Thẻ
Quy hoạch chung Hà Nội: Sẽ là một quy hoạch treo khổng lồ?
(Bản ban đầu của bài phỏng vấn trên Tiền Phong)
Phóng viên (PV): Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh chuỗi đô thị mới với chuỗi nhà nhiều tầng, chuỗi đường cao tốc thẳng cánh. Hiện đại thật nhưng tôi có cảm giác bất an. Còn đâu cảnh “dân cư uốn khúc theo hình con long” mà ở đó số phận mỗi con người, gia đình, làng xóm quấn bên vào nhau, nương tựa nhau, giữ gìn các giá trị Việt!
Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng: Lối quần cư truyền thống có nhiều giá trị mà chúng ta phải trân trọng như “tình làng nghĩa xóm” không chỉ bởi đó là một phần của đời sống tinh thần mỗi người Việt Nam mà còn bởi chúng định nghĩa chúng ta là ai trong một thế giới toàn cầu hóa. Những giá trị đó là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và của những thành phố giàu truyền thống như Hà Nội. Bản thân tôi thấy cách tổ chức trong làng cổ với vị trí trung tâm của ao làng với các công trình công cộng và tôn giáo bao quanh tạo thành một không gian cộng đồng hấp dẫn và nhân bản. Đó là nơi mà mọi thành viên của làng giao tiếp với nhau không chỉ trong dịp lễ hội, hoạt động tôn giáo hay chính trị mà cả trong sinh hoạt thường nhật. Mô hình làng, thú vị thay, lại có nhiều điểm tương đồng với mô hình “Đơn vị láng giềng” mà Clareance Perry đã phát minh ra tại New York, Mỹ, vào đầu thế kỷ 20 sau hàng loạt nghiên cứu xã hội học. Tôi nhắc đến ví dụ về mô hình làng để cho thấy rằng, kể cả trong một lĩnh vực hiện đại vốn được du nhập từ tây phương như quy hoạch đô thị, văn hóa và di sản của chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm giá trị mà dường như bị quên lãng.
Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, đường cao tốc và nhà cao tầng dường như là lựa chọn không thể tránh khỏi không chỉ bởi vì chúng hấp dẫn về hình thức đối với một xã hội còn đang ở mức phát triển thấp mà còn vì chúng mang lại những tiện ích và công năng cho một đời sống đô thị hiện đại, những yêu cầu mà đường làng và nhà ba gian – hai trái truyền thống không thể đáp ứng. Đường cao tốc và nhà cao tầng cần được khuyến khích ở Việt Nam bởi chúng là câu trả lời tức thì cho những vấn nạn hiện tại: tắc nghẽn giao thông, thiếu nhà ở đạt tiêu chuẩn cho đại bộ phận nhân dân và đô thị hóa đất nông nghiệp.
Tôi chia sẻ những trăn trở của anh nhưng tôi cũng đồng cảm với những thách thức mà lãnh đạo Bộ Xây dựng phải đối mặt. Tuy nhiên, như một câu hỏi bản thân tôi luôn đặt ra với chính mình và các đồng nghiệp: “Làm sao để đường cao tốc , nhà cao tầng và đô thị hiện đại phải là những phiên bản Việt với rất nhiều học hỏi từ chính truyền thống của chúng ta và được thiết kế cho người Việt Nam, xứng đáng với tính cách và tinh thần Việt Nam?”. Trả lời câu hỏi này không đơn thuần là một nghĩa vụ đi kèm theo lòng tự ái dân tộc, mà là cơ hội duy nhất để các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng chúng tôi thành công trên chính quê hương mình.

Vẽ ra những phối cảnh và dựng nên những thước phim hoành tráng không phải là quy hoạch. Trong ảnh: mô hình trung tâm hành chính quốc gia mới.
PV: Từ loạt bài đầu tiên đăng trên Tiền Phong mới đây về phản biện quy hoạch chung Hà Nội, không ít ý kiến độc giả cũng như các nhà chuyên môn phàn nàn nhiều khía cạnh của đồ án. Có người từng là quan chức ngành xây dựng, thậm chí từng là Bộ trưởng Xây dựng, cũng bày tỏ thất vọng trước những thiếu sót nghiêm trọng trong quy hoạch chung. Ý kiến anh về các luồng dư luận như thế nào?
NĐD: Tôi nghĩ cũng có không ít ý kiến hài lòng thậm chí hồ hởi với bản quy hoạch chung Hà Nội đấy chứ. Trước hết, việc có nhiều ý kiến trái chiều về một bản quy hoạch là điều bình thường, nhất là đối với một thành phố quan trọng và để lại nhiều cảm xúc như Hà Nội. Vấn đề đặt ra là những ý kiến trái chiều đó được tiếp nhận và xử lý như thế nào thôi.
Quy hoạch là một lĩnh vực phức tạp và mập mờ giữa làn ranh tốt và không tốt, đúng và sai. Việc mở rộng một con đường có thể giúp giải quyết tắc nghẽn giao thông nhưng lại khiến một số người phải di dời chỗ ở, trẻ em và người già qua đường khó khăn hơn và một số cộng đồng chịu nhiều tai nạn giao thông, tiếng ồn và khói bụi hơn.
