Phản biện đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Phản biện chương 1-  Mục tiêu, tầm nhìn, ý tưởng chính của đồ án:- Hà Nội tuy nói là một đô thị ngàn năm lịch sử, nhưng suốt cả gần một ngàn năm đó, yếu tố đô thị chỉ tập trung trong một vùng đất rất nhỏ độ mươi km2, với lượng dân số một hai trăm ngàn người. Chỉ trong vòng hai chục năm trở lại đây, thành phố nhỏ này đã trở thành một đô thị tầm trung, với diện tích lên tới gần 1000 km2, dân số tới trên 2 triệu. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã dẫn đến rất nhiều khó khăn kỹ thuật, do không có một quy hoạch chung phù hợp. Tuy nhiên với tầm cỡ đó, Hà nội mới chỉ là một trong 3 đô thị trọng điểm của Việt nam. Vai trò của Hà nội trên trường quốc tế gần như không đáng kể.

Trong đồ án quy hoạch chung lần này, chỉ trong 20 năm tiếp theo, tham vọng của Hà Nội là trở thành một đô thị hàng chục triệu dân, với diện tích trên 3000 km2, có chỗ đứng trong khu vực và trường quốc tế, xứng tầm là thủ đô hùng mạnh lâu dài của một cường quốc hàng trăm triệu dân v.v. Đây là một bước nhảy mới, đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược khác hẳn với việc mở rộng diện tích đơn thuần.

Ngòai ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu thì Việt nam là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn nhất. Điều đó dẫn đến nhu cầu phải định hướng lại chiến lược, vị thế của cả Việt nam trên trường quốc tế cũng như cấu trúc đô thị, không gian và sử dụng đất trong cả nước. Mỗi đô thị cần được quy hoạch sao cho ứng phó được với điều kiện biến đổi khí hậu này.

Trước nhu cầu đó, đồ án quy hoạch chung đưa ra tầm nhìn: Hà nội mở rộng – thủ đô bền vững hàng đầu thế giới… trở thành một thành phố chủ chốt khối ASEAN, thiết lập cương vị lãnh đạo ở châu Á và trên thế giới trong các vấn đề môi trường, năng lượng và bền vững.

Bất kỳ cái gì hàng đầu thế giới đều có thể coi là một tham vọng rất lớn, nói dễ mà làm thì khó. Những giải pháp, định hướng được đưa ra tuy có đi theo hướng phát triển bền vững, nhưng không có gì đảm bảo là đạt được mức hàng đầu thế giới cả. Nói đúng hơn là khẩu hiệu quy hoạch chứ không phải tầm nhìn, vì không dựa trên những cơ sở lập luận khả thi. Những khẩu hiệu hoang đường như vậy không thể trở thành cơ sở cho một nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Thực ra chỉ riêng một tiêu chí bền vững mà làm được cho tốt cũng là rất hiệu quả rồi.

Đồ án đưa ra 3 ý tưởng chính như sau:

a-   Một đô thị lõi tập trung đa năng và 5 đô thị vệ tinh chuyên môn hóa, gắn kết với nhau bởi hệ thống giao thông hiện đại.
b-   Hành lang xanh: là vùng trung gian liên kết giữa phần lõi và các vệ tinh, dựa trên cơ sở cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, là khu vực phát triển các làng nghề truyền thống, di sản văn hóa trên cơ sở sinh thái.
c-   Phát huy hệ thống sông nước làm đặc điểm không gian chính, đặc biệt lấy sông Hồng làm trung tâm không gian của thành phố.

Có thể dễ dàng nhận thấy cả 3 ý tưởng trên đều mới chỉ là hình thức bố trí không gian bên ngoài, hoàn toàn chưa đả động đến những vấn đề chiến lược cơ bản như làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu, làm gì để khẳng định vai trò, vị thế, chiến lược cạnh tranh trong khu vực, trường quốc tế. Công bằng mà nói thì cũng không thể đòi hỏi một quy hoạch chung xây dựng đô thị phải đưa ra được những giải pháp chiến lược về kinh tế xã hội đảm bảo sự phát triển phồn vinh của đô thị đó. Việc không có một chiến lược kinh tế xã hội đủ tầm làm định hướng cho quy họach tất sẽ dẫn đến một quy họach chỉ mang tính hình thức, ít tác dụng thực thụ. Như vậy, cũng có thể thông cảm cho hoàn cảnh của các nhà quy hoạch và chấp nhận một yêu cầu tương đối khiêm tốn đối với quy hoạch này.

