
Thẻ
Giờ Trái Đất: Tắt đèn chỉ làm lợi cho phe chỉ trích phong trào khí hậu
Bóng tối khơi dậy những cảm giác về sự nguy hiểm, sự tàn lụi và cái chết. Vậy tại sao phải sử dụng những hình ảnh đó làm điểm nhấn cho mục đích của chúng ta?
Trong suốt 25 năm hoạt động môi trường của mình, tôi đã từng chứng kiến nhiều phong trào đầy hứng khởi và cũng không ít thứ thiếu chiều sâu hay thậm chỉ vô nghĩa. Nhưng với Giờ Trái Đất của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) thì phải nói đây là một trong những chiến dịch lệch lạc và phản tác dụng nhất mà tôi từng thấy.
Nhìn qua thì nó có vẻ là một ý tưởng tốt, như một kiểu góp gió thành bão. Tắt đèn trong vòng một giờ vào vào thứ bảy này từ 8:30pm là một hành động nhỏ và đơn giản để có thể tuyên truyền dễ dàng.
Đây là một chiến dịch có tính trực quan cao, là một điều mà bất kỳ ai cũng có thế làm và tham gia dù với tư cách cá nhân hay doanh nghiệp lớn. WWF kỳ vọng hàng trăm triệu người khắp thế giới sẽ tham gia chiến dịch. Và điều tuyệt vời nhất là sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn có ảnh hưởng tích cực đến vấn đề mấu chốt – cắt giảm khí thải; thậm chí kết quả còn được thể hiện rõ ràng qua các chỉ số.
Nghe thật tuyệt, nhưng hãy nói về giả thiết này trước: Giờ Trái Đất thực sự sẽ chẳng giúp cắt giảm chút khí thải nào. Các công ty năng lượng luôn để dành một phần công suất và các tuốc-bin vẫn luôn chạy trong suốt thời gian nhu cầu điện tụt giảm đột ngột để chuẩn bị khi mọi người bật đèn lên lại.
Cứ cho là chiến dịch này hoàn toàn mang ý nghĩa biểu tượng thì chúng ta cũng cần trả lời thêm nhiều câu hỏi: thông điệp của nó hướng tới ai? Thông điệp nói với họ những điều gì? Và nó được tiếp nhận như thế nào trước những thái độ và định kiến sẵn có?
Nếu các bạn đem thông điệp đó đến những nhà hoạt động xanh thì chiến dịch này không có vấn đề gì. Họ vốn đã tin vào biến đổi khí hậu và những mô hình hành động mang tính biểu tượng. Họ vốn đã tin vào ý tưởng cắt giảm tiêu thụ năng lượng và tắt nguồn các thứ – cho dù trong thực tế họ không hẳn đã làm tốt chuyện đó.
Nhưng vào lúc này những nhà hoạt động xanh là những người cuối cùng chúng ta cần phải đối thoại. Ưu tiên lớn nhất của chúng ta là lôi kéo sự tham gia của phần đông dân chúng, những người quan tâm đến biến đổi khí hậu nhưng cảm thấy vô cùng lúng túng trước động cơ của chính phủ và các nhà môi trường.
Nhiều lần trong các nhóm thảo luận thuộc các dự án nghiên cứu, những người tham gia cho thấy một quan điểm ngờ vực đối với những người mà họ cảm thấy rằng đang lợi dụng vấn đề môi trường để tước đoạt đi các lợi ích vật chất. Yêu cầu mọi người phải ngồi trong bóng tối càng củng cố thêm một định kiến rộng rãi rằng những nhà hoạt động “xanh” muốn chúng ta phải quay về sống trong hang động.
Và nếu ta tìm hiểu sâu hơn về tính biểu tượng thì mọi chuyện còn tệ hại hơn nhiều. George Lakoff, giáo sư ngôn ngữ học tri nhận tại Đại học California nhận xét rằng trong khi chúng ta khẳng định chỉ tập trung vào ý nghĩa câu chữ thì sự thực những ẩn dụ được thể hiện trong ngôn ngữ sẽ định hình thái độ của chúng ta.
Ánh sáng mang những liên hệ ý nghĩa có tính tích cực và nhiều khát vọng như: văn minh, sự thật, sức khỏe, trí tuệ, an ninh, niềm hy vọng, sự sống và sự cứu rỗi. Phe chống lại phong trào biến đổi khí hậu hiểu rõ điều này và thường xuyên sử dụng những hình ảnh những ánh đèn về đêm trong truyền thông như một ẩn dụ về sự sôi động, văn minh và tiến bộ.
Do đó, khó có điều gì lại mang tính hủy hoại đối với mục tiêu của chúng ta hơn là hình ảnh những ngọn đèn bị tắt. Những ẩn dụ của bóng tối vô cùng tiêu cực: hiểm nguy, tan rã và chết chóc. Người ta nghĩ về Thời kỳ Đen tối (Dark Ages) như là một thời tàn bạo. Những nhà thơ như Dylan Thomas kêu gọi chúng ta phải “căm phẫn trước sự lụi tàn của ánh sáng”. Ngài Edward Grey trong đêm trước chiến tranh thế giới thứ nhất đã miêu tả “những ngọn đèn đang tắt trên khắp châu Âu”. Sự đồng thuận văn hóa (về các hàm nghĩa của bóng tối – nd) thật khó có thể xấu hơn.
Đòi hỏi bức thiết hiện nay là việc lôi kéo những người dân bình thường vào viễn cảnh của một thế giới tươi đẹp hơn, giúp họ cảm thấy những hành động cho biến đối khí hậu thật sự tích cực và hấp dẫn.
Chúng ta có rất nhiều những ẩn dụ tích cực để sử dụng cho mục đích của mình – từ sự nguy hiểm và bẩn thỉu của nhiên liệu hóa thạch đến ánh sáng của năng lượng mặt trời; những giá trị cốt lõi của tính địa phương và tính cộng đồng; sức khỏe từ một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh; và, nếu là một điều gì lớn lao hơn thì đó hành trình dài của nhân loại về một tương lai sạch sẽ, thông minh và hiệu quả hơn.
Vậy mà tại sao, sau chừng ấy năm chúng ta vẫn cứ mắc sai lầm?
Tác giả George Marshal là người sáng lập Mạng lưới Tiếp cận Thông tin Khí hậu và tác giả cuốn sách Carbon Detox và blog climatedenial.org
Nguyễn Thanh Việt dịch từ The Guardian, bài gốc đăng ngày 27/03/2009
Ý kiến độc giả