Tháng Mười Một 21

Bốn loại quy hoạch sư

WCY-2

Ông Lưu Thái Cơ

Năm nào cũng vậy, điểm nhấn chính của Lễ trao giải thưởng của Hội Quy hoạch Singapore là bài nói chuyện của ông Lưu Thái Cơ (Liu Tai Ker), cựu tổng giám đốc của cơ quan phát triển nhà ở (HDB) và cơ quan quy hoạch (URA), người được coi là quy hoạch sư đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Singapore hiện đại. Năm nay, một điểm nhấn mạnh trong bài nói chuyện của ông là việc quy hoạch cần phải giải quyết những vấn đề cấp thiết của cuộc sống, nhu cầu của người dân và nền kinh tế thay vì chạy theo thứ “thời trang” phô trương, chạy theo tư duy “hoành tráng” vốn là căn bệnh trầm kha của các nhà lãnh đạo và một số nhà chuyên môn ở Việt Nam. Trong kết luận của mình, một kiến trúc sư tốt nghiệp trường Yale, ông xếp loại 4 nhà quy hoạch. Thấp nhất là kiểu “nhà trang trí đô thị” mà ông cảnh báo các nhà chuyên môn cần tránh xa xung hướng này (tập trung vào hình thức thay vì nội dung) khá hơn là “nhà cơ khí đô thị” tức là có khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể. Quan trọng hơn theo ông là “bác sỹ đô thị” – người có thể chuẩn đoán bệnh của đô thị và tìm ra bài thuốc trị tận gốc để đô thị phát triển lành mạnh, và “nhà tiên tri đô thị” – người có tầm nhìn chiến lược và dài hạn cho sự phát triển của một thành phố. Để có thể chuẩn đoán, trị bệnh và tiên tri sự phát triển, một trong những nguyên tắc cơ bản là không hời hợt chạy theo các xu hướng mà tập trung vào tìm các giải pháp cho chính những vấn đề của mình. Khi một phóng viên hỏi thủ tướng Lý Hiển Long về việc rất nhiều quốc gia muốn học hỏi mô hình của Singapore, ông thủ tướng cười hiền từ và nói :”chúng ta chỉ giải quyết những vấn đề của mình mà thôi”.

Thành thực mà nói, cả 4 nhà quy hoạch đều có vai trò trong công cuộc phát triển đô thị. Điều đáng lo là phần lớn các nhà quy hoạch tại Việt Nam là dạng “trang trí đô thị”, các trường ở Việt Nam chỉ dạy ra dạng này và hệ thống luật phát về quy hoạch cũng chỉ cho phép các nhà trang trí này hành nghề.
Cái thực trạng này có nguyên nhân lịch sử của nó. Khác với phần còn lại của thế giới, nơi mà quy hoạch được ra đời để giải quyết những vấn đề thực tiễn của xã hội như rủi ro cháy ở New York và San Francisco hay sự hôi thối của Paris không có hệ thống nước thải và vệ sinh môi trường, quy hoạch được người Pháp du nhập vào Việt Nam để xây nên những thành phố thuộc địa hoành tráng (tham khảo trong cuốn Lịch sử Hà Nội của Phillipe Papin). Trong bối cảnh không có kinh tế thị trường, nền quy hoạch của Liên Xố xuất khẩu sang Việt Nam cũng đậm tính “hoành tráng” để thể hiện quyền lực của chính quyền (xem nghiên cứu của William Logan). Tuy duy hoành tráng viển vông tiếp tục được các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước và của ngành thúc đẩy trong thời Đổi Mới thông qua một loạt những công trình “khủng” trên giấy và đang triển khai trong thực tế gần đây – Tất cả nhằm tạo ra vẻ ngoài hoành tráng nhưng rỗng tuếch ở bên trong, phi tỷ lệ về không gian, phí phạm về tài nguyên và vô trách nhiệm về chi tiêu ngân sách.
Quy hoạch giống như một tảng băng trôi. Phần nổi, phần vật chất mà chúng ta nhìn thấy trong đô thị: nhà cửa, đường xá, cầu cống,v.v…, chỉ là kết quả của phần chìm: chiến lược, chính sách, vận dụng tài chính, nhân lực,v.v… Muốn phần nổi thực sự lớn, phần chìm cần phải lớn hơn. Các nhà quy hoạch muốn tạo dựng phần nổi hay phần chìm?
IMG_4894

Ảnh chụp từ slide thuyết trình của ông Lưu Thái Cơ

FullSizeRender

Ảnh chụp từ slide thuyết trình của ông Lưu Thái Cơ