Tuy nhiên thực tế cũng có tác dụng ngược lại của quy họach. Một quy hoạch chung có tầm chiến lược tốt có thể tạo ra một môi trường đô thị và cảnh quan thuận tiện để những hoạt động kinh tế, xã hội có cơ hội phát triển lâu dài.

Phản biện chương 2– Đánh giá hiện trạng

Báo cáo lần này đã dành gần 150 trang thuyết minh cho phân tích hiện trạng, với rất nhiều hạng mục, số liệu chi tiết. Tuy nhiên đây chưa phải phương pháp phân tích hiện đại. Những số liệu đưa ra nhiều nhưng thiếu sự tổng hợp để có thể rút ra kết luận cho quy hoạch. Các hạng mục phân tích cũng rất nhiều, rất chi tiết nhưng chỉ dừng ở mức mô tả, không chốt lại được bản chất của vấn đề, không tạo được một bức tranh tổng thể về tiềm năng, vấn đề hiện trạng. Các vấn đề cần giải quyết chủ yếu là đề bài cho một quy hoạch nâng cấp, cải tạo chứ không phải để định hướng cho một đô thị mới, có tầm cỡ khác hẳn.

Thực ra, tất cả những yếu tố địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng, thủy văn, thực bì v.v. đều là những khía cạnh để định dạng một bản chất của môi trường tự nhiên. Tất cả các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế, hạ tầng, dự án v.v. đều là các mặt của một logic nhân tạo. Cần phải nhận định rõ được những nét cơ bản của hai logic này và phân tích được xem chúng có ăn khớp với nhau không, chỗ nào đã khớp, chỗ nào chưa. Sau đó phải phân tích xem tiềm năng của hai mặt đó đối với sự phát triển và mở rộng đô thị thế nào. Có như vậy thì việc phân tích hiện trạng mới có tác dụng cho định hướng quy hoạch. Còn như hiện nay thì phần hiện trạng chẳng qua là làm cho đủ bộ phận chứ không có được ích lợi gì nhiều.

Phản biện chương 3 – Kinh nghiệm quốc tế

Nhìn chung thì chất lượng phân tích của phần này hơn hẳn phần đánh giá hiện trạng về tính logic và khả năng ứng dụng trong quy hoạch chung Hà Nội, chứng tỏ đây là một mặt mạnh rõ rệt của nhóm quy hoạch. 17 vấn đề hay bài học quy hoạch từ kinh nghiệm quốc tế được đúc rút đều rất quan trọng và đã được đưa vào áp dụng trong quy hoạch Hà Nội. Tuy nhiên, logic: “hầu hết những đô thị tốt trên thế giới đều có những đặc điểm a, b,c dẫn đến Hà nội cũng nên có những đặc điểm đó” mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ cho một quy hoạch tốt. Việc cóp nhặt những mặt mạnh của rất nhiều thành phố để tạo ra một Hà Nội ưu việt tuy là một nguyện vọng tốt, nhưng rất khó khả thi.

Đa số đô thị được đưa ra làm gương cho Hà Nội đều đã là đô thị đẳng cấp quốc tế và gần đây được quy hoạch lại để hoặc là giữ vững vai trò đó hoặc vươn lên tiếp, chiếm lĩnh một đỉnh cao mới. Ngay cả khi đó thì mỗi đô thị đều có một Vision rất cụ thể, từ đó mới dẫn đến những giải pháp quy hoạch. Trong khi đó Hà Nội xuất phát điểm là một đô thị nhỏ, yếu về kinh tế, chưa có vai trò gì trên trường quốc tế thì làm sao chỉ dựa vào mấy ý tưởng như rộng hơn, xanh hơn, bảo tồn làng nghề, khống chế mật độ, tạo khu ở mới v.v. mà đạt đẳng cấp quốc tế được.

Ý tưởng về mối liên hệ giữa việc đăng cai thế vận hội và sự phát triển kinh tế, văn hóa là một trong những ý tưởng độc đáo nhất của đồ án này. Tất nhiên, nói như đồ án là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhờ có việc đăng cai Olympic mà trở nên cường quốc thì cũng là hoang đường. Thực ra các nước này đều đã có những chiến lược phát triển và hội nhập rất độc đáo, đảm bảo những đột biến tăng trưởng. Việc đăng cai Olympic chỉ là màn trình làng, như hổ thêm cánh, tăng thêm uy tín mà thôi. Trên thế giới đã biết bao thành phố đăng cai Olympic, nhưng đâu phải thành phố nào cũng bột phát rực rỡ sau đó.

