
Thẻ
Các nhân tố[1] chuyển đổi đất nông nghiệp từ góc độ quy hoạch vùng
Đất nông nghiệp và chuyển đổi đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp và đất sản xuất lương thực như lúa và ngũ cốc là một loại tài nguyên hiếm và không có khả năng tự tái tạo như các dạng tài nguyên phổ biến khác trên trái đất. Ở quy mô toàn cầu, quy hoạch đất và chiến lược sử dụng đất tại Việt Nam và những nơi khác trên thế giới tác động trực tiếp lên sự phân phối tài nguyên này dành cho các hoạt động như sản xuất nông nghiệp, hoạt động ở của con người, thương mại, và công nghiệp sản xuất. Và thực tế là sử dụng đất nông nghiệp chỉ có thể chuyển đổi hiệu quả sang các mục đích còn lại nhưng sẽ rất khó khăn để làm điều ngược lại trong quá trình phát triển hiện nay của loài người. Còn trong tương lai, với tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa như đang diễn ra, loài người sẽ vẫn lệ thuộc vào trồng trọt nhằm tạo ra lương thực nuôi sống họ và phục vụ các mục đích khác trên một diện tích đất ngày càng thu hẹp.
Tại Việt Nam, nông nghiệp đã được nhà nước khẳng định vai trò quan trọng khi nó tiếp tục cung cấp việc làm cho 40% lao động. Bên cạnh đó, mặc dù nó chỉ đóng góp dưới 20% tổng giá trị sản phẩm quốc nội trong năm 2010 và trên 14% giá trị xuất khẩu năm 2009, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu không ngừng tăng[3]. Đó là lý do tại sao việc xây dựng sân golf ở Việt Nam đã gặp phải phản ứng tiêu cực từ xã hội cũng như từ chính quyền. Quy hoạch đất trồng lúa nhẳm đảm bảo an ninh lương thực do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện là một kết quả có được mang tính chiến lược nhằm bảo vệ đất nông nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh việc xác lập một hàng rào chính sách bảo vệ đất trồng lúa, việc bảo vệ đất nông nghiệp nói chung là cần thiết vì đất nông nghiệp là tài nguyên hữu hạn và không có khả năng tự tái tạo mà chúng ta không nên phí phạm. Bảo vệ ở đây không đồng nghĩa với không sử dụng. Bảo vệ đất nông nghiệp là sử dụng một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất thông qua việc quy hoạch và tính toán bài bản và chiến lược.
Để làm được điều nói trên, rõ ràng chúng ta rất cần những nghiên cứu về nhân tố chuyển đổi đất nông nghiệp. Bài viết này nhằm giới thiệu với các độc giả quan tâm đến chủ đề chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp trong nỗ lực ban đầu nghiên cứu khả năng tác động đến các yếu tố ảnh hưởng việc chuyển đổi nói trên. Ở mức độ này, bài viết dừng lại ở mức độ trình bày những nhân tố chuyển đổi đóng vai trò quan trọng thường được các học giả trên thế giới nghiên cứu.
Nhìn chung, có nhiều cách tiếp cận vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp nhưng thường có thể được chia làm 2 nhóm: hướng tiếp cận tập trung vào quyết định của người nông dân và hướng tiếp cận từ xa và bao phủ vùng địa lý rộng. Hướng tiếp cận đầu tiên đi vào phân tích các yếu tố ảnh hưởng lên quyết định giữ đất làm nông nghiệp hay ly nông của người chủ đất. Ở cấp độ này, những yếu tố như khả năng tìm việc làm có thu nhập cao hơn của người chủ đất, trình độ học vấn của họ, và độ màu mỡ của đất là ba trong số những yếu tố quan trọng được xét đến. Hướng tiếp cận thứ hai đánh giá vấn đề chuyển đổi đất như từ trên không gian nhìn xuống với sự hỗ trợ về ảnh vệ tinh, viễn thám, và hệ thống địa thông tin (GIS). Hướng tiếp cận này cho phép đánh giá xu hướng chuyển đổi sử dụng đất trong một khu vực địa lý rộng lớn hơn nhiều. Hình 3 dưới đây là ảnh chụp từ vệ tinh được sử dụng cho Google™ Map cho phép người dùng có thể bằng mắt thường so sánh sự khác biệt giữa đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tại một thời điểm nhìn từ trên cao.

