
Thẻ
Hòn ngọc Phương Đông: Cẩm nang du lịch và Sài Gòn thuộc địa
Lily Chi
Nguyễn Phương Anh lược dịch
Lily Chi là Giáo sư Thiết kế, Lý thuyết và Phê bình Kiến trúc, giám đốc Chương trình Cao học tại Trường Kiến trúc, Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Cô đồng thời là biên tập của Tạp chí Giáo dục Kiến trúc (Journal of Architectural Education) từ năm 2000. Cô đã viết rất nhiều bài báo về chủ để phê phán kiến trúc đương đại và giáo dục. Luận án tiến sĩ của cô khám phá vai trò của các khái niệm của thế kỷ Ánh sáng về phong tục, thiên nhiên và lịch sử trong tiến trình định hình các thảo luận kiến trúc hiện đại. Những chủ đề này giờ đây được phát triển trong nghiên cứu của cô về du lịch, đô thị học và tuyên truyền của nhà nước tại Đông Dương thời thuộc địa. Năm 2004, giáo sư Chi đã tổ chức một studio kiến trúc cho sinh viên cao học của trường Cornell tại Hà Nội.
Bài viết “Hòn ngọc Phương Đông: Cẩm nang du lịch và Sài Gòn thuộc địa” của giáo sư Chi đăng trên tạp chí Architecture and ideas số hè-thu năm 2000 năm trong loạt bài viết của cô về sự kiến tạo hình ảnh đô thị thuộc địa thông qua các cuốn cẩm nang du lịch.
(Bản gốc: Chi_PearloftheOrient_AI (tiếng Anh) trên tạp chí Architecture and Ideas)
Như người trung gian giữa du khách và điểm đến, những quyển cẩm nang du lịch đảm đương hai vai trò khác nhau. Được viết dưới ngôn ngữ của người đọc, quyển cẩm nang như đồng minh của người đi du lịch. Mặt khác, như một chuyên gia mặc định về nơi chốn đang mô tả, sách hướng dẫn du lịch là phương tiện trung gian thuyết phục giữa một bậc thầy về thắng cảnh và người đi tham quan độc lập. Nỗ lực ngầm này có lẽ được nhận thấy rõ nhất bởi các độc giả không phải là đối tượng mục tiêu, như những ai xa xứ về thăm quê, hay những người đi du lịch ở một thời khác. Những bài đọc ngầm định hình về sở thích và các ý tưởng đóng góp cho cái nhìn về một thành phố của một người. Điều này đặc biệt rõ trong trường hợp Sài Gòn/Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô một thời của thực dân Pháp, chủ nhà của sự kế tục những ý thức hệ của kẻ địch, và là nơi diễn ra nhiều chuyển biến chính trị trọng yếu trong suốt thế kỷ 20[i]. Cẩm nang du lịch và những ấn phẩm lưu niệm trong bối cảnh này đã thực sự là nơi khẳng định và tranh luận đặc tính văn hóa. Bài viết này tập trung vào du lịch của Sài Gòn thuộc địa và vai trò nổi bật đáng ngạc nhiên của kiến trúc và đô thị trong đó.
Quyển Tourist Guide (Cẩm nang du lịch)
Hành trình đến ‘Hòn Ngọc Phương Đông’ không đơn giản, trải dài qua biển và sông. Khoảng cách từ bên ngoài đến Sài Gòn trong những thập kỷ đầu được đo bằng cả không gian lẫn thời gian. Theo tác giả của quyển “Cẩm nang du lịch đến Saigon, Angkor Wat và Phnom Penh” xuất bản năm 1930, sau nhiều giờ ngồi tàu ngắm thời gian lặng lẽ trôi,” du khách cuối cùng đến “thành phố Sài Gòn đẹp như tranh, có tên gọi là Hòn Ngọc Phương Đông, với những tháp chuông, cao ốc sừng sững và các bến thuyền. Sài Gòn vì thế bật lên giữa một vùng rộng lớn xanh tươi, ‘một thành phố được sắp xếp kỹ lưỡng và xinh đẹp’ với “các cửa hàng, cao ốc, khách sạn và biệt thự’ ‘mang dấu ấn riêng biệt của Pháp’. Sự xa xôi của thành phố biến mất ngay trong cảnh phố thị. Những tên gọi ‘bến cảng nhộn nhịp’, ‘trung tâm thương mại quan trọng’ đến ‘đối thủ cạnh tranh của cảng Singapore và Hồng Kông,’ và một lực lượng dân số tăng 7 lần trong 50 năm đã minh chứng cho vị trí của Sài Gòn là ‘thủ đô thương mại của Đông Dương thuộc Pháp.’
