ĐỒNG HÀNH CÙNG THIẾT KẾ ĐÔ THỊ: Những ảnh hưởng

Phần  này giới thiệu những ảnh hưởng của các lĩnh vực khác tới thiết kế đô thị. Trong truyền thống, thiết kế đô thị được coi là giao diện của các ngành xây dựng đô thị như kiến trúc, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị, kỹ thuật hạ tầng. Mối liên hệ truyền thống này cho thấy trọng tâm ban đầu của thiết kế đô thị đặt ở hình thức không gian đô thị. Tuy nhiên, đó không còn là tất cả những gì mà thiết kế đô thị quan tâm. Hiện nay, mối quan tâm của ngành này trải rộng ra nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh thái, chính trị v.v. Khách hàng của thiết kế đô thị là rất nhiều đối tượng đa dạng và ẩn danh. Mỗi đối tượng lại có mối quan tâm, quan điểm riêng. Nhà thiết kế đô thị cần phải có liên hệ với tất cả những điều đó thì mới đáp ứng được nhu cầu của họ. Vì vậy, anh ta cần rất nhiều công cụ, từ các ngành khác nhau như địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị v.v.

Phần này giới thiệu 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến các tư duy và giải pháp thiết kế đô thị.

Chương 8 – Thiết kế đô thị và truyền thống địa lý học

Larry R. Ford

Mặc  dù ngành địa lý không coi thiết kế đô thị là lĩnh vực quan tâm của mình, nhưng nhiều nghiên cứu địa lý lại có giá trị đối với thiết kế đô thị thông qua việc mô tả hình thái và cảnh quan. Chương này bàn về một số chủ đề thuộc lĩnh vực địa lý đô thị, địa lý văn hóa và triết học về địa lý có liên quan đến thiết kế đô thị. Có thể nói chung về đóng góp của ngành địa lý là về so sánh các cấu trúc đô thị tại các thời điểm khác nhau, những mô hình cấu trúc đô thị và cảnh quan khác nhau và giải thích ý nghĩa văn hóa của chúng. Một số lĩnh vực nhỏ khác của ngành địa lý cũng rất quan hệ đến thiết kế đô thị như bản đồ và các loại kỹ thuật thể hiện. Nhưng mà điều quan trọng nhất là những nghiên cứu về mối liên hệ giữa các cấu trúc đô thị khác nhau với những bối cảnh kinh tế, văn hóa xã hội khác nhau. Khác với lịch sử kiến trúc, ngành địa lý không quan tâm đến những công trình vĩ đại và các tài năng lớn, mà nó quan tâm đến mối quan hệ giữa văn hóa, sinh hoạt bản địa đến những không gian kiến trúc, đô thị thường dân. Hàng nghìn hàng vạn công trình nhỏ nhoi đó, sau hàng ngàn năm sẽ tạo nên cấu trúc đô thị, còn quan trọng hơn cả những công trình trọng điểm.