Hình 2. Ảnh vệ tinh chụp khu vực thuộc Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Ảnh lấy từ Google™ Map, 2012;
Một loạt hình chụp tại các thời điểm khác nhau nhưng cùng địa điểm sẽ cho phép chúng ta xác định đất được chuyển đổi như thế nào. Đây là ví dụ đơn giản của việc sử dụng ảnh vệ tinh cho nghiên cứu chuyển đổi sử dụng đất. Việc đánh giá các nhân tố chuyển đổi đất trong phương pháp này sẽ dựa vào những điều kiện khác nhau ở quy mô vùng. Trong nhiều trường hợp, các nhà nghiên cứu không nhất thiết dựa vào ảnh vệ tinh mà dựa vào số liệu về tình trạng sử dụng đất và chuyển đổi sử dụng đất được thu thập tại chỗ hoặc thông qua cơ quan thống kê. Phần phân tích dưới đây tập trung tóm tắt những nhân tố chuyển đổi đất theo hướng nghiên cứu cấp vùng.
Thiên tai và đất nông nghiệp
Yếu tố thiên tai là yếu tố khó đưa vào mô hình nghiên cứu sử dụng đất do tính chất riêng của nó. Thế nhưng thiên tai ảnh hưởng trực tiếp lên người nông dân, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan do kết quả của biến đổi khí hậu. Nó tác động tới hoạt động nông nghiệp ở diện rộng và quy mô ảnh hưởng trải rộng khắp cả nước.
Tình hình hiện tại và những dự báo tương lai cho thấy dự trữ đất nông nghiệp tiếp tục sụt giảm trên toàn cầu do những yếu tố thiên nhiên và con người. Đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh, Philippines, Sri Lanka, một số học giả như Keane và cộng sự (2009), Rosenzweig và Parry (1994) cho rằng việc sản xuất nông nghiệp như hiện nay sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Khi đi vào chi tiết, Keane và cộng sự (2009) giới thiệu kết quả nghiên cứu do McCarl thực hiện chỉ ra rằng nhiệt độ tăng cao trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng của cây trồng, dự trữ nước trong đất và trong bể chứa tự nhiên, và đến sự phát triển của sâu bọ gây hại. Gia tăng lượng CO2 trong không khí có thể làm đảo lộn quá trình quang hợp của cây lương thực. Sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình sản xuất nông nghiệp làm cho nó trở nên bất ổn hơn và bị gián đoạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển ở châu Á và có tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal sẽ chịu thiệt hại cao trong sản xuất nông nghiệp trong tương lai với sản lượng cắt giảm có thể đạt 15% trong trường hợp Việt Nam. Nghiên cứu này xác định lại những nhận định của Rosenzweig và Parry (1994) trước đó đăng tải trên Nature cho biết mặc dù ảnh hưởng toàn cầu của thay đổi khí hậu đối với sản xuất lương thực là nhỏ nhưng nó sẽ tập trung ở các nước đang phát triển.
Những nhận định tổng quát trên được bổ sung bằng các số liệu cụ thể của Ngân hàng thế giới cho thấy có tới 590 ngàn hecta đất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ mất do ngập lụt và xâm nhập nước biển. Và trong tình huống xấu thì lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có thể mất tới hơn 6 triệu tấn gạo vào năm 2030 và 9 triệu tấn gạo vào năm 2050 do những tác động về mặt bồi lắng phù sa sông Cửu Long, do gia tăng nhiệt độ và do nước biển dâng cao (Ngân hàng thế giới 2010). Hình 2 bên dưới cho thấy khu vực bị ngập ở Đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng cao 30cm. Để thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chúng ta có thể so sánh với năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo[4]. Theo báo Sàigòn Tiếp Thị (2012) trích dẫn nghiên cứu “Thực hiện dân chủ công bằng trong cho thuê đất và thu hồi đất” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thực hiện, đến năm 2020, sản lượng lúa được tính toán cho thấy chỉ còn đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước chứ không còn khả năng xuất khẩu vì những lý do liên quan đến sút giảm diện tích đất nông nghiệp nói chung.

