Đô thị hóa, tham nhũng, nghèo đói và bất ổn xã hội

Sài Gòn Tiếp Thị xin tóm lược công trình nghiên cứu mới đây của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trung tâm Thông tin tư liệu với tựa đề: “Thực hiện dân chủ, công bằng trong cho thuê đất và thu hồi đất”.

Nguồn: sgtt.vn

Vòng tròn “đô thị hoá – nghèo đói – bất ổn xã hội”

Đến năm 2020, không còn khả năng xuất khẩu gạo

Hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến

Đến thời điểm năm 2011, cả nước chỉ còn hơn 9.000.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 4 triệu ha đất trồng lúa và diện tích này vẫn đang giảm một cách nhanh chóng. Tính chung trong 15 năm (1996 – 2010), trung bình mỗi năm, nông dân phải nhường 74.000ha đất nông nghiệp để phục vụ các mục đích khác.

Việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ sân golf cũng rất đáng lo ngại. Trong tổng số hơn 23.000ha của 76 dự án sân golf đã và đang triển khai trong cả nước, có tới 8.000ha đất (chiếm 35%) để kinh doanh bất động sản, biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng… Đã có những ý kiến cho rằng, thực chất hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến. Ví dụ, trong tổng diện tích 4.200ha đất của chín dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng, chỉ 20% diện tích đất được dành cho sân golf, phần còn lại chủ yếu để xây dựng nhà nghỉ, biệt thự cao cấp bán và cho thuê.

Diện tích đất nông nghiệp giảm trong khi dân số tăng trên 1,1 triệu người/năm, nên đất nông nghiệp bình quân đầu người từ 1.100m(năm 2001) giảm xuống còn 900m(năm 2010), trong đó đất canh tác còn 700m2 và đất lúa chỉ còn 465m2. Nếu xu hướng này còn tiếp tục trong những năm tới thì sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề kinh tế – xã hội và tác động đến đời sống người dân, cũng như an ninh lương thực quốc gia. Theo nhận định của các chuyên gia, đến năm 2020, sản lượng lúa của Việt Nam chỉ còn bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước, chứ không còn khả năng xuất khẩu.

Vấn nạn… thất nghiệp

Theo tính toán, cứ một hécta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ làm bốn lao động mất việc làm và với nửa triệu hécta đất bị thu hồi từ năm 2001 – 2010, số lao động mất việc làm tăng lên đến hàng triệu người. Trong số các lao động của các hộ gia đình bị thu hồi đất, chỉ khoảng 13% tìm được việc làm phi nông nghiệp tại địa bàn, 20% thất nghiệp hoàn toàn, 67% thất nghiệp từng phần, chỉ có việc làm nông nghiệp vào thời vụ. Trên địa bàn nông thôn cả nước hiện nay có khoảng 6–7 triệu lao động dư thừa không có việc làm thường xuyên; trong đó có trên 50% số lao động chỉ có việc làm từ 3–4 tháng trong năm.

Số người di cư tự do từ nông thôn ra thành thị, các khu, cụm công nghiệp để làm thuê bằng đủ thứ nghề với tiền công rẻ mạt, hoặc tìm việc làm tại các chợ lao động vùng ven tăng lên nhanh chóng, tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, mỗi năm TP.HCM, Hà Nội có hàng triệu lao động thời vụ nhập cư có hoặc không có đăng ký chính thức. Người nông dân vốn quen với công việc đồng áng, giờ đây phải làm quen với môi trường xã hội và công việc mới mẻ ở thành thị nên hiệu quả công việc rất thấp.

Luồng di cư dân tự phát từ nông thôn ra thành phố gây ra áp lực quá tải về đáp ứng nhu cầu bố trí lao động – việc làm cũng như cung cấp các dịch vụ đô thị cho người dân. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố có xu hướng tăng cao (tại khu vực đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ này là 16% – cao hơn mức trung bình của cả nước). Kết quả khảo sát tám xã ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hầu như không có lao động dưới 40 tuổi ở nông thôn, hầu hết lao động trẻ đều đến các đô thị để kiếm việc làm. Hiện tượng này khiến lao động khu vực nông thôn bị khan hiếm, chất lượng lao động thấp.