Phương pháp so sánh hình thái đô thị và cảnh quan

Một trong những đóng góp của ngành địa lý vào thiết kế đô thị là những nghiên cứu về lịch sử biến đổi hình thái của rất nhiều đô thị trên khắp thế giới. Trong khi bản thân lý thuyết thiết kế đô thị thường chú tâm vào những vùng đặc biệt như Paris thế kỷ 19, amsterdam thế kỷ 17 thì ngành địa lý quan sát rất nhiều đô thị bình thường, không được chú ý tại thời điểm đó. Ví  dụ một số bài trong tạp chí Geographical Review đề cập các vấn đề như: “biến đổi ở các thủ đô châu Phi” (Christopher 1985), “Phượng hoàng hậu hiện đại” (Schmandt 1995), “gặp lại Rio de Janeiro và São Paulo” (Godfrey 1999). Khu ổ chuột ở Kuala Lumpur (Aiken 1981), Tường ở Mexico (Arreola 1984), bảo tồn di tích ở Tây Ban Nha (Ford 1985), Ngoại ô cho giai cấp lao động ở Toronto (Harris 1991), hay công năng hiện hữu của các quảng trường Italy (Fusch 1994). Trong các bài viết này có những vấn đề về thẩm mỹ, không gian, cũng có những vấn đề về kinh tế, xã hội. Các bài viết của ngành địa lý khác với bài của lịch sử hay xã hội học ở chỗ nó có rất nhiều loại tài liệu minh họa, từ bản đồ đến ảnh chụp, sơ đồ, phác thảo v.v. đặc biệt giới địa lý hay quan tâm đến những chi tiết vi mô như nhà cửa, hàng rào, đường sá, tường bao, quảng trường, các loại biểu tượng tôn giáo, sắc tộc v.v. Việc chọn đối tượng nghiên cứu liên quan đến định hướng và sở thích cá nhân của các tác giả, ít khi trùng với mối quan tâm mang tính mốt của ngành thiết kế đô thị. Chẳng hạn như Zanzibar hay Tijuana xuất hiện với tần suất ngang Paris hay Vienna. Khu ổ chuột ở Nassau cũng được coi trọng ngang với các đại lộ Haussmann. Nhìn chung là người ta quan tâm đến những quá trình tự phát từ dưới lên hơn là những dự án từ trên xuống. Qua đó, ngành địa lý cung cấp những thông tin về nhiều góc khuất của đô thị và công việc tạo dựng không gian của những phần tử không có tiếng nói trong quy hoạch. Cũng có một số nghiên cứu địa lý theo hướng sinh thái, phát triển bền vững, chẳng hạn nghiên cứu tác động của đồng cỏ chăn nuôi lên quá trình sa mạc hóa ở Tuscon và nhiều nơi khác ở Tây Nam Mỹ. Một số ít quan tâm đến kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái thông qua việc nghiên cứu tính sinh thái trong các kiến trúc truyền thống của nhiều dân tộc. Tất nhiên, cũng có một số nhà địa lý học quan tâm đến các công trình hoành tráng, quyền lực, nhưng ngay cả ở đó, trọng tâm của họ cũng thường khác với nghiên cứu bên thiết kế đô thị.

Những mô hình về cấu trúc đô thị

Vì lý do ngành địa lý nghiên cứu rất nhiều đô thị qua nhiều thời gian mà không bám theo mạch về phong cách kiến trúc, tác giả chính hay các thời kỳ chính trị nên họ dùng những mô hình về cấu trúc đô thị để làm bộ khung phân loại. Xuất phát từ những mô hình của trường phái Chicago những năm 20,30, họ dùng những cấu trúc như vòng tròn đồng tâm, ô cờ, chữ nhật, phân khu v.v. với nhiều tổ hợp khác nhau để mô tả cấu trúc đô thị. Những mô hình này về cơ bản được diễn đạt bằng bản đồ, dưới dạng những cấu trúc hình học, kết hợp với mũi tên, chất liệu bề mặt v.v. Những mô hình này đưa ra những bối cảnh đặc trưng để nghiên cứu về một loại cấu trúc đô thị nhất định tại một vùng nhất định. Thường là các mô hình này sẽ được hỗ trợ bằng hệ thống bản đồ, ảnh vệ tinh, ảnh chụp hjện trạng qua nhiều thời điểm. Các nhà địa lý đã phát triển những mô hình về đô thị Nam mỹ, đô thị đông nam á, đô thị Indonesia, đô thị tây bắc âu, đô thị địa trung hải, đô thị đông âu, đô thị trung đông, Châu Phi Sahara, đông á, và trung quốc.  Ngoài ra còn có một số mô hình đô thị lai, chẳng hạn các mô hình đô thị thuộc địa. Hay là những mô hình đặc biệt như ý, tây ban nha, argentina.  Các mô hình này được giới thiệu tổng quan trong cuốn Cities of the World (Brunn et al. 2008).

Bản chất của việc làm ra các mô hình đô thị này không phải là giúp nhận diện những cấu trúc đô thị khác nhau, mà là hiểu được mối quan hệ bối cảnh của nó, tại sao nó lại thành ra như vậy. Những cấu trúc hình học như vòng tròn đồng tâm được diễn đạt trong mô hình gần như không bao giờ xuất hiện nguyên bản ngoài cấu trúc thực tế, nhưng nó giúp hiểu được bản chất nội tại của quá trình hình thành cấu trúc đó.