Hình 3. Mực nước lũ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng cao 30cm (màu thay đổi từ xanh lá cây sang xanh dương đậm thể hiện mức nước lũ tương ứng từ 0m đến 3m. Nguồn: Ngân hàng thế giới 2010;
Gia tăng dân số đô thị và đất nông nghiệp
Gia tăng dân cư đô thị dẫn đến việc bất kỳ thành phố nào cũng phải đối mặt với vấn đề tìm kiếm khả năng tăng cường diện tích dành cho nhà ở và hoạt động kinh tế. Người nhập cư có thể tìm được việc làm tại thành phố nhưng không thể đủ sống để chọn cư ngụ tại đây. Họ sẽ có khuynh hướng sống ở vùng giáp ranh rìa của đô thị. Và nếu đất bên trong rìa đô thị không còn chỗ để xây dựng thì những nguyên tắc thị trường sẽ dẫn đến việc đất bên ngoài cũng được lấy để xây dựng nhà ở các loại. Và thế là rìa đô thị được điều chỉnh một cách tự nhiên theo hướng lấn dần khu vực nông thôn. Sự phát triển của thành phố do quy mô dân số tăng cũng kéo theo việc nó trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư và kích thích họ xây dựng các khu công nghiệp để tận dụng lao động các loại.
Đô thị hóa luôn là một nhân tố chuyển đổi đất nông nghiệp có tầm quan trọng được ghi nhận bởi nhiều học giả khác nhau. Hai học giả Trung Quốc là Shun Sheng Han và Chun Xing He (2000) làm nghiên cứu định tính đối với 179 thành phố ven biển và sâu trong nội địa Trung Quốc để tìm câu trả lời cho các yếu tố gây mất đất nông nghiệp trong giai đoạn 1993-1996. Họ dùng phương pháp tìm mối tương quan thống kê giữa mức gia tăng dân số đô thị và mức độ mất đất nông nghiệp. Kết quả cho thấy khi chia các thành phố theo nhóm ven biển hay nội địa thì hai yếu tố trên có quan hệ với nhau trong trường hợp thành phố ven biển. Còn nếu gộp cả hai loại thành phố thì kết quả cho thấy có sự tương quan giữa tình trạng mất đất nông nghiệp và sự gia tăng dân số đô thị. Khi các tác giả chia thành phố theo quy mô dân số thì không có mối quan hệ bất kỳ nào giữa mức độ mất đất nông nghiệp và gia tăng dân đô thị trong từng loại quy mô “nhỏ” và “lớn”.
Trong nghiên cứu mới đây được thực hiện ở quy mô toàn cầu, Azadi, Ho và Hasfiati (2011) đã chia 94 quốc gia thành 3 nhóm – phát triển, đang phát triển, và kém phát triển hơn và thực hiện nghiên cứu riêng các nhân tố thúc đẩy chuyển đổi đất nông nghiệp ở cấp độ quốc gia cho từng nước trong mỗi nhóm. Bằng cách sử dụng phương pháp hồi qui tuyến tính từng bước loại trừ các yếu tố không quan trọng (về mặt thống kê), các tác giả cuối cùng còn lại một yếu tố là dân số đô thị trong cả 3 nhóm quốc gia. Nói cách khác, một đặc điểm của đô thị hóa là mức độ gia tăng dân số đô thị cũng là yếu tố chủ yếu gây ra mất đất nông nghiệp, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Mặc dù phương pháp sử dụng còn nhiều điều gây tranh cãi như liệu mối quan hệ giữa mất đất nông nghiệp và gia tăng dân số đô thị thì đâu là nguyên nhân đâu là kết quả, đây là một trong các nghiên cứu định lượng hiếm hoi so sánh nhiều quốc gia trong vấn đề chuyển đổi đất.
