống thực sự của nó lại nằm ở khoảng trống giữa các công trình chứ không ở bản thân công trình.
Hà Nội là một thành phố lớn và là một đô thị phát triển rất mạnh mẽ. Điều đó phần nào được thể hiện qua sự mọc lên liên tiếp các khu đô thị mới tại vùng ven đô mở rộng, nhưng liệu chất lượng đô thị trong nội thành đã thực sự đáp ứng được nhu cầu dân cư ? Bao quanh Hà Nội là rất nhiều khu đô thị mới như Eco-park, Ciputra, the Manor … và gần đây nhất là Royal City, nhưng tồn tại ngay trong trung tâm lại có rất nhiều khu nhà tập thể cũ với chất lượng sống thấp, xuống cấp nghiêm trọng, không gian công cộng chật hẹp như Thành Công, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Kim liên…
Một trường hợp cụ thể như khu tập thể cũ Kim Liên, một khu vực dân cư hết sức đặc biệt so với các khu tập thể khác vì ở đây có các hoạt động công cộng rất đa dạng và sầm uất, là một khu vực với mật độ dân cư cao bao gồm nhiều thành phần: người cao tuổi, trẻ em, người thu nhập thấp, giáo viên, sinh viên thuê trọ… Lượng dân cư dày đặc kéo theo mật độ sử dụng giao thông cũng tăng theo. Có thể nói khu vực này vô cùng phức tạp với số lượng trường học ngay trong khu vực và lân cận tương đối lớn, đa phần đều là mẫu giáo, tiểu học và THCS tương ứng với lượng trẻ em trong khu vực – lứa tuổi có nhu cầu về vui chơi, chạy nhảy, nhu cầu về giao tiếp cộng đồng rất cao. Mặc dù không gian sân chơi tồn tại xen kẽ những khu nhà không phải là ít nhưng chưa có được sự quy hoạch, quản lý chặt chẽ, kèm theo đó là sự lấn chiếm không gian cho các hoạt động thương mại, buôn bán, đỗ xe … làm cho dân cư thiếu đi không gian cần thiết cho việc giao lưu công đồng. Hai vấn đề trên có tác động tương đối lớn đến tần số giao thông nội tại trong giờ cao điểm.
Đặc biệt hơn nữa là sự tồn tại của bốn khu chợ lớn (hai chợ ngay bên trong khu vực nghiên cứu và hai chợ còn lại ngay sát khu vực nghiên cứu). Nhớ lúc còn nhỏ các bà các mẹ thường nói: muốn mua gì cứ ra chợ Kim liên là có đủ hết”, đúng vậy, điều đó cũng cho thấy chợ Kim liên được biết đến là một chợ lớn và có lượng người sử dụng rất đông. Một khía cạnh khác là ngay trên tuyến đường có tần suất sử dụng rất lớn là Lương Định Của nối Phương Mai còn có hai luồng dân cư lớn tiếp cận 2 bệnh viện là bệnh viện Việt Pháp và bệnh viện da liễu, đây cũng là một lý do góp phần làm cho khu vực bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm.
Phương án cải tạo của chúng tôi ý tưởng chung nhằm sử dụng các biện pháp kiến trúc và quản lí, quy định lại chức năng sử dụng không gian nhằm làm phân tách các luồng giao thông tiếp cân, tránh bị trùng lặp, tập trung tạo điểm nhấn không gian trung tâm của khu vực kết hợp nâng cao tính cộng đồng và giáo dục xã hội. Về mặt thương mại, buôn bán, họp chợ, phương án cải tạo quy định rõ các không gian cho phép bán hàng, chia lại và nghiêm cấm họp chợ tại các vị trí gần đường lớn hay các nút giao thông phức tạp, phân định rõ ràng ranh giới các khu vực cho phép bán hàng rong. Về không gian giao thông, chúng tôi đã nghiên cứu, chọn lựa và xác định rõ các tuyến đường dành cho đi bộ, các tuyến đường cấm ôtô – bởi vì trên thực tế, hầu hết các con đường, ngõ trong khu dân cư đều có độ rộng xấp xỉ 3-5m (đôi khi là bao gồm cả vỉa hè). Các tuyến đường đi bộ kết nối tạo sự liên kết giữa các sân tập thể đến không gian hồ trung tâm. Đây là một trong các ý tưởng chủ đạo trong phương án, để làm gia tăng sự tương tác trong các hoạt động sử dụng không gian công cộng như thể thao nhẹ, chơi cờ, sân chơi trẻ em, không gian cho bố mẹ và trẻ, đường dạo, đi bộ, nơi ngồi nghỉ … Tuy vậy, không gian trung tâm cũng được tìm hiểu và phân chia rõ ràng chức năng cho từng hoạt động với mục đích đảm bảo tối đa chức năng không gian.