Ví dụ như mô hình đô thị Mỹ La Tinh xuất phát từ mô hình đô thị tiền công nghiệp điển hình theo Gideon Sjoberg với một khu trung tâm rất rõ ràng, mật độ cao, nhiều công trình biểu tượng. Từ đó xuất hiện những tuyến phát triển dài hướng ra bên ngoài, vì các đô thị này không thể bố trí đều được các đường về mọi phía. Dọc theo trục bao giờ cũng là thành phần giàu có hơn trong xã hội, vì họ có điều kiện để thoát ra ngoài. Càng ra xa càng là những khu mới hơn, đất rộng hơn, nhà sang hơn, cho các thành phần giàu hơn. (Ngược lại, ở những đô thị tiên tiến của âu Mỹ, dân tha hồ tản mát ra khắp xung quanh, vì dân ở đâu là đường sẽ theo tới đó.) Những trục dài hướng tâm này ngoài thực tế cung cấp hạ tầng ra cũng là ý tưởng truyền thống được mong muốn trong quy hoạch đô thị Mỹ La Tinh, xuất phát từ những đô thị thuộc địa ngay từ đầu muốn copy hình ảnh các trục hướng tâm của Paris, lúc đó là đỉnh cao về văn hóa và đô thị.

Thành phần nghèo hơn sẽ tập trung trong lõi trung tâm, tạo ra các khu ổ chuột. Tuy nhiên, phần lõi này có cấu trúc xã hội là các vòng đồng tâm ngược, có nghĩa là càng vào trong càng giàu, khác với cấu trúc đặc trưng của các tua vòng ngoài. Nói vòng đồng tâm ngược còn là ngược với mô hình mà Ernest Burgess 1925 cho là tối ưu và đề xuất cho các đô thị Mỹ, tức là càng ra ngoài càng sang. ở các đô thị Mỹ La Tinh, vòng trong cùng thường được cho là vòng đã hoàn thiện. điều kiện sống ở đây không tốt lắm, cảnh quan đô thị không ra gì. Nhưng ít nhất thì nó cũng đã tồn tại đủ lâu để tương đối ổn định. đường sá đã được trải, nhà cửa tương đối kiên cố, các dịch vụ đầy đủ. Vòng thứ hai là vòng đang phát triển, đại khái lúc nào trông cũng như công trường. Còn vòng ngoài cùng thực sự là các khu ổ chuột tạm bợ. Cứ dần dần, vòng trong cùng mở rộng ra vòng giữa, vòng giữa lại nới ra vòng ngoài. Đô thị cứ thế lan dần từ trong ra ngoài theo kiểu vôi hóa dần cấu trúc từ trong. Tuy nhiên, việc lan dần này thường khó vượt qua các trở ngại lớn như vùng trũng, vách núi dốc v.v.

Khoảng từ năm 1996, một số mô hình mới được đưa ra nhằm cải tạo các đô hị Mỹ La Tinh. Người ta cấy  những dãy nhà liền kề trung lưu, những khu công nghiệp vào đô thị. Trong trung tâm lịch sử diễn ra quá trình “trưởng giả hóa” (gentrification), tức là hiện tượng người giàu trở về trung tâm lịch sử, do nhận thức được giá trị của nó. Bên ngoài ngoại ô, người ta xây thêm những khu thương mại ở cạnh đường cao tốc. Tất nhiên, ở những nơi khác trên thế giới cũng diễn ra những thay đổi đô thị, nhưng vị trí của những cấu hình này trong đô thị Mỹ La Tinh khác với các đô thị Bắc Mỹ. Và các nhà địa lý học quan tâm đến sự khác biệt này, tại sao cùng một concept thiết kế đô thị, với những yếu tố cơ bản, nhưng mỗi vùng lại cho ra cấu trúc đô thị khác nhau.

Những mô hình đô thị kiểu địa lý học càng tỏ ra hữu ích ở các nước khối xã hội chủ nghĩa. Các nước này đang cần một giải pháp để cải tạo các cấu trúc đô thị thời kế hoạch hóa để thích ứng với kinh tế thị trường. Trong khi đó, Dubai và thế giới Ả Rập lại đang biến những đô thị hồi giáo truyền thống thành những cấu trúc chưa từng có trên đời. Việc lập ra những mô hình địa lý mới đòi hỏi tổng hợp hết những nghiên cứu, phân tích đa dạng về vùng đất đó, với những thông tin, cấu trúc từ quá khứ, nhiều khi đã bị lãng quên, từ mẫu nhà đến tập tục, cảnh quan, địa chất, tôn giáo, kinh tế v.v. để làm tư liệu cho những quyết định mới. (Ford 1993)