Đầu tư và xây dựng bất động sản và đất nông nghiệp
Thoạt tiên, có vẻ như có mối quan hệ nhất quán giữa đầu tư và xây dựng bất động sản và gia tăng dân số đô thị. Tuy nhiên mối quan hệ này thật ra phức tạp hơn và có thể độc lập. Trong khi gia tăng dân số nhất thiết kéo theo gia tăng đầu tư và xây dựng bất động sản, có một thực tế là ở nhiều nơi xuất hiện gia tăng đầu tư bất động sản để đón đầu gia tăng dân số. Tức là trong khi mức độ gia tăng dân số thay đổi ít hoặc không có thì việc xây dựng đã xuất hiện. Hoặc khi mức độ gia tăng dân số được những công trình bất động sản hiện hữu đáp ứng hoàn toàn thì vẫn có nhà đầu tư lớn nhỏ xây dựng thêm bất động sản và cung ứng ra thị trường. Việc xây dựng thêm này sẽ ít nhiều tác động đến hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đối với Trung Quốc và có lẽ đúng cả trong trường hợp Việt Nam, do giá đất được nhà nước quyết định thường ở dưới mức giá thị trường, nên trong một số trường hợp, cá nhân hoặc tổ chức tìm cách gặt hái lợi nhuận nhanh chóng thông qua mối quan hệ với quan chức chính quyền để thực hiện dự án bất động sản ở các quy mô khác nhau kể cả xây dựng bất hợp pháp. Theo Cục quản lý đất nhà nước Trung Quốc tổng số trường hợp xây dựng bất hợp pháp trong năm 1996 là 240 ngàn trường hợp, chiếm gần 300 km2 diện tích đất mà trong đó 120 km2 đất là đất nông nghiệp (Han và He 2000). Để chứng minh mối quan hệ giữa 2 yếu tố đầu tư xây dựng bất động sản và mất đất nông nghiệp, Han và He (1999) áp dụng phương pháp tương quan thống kê để tìm mối quan hệ giữa mất đất nông nghiệp và đầu tư bất động sản. Kết quả cho thấy nếu 2 yếu tố trên có mối quan hệ chặt chẽ cho toàn bộ các thành phố ở Trung Quốc trong giai đoạn 1993-1996 và trong nhóm các thành phố ven biển.
Trong một case study thực hiện trên vùng phía bắc thuộc Tây Java (Indonesia), Firman (1997) xác nhận rằng đất nông nghiệp tốt ở đây được các nhà đầu tư bất động sản chuyển đổi mục đích và họ xây dựng các khu công nghiệp. Những nhà đầu tư xây dựng bất động sản vừa đáp ứng nhu cầu của những nhà sản xuất và đầu tư của Indonesia và cả nước ngoài, vừa tham gia theo kiểu đầu cơ là lấy đất nông nghiệp trước với hy vọng là giá đất sẽ tăng trong tương lai. Một điểm quan trọng là những gì diễn ra ở đây phản ánh sự thay đổi cơ cấu kinh tế của khu vực này: thủ đô Jakarta chuyển đổi thành trung tâm dịch vụ và tài chính và ngành công nghiệp sản xuất chọn những khu vực ngoại vi nông nghiệp trong vùng thủ đô. Đi kèm với những khu công nghiệp là những khu đô thị mới. Và do vậy, việc chuyển đổi đất là cần thiết và phục vụ lợi ích cho người dân nói chung. Trong trường hợp cụ thể này, Firman nhận xét là việc xây dựng phát triển bất động sản ở đây đã thu hút dân cư đổ về khu vực ngoại vi này, đặc biệt là dân cư thu nhập trung bình.
Quy hoạch sử dụng đất và đất nông nghiệp
Ngoài hai yếu tố trên, vai trò của chính quyền trong quy hoạch sử dụng đất cũng là một nhân tố chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất theo khuynh hướng phát triển dàn trải nhảy cóc (Sprawl) là một trường hợp cụ thể và phổ biến tại Hoa Kỳ được nghiên cứu khá nhiều (Burchell và cộng sự 2002, 1998; Ewing 1997, 1994; Lichtenberg và Ding 2008). Phá triển dàn trải nhảy cóc là hiện tượng phát triển được đánh dấu bằng khuynh hướng không tập trung xây dựng những khu thương mại và dân cư mới tại những khu vực đô thị sẵn có. Mà thay vào đó là phát triển da beo với những khu vực xây dựng mới được phân bổ ra xa khỏi rìa đô thị hiện hữu một cách không liên tục giống như việc xây dựng nhảy cóc từ chỗ này sang chỗ khác và thường bám dọc theo đường quốc lộ (Burchell và cộng sự 2002, 1998). Hiện tượng phát triển này phản ánh áp lực phát triển kinh tế và dân số đối với chính quyền thành phố, buộc họ phải lựa chọn giữa chấp nhận cho phép tăng mật độ dân và việc làm trong vùng đô thị hiện hữu hoặc chọn cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp ở bên ngoài rìa đô thị. Chính sách sử dụng đất theo hướng cho phép và khuyến khích xây dựng ở khu vực nông thôn này đã dẫn đến kết quả đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng ồ ạt trong khi đất đô thị chưa được sử dụng hiệu quả đến mức có thể gây ra lãng phí (Ewing 1997, 1994).
