
Thẻ
Cội nguồn thiết kế đô thị: Mở và đóng Sự dịch chuyển hệ hình (paradigm shift) trong thiết kế đô thị hiện đại
Lời tựa: Nhằm mục đích hợp tác, mở rộng kiến thức về thiết kế đô thị, một số thành viên trong nhóm dothivietnam@googlegroups.com đã nỗ lực lược dịch cuốn “Companion to Urban Design”, bao gồm 9 phần. Dưới đây là nội dung các phần lược dịch. Luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình
Nguồn: Blog Lý thuyết Quy hoạch
Chương 2
Mở và đóng: Sự dịch chuyển hệ hình (paradigm shift) trong thiết kế đô thị hiện đại
Robert Fishman
Phó Đức Tùng lược dịch
Tất cả những ai muốn tìm hiểu về sự chuyển dịch tư tưởng trong thiết kế đô thị hiện đại chỉ cần quan sát kỹ 92 acres đô thị tại vùng hạ Manhattan, dọc sông Hudson, nổi tiếng với tên là vườn ươm đô thị – BatteryParkCity. Mảnh đất giữa sông và khu phố tài chính này được san bằng để xây dựng tòa tháp đôi vào những năm 1960, đã là nơi diễn ra sự đổi thay lớn về quan điểm làm chấn động lĩnh vực thiết kế đô thị. Quy hoạch lần đầu năm 1963 đề xuất 3 hàng cao ốc trong một vùng cảnh quan cây xanh, đúng theo mô hình của Le Corbusier 1925 (Plan Voisin). Sau những biến động tài chính của thập kỷ 60, quy hoạch này bị bỏ và thay bằng một quy hoạch đầy tính viễn tưởng năm 1969. Theo quy hoạch mới này, toàn bộ vùng Battery Park City sẽ được xây dựng thành một siêu cấu trúc khổng lồ duy nhất, chứa mọi công năng đô thị, với những lỗ thủng được kết nối với nhau bằng Monorail. Nhưng khi kế hoạch này cũng tiếp tục bị vứt bỏ sau những biến động tài chính của thập kỷ 70 thì một kế hoạch thứ 3 được đề ra và cuối cùng đã trở thành hiện thực. Quy hoạch lần này, của công ty Alexander Cooper đánh dấu một sự quay ngược hẳn hướng, trở về quá khứ. Đồ án này đã phát triển cấu trúc đô thị dạng ô cờ vốn rất thành công của vùng hạ Manhattan ra toàn bộ khu mới. Theo quy hoạch, những nhà cao tầng được bố trí xen kẽ với nhà thấp tầng, tạo ra một không gian mặt phố chặt chẽ, với những phố nhỏ, thường là cửa hàng ở tầng trệt, thích hợp với người đi bộ, xen kẽ những công viên, không gian xanh nhỏ. Ven sông bố trí một đường đi dạo rộng cho người đi bộ, tạo thành một chuỗi không gian công cộng dài theo sông, và đây là phần hấp dẫn nhất, thành công nhất của phương án. Ngược hẳn với ấn tượng của một siêu cấu trúc đồng nhất và hoành tráng, được xây dựng bởi một chủ đầu tư khổng lồ như phương án trước, phương án này nhấn mạnh tính đa dạng của các lô nhà sẽ được nhiều người đầu tư, cho nhiều công năng, vào nhiều thời điểm khác nhau. Sau vụ đổ tòa tháp đôi và toàn bộ hoạt động tái thiết, đến giờ, phương án của Cooper mới dần dần bước vào hoàn thiện. Qua lịch sử của khu phố này, chúng ta nhận rõ lĩnh vực thiết kế đô thị bị chi phối bởi hai hệ hình cơ bản, cả hai đều có gốc rễ rất sâu từ lịch sử đô thị, và có ảnh hưởng lớn đến tương lai.