Như trong những cuốn cẩm nang khác cùng thời điểm này, Sài Gòn được liên hệ về mặt không gian và nhận thức như một ‘thành phố Pháp’, phân biệt với hai thành phố láng giềng ‘Chợ Lớn’ và ‘Gia Định’ và những thành phố đã tọa lạc tại địa điểm này cho đến năm 1859. Quyển Tourist Guide thiết lập sự phân biệt này bằng một lịch sử ngắn gọn của thành phố. Lịch sử này bắt đầu từ sự định cư của người Khmer và những người kế tục họ thế kỷ 17, những người định cư An Nam từ phương Bắc, nhưng được liên hệ như một câu chuyện về các dân tộc bất hòa cho đến khi một nhà truyền giáo người Pháp tên Pigneau de Béhaine xuất hiện. Chính nhờ Pigneau và sự trợ giúp của người Pháp mà Hoàng đế Gia Long cuối cùng có thể giành được pháo đài Sài Gòn từ sự nhiễu loạn liên tục của các ‘lực lương nổi dậy’. Tầm quan trọng của vị giáo sĩ trong câu chuyện này được nhấn mạnh trong quyển Tourist Guide bởi một đoạn miêu tả dài ngoằng về nỗi đau của triều đình tại tang lễ của ông. Phần tiếp theo rất ngắn gọn: “Từ năm 1800 trở đi đất nước thịnh vượng cho đến năm 1833, một cuộc nổi dậy nổ ra và các nhóm đối lập tàn phá. Mãi đến năm 1859 người Pháp… đã phải can thiệp nhằm khôi phục hòa bình dưới quốc kỳ Pháp.” Lịch sử Sài Gòn, rõ ràng trong thành tựu về hòa bình và trật tự trước sự nổi dậy và bất ổn, vì thế đã bắt đầu với Pigneau de Béhaine. Lá cờ Pháp trên đất Sài Gòn sau cái chết của ông vẫn đảm bảo tính liên tục của nó.
Sài Gòn mà những người viếng thăm nhìn vào trong quyển Tourist Guide xác nhận đặc tính này. Tham quan thành phố bằng xe kéo, du khách đi qua các đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) và Bonnard (Lê Lợi), gặp Halles Centrales (chợ Bến Thành), Nhà thờ Đức Bà, các dinh thự của Governor General (Toàn quyền) và Governor of Cochin China (Thống đốc Nam Kỳ), các tòa án, Jardin de la ville (Công viên Tao Đàn), Blanchard de la Brosse (Bảo tàng lịch sử), khách sạn Majestic và dela Rotonde (Khách sạn Grand), và vân vân. Chuyến đi kết thúc bằng cuộc tản bộ dọc các cửa hàng ‘mỹ nghệ, đồ cổ, và tơ lụa’ trên ‘đại lộ đông người’ của rue Catinat (Đường Đồng Khởi). Sự đảm bảo về tính thân thuộc trong những hình ảnh này được nhấn mạnh bằng cái nóng trong trẻo và bóng râm sum sê thiếu sức sống. Theo bức ảnh của Phodo Nadal về Sài Gòn buổi đầu xuất hiện trong quyển Tourist Guide, thành phố vắng vẻ một cách lạ lùng. Ngoại trừ đám đông ‘vô danh’ trên đường Đồng Khởi, một số ‘đền Hindu và chùa Phật giáo đáng thăm viếng, những dòng kênh và các tuyến đường thủy ‘thực sự chật chội với tàu hơi nước nhổ neo, tàu chở hàng hóa và thuyền bè lớn nhỏ,’ không có hình ảnh nào trong quyển Tourist Guide nói về ‘90,000 linh hồn’ định cư tại Sài Gòn trước cuộc chiến.
Hình ảnh duy nhất về người bản xứ nằm xa xôi ngoài thành phố trên tận cao nguyên Đà lạt. Là ‘phố núi duyên dáng dành cho nghỉ dưỡng’ được khí hậu ưu ái gồm bốn khách sạn, Đà Lạt mang lại sự ‘nghỉ ngơi’ từ ‘cái nóng và thử thách của một cuộc hành trình xuyên Đông Dương’. Một thành phố Pháp mới được xây dựng cho mục đích này; đó cũng là điểm khởi hành khám phá khu vực chung quanh. Ở cùng độ cao này, du khách có thể gặp ‘thổ dân’ mà ‘người bản địa gọi là Mọi’; họ ‘sống trong rừng, đi săn theo nhóm, mặc trang phục của thiên nhiên, di chuyển rất xa và nhanh, ‘chinh phục những sườn dốc cao’, ‘những thôn xóm nhỏ, các túp lều và các ngôi làng bé xíu… tất cả tương phản với cảnh đô thi thị.’ Cuộc sống đô thị của Sài Gòn, so với hình ảnh cuộc sống du canh miền núi, xác nhận quyền năng ngày càng tăng của những người làm nên nó.