Trong nghiên cứu chính sách bảo hộ đất nông nghiệp của Trung Quốc, Lichtenberg và Ding (2008) đã tóm lược các yếu tố mang thuộc tính định chế và chính sách ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi đất nông nghiệp thậm chí bên trong khu vực được nhà nước tuyên bố ưu tiên bảo vệ. Theo các tác giả trên, những chính sách tác động đến chi tiêu công, xây dựng khu dân cư, hay tác động đến trao đổi đất nông nghiệp có thể cộng hưởng tạo ra nhu cầu lớn đối với đất nông nghiệp. Biện pháp cho phép phát triển dàn trải nhảy cóc cho phép khống chế mật độ phát triển bên trong ranh đô thị, đồng thời cho phép chính quyền không gặp quá nhiều kho khăn do việc lấy đất và bồi thường cho người dân thành thị cao và phức tạp hơn so với việc thực hiện nó ở khu vực nông thôn. Hiện tượng phát triển đô thị hóa ra ngoài ranh giới đô thị theo kiểu dàn trải nhảy cóc tại Việt Nam cũng được Bertaud va Malpezzi (2003) đề cập trong một bài viết trước đó về tình hình quy hoạch tại các quốc gia trong đang phát triển. Hai tác giả trên nhận xét rằng ở các quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển, đô thị hóa được khuyến khích hoặc cho phép xảy ra trong vùng nông nghiệp vì chi phí thấp. Trên thực tế chính sách khuyến khích xây dựng mới tránh xa trung tâm thành phố hiện đang là chính sách được thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là đối với các công trình cao tầng gần khu vực trung tâm thành phố dễ gặp rủi ro là phản ứng tiêu cực từ chính quyền và từ người dân. Điều quan trọng cần lưu ý là phát triển dàn trải gây lãng phí tại Việt Nam còn có thêm đồng minh là phát triển tự phát không theo quy hoạch diễn ra cho mãi đến thời gian gần đây khi việc giám sát và cấp phép xây dựng trở nên chặt chẽ hơn. Hình 3 thể hiện phát triển dàn trải lãng phí mang tính chất tự phát do lịch sử để lại tại các vùng ven thuộc Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sự lãng phí đất được thể hiện ở chỗ khu vực xây dựng có thể được cải thiện theo hướng tập trung hơn thay vì dàn trải trên một diện tích lớn.

Hình 4. Đô thị hóa diễn ra tại ngoại vi Hà nội (trái) và thành phố Hồ Chí Minh (phải). Nguồn: Matsumura 2012;
Chính sách phát triển kinh tế và đất nông nghiệp
Chính sách phát triển kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo Lichtenberg và Ding (2008) và Lambin, Geist, và Lepers (2003), các chính sách như khuyến khích đầu tư, chính sách trợ giá nông nghiệp, chương trình bình ổn giá nông phẩm, đầu tư vào hạ tầng, các chương trình môi trường đều ít nhiều tác động lên nhu cầu sử dụng đất cho nông nghiệp hay chuyển sang xây khu công nghiệp và nhà ở. Ví dụ, khi chính quyền địa phương đầu tư vào hạ tầng tạo điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn cho một số vùng sâu thì cũng sẽ tạo cơ hội để người dân không canh tác trồng trọt mà chuyển sang làm nghề khác, dẫn đến tác động lâu dài là đất nông nghiệp ở đó sẽ được dùng xây tiệm tạp hóa hoặc bỏ hoang. Chính sách phát triển kinh tế sẽ bao gồm nhiều loại chính sách khác nhau như nêu trên và tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia mà nó được thực hiện như thế nào. Tuy nhiên điểm chung của các chính sách này là chúng sẽ có những tác động đến sử dụng đất mà nếu không cẩn thận thì cái giá thực phải trả sẽ cao hơn lợi ích chúng mang lại cho xã hội.