GDP đầu người: 2,7% so với 8,8%

Việc thu hồi đất làm phát sinh những mâu thuẫn mới trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá. Đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng quỹ đất cho đô thị hóa, công nghiệp hoá với giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho nông dân bị thu hồi đất; giữa yêu cầu giải phóng lao động, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá với tập quán người cày có ruộng, tâm lý nông dân không muốn xa quê hương bản quán; giữa ứng dụng khoa học, công nghệ để giảm lao động sống với lao động dư thừa; giữa tâm lý tăng năng suất, tăng sản lượng là chủ yếu của nông dân với yêu cầu tăng chất lượng.

Việc thu hồi đất nông nghiệp tất yếu ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống dân cư nông thôn. Sau khi nhận tiền đền bù, giải toả, nhiều hộ nông dân có một khoản tiền đền bù khá lớn trong tay lại không biết chi tiêu hợp lý. Một bộ phận không nhỏ những người ở lại làng quê tiếp tục làm ruộng với quỹ đất nhỏ nên “nhàn cư vi bất thiện”. Còn ở thành phố thì không phải tất cả người di cư từ nông thôn ra đều kiếm được việc làm, trong khi chi phí sinh hoạt thành phố lại đắt đỏ, đây là môi trường cho các tệ nạn xã hội nảy nở và lan rộng.

Một tác động khác của việc thu hồi đất đai là làm gia tăng sự phân hoá thu nhập và đời sống trong nội bộ dân cư. Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thời kỳ 1996 – 2006 là 2,7% so với 8,8% ở thành thị; thu nhập của dân cư nông thôn chỉ bằng 54,6% dân đô thị, lại giảm dần đến năm 2006 chỉ còn bằng 47,85%, năm 2008 còn 47,45%. Điều này được lý giải do mất đất, di chuyển nơi ở, chưa quen với ngành nghề mới phi nông nghiệp, đời sống một bộ phận nông dân gặp khó khăn, lao động dư thừa, việc làm thiếu, tệ nạn phát sinh. Từ đây, xuất hiện các điểm nóng về mặt xã hội, các tranh chấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, trước hết là tại các khu công nghiệp, khu đô thị.

Để dân chủ, công bằng hơn

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những bất cập từ việc thu hồi đất hiện nay, nghiên cứu “Thực hiện dân chủ, công bằng trong cho thuê đất và thu hồi hồi đất” của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – trung tâm Thông tin tư liệu đưa ra những đề xuất tháo gỡ.

Những bất cập tổng kết được

Một là, quy trình thu hồi đất chưa cụ thể, chặt chẽ. Thể hiện ở chỗ các văn bản hướng dẫn hiện nay gây ra tình trạng khó khăn vướng mắc khi phải xử lý các vụ việc chuyển tiếp. Đồng thời tạo cho người bị thu hồi tâm lý chờ đợi, cố tình trì hoãn việc thực hiện quyết định thu hồi đất để chờ chính sách mới thường là có lợi hơn.

Những dự án phát triển kinh tế với mục đích phát triển đô thị và thương mại, nguyên tắc về “chia sẻ lợi nhuận” cần sớm được áp dụng như một tiêu chí bắt buộc đối với nhà đầu tư (ảnh mang tính minh họa).

Hai là, cơ quan tổ chức được giao thực hiện công tác thu hồi đất không thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục thu hồi đất, đặc biệt là chưa thực hiện đúng quy định về công khai, dân chủ trong xây dựng và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dẫn đến tình trạng không công bằng, không khách quan về mức bồi thường, hỗ trợ giữa những người bị thu hồi đất trong cùng một dự án hoặc giữa các dự án trên cùng một địa bàn.

Ba là, có nhiều bất cập về giá đền bù đối với đất được thu hồi. Pháp luật về đất đai đã quy định giá đất để tính bồi thường phải phù hợp với giá trên thị trường, không tính theo giá do UBND cấp tỉnh tính toán và công bố hàng năm. Quy định này mới mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể về quy trình định giá đất theo thị trường, về hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ định giá. Chính vì vậy, giá đất thị trường vẫn do UBND tỉnh quyết định. Người bị thu hồi đất không đồng ý cũng không có cơ sở nào để chứng minh được ý kiến của mình là đúng. Cuối cùng, quyết định của cơ quan nhà nước vẫn phải được thi hành.