Giờ cao điểm trên đường Pasteur và gánh hàng hoa gần nhà thờ lớn. Ảnh trong cuốn: Saigon: A Booklet of Helpful Information for American in Vietnam (Cuốn sổ tay với thông tin hữu ích cho người Mỹ ở Việt Nam) năm 1959. Nguồn: Thư viện Đại học Cornell.
‘Thiết kế với sự tinh tế…’
Sài Gòn trong mắt những người viết cẩm nang cũng như du khách còn có sự nổi trội của kiến trúc độc đáo và thiết kế đô thị. Sự mô tả những đặc điểm của thành phố từ đầu thế kỷ trở đi luôn kể đến các công trình công cộng ấn tượng của thành phố, ‘sự cân đối hài hòa’, khu vườn xinh xắn’ được thiết kế với nghệ thuật tinh tế,’ các đại lộ lớn thoáng và đẹp, những tòa nhà và đường phố rộng, ’trật tự và sạch sẽ”… Cuối cùng là sự xuất hiện của người dân thuộc địa trong môi trường sống tự nhiên của họ, ở những dinh thự sang trọng hay khung cảnh làng quê bụi bặm; những kẻ chống đối bị bắt hay bị bắn – đề tài làm nên một thể loại bưu thiếp.
Những hình ảnh của Photo Nadal, một nguồn sách lưu niệm và bưu thiếp phát hành rộng rãi từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, nói lên nhiều điều về quan điểm của thuộc địa nơi thành phố này. Loạt ảnh của họ nhìn chung là một hoạt cảnh về những công trình công cộng của Pháp – Dinh Toàn quyền, Nhà thờ Đức Bà, nhà hát lớn được truyền cảm hứng từ nhà hát Garnier tráng lệ ở Paris, Vườn bách thú… và cả chiếc xe lôi được đậu ở những vị trí dễ quan sát, có hoặc không có người phu chân trần như chiếc bóng. Sự đặt cạnh nhau của những tòa nhà trắng sạch sẽ, phương tiện lao động, người bản xứ bị lu mờ phản ánh nhiều thứ. Nó thể hiện sự bố cục tinh tế: xe lôi là một hình ảnh trực quan nhắc nhở người xem về nơi mà sự tao nhã của kiến trúc Beaux-Arts[ii] ngự trị – Sài Gòn, chứ không phải Paris. Sự đảo nghịch thú vị này giữa địa điểm của bức hình và những gì bức ảnh lột tả về địa điểm nhắc lại tầm nhìn được vạch ra cho một thành phố thuộc địa bởi thị trưởng Pháp: một nền văn minh hoàn toàn phát triển với tất cả nét quyến rũ của vùng nhiệt đới. Sự hoán chuyển mà trong đó thành phố châu Âu được kiến tạo ở một nơi khác trở thành cột mốc cho bối cảnh mới của nó làm rõ vai trò của kiến trúc và thiết kế đô thị trong kinh doanh du lịch của thuộc địa.
Giá trị của tính thân thuộc nghịch lý được tán dương trong những bức hình của Photo Nadal và trong quyển Tourist Guide được cấu thành một cách sâu sắc trong hình ảnh của hòn ngọc: một vẻ đẹp đáng ngạc nhiên và tao nhã trong những chiều sâu của bản chất không hình dạng và thô sơ. Tính phổ biến lâu dài và rộng khắp của Vườn bách thú – một trong những công trình đầu tiên của thành phố được xây dựng trong một khu rừng dày đặc – minh chứng giá trị của của tái tạo thiên nhiên trong bối cảnh này. Sài Gòn là một công trình: một bản sao vật thể của sự ảnh hưởng văn minh của Pigneau de Béhaine.