Tại Việt Nam trong thời gian qua, với chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư, nhiều tỉnh thành bên cạnh việc xây dựng khu công nghiệp, chính quyền còn cho phép xây sân golf mà không thẩm định kỹ. Một số sân golf thì rất ít người chơi do vị trí không thuận lợi, còn khu công nghiệp thì bỏ trống[5]. Nhưng đất nông nghiệp được chuyển đổi sử dụng thì không còn bao giờ có thể lấy lại được. Chính sách khuyến khích đầu tư này đã tạo ra tội nhiều hơn công chỉ vì nó đã không được tính toán kết hợp tốt nhất với những chính sách về sử dụng đất hiệu quả. Ngoài những chính sách thu hút đầu tư như trên, chính sách của các tỉnh thành nhằm phát triển các thành phố nhỏ trở thành thành phố lớn hơn cũng tác động đến chuyển đổi sử dụng đất. Hội đồng nhân dân một số tỉnh cho ra đời các nghị quyết khẳng định quyết tâm chính trị biến thành phố tỉnh lị trở nên phát triển hơn và nằm trong hạng mục thành phố ở loại cao hơn. Bên cạnh áp lực thay đổi cơ cấu kinh tế, áp lực gia tăng đô thị hóa và thay đổi diện mạo đô thị cũng xuất hiện. Tuy nhiên do giá đất tại các thành phố tỉnh lị này không đủ lớn và nhu cầu sử dụng không đủ cao để mật độ dân số có thể tăng đủ thu hút nhà đầu tư xây dựng cao ốc, hình thức phát triển đô thị sẽ thể hiện ở sự bành trước của đô thị về hướng nông thôn, và ranh giới đô thị hiện hữu được kéo dài ra thêm một cách tự nhiên theo quy luật thị trường mà không có gì cưỡng lại được.
Kết luận
Quá trình chuyển đổi sử dụng đất chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Nó chứa đựng nhiều rủi ro và nguy cơ có thật đối với Việt Nam. Bên cạnh việc xác lập hàng rào quy hoạch bảo vệ đất nông nghiệp, để có thể đảm bảo hàng rào này tồn tại hiệu quả chúng ta cũng phải cần tìm hiểu những nhân tố tác động chuyển đổi sử dụng đất vì đó chính là gốc rễ của vấn đề. Bài viết trên đây chỉ phản ánh giác độ vùng đối với vấn đề nêu trên và giới hạn trong phạm vi xác định các nhân tố thay đổi đã được các học giả trên thế giới đề cập. Còn cần thêm các nghiên cứu chi tiết ở cấp độ quốc gia để có thể kết luận những nhân tố nào mang tính chủ chốt ở Việt Nam trước khi có thể bàn đến những chiến lược phù hợp mà chính phủ có thể can thiệp trong tương lai nhằm bảo vệ an ninh lương thực.
TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan[2]
Bài đã đăng trên tạp chí Quy hoạch Đô thị số 11, tháng 8 năm 2012
Tham khảo
Azadi, H. Ho, P. and L. Hasfiati. Agricultural land conversion drivers: A comparison between less developed, developing and developed countries. Land Degradation & Development Vol. 22 Issue 6, 2011: 596–604.
Sao Mai. Nâng dự báo xuất khẩu gạo lên 6,2 triệu tấn trong năm 2012. Báo Công thương. Xuất bản 12/6/2012. Tải xuống ngày 16/6/2012 tại http://www.baocongthuong.com.vn/p0c194s195n22999/nang-du-bao-xuat-khau-gao-len-62-trieu-tan-trong-nam-2012.htm
Bertaud, A., and S. Malpezzi. The spatial distribution of Population in 48th World Cities: Implications for Economies in Transition. Wisconsin Real Estate Department Working Paper, 2003. Tải xuống ngày 15/5/2011 tại http://alain-bertaud.com/AB_Files/Spatia_%20Distribution_of_Pop_%2050_%20Cities.pdf
Burchell R., et al. Costs of Sprawl. Transportation Research Board. National Research Council. 2002.