Nhận thấy được nhu cầu về mặt không gian công cộng của người dân địa phương rất cao, phương án tập trung quan tâm vào thiết kế không gian trung tâm bao gồm hồ Kim Liên, sân chơi (cải tạo từ mương nước bẩn cũ) và một không gian dành cho phụ trợ – dịch vụ.Mục tiêu thiết kế tổng thể định hướng đề xuất một môi trường công cộng thân thiện, lành mạnh, tăng tính tương tác xã hội và đặc biệt là tính giáo dục qua sự giao tiếp trực tiếp với xung quanh. Tại không gian hồ Kim Liên – nơi có rất nhiều người tập thể dục, chạy bộ, trẻ em tập đi xe đạp và có ý muốn giữ và nâng cao thú chơi cờ của người cao tuổi trong khu vực. Giải pháp cấm oto tiếp cận các dải đường ven hồ để mở rộng không gian cho các hoạt động và an toàn hơn cho người sử dụng, hơn nữa để tăng hiệu quả sử dụng cho người dân và sự hấp dẫn không gian, sự kết hợp thú vị giữa hàng rào, ghế ngồi và sự thay đổi về cao độ nhằm đáp ứng cho mọi lứa tuổi đã đem lại sự ấn tượng về mặt thị giác. Không chỉ với ghế ngồi, để nâng cao tính thân thiện, an ninh, các nghiên cứu – thiết kế chiếu sáng và cây xanh cũng tương đối kĩ lưỡng phần nào để tránh được bức xạ mặt trời lúc chiều và cung cấp bóng râm cho không gian nghỉ ngơi. Qua nghiên cứu mặt cắt ngang của mặt đường và vỉa hè, giải pháp đề xuất hướng thoát nước mới theo kiểu chảy tràn, việc đó làm giảm tránh là rụng, rác thải, bùn đất trôi xuống hồ mà cũng rất dễ dàng nạo vét vào trước mùa mưa. Bề mặt được áp dụng loại vật liệu giả gỗ bằng chất dẻo công nghiệp, bản thân loại vật liệu này đã có tác dụng tránh trơn trượt khi trời mưa, kết hợp với các khe thoát nước và hệ thống cống thoát tạo sự an toàn khi sử dụng không gian công cộng.
Khu vực thứ 2 mà phương án quan tâm là khu vực sân chơi, được cải taọ từ mương nước cũ nằm sát theo hướng Bắc so với hồ Kim Liên. Đây là khu vực đã bỏ hoang từ lâu và chưa có chiến lược cải tạo. Trong thời gian nghiên cứu, chúng tôi đã nhận thấy vị trí này có một tiềm năng lớn trong việc liên kết khu vực và đề xuất phát triển cải tạo không gian này thành một sân chơi chủ yếu dành cho trẻ em. Các thiết bị, đồ chơi ngoài trời hiện nay đã trở nên lỗi thời và thiếu tính tương tác, các không gian sân giữa rời rạc, bị cô lập. Do đó, ý tưởng cải tạo khu vui chơi này là nơi mà tất cả trẻ em trong khu vực đều được vui chơi, giao tiếp với nhau, đây cũng là một đinh hướng giáo dục tốt cho trẻ em, tiếp xúc dần dần với xã hội. Để thay thế các đồ chơi ngoài trời cũ, chúng tôi đã tham khảo một số không gian dành cho trẻ em và đề xuất một mô hình chơi liên hoàn dựng nên từ một hệ khung thép với hình dáng mềm mại, biến đổi liên tục, tạo sự hấp dẫn về thị giác và màu sắc nổi bật cho trẻ nhỏ. Xen kẽ tổ hợp liên hoàn này là các không gian chơi cho trẻ với bố mẹ, các không gian ngồi trông trẻ cho bố mẹ, đường dạo và võng nghỉ … Tuy không gian này bố trí nhiều hoạt động khác nhau nhưng không hề bị đóng kín, ngược lại hoàn toàn mở mà vẫn đảm bảo không bị lẫn lộn về chức năng sử dụng. Khu mương nằm lọt giữa các dãy nhà có chiều cao trung bình là 4-5 tầng, không gian tốivà mất mỹ quan. Để cải thiện tình trạng nước tù ô nhiễm của khu vực, chúng tôi đã đề xuất sử dụng hệ thống báy bơm nước tuần hoàn với khu vực hồ nhằm tận dụng nhà máy lọc nước sẵn có khu vực phía nam hồ. Bề mặt sân chơi được nâng lên một cốt cao hơn so với mặt đường là 1,5-2m tạo sự kết nối và hướng nhìn cảnh quan ra hồ cũng như làm tăng chiếu sáng tự nhiên cho sân chơi.
Cuối cùng là khu vực phụ trợ, nằm trong một vùng dân cư có mật độ dân số cao và phương án cải tạo thêm 2 không gian định hướng có nhiều người sử dụng do đó kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu đó và tránh tình trạng mở dịch vụ bán hàng tràn lan, phương án đề xuất một khu vực với tính chất hỗ trợ không gian trung tâm, đảm bảo tiếp cận đi bộ dễ dàng và phần nào đóng vai trò làm tăng thu nhập cho dân cư địa phương. Bên cạnh đó phương án cũng đề xuất một số biện pháp nhằm làm tăng chất lượng khu vực.
Toàn bộ ý tưởng thiết kế không gian đều tập trung vào tính thân thiện và an toàn của không gian thiết kế và được phản ánh trực tiếp qua người sử dụng. Do vậy từng chi tiết bao gồm cả ghế ngồi, thiết bị chiếu sáng, cây xanh, gạch lát, các đồ chơi ngoài trời cho trẻ em cũng được nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu và kích thước phù hợp cho nhiều lứa tuổi sử dụng. Qua thiết kế này, nhóm thiết kế chúng tôi mong muốn tạo dựng được một không gian công cộng nâng cao đời sống tinh thần, tăng tính giáo dục, trách nhiệm trong mỗi cá nhân và nghiên cứu áp dụng mô hình này với nhiều khu dân cư cũ khác trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trên nhiều khu vực tương đồng khác nói chung.
Huỳnh Đức Trung, Chu Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Thái Hà
Ý kiến độc giả