Hệ hình thứ nhất định nghĩa vai trò của thiết kế đô thị hiện đại là phải mở những khu trung tâm đô thị truyền thống chật chội, ách tắc và mất vệ sinh ra. Cần phải thay chúng bằng những cao ốc sáng sủa, thoáng khí, đầy đủ tiện nghi mà vẫn giữ được mật độ cao, đồng thời dành chỗ cho công viên, cây xanh, chỗ thư giãn, và thiết lập hệ thống giao thông cao tốc.
Hệ hình thứ hai lại cho rằng nhiệm vụ của nhà quy hoạch là phải tìm cách đóng không gian lại bằng các công trình kiến trúc, để tạo ra những khoảng trống tiện dụng, phù hợp với tỷ lệ và cảm nhận của con người. Quan điểm này nhấn mạnh tính lịch sử, bản sắc, ấm cúng, liên tục của đô thị và cho rằng chúng quan trọng hơn là tính mới mẻ, tốc độ cao, hình khối mạnh mẽ.
Có thể nói là hệ hình thứ nhất chiếm ưu thế trong thời kỳ hậu thế chiến. Mấu chốt đặc biệt quan trọng của hệ hình này là quan điểm hợp nhất yếu tố thẩm mỹ và yếu tố kỹ thuật thành một dạng mỹ thuật công nghiệp của Le Corbusier. Cao ốc được coi là biểu tượng hợp nhất của sức mạnh và cái đẹp.
Nhưng lịch sử đô thị đã cho thấy một sự dịch chuyển từ hệ hình này sang hệ hình thứ hai trong vòng 50 năm gần đây. Biến đổi này bắt đầu bởi phong trào “nổi dậy” của người dân đô thị chống lại những chung cư cao tầng hồi những năm 50. Sau đó, nó lại được hỗ trợ về lý luận thông qua tác phẩm kinh điển của Jane Jacobs vào thập kỷ 60 và tiếp tục đến nay trong phong trào quy hoạch đô thị bền vững. Những cấu trúc truyền thống đã tỏ ra “hiện đại” hơn là những cấu trúc “hiện đại” của CIAM trong đa số lĩnh vực, từ hiệu quả năng lượng đến kết nối xã hội.
Sự chuyển dịch hệ hình này (gọi theo khái niệm của triết gia ThomasKuhn 1996) tuy là đã diễn ra sau rất nhiều tranh luận lý thuyết, nhưng thực chất là kết quả của những bối cảnh lịch sử lớn hơn. Trường phái thứ nhất là hệ quả của một làn sóng đô thị hóa rầm rộ ở các nước châu Âu và bắc Mỹ thời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với hàng triệu người dời từ nông thôn về các thành phố lớn trong một thời gian rất ngắn, tạo ra tình trạng bế tắc và khủng hoảng ở các đô thị truyền thống này. Một mặt, các khoảng trống trong nội đô nhanh chóng bị lấp đầy, mặt khác, vùng ngoại ô phát triển tràn lan, không thể kiểm soát. Các thành phố trở nên chật chội, ách tắc giao thông, mất vệ sinh, không đạt được những điều kiện sống tối thiểu. Vì vậy, vấn đề giải quyết những bức xúc này, mở cái khối tắc nghẽn ra là bài toán cơ bản đặt ra cho thiết kế đô thị.
Ngược lại, vào những năm 50, tiến bộ về giao thông, từ đường sắt đến đường bộ, nhất là sự phát triển của xe hơi tư nhân, đã cho phép người dân tự thoát khỏi các trung tâm đô thị chật chội. Thế nhưng khi những khu ở mật độ thấp, tản mát, hệ quả của giao thông ôtô đã trở nên phổ biến khắp nơi, thì người ta mới nhận ra sự bất cập của chúng. Khi đó người ta mới lại thấy quý những không gian trung tâm đô thị đông người, sầm uất, đa dạng, trong tầm đi bộ ở các đô thị truyền thống. Sự đóng kín, mật độ cao không còn đồng nghĩa với tình trạng lạc hậu, điều kiện sống tồi tệ nữa, mà trở thành lý tưởng.