Burchell R., et al. Costs of Sprawl-Revisited Transportation Research Board. National Research Council. 1998.
Campbell, D. et al. Root Causes of Land Use Change in the Loitoikitok Area, Kajado District, Kenya. Land Use Change, Impacts and Dynamics Project Working Paper. 2003.
Ewing, R. Is Los Angeles-type sprawl desirable? Journal of the American Planning Association, Vol.63No.1, 1997: 107-25.
Ewing, R. Characteristics, Causes, and Effects of Sprawl: A Literature Review. Environmental and Urban, No. 21, 1994: 1-15.
Firman,T. Land Conversion and Urban Development in the Northern Region of West Java, Indonesia. Urban Studies, Vol. 34 No.7, 1997: 71027-1046
Han, S., and C., He. Diminishing farmland and urban development in China: 1993 – 1996. GeoJournal, No. 49, 1999: 257-267.
Hartemink, A., Veldkamp, T., Bai, Z. Land cover change and soil fertility decline in tropical regions. Turkish Journal of Agriculture and Forestry. No. 32. 2008: 195-213.
Keane et al. Climate Change and Developing Country Agriculture: An Overview of Expected Impacts, Adaptation and Mitigation Challenges, and Funding Requirements. ICTSD – IPC Platform on Climate Change, Agriculture and Trade. Issue Brief No. 2. 2009.
Lambin, E., Geist, H., and E. Lepers. Dynamics of land use and land cover change in tropical regions. Annual Review of Environment and Resources, Vol. 28, 2003: 205-241.
Lichtenberg, E. and C. Ding. Assessing farmland protection policy in China. Land Use Policy, No. 25, 2008: 59-68.
Matsumura S. Phát triển quy mô nhỏ làm tăng tốc phát triển dàn trải lãng phí tại ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Nikken Sekkei Research Institute. 2012
Phan Lê. Thừa Thiên – Huế: Những khu công nghiệp “treo”. Báo Đầu tư Tài chính, Số 533. Xuất bản 18/6/2012.
Rosenzweig, C. and M. Parry. Potential Impact of Climate Change on World Food Supply. Nature. Vol. 367. 1994: 133-138.
Saigon Tiếp thị. Bức tranh thu hồi đất: Vòng tròn Đô thị hóa – nghèo đói – bất ổn xã hội. Xuất bản ngày 16/6/2012. Tải xuống ngày 16/6/2012 tại http://sgtt.vn/Goc-nhin/165088/BAI-1-Vong-tron-“do-thi-hoa-–-ngheo-doi-–-bat-on-xa-hoi”.html
The World Bank Group. Economics of Adaptation to Climate Change: Vietnam Case Study, 2010. Tải xuống ngày 1/2/ 2012 tại http://climatechange.worldbank.org/sites/default/files/documents/EACC_Vietnam.pdf
Tổng cục thống kê Việt Nam. Trị giá xuất khẩu phân theo khu vực kinh tế và nhóm hàng. Tải xuống ngày 10/6/2012 tại http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=393&idmid=3&ItemID=11621
[1] Định nghĩa của từ điển Wiktionary: Một trong những điều kiện kết hợp với nhau để tạo ra một kết quả.
Ví dụ: Chuẩn bị kỹ, có phương pháp khoa học, cố gắng khắc phục khó khăn… đó là những nhân tố thành công.
[2] Tác giả trân trọng và biết ơn các ý kiến đã đóng góp phản biện cho bài viết và đã cố gắng điều chỉnh bài viết trong phạm vi có thể. Những sai sót còn lại là của riêng tác giả.
[3] Tổng cục thống kê (2012)
[4] Báo Công thương (2012)
[5] Phan Lê. Thừa Thiên – Huế: Những khu công nghiệp “treo”. Báo Đầu tư Tài chính, Số 533. Xuất bản 18/6/2012.
Ý kiến độc giả