
Thẻ
Tại sao yếu tố kinh tế xuất hiện trong vấn đề quy hoạch
Kinh tế xuất hiện trong vấn đề quy hoạch vì 2 lý do:
1. Kinh tế là một trong các yếu tố đầu vào của quyết định quy hoạch thành phố hay một vùng rộng hơn. Nói cách khác, những vấn đề kinh tế cần được xem xét khi thực hiện quy hoạch do nó có những ảnh hưởng nhất định đến việc phân bổ sử dụng đất như thế nào là hợp lý, đến việc tính toán chi tiết là sẽ cần bao nhiêu sân bay, bao nhiêu cảng biển, hay bao nhiêu đất dành cho khu công nghiệp/nhà máy. Thiếu phân tích kinh tế sẽ dẫn đến khả năng phán đoán sai diện tích đất cần cho các hoạt động kinh tế khác nhau như sản xuất, văn phòng, hoặc đất ở. Chính quyền muốn quy hoạch thành phố sao cho có thêm nhiều nhà cho công nhân. Ý định là tốt nhưng nếu ta không tính xem trong tương lai sau khi bản quy hoạch ra đời thì số lượng nhà dành cho công nhân có trở nên dư thừa hay thiếu hụt thì sẽ rất tốn kém để điều chỉnh. Trước khi làm quy hoạch, các nhà chuyên môn sẽ phải đánh giá và phân tích những khuynh hướng kinh tế của thành phố và các vùng lân cận trong tương lại. Họ sẽ phải cố gắng trả lời câu hỏi: nền kinh tế thành phố và các vùng lân cận phát triển những ngành gì khi việc xây dựng nhà giá rẻ cho công nhân hoàn thành, những ngành kinh tế này sẽ thuê mướn bao nhiêu công nhân, mức sống ra sao, và phân bổ của những nhà máy này trong tương lai sẽ thế nào. Trả lời cho những câu hỏi này đòi hòi nhà chuyên môn sẽ vượt ra khỏi khung phân tích giới hạn bởi các ranh giới hành chính giữa các thành phố, tỉnh, hay thậm chí quốc gia. Tại sao lai đến mức độ quốc gia? Lý do đơn giản hơn bạn (người đang đọc bài này) có thể nghĩ đến. Một khu vực giáp hoặc gần biên giới một nước khác thì có thể nhận ảnh hưởng từ những hoạt động diễn ra bên kia biên giới nhiều hơn là từ những gì tương tự diễn ra tại một tỉnh hay thành phố lân cận trong nội địa. Ví dụ như một số khu vực thuộc Lạng Sơn sẽ bị ảnh hưởng từ khu vực kinh tế thuộc Quảng Tây của Trung Quốc nhiều hơn so với tác động kinh tế của những vùng khác của Lạng Sơn hoặc Cao Bằng (trừ phi 2 quốc gia đóng cửa biên giới).
2. Kinh tế là một trong các yếu tố thuộc đầu ra của quyết định quy hoạch hay một bản quy hoạch. Nói cách khác, quy hoạch sẽ là thất bại, ít nhất là về mặt kinh tế, nếu nó không tận dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên và con người cho phát triển của xã hội. Tại sao kinh tế phải nhất thiết là một trong các yếu tố đầu ra? Liệu có thể hoàn toàn bỏ qua vấn đề phát triển kinh tế không? Câu trả lời là chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua. Thực tế là nhiều quy hoạch đã được thực hiện (planned) và triển khai mà không quan tâm chú trọng đến kết quả kinh tế của quy hoạch. Trở lại ví dụ về quy hoạch nhà giá rẻ cho công nhân, nếu đó chỉ là mục đích duy nhất, bạn sẽ thấy hàng loạt nhà giá rẻ mọc lên cạnh hoặc bên trong khu công nghiệp/nhà máy để công nhân có thể gặp nhiều thuận lợi trong việc di chuyển đi làm. Cái hậu quả về mặt kinh tế có thể là diện tích để mở rộng khu công nghiệp/nhà máy gặp cản trở và buộc việc quy hoạch sau này sẽ hướng đến chuyển đổi đất đang sử dụng cho những mục đích khác sang đất xây nhà máy. Nếu đất được lấy là đất bỏ hoang thì xem như quy hoạch ban đầu dành cho nhà ở của công nhân đem lại sự phát triển cho xã hội. Còn nếu đất được lấy không phải là đất bỏ hoang thì có nhiều khả năng xã hội bị thiệt thòi khi đất nông nghiệp màu mỡ bị lấy đi làm nhà máy (ở đây bạn tạm chấp nhận là chuyện này là thiệt thòi cho xã hội đi nhé, còn tại sao thì xin xem bài viết trong tương lai). Vậy tại sao lại phải quan tâm đến kết quả kinh tế của quy hoạch. Lý do chủ yếu ở đây nằm ở vai trò của kinh tế: tài nguyên như đất đai và của cải xã hội không phải vô tận, việc sử dụng chúng sao cho xã hội được lợi nhất (tức là đem lại phát triển) là trách nhiệm của người làm quy hoạch. Việc đem lại phát triển (chứ không phải tăng trưởng kinh tế) là một nội dung rộng và bao gồm yếu tố hiệu quả kinh tế.
Trong khi vấn đề kinh tế với tư cách là yếu tố đầu vào của quá trinh quy hoạch thì mang ít nhiều tính chất đặc tả (descriptive) tức là thực tế diễn ra cái gì thì chúng ta ghi nhận lại như vậy và phân tích nó. Kinh tế với tư cách là kết quả của quy hoạch lại mang rất nhiều tính chuẩn tắc (normative), tức là nhà chuyên môn ấn định rằng những giá trị nào đó của quy hoạch phải quan trọng hơn những giá trị khác đối với xã hội. Đại khái là việc chứng minh giá trị phát triển kinh tế của một bản quy hoạch có thể không khách quan mà tùy vào cá nhân nhà chuyên môn. Ví dụ, những người ủng hộ quy hoạch khu công nghiệp Dung Quốc và nhà máy lọc dầu ở đây cho rằng việc xuất hiện một khu công nghiệp ở khu vực miền Trung đem lại giá trị kinh tế cao hơn khi xét tới vai trò của khu vực miền Trung Việt Nam. Những người không ủng hộ chứng minh điều ngược lại khi xét đến những yếu tố khác như phạm vi ảnh hưởng là toàn quốc.
Nguyễn Lưu Bảo Đoan
Pingback: TẠI SAO YẾU TỐ KINH TẾ XUẤT HIỆN TRONG VẤN ĐỀ QUY HOẠCH « VIỆT THÀNH