Đối với Hà nội, việc định hướng thế vận hội có thể dẫn đến hai thái cực đối lập: Hoặc là việc này có thể tạo niềm tin và sức mạnh chung trong toàn quốc, khiến mọi người dốc sức xây dựng thành phố, tổ quốc. Từ đó lại gây được niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế, cứ thế dẫn đến vốn đổ vào ngày càng nhiều, rồi thực sự trở thành cơn lốc tăng trưởng. Trong trường hợp xấu, có thể nền kinh tế vốn đã yếu đuối phải vắt những đồng tiền cúôi cùng chi cho những công trình vô bổ để dùng một lần rồi lo bảo trì cả đời, nợ nần càng ngày càng chồng chất tới mức phá sản.

Trong hai khả năng đó, hướng tích cực có lẽ sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn, nếu quả thật Hà Nội đăng cai được Olympic, vì với điều kiện hiện nay, thành phố phải đưa ra được một viễn cảnh và kế hoạch hết sức độc đáo may ra mới thuyết phục được ủy ban Olympic chọn mặt gửi vàng. Vì vậy, câu hỏi quan trọng hơn việc có nên tranh thầu Olympic hay không chính là việc làm sao để có thể trúng thầu Olympic. Nếu như Tokyo đã khẳng định vị thế của mình trong thế vận hội 1964 với tàu viên đạn, máy bay phản lực siêu tốc, truyền hình vệ tinh thì Hà Nội định dùng chiến lược gì để tranh thầu 2030 đây? Trong tất cả các ý tưởng chính của quy hoạch chung Hà Nội kỳ này chưa hề thấy dấu hiệu gì có sức cạnh tranh như vậy.

Ví dụ chuẩn bị Olympic của Seoul được mô tả rất tỉ mỉ, tới tận việc bao nhiêu cây thuộc bao nhiêu loài đã được trồng ở một công viên. Tuy nhiên có một thực tế rất quan trọng là suốt từ năm 1973-2008, diện tích đô thị Seoul đã không hề tăng, thậm chí còn giảm từ 614 km2 xuống 605 km2, trong khi dân số đã tăng nhiều lần, đạt trên 10 triệu người năm 2000. Tất cả mọi nỗ lực chuẩn bị Olympic đều tập trung vào chỉnh trang trên diện tích sẵn có. Trong khi đó, Hà nội đã liên tục mở rộng ranh giới, từ 12 km2 năm 1961 lên 3000 km2 năm 2008 mà không có những tiến bộ tương xứng về khoa học công nghệ hay tầm cỡ kinh tế, văn hóa.

Đồ án đưa ra một loạt ví dụ về các loại khu công nghịêp khác nhau, từ khu công nghiệp nặng tới những trung tâm công nghệ thông tin, đô thị khoa học. Tuy nhiên, những ví dụ này thường chỉ có tác dụng tham khảo đối với quy hoạch chi tiết từng khu công nghiệp. Còn bài toán quy hoạch chung là thực ra Hà Nội cần và có thể xây dựng những loại khu công nghiệp gì, số lượng, chất lượng thế nào, tại sao thì vẫn không có định hướng.

Đồ án đưa ra một loạt ví dụ về không gian đô thị ven mặt nước, vốn là nhằm minh họa cho quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã được Hàn Quốc lập từ trước. Thực ra những ví dụ này không có nhiều điểm tương đồng với điều kiện thực tế ven sông Hồng và trên thế giới có rất nhiều loại đô thị ven sông không giống như vậy.

Phản biện chương 4- Liên kết vùng

Phần này đưa được ra ý rất tốt, đó là bối cảnh hai khổng lồ Trung Quốc, Ấn Độ đang làm nghiêng thế giới về Đông Á. Việt nam ở cạnh, có thể tham gia vào miếng bánh lớn này. Ngoài ra, các nhà đầu tư nhắm vào Trung, Ấn nhưng có thể định đô ở Việt Nam để san sẻ rủi ro. Việt Nam và Hà nội đã tạo được niềm tin nhất định qua tăng trưởng kinh tế liên tục 20 năm qua và ổn định chính trị, tiền tệ cũng như các bước hội nhập. Xác định vai trò của Hà Nội phải là trung tâm công nghệ cao, thông tin, trí thức, dịch vụ. Hà Nội cần chọn lọc đầu tư vào những mũi nhọn chiến lược chứ không giàn trải. Xác định đối thủ cạnh tranh của Hà Nội là các đô thị như Nam Ninh, Côn Minh, Băng Cốc chứ không phải Luân Đôn, New York hay các đô thị trong nước. Thực ra, những nhận định này đủ mạnh và rõ ràng để đưa ra chiến lược quy hoạch cho Hà Nội.