Tác phẩm của kiến trúc và đô thị có một tầm quan trọng đặc biệt ở Đông Dương thuộc địa bởi những người dân trong đó được xem là thiếu khả năng xây dựng thành phố. Theo một nhà sử học người Pháp thời kỳ đầu, đó là do ‘tình hình kinh tế’ tồi tệ của khu vực. Trong quan sát của Foulhoux, kiến trúc sư trưởng của Đông Dương thời bấy giờ, người An Nam chỉ xây nhà, đền và lăng mộ. Sứ mệnh của kiến trúc trong những thành phố này rõ ràng và cụ thể với ông: các công trình kiến trúc và tòa nhà sẽ là những nét đặc trưng thanh lịch của Sài Gòn. Ông cũng tỉnh táo và rõ ràng về logic của việc xây dựng trong quá trình ‘văn minh’. Đơn đặt hàng đầu tiên là Dinh toàn quyền thể hiện uy thế. Kế đến là nhà thờ hướng đến chinh phục tôn giáo và tòa án công lý. Chân dung Sài Gòn của Foulhoux là một sự phân loại về những định chế dân sự bao gồm bưu điện, cảng thương mại, vườn bách thú, bảo tàng, nhà giam và một nhà xưởng thuốc phiện.
Ảnh sưu tầm bởi Dũng đô thị
Thành phố của nhân dân
Khác với vị trí ngày nay như sự ghi dấu của lịch sử hay như món đồ thị giác qúy hiếm, những công trình công cộng của Sài Gòn đóng một vai trò mang tính cấu trúc trong việc định nghĩa thành phố thuộc địa như một tuyệt tác cả về nghệ thuật lẫn sự rộng lượng mang tính áp đặt. Những tòa nhà và đại lộ mang phong cách Beaux-Arts đều tập trung cả về thị giác lẫn hệ quy chiếu cho việc xây dựng bức tranh thuộc địa và con người trong đó. Sự tương phản giữa chiếc xe lôi thô sơ và tòa nhà thanh lịch; giữa cảnh thành thị Sài Gòn và nơi trú ngụ của những người miền núi – là những thước đo về sự cách biệt trông thấy giữa thực dân và thuộc địa, và của số lượng công trình văn minh thực hiện được. Ngày nay nhìn vào những địa điểm này ngoài khuôn khổ đó, khó mà bỏ qua vai trò của sự che đậy và sự khuất phục trong việc sử dụng kiến trúc và đô thị.
Sài Gòn đã chứng kiến sự bùng nổ những tác giả và độc giả mới của cẩm nang du lịch sau năm 1954 khi trở thành thủ đô của nước Việt Nam Cộng hòa, một nửa đất nước trong thời chiến. Hình ảnh những tượng đài Beaux-Arts và những đại lộ rợp bóng râm quay trở lại, nhưng cạnh tranh với những công trình khác mô tả thành phố như một ‘căn cứ hải quân hiện đại, một thành phố quốc tế, một sự chạm trán giữa Đông và Tây… Sự đa dạng của những nguồn cẩm nang được phản ánh trong sự đa dạng về quan điểm và tầm quan trọng giữa chúng. Pigneau de Béhaine tiếp tục bắt đầu lịch sử Sài Gòn trong những quyển hướng dẫn du lịch tiếng Pháp và Mỹ những năm sáu mươi, với người bản địa trong vai trò người giúp việc nhà. Những quyển cẩm nang do các đơn vị Việt Nam phát hành, mặt khác nhấn mạnh ẩm thực, phong tục, lễ hội, chùa chiền và đặc tính của người Sài Gòn. Ý tưởng rằng Sài Gòn được định nghĩa bởi chính người dân trở nên rõ ràng trong những cuốn cẩm nang về Thành phố Hồ Chí Minh.
Các công trình công cộng không còn phủ đầy cái nhìn của người viếng thăm trong những quyển hướng dẫn sau này. Sự tập trung về vẻ đẹp của Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh trở nên càng ít về thị giác khi thành phố được xác định ngày càng nhiều bởi những cuộc sống tồn tại trong nó. Tuy thế kiến trúc và đô thị tái xuất hiện trong những quyển cẩm nang này trong những nỗ lực ngầm lẫn công khai nhằm hun đúc lại định dạng của thành phố. Một sự phân biệt độc đáo của những quyển cẩm nang Việt Nam thời những năm 1960, chẳng hạn, nằm trong sự tôn vinh sự năng động của thành thị: giao thông, đám đông, sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ, sự đặt cạnh nhau lung túng của đông và tây, cũ và mới. Những điều có thể được xem xét là không hấp dẫn ở một thời khác thì được đề cao ở đây như những dấu hiệu của một trung tâm nhộn nhịp và thịnh vượng, mở ra vô số khả năng. Sài Gòn và Ho Chi Minh City là những câu chuyện chưa có hồi kết.