Vấn đề sắc tộc ngày càng trở nên quan trọng trong thiết kế đô thị. Mặc dù những khu sắc tộc vốn đã tồn tại ở nhiều đô thị từ xa xưa, nhưng rõ ràng quá trình toàn cầu hóa đã làm tăng quy mô và mức độ ảnh hưởng của yếu tố này đến hình thái đô thị. Nhiều khu sắc tộc như “china town”, “little Italy”, “little India” v.v.  thậm chí được quy hoạch một cách có chủ đích để hấp dẫn du khách và tận dụng quan hệ đầu tư của thân quyến.

Cảnh quan văn hóa đô thị. Kiến trúc và hình thái đô thị
Các nhà địa lý thường đặc biệt quan tâm đến một số dạng kiến trúc có thể giúp họ giải thích được những cảnh quan văn hóa đô thị. Thời đầu thế kỷ 20, người ta tập trung vào mẫu nhà, mẫu chuồng trại, vật liệu xây dựng truyền thống và những thứ khác có liên quan đến không gian truyền thống nông thôn. Từ những năm 1960, người ta mới quay sang các thể loại kiến trúc đặc trưng đô thị, chẳng hạn như cao ốc. Các cao ốc không chỉ có tính công năng và biểu tượng, chúng còn góp phần đáng kể vào việc định dạng và định hướng cho các không gian hoạt động của đô thị. Chỉ cần 1 tòa cao ốc có thể tái cấu trúc cả một khu đô thị. Ngoài ra, sự phân bố của các cao ốc không chỉ là bằng chứng của kỹ thuật, mà còn cho ta thấy nền tảng văn hóa. Quyết định có làm cao ốc hay không, làm ở đâu, như thế nào, rất có liên quan đến văn hóa từng nơi. Những làn sóng xây dựng cao ốc cũng là hình ảnh của những trào lưu phát triển kinh tế. Sự kết hợp của chính trị độc tài, văn hóa đồng thuận và kinh tế thị trường tự do cho ra đời những cao ốc khủng ở Trung Quốc.

Ngoài các cao ốc, kiến trúc bình dân cũng nằm trong mối quan tâm của các nhà địa lý, từ biệt thự, nhà phố đến các loại lều, ổ chuột, chung cư. Quan trọng nhất là chúng phân bố ở đâu trong đô thị, vì điều đó cho biết phân bố của các tầng lớp xã hội. Sự biến động trong phân bố này cho thấy các xu hướng, trào lưu của xã hội đô thị. Ngược lại, việc giữ nguyên một số cấu trúc trong thời gian dài cho thấy được tính bền vững của chúng.
Từ những năm 70, các nhà địa lý nghiên cứu giao diện giữa kiểu nhà, quy mô kiến trúc, hạ tầng, sắc tộc, việc tranh giành lãnh thổ và bản sắc địa phương trên rất nhiều phương diện khác nhau. Những nghiên cứu về kiến trúc và quá trình “trưởng giả hóa” (gentrification) động đến cả việc chuyển đổi mục đích sử dụng của các công trình công nghiệp và thương mại cũ trong các trung tâm đô thị. Từ xưa, ngành địa lý đã nghiên cứu về việc lựa chọn các địa điểm công nghiệp. Nay nhiều khu công nghiệp, sản xuất bị chuyển đổi thành nhà cửa, quán xá, khách sạn v.v. để phục vụ tiêu dùng. Ngành địa lý do vậy chuyển trọng tâm từ việc lựa chọn địa điểm sản xuất sang nghiên cứu những thiết kế khu tiêu dùng dưới góc độ địa lý lịch sử. Theo quan điểm ngành này thì khi thành phố thay đổi công năng, những không gian của nó sẽ mang ý nghĩa văn hóa khác. Một số hình ảnh và biểu tượng không gian được sử dụng để thích ứng với và đồng thời góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kinh tế.