Đa số những phần trình bày khác rất nhiều trong mục này chỉ làm rối loạn và mờ nhạt đi ý chính. Phân tích vẫn dựa vào một đặc điểm rất nguy hiểm được coi là thế mạnh chính của Hà Nội là nhiều đất. Muốn cạnh tranh với các đô thị Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan mà cứ nói đất rộng là lợi thế của Hà Nội thì thật là hoang đường. Việt nam là nước người đông đất chật, địa hình 4/5 là núi đồi, phần đồng bằng ít ỏi thì có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất của nước biển dâng. Hà Nội tuy mở rộng ranh giới nhưng phần lớn đất là núi sông, vùng trũng hoặc những vùng nhiều cảnh quan, di tích, hạ tầng yếu kém. Phần đất có thể và nên dùng cho phát triển đô thị không thể có nhiều. Vả lại lịch sử 4000 năm của Việt nam, 1000 năm Thăng Long không thể kết thúc trong quy hoạch 20 năm tới. Miếng tài nguyên đất duy nhất của cả nước không thể đem sử dụng một cách khinh suất. Cái họa hơn 700 dự án đang phải rà soát còn chưa phải bài học nhớ đời hay sao.

Nhận định nữa của báo cáo là Việt nam là nước có tính biển nhất và tất cả các đô thị có vai vế ở châu Á TBD đều là đô thị biển, hành lang kinh tế quan trọng nhất của Hà Nội là dải Côn Minh – Hạ Long. Hà Nội có chủ trương phát triển liên kết, tránh hướng tâm. Vậy thì tại sao không định hướng Hà nội phát triển thành dải ra tận cửa biển, có nghĩa là phát triển về phía Đông thay vì phía Tây, phía Bắc. Tất nhiên việc định hướng mở rộng ra phía Tây là một quyết định đã rồi, nhưng vẫn có thể đưa ra tầm nhìn chiến lược khác.

Việc những đô thị phát triển nhanh nhất trong thời gian qua đều nằm phía bắc trên tuyến ra biển, bao gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, trong khi các đô thị phía tây như Hoà Bình, Sơn Tây cũng như chuỗi đô thị vệ tinh Hoà Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn không thể lên được cũng là cơ sở để suy nghĩ lại.

Những tuyến liên kết vùng do đồ án đề xuất hợp lý dưới góc độ nâng cấp, cải thiện mối quan hệ hiện hữu, nhưng chưa đủ tầm để hứa hẹn tạo ra một tầm cỡ quốc tế cho thủ đô Hà Nội.

Phản biện chương 5- Tiềm năng và dự báo phát triểnKịch bản phát triển

Chiến lược tăng trưởng chia làm 4 giai đoạn:
1-   Đề xuất tầm nhìn
2-   Hiện đại hóa hạ tầng
3-   Tăng trưởng thông minh
4-   Phát triển bản sắc

Chiến lược này cũng logic, tuy nhiên đối với thực tế Hà nội cần cân nhắc mấy điểm sau:

–   Hiện đại hóa hạ tầng là việc cần, nhưng kinh phí ở đâu để tiến hành đồng bộ hiện đại hóa hạ tầng. Vì vậy việc hiện đại hoá không thể làm dứt điểm trong một giai đoạn rồi đem ra mời các chủ đầu tư, mà phải kết hợp song song, cuốn chiếu với tăng trưởng.

–   Bản sắc chính của Hà nội nằm ở thiên nhiên, lịch sử, cần phải giữ gìn và tôn tạo là chính. Hà nội không thể và không nên trong một lúc phát triển một bản sắc mới của một đô thị thật hiện đại. Một vài công trình trọng điểm hiện đại có thể tạo điểm nhấn, nhưng không thể tạo bản sắc thực cho Hà Nội. Vì vậy việc tạo dựng bản sắc phải được đưa vào ngay từ đầu.