Như vậy ta có thể thấy là hệ hình thứ hai là tất yếu ở những đô thị Âu Mỹ, nơi mà vấn đề mất vệ sinh, tắc nghẽn, quá tải nội đô không còn là vấn đề chính nữa, ngược lại sự phân tán, lạnh lẽo, thiếu tiện nghi, thiếu bản sắc mới là bức xúc. Ngược lại ở châu Á và các nước đang phát triển, đối mặt với làn sóng công nghiệp hóa và dịch cư vào đô thị ồ ạt thì rõ ràng hệ hình thứ nhất mới là giải pháp đang cần tìm.
Ngay ở Âu Mỹ ngày nay, ý tưởng về “mở” không gian đô thị vẫn có tiếng nói, tuy không phải là dòng chính. Có điều những giải pháp mà dòng này đề xuất lại không phải được rút ra từ những lý thuyết của thời CIAM, mà từ những kinh nghiệm thế kỷ 19. Thời đó, nhà quy hoạch đứng trước bài toán là phải làm sao cải tạo những trung tâm đô thị truyền thống để phù hợp với tình trạng nhập cư ngày càng nhiều, chứ chưa phải là xây dựng mới các đô thị hiện đại trên vùng đất trống như thời CIAM. Có 3 kinh nghiệm chính được đúc rút từ thời kỳ thế kỷ 19 này: 1- đại lộ cây xanh hoành tráng nhiều làn, kết thúc bởi một quảng trường với tượng đài. 2- Parkway, đường cây xanh ở ngoại ô, kết nối đô thị với các vùng nông thôn và các khu nghỉ dưỡng. 3- Các công viên cây xanh công cộng nằm giữa khu phố mật độ cao.
Ba giải pháp này được áp dụng cho đến nay, và đều có xuất phát điểm trong công cuộc cải tạo Paris nổi tiếng của Haussmann. Ba yếu tố này sau này được coi là trọng tâm của “đô thị đẹp”, và đạt đỉnh cao trong quy hoạch Chicago 1909 của Daniel Burnham và Edward Bennett’s.
Tuy là Haussmann đã phải dựa trên quyền lực tối cao của Napoleon III để có thể giải tỏa và thực hiện phương án của mình, nhưng cũng phải công nhận là kết quả đạt được ở Paris đã biện minh cho mọi phí tổn, tốt hơn tất cả những dự án cải tạo đô thị sau này. Những đại lộ Haussmann đã bổ trợ một cách hiệu quả cho cấu trúc đô thị truyền thống đa dạng, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra lúc bấy giờ. Chúng vừa là huyết mạch giao thông hiệu quả, vừa là một công viên cây xanh dạng dải, vừa là tuyến phố đi bộ mua sắm, lại bao gồm mạng lưới hạ tầng cấp thoát nước, cấp điện phía dưới. Không gian kiến trúc hai bên đường cũng như các quảng trường, tượng đài hoành tráng cuối đường vừa tạo sự lộng lẫy, bản sắc cho Paris, vừa đảm bảo sự sống động, ấm cúng. Nếu so với những đường cao tốc và đại lộ giao thông ngày nay, chỉ thuần túy là mạch giao thông, còn thì là một vết cắt thô bạo, ô nhiễm và nguy hiểm vào cấu trúc đô thị thì các đại lộ cây xanh ở Paris quả là một bài học đáng giá cho các nhà thiết kế.
