
Thẻ
Thiết kế đô thị ứng phó với bão lụt – Giới thiệu hai đồ án Barrier Staten Island và Peripheral Multiplicity, giải nhì ONE PRIZE 2013
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề bão lụt lại được chọn cho cuộc thi thiết kế đô thị ONE PRIZE 2013, và cũng không phải ngẫu nhiên mà hai đồ án giải nhì lấy vùng vịnh quanh Staten Island thuộc bang New York, Mỹ, làm bối cảnh tiếp cận vấn đề.
Khu vực này nằm trong vùng đổ bộ của siêu bão Sandy vào cuối năm 2012, cơn bão gây thiệt hại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ (Wikipedia). Thách thức từ những cơn bão như Sandy đòi hỏi phải có một tầm nhìn linh hoạt và dài hạn hơn cho các đô thị ven biển.
Bản đồ bên dưới thể hiện phạm vi bị ngập lụt do bão Sandy. Staten Island không có các đảo nhỏ ngoài cửa vịnh che chắn nên bị sóng đánh trực tiếp vào bờ khi nước biển dâng.
Thay vì đầu tư vào các công trình hạ tầng tốn kém, tác giả đồ án Barrier Staten Island cho rằng việc cải tạo bằng cách tận dụng các thay đổi tự nhiên có thể đem lại hiệu quả cao hơn. Với địa hình thấp trũng, cùng với hiện tượng bồi lằng, nước biển dâng và tác động của dòng chảy, khu vực bờ biển này có thể biến đổi thành một hòn đảo có thể che chắn cho các khu vực đô thị bên trong. Dân cư sẽ được phân bố lại theo các giai đoạn với tầm nhìn đến năm 2100.
Theo đó, các công trình xây dựng dọc bờ biển sẽ từng bước nhường chỗ cho cây xanh và mặt nước, cùng với việc tạo ra một cửa sông mới đề tăng khả năng thoát nước khi có bão. Các chấm vàng trên bản đồ là vị trí các sand motor. Đây là công nghệ cải tạo bờ biển của Hà Lan bằng cách bơm cát tập trung tại một điểm, sau đó trong vòng 10-20 năm gió và dòng chảy sẽ phân bố lại cát giúp gia cố bờ biển. Trong suốt thời gian đó, diện tích cát mới trên biển được dùng làm không gian cho các loài động vật tự nhiên cũng như hoạt động vui chơi ngoài trời. Theo ý tưởng này thì diện tích cát để thay thế phần mất đi do nước biển dâng là 13km2.
Một tuyến đường dạo mới được thiết dọc bờ biển và một tuyến khác nối vào khu vực phía trong thông qua hành lang xanh Willowbrook. Việc cải tạo hành lang Willowbrook vừa có ý nghĩa nâng cao năng lực thoát nước cho các khu vực đô thị hóa, vừa để tích hợp các hoạt động đô thị vào cảnh quan, môi trường.
Một khu đồi nhân tạo vừa để gia cố bờ biển, vừa được thiết kế có các đường đi bộ và xe đạp với các độ dài và độ khó khác nhau.
Tương tự, đồ án Peripheral Multiplicity cũng đề xuất khơi lại những dòng chảy đã biến mất trong quá trình đô thị hóa để thoát nước, đồng thời cải tạo vùng bờ biển vừa có thể chắn sóng, vừa có không gian cho các hoạt động sinh thái.
Cụ thể, vùng bờ biển được cải tạo thành nhiều lớp xen kẽ gồm cây xanh, mặt nước và các hoạt động đô thị (số 1, 2, 5 trên bản đồ). Lớp phía trong được kết nối với hệ thống giao thông, các hoạt động thương mại, giải trí; các lớp ngoài có nguy cơ cao hơn là không gian cho các hoạt động ngoài trời, nuôi trồng thủy hải sản và là nơi thoát nước và chắn sóng khi có bão.
So với đồ án còn lại, Peripheral Multiplicity dành nhiều cơ hội hơn cho các công trình xây dựng dọc bờ biển (số 4), tuy nhiên mô hình nhà sàn và độ nén cao được đề xuất nhằm tránh tranh chấp không gian với nước và thảm thực vật.
Nhóm giải pháp cuối cùng tập trung ở khu vực vành đai xanh ven sông (số 8, 10, 6, 9). Mô hình đô thị với độ nén cao, tận dụng không gian cho giao thông công cộng, các vùng đệm xanh, sử dụng vật liệu thải đi khi dọn dẹp sau bão để làm vật liệu gia cố bờ sông, sử dụng các khu đất thấp làm nơi phát triển nông nghiệp đô thị là những ý tưởng cho khu vực này.
*Hình trong bài do người viết cắt ra từ file gốc để tiện minh họa. Click vào link để xem file pdf gốc của Barrier Staten Island và Peripheral Multiplicity.
**Xem giới thiệu đồ án giải nhất tại đây.
Ý kiến độc giả