Ngay cả khi bản quy hoạch Hà Nội được hiện thực hóa như những gì chúng ta thấy trên bản vẽ, quy mô đầu tư của dự án (90 tỉ dollar Mỹ) là khổng lồ trong khi ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực khác của Hà Nội cũng như cả nước bị thu hẹp bởi vì tài nguyên và ngân quỹ có hạn và nước ta vẫn còn là một nước nghèo. Điều tôi cảm thấy tiếc là bản quy hoạch Hà Nội vẫn thực hiện theo phương pháp tiếp cận từ trên xuống (top-down) truyền thống: chính quyền thuê chuyên gia thực hiện quy hoạch theo đề bài do chính quyền đặt ra và sau đó lấy ý kiến nhân dân. Chúng ta có thể có sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng tầm nhìn (vision) cũng như đặt ra mục tiêu cho đồ án. Như vậy, chúng ta sẽ có thể đạt được sự đồng thuận về đồ án quan trọng này.

... Quy hoạch đồng nghĩa với những giải pháp nâng cao chất lượng sống của người dân và hiện thực hóa những hình ảnh đó. Trong ảnh: khu đô thị mới phía Tây Hà Nội ngập nặng trong trận lụt tháng 11/2008
PV: PPJ, nhóm tư vấn thiết kế đồ án quy hoạch chung Hà Nội với tổng tốn phí 7 triệu USD là đội ngũ chuyên gia đến từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Liệu điểm mạnh ấy có giúp đồ án thành công?
NĐD: Tôi nghĩ số tiền 7 triệu dollar là một số tiền quá nhiều để thực hiện một đồ án nặng về thể hiện như chúng ta đã thấy nhưng sẽ là không đủ để thực hiện một đồ án hoàn chỉnh với những nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế, dân số, môi trường, giao thông, quản lý đô thị, v.v, như nhiều người kỳ vọng. Thời gian cũng là một thách thức lớn của đồ án quy hoạch chung khi phải triển khai trong vòng hơn một năm trong khi nguồn thông tin thống kê (dân số, giao thông, kinh tế, môi trường,v.v) và bản đồ của chúng ta còn sơ sài.
Có lẽ đây cũng là một kỷ lục thế giới mới về lập quy hoạch chung một thành phố lớn. Về đội ngũ nhân lực, tôi không rõ những tiêu chí nào là tiên quyết để lựa chọn nhà tư vấn. Tuy nhiên, thông qua chính website của các thành viên trong liên doanh PPJ thì dường như đồ án Quy hoạch Chung Hà Nội là kinh nghiệm mới mẻ đối với họ bởi vì Jina và Perkin Eastmen đều là các công ty kiến trúc đơn thuần và Posco là một tập đoàn công nghiệp.
Những kinh nghiệm trước đó của Jina và Perkin Eastman chỉ là những khu đô thị mới với mục đích rõ ràng của khách hàng là đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu thương mại dịch vụ,v.v để kinh doanh. Đối với các dự án như vậy, công việc của nhà tư vấn khá đơn giản là tạo ra không gian đô thị đẹp với số lượng công trình được tính toán theo kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Hà Nội không phải là một dự án bất động sản. Các nhà tư vấn phải làm một việc vô cùng phức tạp và khó khăn trong điều kiện Việt Nam như dự báo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số, nhu cầu việc làm, xác định chức năng kinh tế – xã hội cho từng thành phố vệ tinh, đề xuất giải pháp bảo tồn phố cổ hay tính toán nhu cầu giao thông, giải pháp chống kẹt xe hay xác định khu vực môi trường cần bảo tồn,v.v.
Danh sách các công việc mà nhà tư vấn phải làm còn rất dài và tôi không ngạc nhiên khi thấy các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể thất vọng về chất lượng đồ án. Với 7 triệu dollar, chúng ta đã giao phó cho một liên doanh nước ngoài công việc vô cùng khó khăn là biến một thành phố còn ngổn ngang và lộn xộn với ba triệu dân đô thị và ba triệu dân nông thôn thành một thành phố vô cùng thịnh vượng và tươi đẹp, nơi mà những vấn đề nan giải mà chúng ta dường như bó tay trong nhiều năm qua hoàn toàn biến mất. Tôi tin các nhà tư vấn trong liên doanh PPJ hẳn đã phải rất cố gắng.
PV: Có ý kiến nói rằng không thể giao kiến trúc sư làm quy hoạch. Anh nghĩ sao?
NĐD: Không giống như một chiếc tủ, một căn phòng, một ngôi nhà hay thậm chí một khu đô thị, một thành phố không phải là một đối tượng thiết kế mà là một tiến trình xã hội. Chúng ta có thể xây dựng khu Phú Mỹ Hưng trong vòng 10 năm nhưng, để Hà Nội trở thành như ngày hôm nay, cần 1000 năm. Trong 1000 năm đó, hàng triệu triệu con người đã tham gia vào xây dựng thành phố từ làm đường, xây nhà, đắp đê cho đến việc trồng dàn hoa giấy trước nhà, việc đi chợ hay tậu một chiếc xe máy mới.