Một đại lộ cây xanh đặc biệt của Paris là Avenue de l’Imperatrice (bây giờ là Avenue Foch), đã gây sự chú ý của Frederick Law Olmsted khi ông này tới thăm Paris năm 1869. Trước đấy, Olmsted đã thiết kế công viên trung tâm NewYork năm 1858, một công viên nổi tiếng nhất của thế kỷ 19, với ý tưởng là phải dành lại một lá phổi xanh cho các trung tâm đô thị mật độ cao. Sau khi xem đại lộ cây xanh ở Paris, Olmsted hoàn thiện ý tưởng về những parkway, kết hợp công viên dạng dải với các yếu tố giao thông và đô thị, được ông thực hiện trong đồ án “chuỗi ngọc lục bảo” – “Emerald Necklace” Boston và ở rất nhiều thành phố khác. Từ đó, Parkway trở thành một giải pháp quan trọng trong việc “mở” không gian đô thị, được Daniel Burnham và Edward Bennett’s triệt để áp dụng ở Chicago 1909, đặc biệt trong thiết kế đường công viên ven hồ. Tuyến đường công viên này kết nối một chuỗi điểm công viên dọc ven bờ hồ Chicago và kết thúc bằng công trình công viên thiên niên kỷ năm 2004.
Thế nhưng, nếu như ý tưởng “mở” không gian đô thị bằng công viên và các parkway đạt thành tựu lớn nhất ở Chicago thì cũng chính trong đồ án này, nó lại cho thấy hậu quả tai hại ở khu trung tâm, khi hai nhà quy hoạch đã tỏ ra không còn kiểm soát được quy mô và không giữ được tỷ lệ thân mật với con người nữa.
Vào đầu thế kỷ 20, khi xe ôtô tư nhân bắt đầu phát triển mạnh thì gần như mọi không gian mở, mọi đại lộ cây xanh đều bị trưng dụng vào giao thông xe hơi và trở nên vô nghĩa khi mức độ ách tắc đạt một tầm khác hẳn. Khi đó, chỉ có giải pháp của Le Cobusier là đáp án lý tưởng cho thời đại ôtô. Le Corbusier không phải là người đầu tiên hình dung một đô thị với nhiều cao ốc. Nhưng ông là người đầu tiên đưa ra giải pháp khả thi. Trước ông, người ta chỉ hình dung một đô thị như truyền thống, nhưng nhà cao mãi lên do đất chật người đông, với những thang máy như các tuyến phố theo chiều đứng. Nhưng rõ ràng đó không phải đáp án. Lecorbusier là người đầu tiên kết hợp giữa việc nâng cao công trình với giải tỏa không gian trống. Các công trình chỉ được phép chiếm tối đa 15% diện tích mặt bằng, còn dành chỗ cho cây xanh, giao thông. Ý tưởng không phải đem công viên vào đô thị như thời Haussmann, Olmsted, mà là đem đô thị vào công viên. Hệ thống giao thông chuyên dụng và cao tốc cho phép phân hóa các công năng đô thị ra các vùng riêng biệt mà không ảnh hưởng tới sự tiện dụng của người dân. Quy mô và tốc độ được coi là hai tiêu chí cơ bản của thời đại mới và để đạt được hai tiêu chí này, sẵn sàng nên phá hủy toàn bộ cấu trúc quá khứ. Lecorbusier tin là vẻ đẹp nội tại của mô hình mới, cộng với sự hiệu quả về công năng và tính kinh tế do sản xuất công nghiệp hàng loạt sẽ chứng minh tính ưu việt của nó.
Ban đầu, ý tưởng của Le Corbusier, nhất là vì lý do phải phá hủy các cấu trúc truyền thống dày đặc, bị coi là viễn tưởng và lập dị. Nhưng sau thế chiến, khi mà đằng nào rất nhiều đô thị cũng đã bị phá tan tành thì việc tạo lập một tương lai sáng lạn theo mô hình của ông trở nên khả thi và được nhiều người tin tưởng, bởi thế mới có CIAM và hiến chương Athen.