Bốn là, việc hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi việc làm chưa được quan tâm đúng mức. Cũng đã có một số quy định cụ thể về mức hỗ trợ cho từng nhóm trường hợp và giao cho UBND cấp tỉnh quyết định thêm một số hỗ trợ khác trong những trường hợp cần thiết. Nhưng những quy định hiện hành vẫn đang còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm bù đắp lại những thiệt hại cho người bị thu hồi đất trong hiện tại cũng như tương lai:

Năm là, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa các bên tham gia trong quá trình thu hồi đất. Cụ thể: chưa giải quyết mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận, dẫn tới nhấn mạnh quyền thu hồi đất của Nhà nước; chưa giải quyết mối quan hệ về lợi ích giữa nhà đầu tư cần sử dụng đất với người có đất bị thu hồi, thường nhấn mạnh đến môi trường đầu tư, nóng vội giải phóng mặt bằng để giao đất, cho thuê đất. Việc quy định giá đất quá thấp so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, tuy có tác động tích cực tới việc khuyến khích nhà đầu tư nhưng lại gây ra những phản ứng gay gắt của những người có đất bị thu hồi.

Sáu là, quy định về khiếu nại, giải quyết đơn khiếu nại về thu hồi đất chưa có đầy đủ, đặc biệt chưa có quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại công khai, minh bạch về giá đất để người bị thu hồi đất có thể bảo vệ lợi ích của mình.

Những dự án phát triển kinh tế với mục đích phát triển đô thị và thương mại, nguyên tắc về “chia sẻ lợi nhuận” cần sớm được áp dụng như một tiêu chí bắt buộc đối với nhà đầu tư.

Luật riêng, toà án riêng

Cần xây dựng luật riêng về thu hồi đất, trong đó quy định chi tiết quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan, trong thu hồi đất cần tính đến việc sử dụng đất đã thu hồi như thế nào. Ban hành quy trình chặt chẽ hơn với mức độ tham gia đàm phán, thương thuyết cao hơn của người dân trong quá trình thu hồi đất, từ bước đầu tiên khi có thông báo về việc thu hồi đất cho đến bước đền bù cuối cùng. Quy trình này cần được luật hoá và công khai để cả chính quyền, nhà đầu tư và đặc biệt là người bị thu hồi đất có đầy đủ thông tin và có thể có những hành động hợp lý bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trong phạm vi cho phép.

Cũng cần thiết lập các toà án riêng trong lĩnh vực đất đai để giải quyết triệt để các tranh chấp liên quan. Toà án về đất đai là nơi giải quyết cuối cùng trong quy trình thu hồi đất và sẽ giúp cho quá trình khiếu kiện có điểm dừng. Cần có quy trình và cơ chế giải quyết khiếu nại về giá đất rõ ràng hơn, trong đó người bị thu hồi có quyền thuê tổ chức tư vấn độc lập về giá đất.

Đáp án hợp lý cho bài toán giá bồi thường

Trước hết, cần nghiêm túc thực hiện đền bù đầy đủ không chỉ giá đất mà bao gồm đầy đủ các khoản hỗ trợ ổn định tái định cư, hỗ trợ di chuyển, chi phí hỗ trợ sản xuất… theo đúng quy định luật Đất đai. Nếu chưa chuẩn bị được nguồn lực để thực hiện đầy đủ các khoản đền bù này thi chưa thu hồi đất.

Đồng thời, sửa đổi lại quy định về giá đền bù đất đai. Cần quy định rõ hơn các tiêu chí xác định “giá chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường” đối với đất đai. Những dự án phát triển kinh tế với mục đích phát triển đô thị và thương mại, nguyên tắc về “chia sẻ lợi nhuận” cần sớm được áp dụng như một tiêu chí bắt buộc đối với nhà đầu tư.

Mặt khác, cơ chế, chính sách giá đền bù, hỗ trợ tái định cư nên có sự ổn định, tránh một số dự án trải qua nhiều chủ đầu tư và quá nhiều cơ chế giá, dễ diễn ra những thắc mắc, khiếu kiện gây cản trở trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết, cần phải thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá cũng như tổ chức lấy ý kiến của người dân.