Nhiều thế hệ đã kiến tạo nên một Hà Nội như ngày hôm nay bằng chính những hành vi đời thường của mình. Nếu 1000 năm là một quãng thời gian quá dài để hình dung, hãy thử xem lại những bức ảnh Hà Nội 20 năm trước, ta sẽ thấy đó là một thành phố rất khác. Vào những năm 1990, ai có thể dự đoán là Hà Nội 20 năm sau sẽ tràn ngập xe máy, sẽ có cao ốc và đường cao tốc?
Câu hỏi cơ bản trong quy hoạch đô thị là làm sao để có thể dự báo và định hình đô thị 20 năm sau? Để trả lời câu hỏi này, tại hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới, nhà quy hoạch hầu hết không phải là kiến trúc sư. Họ là nhà quy hoạch với chuyên môn về kinh tế học, dân số học, địa lý học, chính trị học, tương lai học, v.v… Rất nhiều người trong số đó còn nghiên cứu về những vấn đề như thị trường dâù mỏ vì một dự báo hiện nay là thế giới đang cạn kiệt dầu giá rẻ và thế giới sẽ sớm phải chia tay động cơ đốt trong. Và khi đó, mô hình và phương tiện giao thông sẽ hoàn toàn biết đổi?
Một điều dễ nhận ra là các nhà quy hoạch Việt Nam, vốn chủ yếu có nền tảng là lĩnh vực kiến trúc, dễ sa đà vào hình thức của tác phẩm của họ hơn là tính hợp lý, khả năng vận hành trong hiện tại và tương lai cũng như triết lý và mô hình tổ chức xã hội đằng sau mỗi ý đồ quy hoạch.
Trong hầu hết các dự án phát triển khu đô thị nổi bật từ Bắc chí Nam mà tôi có dịp thăm quan, những yêu cầu quan trọng của đời sống thường nhật vẫn chưa được quan tâm đúng mức như chỗ đậu xe, điểm thu gom rác thải, chống ồn, hạn chế giao thông ngoại khu hay đảm bảo dịch vụ công cộng và công viên cây xanh trong bán kính đi bộ trung bình,v.v…
Tại một khu đô thị mới như Trung Hòa – Nhân Chính ở Hà Nội, vỉa hè vẫn được sử dụng vào việc đậu ô tô và xe máy hơn là đi bộ. Hay trên một trục đường chính mới mở của thành phố Biên Hòa, một đoạn vườn hoa bên đường bị biến thành điểm gom rác thải.
Độc giả có thể cho rằng những chi tiết này thật nhỏ bé nhưng, nếu những vấn đề này không được quan tâm từ góc độ vĩ mô, chất lượng của sản phẩm thiết kế, những khu đô thị và cuộc sống trong đó, sẽ giảm sút và nhiều rủi ro. Điển hình là việc 70% diện tích của thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng ngập triều nhưng quy hoạch chung năm 1998 đã được phê duyệt không hề đề cập.
Chúng ta vẫn thường ca ngợi những dự án như Phú Mỹ Hưng làm biến đổi những đầm lầy hoang sơ thành những khu đô thị hiện đại. Tuy nhiên, chưa ai đặt câu hỏi liệu có phải những dự án như vậy đang đẩy rủi ro lụt lội cho các khu vực khác của thành phố bởi san lấp một diện tích đầm lầy, đất ruộng vốn có khả năng trữ một lượng nước tương đối lớn. Nói như vậy không có nghĩa rằng phát triển Nam Sài Gòn là một sai lầm. Vấn đề là chúng ta cần có các quy định nhằm đảm bảo việc phát triển một khu vực không làm gia tăng rủi ro cho một khu vực khác.
Kiến trúc sư có thể làm quy hoạch nếu anh ta có kiến thức về tất cả những vấn đề mà một đô thị phải đối mặt.
PV: Tóm lại, cảm giác chung nhất về bản Quy hoạch Chung Hà Nội trong anh là gì?
NĐD: Bản Quy hoạch chung Hà Nội vẫn chỉ là một mô tả về tương lai Hà Nội 20- 40 năm nữa với những hình ảnh vô cùng hấp dẫn mà có lẽ nhiều người Hà Nội mơ ước về thành phố của mình. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị phải là công cụ giải quyết các vấn nạn đô thị và là con đường đi đến tương lai tươi sáng . Sẽ là quá đắt nếu chúng ta trả số tiền 7 triệu dollar để nhìn thấy mơ ước của mình trên video, ảnh phối cảnh và sa bàn kiến trúc. Tôi lo Quy hoạch chung Hà Nội sẽ trở thành một quy hoạch treo khổng lồ.
Cám ơn anh
Pingback: Đô thị hóa ở Việt Nam đứng trước ngã ba đường « đô thị