Thế nhưng, mặc dù có những hiệu quả công năng rõ ràng và thẩm mỹ thiết kế thiên tài của Le Corbusier, ý tưởng cao ốc trong công viên của ông vẫn không thực sự thành công. Lý do chính mà sau này Jane Jacobs làm rõ là vì trải nghiệm sống đô thị cơ bản của con người lại ở phạm vi nhỏ, tỷ lệ và tốc độ đi bộ. Do đó, những công viên và khoảng trống phóng khoáng của Le Corbusier bị cảm nhận là vô nghĩa và những cao ốc lộng lẫy vẫn bị coi là thiếu nhân bản. Những cao ốc được xây dựng hàng loạt những năm 50, 60 không được chấp nhận là giải pháp lý tưởng, mà chỉ được coi là những giải pháp tạm thời nhằm cung cấp nhanh nhiều mặt sàn sử dụng sau hậu quả chiến tranh. Trong nhiều trường hợp, các chung cư cao tầng đã xuống cấp nhanh chóng, trở thành các khu ổ chuột theo chiều đứng, đại diện là khu Pruit Igor, xây năm 1958, và phải phá hủy hoàn toàn năm 1972.
Khi những chung cư cao tầng gây thất vọng trên diện rộng, chúng lại làm nổi rõ ưu thế của các cấu trúc truyền thống mà nhiều năm liền không ai quan tâm. Thậm chí ở những khu công nghiệp bị bỏ hoang, người ta thấy cấu trúc không gian nhỏ tự phát kiểu truyền thống nhanh chóng chiếm hữu chúng và biến chúng thành những khu đô thị sống động. Những khu này thường là đã bị rất nhiều phần tử, gồm các nhà đầu tư nhỏ, các phần tử vô chính phủ và đặc biệt là nghệ sỹ chiếm dụng và biến đổi một cách không quy hoạch. Ví dụ điển hình nhất là khu nhà xưởng Soho ở New York, sau này trở thành khu đô thị đắt giá và hấp dẫn loại nhất nước Mỹ. Giữa thế kỷ 20, nhiều khu trong số những khu chiếm dụng tự phát này đã phát triển rất tốt và tự khẳng định chống lại những phương án giải tỏa. Nổi tiếng nhất là sự liên kết các cộng đồng chống lại việc xây dựng cao tốc cắt qua đô thị hiện hữu ở New York, San Francisco. Cương lĩnh quan trọng nhất chính là cuốn sách kinh điển của Jane Jacobs 1961. Jane Jacobs chính là thủ lĩnh của phong trào vùng Greenwhich Village chống lại phương án giải tỏa, làm cao tốc của Moses. Trong tác phẩm này, Jacobs đã chỉ trích những vấn đề của cách làm quy hoạch kiểu “mở” và nhấn mạnh tuyến phố đa dạng là yếu tố sống còn của đô thị cũng như đưa ra các nguyên lý cơ bản để đạt được không gian đô thị sống động. Jacobs yêu cầu thiết kế đô thị phải cho phép người dân có được sự tự do nhất định trong việc tạo cho mình những không gian khác nhau.
Tuy các nguyên lý cơ bản cũng như ý tưởng chung của tác phẩm này đã quyết định hướng đi của thiết kế đô thị trong suốt 40 năm sau đó nhưng thực ra Jane Jacobs không đưa ra những giải pháp thiết kế cụ thể. Trong quá trình đi tìm giải pháp thiết kế để đạt được các tiêu chí mà Jacobs đề ra, các nhà thiết kế đô thị lại phát hiện ra là từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 cũng đã từng có những quan điểm tương tự, chẳng hạn như của Camilo Sitte và Raymond Unwin. Hệ tư tưởng này đã từng được tái sinh vào những năm 50, 60 ở Anh và gần đây nhất là trong hội nghị New urbanism. Cuốn sách City Planning According to Artistic Principles củaSitte 1889 có thể được coi như mở đầu cho hệ hình “đóng” trong thiết kế đô thị. Trong cuốn sách này, Sitte đã công kích dự án “mở” lớn nhất thế kỷ là đường vành đai ở thủ đô Viên của áo. Năm 1850, tường thành Viên bị phá bỏ, tạo ra một vành đai trống rộng lớn. Vành đai này sau đó được lấp kín bằng những công trình công cộng hoành tráng như nhà hát, quốc hội, bảo tàng v.v. kết nối với nhau bởi đại lộ cây xanh và công viên. Tuyến đường này đã tạo cho Viên một tầm