Vì vậy, thực ra nói là 4 giai đoạn nhưng tất cả đều phải thực hiện cùng một lúc, không thể đơn giản hóa vấn đề.

Việc đưa ra những mốc lịch sử để phấn đấu với ý tưởng tham gia thế vận hội theo tôi là quan điểm tích cực.

Dự báo phát triển:

Dự báo về dân số lên tới 13-14 triệu vào năm 2050 không phải là không khả thi, tuy nhiên dự báo này có liên hệ mật thiết với chiến lược phát triển. Nếu chúng ta thực sự muốn phát triển một đại đô thị trung tâm của đồng bằng sông Hồng thì dân cư tất yếu sẽ phải dồn về đây. Nhưng nếu chúng ta định hướng phân tán thì kịch bản này cũng có thể không xảy ra. Câu hỏi đặt ra không phải là Hà Nội có thể đạt 15 triệu dân không, mà là tại sao phải đạt số dân đó.

Tương tự, những dự báo về tăng trưởng GDP cũng có thể là hệ quả quy hoạch. Điều quan trọng hơn những dự báo này là chương trình phát triển kinh tế nhằm đạt được những dự báo đó. Từ trang 302-307, đồ án đưa ra “những phương hướng có tính đột phá cho Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.” Tất cả có tới 50 hạng mục “đột phá” mà thật ra không có mục nào thực sự có tính đột phá cả.

Điều đó càng làm rõ tầm của quy họach này thực sự là một quy hoạch nâng cấp, tối ưu hóa, hạn chế rủi ro cho vùng Hà Nội mở rộng hơn là một quy họach mang lại tương lai mới thực sự cho thành phố.

Phản biện chương 6- Định hướng phát triển không gian

–   Ý tưởng mấu chốt của đồ án là hành lang xanh. Về cơ bản, cấu trúc hành lang xanh dưới dạng một phát triển cân bằng giữa công nghệ, lịch sử và thiên nhiên đúng là đi theo hướng phát triển bền vững, bảo tồn được phần nào tài nguyên lịch sử và thiên nhiên, nhưng chưa đủ mạnh để tạo ra một đô thị tầm cỡ quốc tế. Việc lấy năng suất lúa làm tiêu chí phân ranh giới chính trong hành lang xanh thì càng hoàn toàn thiếu cơ sở.

–   Tuy nói 70% hành lang xanh và 30% đô thị, nhưng trong hành lang xanh có 30% phát triển từ các cụm làng, thực ra sẽ trở thành những đô thị phân tán. Như vậy, tổng diện tích đô thị sẽ là khỏang 2000 km2. Giả sử dân số Hà Nội đạt được 10 triệu như hoạch định thì mật độ dân cư vùng đô thị sẽ là 50 người/ha. Theo tôi, đây là một mật độ quá lõang để đạt được tính đô thị hóa cao và đa dạng dịch vụ của một đô thị hiện đại. Vả lại, nếu chỉ trong 20 năm tới mà đã dùng hết 60% tổng diện tích cho phát triển thì tương lai của Hà nội 1000 năm sau sẽ ra sao?

–    Mô hình các khu nhà ở có thể là hình thức tốt để tạo ra những không gian đô thị sinh thái. Mô hình này sẽ tạo ra một tổ hợp đô thị đa trung tâm, có thể giải tỏa cho khu vực lõi và cũng phù hợp với bẩn sắc của Hà Nội cổ là một tổ hợp các phường xã, mỗi cái có một tổ chức và lõi riêng. Điều cần làm rõ là mối quan hệ giữa những đơn vị ở này với nguồn tạo công ăn việc làm và với nhau.

–   Trong định hướng phân kỳ phát triển, trước hết Hà Nội phát triển vùng gần lõi phía Tây và khu đô thị Hòa Lạc, chủ yếu giải quyết vấn đề ở và giảm tải trung tâm. Đến bước hai lại mở rộng sang phía Bắc, tạo ra một khu đô thị quốc tế. Thiết nghĩ trong một đô thị tri thức tương lai thì con người là tài nguyên lớn nhất. Định cư họ ở phía Tây rồi lại mở vùng đô thị mới ở phía Bắc có hợp lý không?