Các nhà địa lý đã có quan sát, phân tích và phản biện những thiết kế khu mua sắm, khu vui chơi, những phát triển ven mặt nước, các hội chợ, làng nghề v.v. Họ đặt ra câu hỏi về tính chuẩn hóa toàn cầu hay bản sắc địa điểm. Họ phân tích vai trò của các khu mua sắm, với những cửa hiệu được thiết kế đồng nhất toàn cầu từ kiến trúc đến cách bày biện vào việc tạo ra một loại sản phẩm không gian địa lý nhân tạo đặc trưng cho xã hội tiêu dùng. Sở dĩ khu mua sắm được đặc biệt chú ý vì người ta có cảm giác là các nhà thiết kế đô thị đương đại đã thất bại trong việc tạo ra những không gian đô thị đặc trưng khác. Trong nhiều thành phố, khu mua sắm là khu duy nhất sầm uất, hấp dẫn, tuy nhiên lại chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng nhỏ. Các nhà địa lý nghiên cứu các khu mua sắm, với mục đích chỉ rõ những loại không gian nhân tạo như vậy được hình thành và cảm nhận như thế nào. Đối với các nhà địa lý, không chỉ các không gian có kiến trúc lịch sử mới hấp dẫn, mà cả những khu mua sắm mới hoàn toàn. Họ nhận ra bản chất của việc thiết kế những không gian nhân tạo này là tạo ra một bối cảnh giúp liên tưởng đến những không gian và thời gian khác, và qua đó làm nảy sinh ra rất nhiều ý tưởng và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng. Trong một số trường hợp cực đoan, không chỉ một khu mua sắm, mà cả một đô thị nhân tạo mới được dựng lên nhằm liên tưởng tới một không gian hay thời gian khác. Ví dụ như Leavenworth ở Washington trở thành một thành phố Bayern của Đức, hay Solvang ở California thì hoàn toàn Đan Mạch.

(Frenkel and Walton 2000).  Olvera Street ở Los Angeles được thiết kế là một khu phố Mexico từ những năm 1920, chuyên bán đồ lưu niệm từ thành phố Tijuana, Mexico. Sau này chính thành phố Tijuana lại được tái tạo lại theo mô hình của Olvera Street. Người ta gọi hiện tượng này là “Disney hóa” hay “Rouse hóa” (theo tên của James Rouse) “Disneyfication” and “Rousesification”.

Thể hiện các đô thị dưới dạng bản đồ và nghệ thuật

Các nhà địa lý vốn có truyền thống nghiên cứu việc thể hiện cảnh quan bằng nghệ thuật. Họ nghiên cứu cách thức mà một số dạng cảnh quan gây cảm hứng cho nghệ thuật và ngược lại, quá trình biến đổi cảnh quan một số nơi để trông giống một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nào đó. (Lowenthal and Prince 1965) Những tác phẩm nghệ thuật vẽ cảnh quan có thể được cho là đã nhìn ra giá trị cơ bản của cảnh quan đó và từ đó trở thành định hướng cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó trong thiết kế, quy hoạch. (Rees 1982) Những bức tranh ấn tượng nổi tiếng vẽ cảnh các đại lộ Haussmann ở Paris đã góp phần tạo ra một làn sóng copy dạng không gian này ra toàn thế giới.

Các tác phẩm nghệ thuật còn là những dữ liệu lịch sử đô thị quý giá. Chúng không chỉ cho biết các đô thị này thời đó trông ra sao, mà còn chỉ ra được là những đặc điểm nào được người thời đó coi là có giá trị, đáng nói, đáng giữ lại trong không gian đô thị đó.

Bản đồ cũng là đóng góp đáng kể của địa lý vào lĩnh vực đô thị. Từ ít nhất 8000 năm trước, bản đồ đã được sử dụng vào việc quan sát, mô tả và kiến tạo đô thị. Với những hình ảnh về nhà cửa, đường phố, con người, cảnh quan trong đó, bản đồ thời xưa cũng có thể coi như tác phẩm nghệ thuật. Trong mỗi loại bản đồ, điều quan trọng nhất là ta thấy có sự lựa chọn những hình ảnh được cho là cần thiết. Chẳng hạn một tòa tháp được vẽ, vì nó có thể định hướng cho thủy thủ từ xa. Nhưng trong một bản đồ loại khác của thành phố này, nó được vẽ vì lý do biểu tượng, hoặc không được vẽ vào. Các nhà địa lý ngày nay rất thạo việc phân tích bản đồ cổ để đọc ra được những thông tin về việc kiến tạo cũng như cảm nhận về một đô thị của người thời đó. Robert Churchill nhìn ra là có mối quan hệ mật thiết giữa các thể loại bản đồ cổ và sự hình thành những ý tưởng quy hoạch đô thị. Bản đồ cổ và nghệ thuật đã được kết hợp để nghiên cứu rất nhiều hình thái đô thị đặc trưng, chẳng hạn như việc hình thành và bản chất của khái niệm ngoại ô. (Duncan 1973).