Điệp khúc nghịch lý về sự trường thọ và sự hồi sinh trong những quyển cẩm nang của nhà nước đến quyển Ho Chi Minh City cho thấy tình hình phức tạp của ký ức thuộc địa trong lòng thành phố. Một mặt, những mô tả về các khách sạn kiểu Beaux-Arts được khôi phục làm hồi sinh ‘những kỷ niệm ngọt ngào của một ‘khoảng thời gian đã mất’ đối với nhiều “khách phương Tây” vuốt ve sự luyến tiếc quá khứ du lịch. Mặt khác, khi những sản phẩm ngoài mong đợi của một lịch sử về sự bền bỉ và sự tồn tại vượt xa khỏi chúng, những công trình công cộng lỗi thời sẽ trở thành những tàn tích của những chế độ bị diệt vong. Một ví dụ về danh sách thắng cảnh trong quyển Ho Chi Minh City (1990): “Hội trường Thống nhất” (trước là “Dinh độc lập,” một phiên bản được xây dựng lại của “Dinh tổng thống” xưa; tiền thân là “Dinh Norrodom, nơi ở và làm việc của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương”); Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh (“Nhà Rồng” trước là trụ sở công ty hàng hải Messageries Maritimes); Đại sứ quán Mỹ và những tòa nhà khác do người Mỹ ‘chiếm đóng’ trong suốt chiến tranh; địa đạo Củ Chi; khu Tam Giác Sắt[iii]; rừng ngập mặn huyện Duyên Hải[iv]; chùa chiền và, ‘với những du khách thích xem về tác động của chiến tranh với xã hội Việt Nam,” thì có những trại mồ côi và “các trường phục hồi nhân phẩm”, nơi những phụ nữ trẻ lầm lỡ được cho cơ hội làm lại cuộc đời tốt đẹp hơn’. Dù ‘những người tìm kiếm niềm vui’ trong chuyến tham quan đều có thể tìm được chỗ cho mình, thắng cảnh trong Ho Chi Minh City là một bài học lịch sử – và một sự trưng bày thị giác tuyệt vời về sự kế tục.
Danh sách trên cho thấy không chỉ sự liên quan diễn tiến của môi trường được xây dựng và sự phức tạp về đặc tính Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là sự phê bình tinh tế về thái độ đối với kiến trúc và tổ chức công cộng. Người ta sẽ nhận ra nơi đây những thắng cảnh tên đã đổi – đôi khi nhiều lần – và những địa danh ‘mới’ chưa bao giờ được liệt kê trước năm 1975: các trụ sở của chế độ bị đánh bại, những điểm giao tranh ngoài đô thị trọng yếu đã mang thắng lợi trong cuộc chiến, và những định chế xã hội minh chứng những lý tưởng dân sự mới. Tương tự như thế, nếu sự đồ sộ và quy mô của công trình xây dựng thuộc địa kiểu Beaux-Arts thể hiện tầm vóc và sự bền bỉ của chủ nghĩa đế quốc thì sự kế tục của những người sở hữu các công trình này thời những năm 1990 mang tính biểu tượng tương tự cho một thành phố xác định sức mạnh của mình bằng khả năng tồn tại của dân tộc. Trong cả hai trường hợp, những giả thuyết lâu dài về kiến trúc công cộng và sự thể hiện của nó được đặt nghi vấn chỉ bằng cách triển lãm những công trình này với quyền lực bị mất.
Ảnh sưu tầm bởi Dũng đô thị

Nhà hát lớn trên đường Cantinat (Đg. Đồng Khởi) vào năm 1922: Nguồn: L' Indochine Coloniale Sommaire
[i] Ngay sau khi thành Gia Định bị Pháp chiếm đóng, khu vực được đổi tên Sài Gòn và xem là thủ đô của Cochin China, tỉnh duy nhất có địa vị thuộc địa chính thức tại Đông Dương Pháp thuộc. Thành phố bị quân đội Nhật chiếm đóng từ năm 1940-1945. Đến cuối thời gian này trong thời gian ngăn ngủi là một phần của nước Việt Nam Dân chủ Công hòa độc lập do Hồ Chí Minh thành lập. Sau thất bại của Nhật ở Chiến Tranh thế giới thứ 2, Sài Gòn “được trao trả” cho Pháp.
[ii] Beaux-Arts là một trường phái kiến trúc tân cổ điển được hình thành ở trường Beaux-Arts tại Paris.
[iii] Vùng đất rộng ở phía Bắc tỉnh Bình Dương là nơi quân Việt Minh và sau đó là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam lập căn cứ vững chắc.
[iv] nay là huyện Cần Giờ
Ý kiến độc giả