cỡ mới, sánh ngang với Paris và mọi đô thị đẹp đẽ nhất. Thế mà Sitte đã phản đối tuyến đường này, cho rằng không gian của nó quá mở, các công trình bị thả nổi trong một không gian phi nhân bản. ông cho rằng không gian có giá trị thẩm mỹ nhất của các đô thị là các tuyến phố hẹp, với nhiều quảng trường nhỏ, khép kín trong các đô thị truyền thống. Và ông kết luận là nguyên lý để tạo ra các giá trị đô thị thực thụ, cho phép nhiều hoạt động đô thị hiệu quả và đa dạng là những không gian đóng. Quan điểm của Sitte đã được chứng minh hùng hồn nhất trong những thiết kế đô thị vườn mới theo ý tưởng Howard của Raymond unwind tại Letchworth 1903 và Hampstead Garden 1907. Tuy chủ trương phân tán đô thị ra các đô thị vườn vệ tinh, nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm, nhưng Howard hoàn toàn ý thức được tác hại của việc phát triển tràn lan ra ngoại ô. Vì vậy, ông chủ trương tạo ra những đô thị nhỏ, có mật độ nhất định, xung quanh những khu trung tâm đa công năng. Thời đó, ở Anh nói chung và London nói riêng đang diễn ra việc phát triển rộng đô thị ra ngoại ô bằng những dải phố dài bất tận. Ngược lại, Unwind và Howard chủ trương tạo khu Hampstead Garden thành một đô thị vệ tinh tương đối biệt lập, với lõi trung tâm và ranh giới ngoài tương đối rõ ràng, rồi kết nối nó với trung tâm London bằng đường cao tốc. Unwind là fan hâm mộ của các đô thị thời trung cổ và ông đã áp dụng sáng tạo những nguyên lý tạo hình như quảng trường nhỏ, các ngõ cụt, những điểm nhấn để tạo ra một không gian đô thị rất nên thơ, vừa đủ xanh để hơn hẳn các khu đô thị xám xịt đương thời, vừa đủ mật độ và độ đa dạng công năng để không phải là nông thôn.
Tuy nhiên, những giá trị của Hampstead Garden đã không được đánh giá đúng mức thời đó. Ngay cả trong phong trào đô thị vườn, yếu tố không gian đóng cũng không được nhận thức đúng. Vì vậy, sau này, nhất là với sự phát triển của otô, các đô thị vườn ở khắp nơi đều phình ra xung quanh, trở thành một vùng đô thị xám như trước đây, không còn có bản sắc gì nữa. Mãi tới những năm 50 thì ý tưởng này mới được phục hồi trong phong trào cảnh quan đô thị kiểu Anh, dẫn đầu là Frederick Gibberd, Gordon Cullen và Ian Nairn. Vấn đề đóng không gian đặc biệt được nhấn mạnh trong lý thuyết của McHarg 1969 về việc cần thiết phải co cụm phát triển để bảo vệ thiên nhiên, đất nông nghiệp, cảnh quan và sinh thái.
Tới những năm 80, nhánh “ngoại ô” kiểu Unwind và nhánh “nội đô” kiểu Sitte, Jacobs đều phát triển và hợp với nhau thành một hệ hình “đóng không gian”, bao gồm việc thiết kế cả vùng, từ nội đô đến ngoại ô theo ý tưởng này. Trong nội đô, yêu cầu đặt ra là giữ lại cấu trúc cũ, gồm mạng giao thông và công trình, cải tạo những công trình hiện hữu. Nếu cần thêm gì thì phải hài hòa với hiện trạng. Phát huy bản sắc từng khu vực. Tạo những khối công trình chặt chẽ, bao quanh những không gian trống nhỏ như quảng trường, đường phố, dành cho người đi bộ và tạo không gian mua sắm, bán lẻ. Chú trọng việc đa dạng hóa thành phần công trình, công năng và đối tượng sử dụng. Những khoảng trống lớn hơn thường được tận dụng từ những khu công nghiệp bỏ hoang, hoặc cải tạo những vùng bãi rác, bờ sông v.v. Về hệ thống giao thông, tái tạo lại những đại lộ cây xanh thế kỷ 19 với nhiều làn, cho nhiều loại phương tiện, đồng thời là dải cảnh quan và trục thương mại. ở ngoại ô, về cơ bản làm theo nguyên lý của Unwind. Đây là quan điểm thống nhất khắp nước Mỹ từ sau hội nghị New urbanism 1993.