Ngày nay, ngành địa lý vẫn hỗ trợ quy hoạch thông qua công cụ là GIS hay nhiều chương trình khác, như mô hình 3D “bay qua” vùng nghiên cứu, web-base Mapping v.v. Những công cụ này giúp cho nhà quy hoạch có thể thu thập và phân tích rất nhiều thông tin với tốc độ cao.

Khám phá ý nghĩa của nơi chốn

Đóng góp cuối cùng của địa lý cho thiết kế đô thị có lẽ là về mối liên hệ giữa con người với nơi chốn.Nhà địa lý học Yi-Fu Tuan viết một loạt sách kiểu như Topophilia (Tuan 1974), đã gợi cho ta nghĩ sâu hơn về cảm nhận của con người trong những bối cảnh không gian khác nhau. Trong những chủ đề như “biểu tượng vũ trụ và hình thái đô thị”, ông đã lấy ví dụ khắp thế giới về mối quan hệ giữa ý nghĩa biểu tượng và thiết kế đô thị. Mặc dù không có nhiều nhà địa lý đi sâu vào triết học như Tuân, nhưng cũng có rất nhiều sách xung quanh chủ đề hiểu những cảnh quan đặc trưng thế nào và làm sao đọc được hình thái đô thị thông qua chúng. (Meinig 1979) Đa số sách này bàn về những cảnh quan ngoài châu Âu và phân tích ý nghĩa văn hóa trong việc tạo dựng những đô thị lý tưởng. Trong mối quan hệ đó, họ đặc biệt chú trọng ý nghĩa của những không gian, nơi chốn được coi là bộ phận của cảnh quan văn hóa. Edward Relph, trong tài liệu hội thảo “Place and Placelessness” đã tập trung vào bản sắc địa phương, văn hóa trong thiết kế đô thị. (1976) Rappoport trong cuốn “mẫu nhà và văn hóa” đã nghiên cứu mối quan hệ giữa tộc người và môi trường cảnh quan do họ tạo ra xung quanh khu vực sống của mình. (1969) Chẳng hạn như thiết kế đô thị Amsterdam gắn liền với những mặt tiền có cửa sổ lớn, không thể hình dung trong một bối cảnh văn hóa Ả Rập, nơi mà đòi hỏi cao về không gian riêng tư đã dẫn đến dạng nhà quay vào sân trong và đóng ở bên ngoài.

Kết luận

Bằng cách khiến cho những góc khuất của thế giới trở nên hiển hiện, ngành địa lý đã cung cấp cho thiết kế đô thị một nguồn thông tin quan trọng. Những nghiên cứu so sánh giữa các đô thị khác nhau trên thế giới trong lịch sử của ngành địa lý đã cho phép nhà thiết kế hiểu rõ hơn về hình thái, xuất xứ, phát triển của các đô thị. Những nghiên cứu chuyên sâu về từng thể loại công trình, không gian đô thị, từ cao ốc đến sân trong, đã giúp nhà thiết kế có thêm nhiều kiến thức về những giá trị văn hóa lịch sử của chúng. Một mặt, ngành địa lý cung cấp hình dung về các cảnh quan lịch sử thông qua bản đồ, các tác phẩm nghệ thuật, mặt khác, họ lại cung cấp cả cách đọc và hiểu ý nghĩa của chúng để dẫn đến sự thấu hiểu về ý nghĩa của không gian.

Người dịch: Tiến sĩ Phó Đức Tùng

 

Lời tựa: Nhằm mục đích hợp tác, mở rộng kiến thức về thiết kế đô thị, một số thành viên trong nhóm dothivietnam@googlegroups.com đã nỗ lực lược dịch cuốn “Companion to Urban Design”, bao gồm 9 phần. Dưới đây là nội dung phần 3: Những ảnh hưởng. Luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình