
Thẻ
Đà Nẵng chờ phiên bản 2.0

20 tỉnh/thành có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký lớn nhất tính tới 2013. Đà Nắng đứng thứ 15 trong danh sách. Nguồn số liệu: Tổng cục thống kê
Trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ ngày 17/10, tân bí thư Đà Nẵng chia sẻ cảm nhận của mình bằng hai chữ “áp lực”. Là một người từng gắn bó công tác thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tại địa phương, tôi tin rằng ông hiểu được những thách thức đặt ra trong nhiềm kỳ của mình vốn đã được nhắc đến tại Đại hội Đảng bộ thành phố vừa qua: sức thu hút đầu tư nước ngoài kém và thu ngân sách đang có dấu hiệu hụt hơi. Bất chấp việc liên tục được vinh danh về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong số các tỉnh thành, Đà Nẵng đang tụt dần trong bảng xếp hạng về thu hút đầu tư, sản lượng công nghiệp, quy mô nền kinh tế,v.v… Cụ thể là thu hút đầu tư nước ngoài của Đà Nẵng đứng thứ 15 cả nước với tổng vốn đăng ký chưa bằng 80% một tỉnh láng giềng, nơi có hạ tầng còn yếu kém. Sản lượng công nghiệp năm 2013 của Đà Nẵng, đứng thứ 18, chỉ xấp xỉ Cà Mau. Và GDP chỉ bằng 60% của Cần Thơ, một thành phố có quy mô dân số tương đương. Tại sao?
Không thể phủ nhận rằng trong 15 năm qua, Đà Nẵng đã có những đột phá về cải cách hành chính và cơ sở hạ tầng. Nỗ lực đầu giành cho Đà Nẵng vị trí đứng đầu trong bảng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm nay cũng như việc được biết đến trong giới đầu tư quốc tế như một chính quyền thân thiện với doanh nghiệp. Nỗ lực sau là kết quả của việc giành một phần lớn ngân sách, có năm tới 60%, và việc khai thác quỹ đất cho đầu tư xây dựng cơ bản. Cả hai nỗ lực trên đều cơ bản dựa trên quyết tâm chính trị của người lãnh đạo và tạo ra một hình ảnh đô thị thân thiện, ấn tượng, khiến Đà Nẵng “lấy lòng” được người dân cả nước. Đó là Đà Nẵng phiên bản 1.0.

Đà Nẵng dồn ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Có năm lên tới 60% ngân sách nhà nước. Nguồn: Cục thống kê Đà Nẵng