Andres Duany và Elizabeth Plater-Zyberk đã tạo ra một làn sóng hưởng ứng Unwind trong tác phẩm “traditional neighborhood design” 1992. Về cơ bản, yêu cầu tạo ra những khu đô thị vườn có lõi trung tâm và ranh giới ngoài rõ ràng, bán kính đi bộ, với mật độ tương đối cao, chia lô nhỏ, đường nhỏ, đa dạng công năng, đa dạng thành phần. Peter Calthorpe, một thủ lĩnh khác của CNU, phát triển ý tưởng Unwind thành concept “Transit Oriented Development” (TOD). Về cơ bản là tạo ra những cụm đô thị vườn kiểu Unwind quanh những bến tàu Lightrail, để vừa đạt được tiêu chí đô thị vườn, vừa kết nối nhanh với trung tâm. Calthorpe thiết kế nhiều đô thị kiểu này trong khu vực Portland, Oregon.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng tuy hệ hình CNU đã trở nên chính thống trong giới chuyên môn và có tiềm năng thiết kế cả vùng đô thị rộng lớn, nhưng trên thực tế, toàn bộ trường phái này mới chỉ hiện thực hóa được rất ít ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới từ sau 1945 đến nay. Về cơ bản, việc thẳng tay phá hủy cấu trúc cũ, xây mới hoàn toàn kiểu CIAM vẫn tiếp diễn ở khắp nơi. Anthony Tung đánh giá là 50% tổng cấu trúc đô thị lịch sử đã bị phá hủy hoàn toàn trong vòng thế kỷ 20. (Tung 2001) Trong những năm 2000, một làn sóng phát triển đô thị tràn lan kiểu mật độ thấp, không cấu trúc ra vùng ngoại ô đã diễn ra khắp Tây âu và Mỹ, tạo ra những vùng xám đô thị buồn tẻ, hoàn toàn phụ thuộc otô. Nhất là ở các nước đang phát triển, tình trạng tăng xe hơi và phát triển ngoại ô tràn lan đã tạo ra hiện tượng ngoại ô hóa toàn cầu không thể cứu vãn được.
Mặt khác, rõ ràng cũng đã có sự chuyển biến trong tư tưởng người dân, nhất là giới trẻ. Họ đã có quan điểm từ bỏ xe hơi cá nhân, chấp nhận phương tiện công cộng, đánh giá cao những giá trị đô thị như bán kính đi bộ, mật độ sầm uất v.v. và những đô thị Transit kiểu Calthorpe ngày càng được nhiều người ủng hộ. Ngày xưa, những trung tâm đô thị mật độ cao, đi bộ là biểu tượng của tắc nghẽn, điều kiện sống tồi, lạc hậu thì nay tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Nhất là hiệu quả sử dụng năng lượng và tính bền vững có lẽ là lợi thế thuyết phục nhất cho dạng đô thị này. Thực tế đã chứng minh là những đô thị tập trung mật độ cao như Tokyo, New York tiêu thụ năng lượng thấp hơn hẳn dạng tràn lan kiểu ngoại ô.
Có lẽ đô thị thực sự của thế kỷ 21 phải là một dạng kết hợp cả “đóng” và “mở”, giữa cũ và mới, và có thể nó sẽ là cái gì mà cả hai phái đều chưa hình dung ra. Nhưng gần như chắc chắn là một số giá trị như tỷ lệ con người, tuyến phố và quảng trường sẽ phải được giữ lại như những bản tính quan trọng nhất.
Ý kiến độc giả