–   Dự án rất đề cao trục tâm linh nối Ba vì với Hồ Tây, lại muốn tạo riêng một trung tâm hành chính quốc gia ở chân núi Ba vì. Có lẽ đây là thể theo ý thủ tướng về chuyện: tựa núi Ba vì nhìn ra sông Hồng, giữ thế rồng chầu hổ phục. Tuy nhiên, một vùng đại đô thị như Hà Nội vốn không thể xuất tích từ một núi Ba vì nhỏ bé. Thế rồng chầu hổ phục được tạo bởi tòan bộ các cánh cung núi phía bắc, mạch chính là dải Hòang Liên Sơn và các dòng sông lớn, quan trọng nhất là sông Hồng. Dựa vào Ba vì nhìn ra sông Hồng chỉ là thế nhỏ của một thành phố Sơn Tây thôi. Hai cánh Thanh Long Bạch Hổ của vùng Hà Nội ít nhất phải tính dải núi suốt từ Đá Chông xuống gần Ninh Bình. Hướng chủ của long mạch đi theo trục đường 6 từ Hòa Bình về đến Hồ Tây thì hợp lý hơn. Thực tế quy họach Hà Nội lần này cũng không thể tạo thế tựa núi Ba vì nhìn ra sông Hồng. Việc chuyển một trung tâm hành chính ra đó cũng không thay đổi được tình thế mà chỉ làm tăng chi phí đi lại vô ích. Đó là chưa kể bản thân việc tạo ra một trung tâm hành chính quốc gia vốn không nên khuyến khích trong nguyên lý quy họach hiện đại.

–   Theo địa mạch của vùng, khí lực theo các cánh núi, dòng sông dồn từ Đông Bắc, Bắc, Tây Bắc, Tây về Hà Nội rồi từ đó mở ra phía Đông, Đông Nam mà hòa với biển. Logic họat động kinh tế của vùng Hà nội cũng sẽ phải như vậy: thu lực của tòan vùng từ Đông Bắc đến Tây rồi dẫn ra biển để hội nhập với quốc tế. Nay ta lại khuyến khích tạo hành lang phía bắc, hành lang phía Tây, dẫn hết sinh khí trượt qua khỏi Hà nội. Thêm vào đó lại bắn ngược sinh khí của Hà Nội về hướng Tây, hướng Bắc thì không hợp lý chút nào. Không trách các vùng Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên phát lên rất nhanh, trong khi đó định hướng phát triển phía bắc, phía tây của Hà nội mãi vẫn ì ạch.

Góp ý:

Ngòai những nhận xét về đồ án nêu trên, tôi xin góp một ý kiến tham khảo của cá nhân như sau:

Trong lịch sử, khu vực Hà nội đã nhiều lần đổi tên, ứng với những vị thế khác nhau của nó trong vùng và cả nước. Trong đó, cái tên Thăng long ứng với vai trò thủ đô trong những giai đọan lịch sử vẻ vang nhất của thời Lý, Trần. Cái tên này ứng với hình tượng một thủ đô phong kiến rực rỡ như con rồng bay trên trời, vì con rồng là biểu tượng nhà vua. Hình tượng này ứng với hào 5 của quẻ càn: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”

Khi chế độ phong kiến sụp đổ, tính thống trị tập quyền không còn, con rồng mất đi tính linh thiêng của nó, tuy nhiên cũng không thể bỗng chốc chối bỏ một lịch sử hàng ngàn năm, vì vậy nó rơi vào tình trạng khiên cưỡng, tức là “kháng long hữu hối” ở hào thượng cửu quẻ Càn. Bản thân chữ Hà Nội cũng ám chỉ tình trạng con rồng bị giam trong khúc sông rồi. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhà Nguyễn thay tên này khi muốn biến Hà Nội thành một trong những tỉnh lỵ bình thường, không cạnh tranh với kinh đô Huế.

Mong rằng trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, tự do dân chủ, con rồng kia có thể thóat khỏi tình trạng khiên cưỡng bức xúc mà trở thành “Kiến quần long vô thủ – cát” theo đúng diễn tiến của quẻ Càn.

Hình tượng bầy rồng rực rỡ như mây ngũ sắc, không thấy đầu, không biết đuôi, không có trung tâm, không có chủ sóai có lẽ sẽ là viễn cảnh thích hợp cho Hà Nội trong một kỷ nguyên mới. (có lẽ sẽ không còn tên Hà Nội nữa) Có điều để biến viễn cảnh này thành một chiến lược quy họach thì phải hy vọng tới lần quy họach sau.

Hà nội, ngày 24.02.2010

TS.KTS.Phó Đức Tùng