Ngoài ra, cần xây dựng và củng cố các tổ chức định giá độc lập, chuyên nghiệp, với nghề nghiệp “định giá đất”. Cần ban hành một đạo luật về các tổ chức hành nghề này, trong đó quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm luật pháp rõ ràng của các tổ chức thẩm định giá bất động sản.

Ngoài ra, những giải pháp chính sách hỗ trợ người dân bị thu hồi đất về đời sống và an sinh xã hội để họ tránh được những tiêu cực từ các cú sốc sau khi mất đất sản xuất, làm đảo lộn cuộc sống phải được xem là những nội dung cơ bản, lâu dài trong chính sách đền bù đất đai những năm tới.

Đất đai và tham nhũng

Tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam luôn được đánh giá ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý. Kết quả phòng, chống tham nhũng trong quản lý đất đai luôn phụ thuộc vào quyết tâm, thực lòng của bộ máy hành chính nói chung và của bộ máy quản lý đất đai nói riêng.

Minh bạch kém

Tham nhũng về đất đai là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá đất tăng cao.

Tham nhũng luôn gắn liền với sự thiếu minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, thiếu minh bạch về thông tin, thiếu minh bạch về trách nhiệm, thiếu minh bạch về quy hoạch, thiếu minh bạch về giá trị, thiếu minh bạch về pháp luật. Có thể thấy một chu trình khép kín ở Việt Nam đó là: (1) nghèo đói và dân trí thấp tạo ra tham nhũng; (2) tham nhũng cần có môi trường thiếu minh bạch trong quản lý đất đai; (3) thiếu minh bạch trong quản lý đất đai tạo ra tình trạng đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ; (4) đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ tạo ra thiếu vốn để đầu tư phát triển; (4) thiếu vốn để đầu tư phát triển lại tạo ra nghèo đói và dân trí thấp.

Năm dạng thức tham nhũng phổ biến:

– Cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai thường kéo dài nhằm nhận hối lộ của người có nhu cầu thực hiện, bao gồm cả quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và quy trình đăng ký biến động về sử dụng đất;

– UBND cấp xã bán đất thuộc phạm vi mình quản lý để thu lợi sử dụng một phần cho mục đích riêng tư;

– Cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất trái quy hoạch, không đúng đối tượng, tính giá đất thấp hơn giá thị trường nhằm nhận hối lộ của nhà đầu tư;

– Cấp có thẩm quyền thu hồi đất với diện tích rộng hơn diện tích sẽ giao cho nhà đầu tư, phần chênh lệch được sử dụng để giao cho người trong gia đình, người thân quen;

– Tính toán bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhiều hơn mức cần thực hiện, phần chênh lệch được sử dụng cho mục đích riêng tư.

Thuế… tham nhũng

Trước hết, tham nhũng về đất đai là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá đất tăng cao, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng cho nền kinh tế. Đất đắt cũng có thể ví như một thứ thuế mà toàn dân phải trả cho một nhóm người có quyền, có đất trong tay. Loại thuế này rất cao nếu so với các loại thuế khác, lại phải trả cho tư nhân, một nhóm người rất ít.

Thứ hai, dẫn tới một xã hội trong đó người nghèo không sở hữu đất sẽ không đoàn kết với người nắm đất trong tay. Về lâu về dài, mầm mống chia rẽ sẽ xuất hiện, gây ra những mâu thuẫn trong xã hội.

Thứ ba, dẫn tới tình trạng một số người sẽ thao túng quyền thế để tước đất. Dần dần một số cơ quan sẽ bị tha hoá trong nhiệm vụ chính của họ mà trở thành một công cụ dung dưỡng tham nhũng.

Thứ tư, đây là loại tham nhũng dễ thực hiện. Những người làm giàu bằng tham nhũng đất đai, do đó, hay phè phỡn và coi rẻ đồng tiền. Đây là một thảm trạng xã hội.

Thứ năm, tham nhũng đất đai thường chỉ nuôi thêm tham nhũng đất đai chứ không đầu tư vào các lĩnh vực khác. Có nghĩa đồng tiền trong nước cứ nằm nguyên trong cơ sở địa ốc, mà không giúp cho các khu vực khác phát triển, hoặc nếu có, chỉ gián tiếp.