Đầu tư nhiều, hiệu quả thấp. Chỉ số ICOR của Đà Nẵng lên tới 7.9 là rất đáng lo. Chỉ số ICOR của Đà Nẵng luôn cao hơn Việt Nam vốn đã được coi là cao nhất trong khu vực châu Á. Nguồn số liệu: Ngân hàng thế giới, Tổng cục thống kế & Cục thống kê Đà Nẵng.
Thành quả của 15 năm đặt ra những thách thức cho một thế hệ lãnh đạo mới của thành phố. Giải pháp phát triển đô thị dựa chủ yếu vào đầu tư vốn nhà nước và khai thác quỹ đất không bền vững khi mà thu ngân sách tăng chậm và tốc độ tăng dân số chững lại. Hệ số ICOR phản ảnh chi phí vốn trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm của nền kinh tế. ICOR càng cao thì nền kinh tế càng kém hiệu quả. Hệ số ICOR của Đà Nẵng tăng cao theo thời gian, từ 5,9 giai đoạn 2001-2005 lên 7,6 giai đoạn 2006-2011 và 7,8 giai đoạn 2011-2014, cho thấy tính hiệu quả của nền kinh tế địa phương đang giảm xuống. Trong khi đó, một hệ thống hành chính thân thiện và cơ sở hạ tầng tốt là chưa đủ để thu hút doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế. Khi lựa chọn điểm đầu tư, doanh nghiệp xem xét tới 3 yếu tố: tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn tài nguyên (bao gồm con người) và chi phí vận hành. Chính quy mô dân số toàn vùng còn nhỏ, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế còn hạn chế nếu so với hai đầu đất nước và nguồn nhân lực giới hạn giới hạn về cả quy mô và chất lượng đang là những lực cản chính khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà với Đà Nẵng.
Tuy nhiên, sự thành công của Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cụ thể là mảng gia công phần mềm vốn ít bị giới hạn bởi các rào cản địa lý, cho thấy rằng thành phố hoàn toàn có thể vượt qua giới hạn hiện có nếu biết lựa chọn đúng lĩnh vực và tạo môi trường để lĩnh vực đó phát triển. Cụ thể hơn, lời giải duy nhất cho một thành phố không quá lớn về dân số giữa một vùng nội địa không giàu có là một định vị thị trường chiến lược trong một số lĩnh vực và xác lập vị trí trong chuỗi giá trị của những lĩnh vực đó mà thành phố có thể cạnh tranh ở tầm quốc gia và quốc tế. Tất cả những chính sách thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và đào tạo nhân lực phải xoay quanh những lĩnh vực và chuỗi giá trị đó thay vì còn khá chung chung như hiện nay. Những nỗ lực này sẽ tạo ra hai điều kiện để dòng đầu tư chảy về Đà Nẵng: thân thiện với doanh nghiệp không chỉ bằng thái độ mà quan trọng hơn bằng định vị trí chiến lược của thành phố và sẵn sàng cho đầu tư bằng một hệ thống pháp lý, chuẩn bị đất đai, nhân lực để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong những lĩnh vực chiến lược đó.
Một ví dụ điển hình cho mô hình này là bang Penang của Malaysia với diện tích đất đai và quy mô dân số tương đương Đà Nẵng. Penang bắt đầu hành trình trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm điện – điện tử từ việc thành lập một khu chế xuất chuyên cho lĩnh vực này vào năm 1972 và nỗ lực đầu tư của chính quyền vào cơ sở hạ tầng và đào tạo các kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực điện tử cho lao động địa phương. Giờ đây Penang là trung tâm vùng của các hãng điện tử quốc tế như Dell, Sony, Seagates, Hitachi, v.v… và tạo ra giá trị sản xuất tới 40% sản lượng toàn quốc ngành điện – điện tử của Malaysia.
Thế hệ lãnh đạo mới của thành phố đang đứng trước cơ hội tạo ra Đà Nẵng phiên bản 2.0: hấp dẫn về đầu tư không bằng giao đất rẻ và miễn giảm thuế, mà bằng việc trở thành địa điểm đầu tư chiến lược trong vùng của một số lĩnh vực kinh tế mấu chốt. Làm được điều này cần quyết tâm chính trị và quan trọng hơn cả là chiều sâu và tầm nhìn xa của người lãnh đạo để hiểu lợi thế cạnh tranh của chính địa phương mình và hiểu doanh nghiệp. Liệu thế hệ lãnh đạo tiếp theo, trẻ hơn và được đào tạo bài bản hơn của Đà Nẵng, sẽ giải được bài toán thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho thành phố trong nhiệm kỳ tới khi mà cơ hội do Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang đến đã tới gần trước cửa?
Nguyễn Đỗ Dũng
(Bài đã đăng trên Người Đô Thị ngày 30/10/2015)
THAM KHẢO
Theo quan điểm chiến lược, Đà Nẵng được lựa chọn trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng yếu tại miền Trung. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của Đà Nẵng (2,6%/năm) tuy cao hơn so với các đô thị cùng loại (1,2% đối với các đô thị loại 1, hoặc 1,1% đối với vùng Bắc Trung Bộ/duyên hải miền Trung), nhưng chưa đủ mạnh để dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn vùng. Tình trạng giảm dân số tại các đô thị loại 4 ở miền Trung cũng như dân số nông thôn ở Đà Nẵng (-1,9%) cho thấy, sự tăng trưởng đô thị ở Đà Nẵng chủ yếu bắt nguồn từ quá trình đô thị hóa tại chỗ (di cư trong khoảng cách ngắn, trong cùng một ranh giới hành chính hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông thôn sang đô thị). Như vậy, khó có khả năng để Đà Nẵng tăng trưởng mạnh và nắm giữ vai trò then chốt trong hệ thống đô thị quốc gia, như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Trên thực tế, những đô thị như Cần Thơ hay Hải Phòng có thể là những ứng viên tốt hơn cho vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngân hàng Thế giới – Báo cáo Đô thị hóa tại Việt Nam năm 2010
Ý kiến độc giả