
Thẻ
Những người Nga bên sông Hồng: Ảnh hưởng của Liên Xô lên cảnh quan đô thị Hà Nội, 1955-1990
Đọc các thành phố: Ý thức hệ, kiến trúc và quy hoạch đô thị
Cảnh quan của một thành phố, như bất kỳ cuốn sách nào, có thể được đọc, phân chiết và tái dựng. Một sự phân tích quy hoạch của một thành phố, kiến trúc của các tòa nhà, các dạng tượng đài, và nội thất đường phố mở ra nhiều điều rộng lớn hơn về chính tri, kinh tế, xã hội nói chung cũng như những chức năng của văn hóa nói riêng (văn hóa như chính trị và văn hóa như một sự đề kháng). Bài viết này tổng kết sự ảnh hưởng của khối Liên Xô lên Hà Nội – thủ đô Việt Nam bên sông Hồng, từ 1955 đến 1990, giai đoạn chi phối của châu Âu lần thứ hai trong lịch sử Hà Nội. Bài viết cũng bàn về việc văn hóa Việt Nam và sự tồn tại của quốc gia có được là nhờ biết nương theo chiều gió, một mặt đón nhận những nét văn hóa của quốc gia chi phối (NV: invader), một mặt vẫn giữ lại trong mình những bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt là ngôn ngữ và truyền thuyết dân gian. Một trong những kết quả của quá trình hòa nhập văn hóa đó là ngày nay các thành phố của Việt Nam đều ẩn trong mình những nét tính cách đa tầng riêng, mỗi tầng là một di sản thừa kế từ một giai đoạn chính trị văn hóa thống trị bởi ngoại lực. Có thể thấy các biểu tượng chính ở khắp nơi trên Hà Nội; mỗi thể chế xây dựng cho mình những công trình riêng, cảnh quan riêng nhằm khắc họa thể chế của mình, và cũng bằng cách đó, thể hiện quyền lực thống trị của họ lên thành phố và con người.
Sự thiết lập thế chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – vào năm 1954 sớm kéo theo quá trình hợp thức hóa viện trợ kinh tế từ Liên Xô theo HIệp ước về hợp tác kinh tế và kỹ thuật kí ngày 18/05/1955. Hiệp ước này đã mở đường cho sự hỗ trợ của Liên Xô trong việc phục hồi và tái thiết miền bắc Việt Nam.
Kiến trúc sư và quy hoạch sư đóng vai trò chính trong việc tái kiến thiết và phát triển Liên Xô thời hậu chiến. Từ đó hầu như không có sự hiện hữu của tư nhân trong lĩnh vực này, chính phủ và Đảng là nguồn duy nhất của tất cả các dự án, vốn được thực hiện vì mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Mô hình tương tự được áp dụng cho kiến trúc và quy hoạch ở Việt Nam. Với việc thiếp lập thể chế XHCN vào năm 1954 sau đó mở rộng vào Nam năm 1975, nghệ thuật, kiến trúc và quy hoạch, tất cả đều gắn chặt với chính sách của Đảng: “Học hỏi từ kinh nghiệm, kiến trúc mới của chúng ta phải phục vụ cho mục tiêu của Đảng, phát triển một nền kiến trúc XHCN dân tộc và hiện đại”. Công trình đầu tiên là bục diễn thuyết với dáng hộp cao, phủ vải, ruy băng và biểu ngữ, nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945. Đây là kiến trúc đơn giản đầu tiên của thể chế mới, và từ đó bắt đầu quá trình xây dựng một thành phố mới với những biểu tượng thể hiện tình anh em giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối Xô Viết.
Cũng như ở Liên bang Xô Viết, quy hoạch đô thị ở Hà Nội được kiểm soát tập trung bởi chính quyền của chủ tịch Hồ Chí Minh và gắn chặt với các kế hoạch 5 năm của quốc gia cũng như với cuộc đấu tranh dành độc lập. Vì thế, trong khi các kế hoạch từ 1955-1959 tập trung vào tái thiết lập, chuyển hóa và phát triển kinh tế ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, giai đoạn từ 1960-1965 lại là sự mở màn của các kế hoạch dài hạn cho Hà Nội và những dự án xây dựng nhà cửa, khu công nghiệp và công trình công cộng đầu tiên.
Chiến lược phát triển thời hậu chiến được ông Đào Văn Tập, Phó chủ tịch Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, tóm tắt: Việt Nam theo hai chính sách đồng nhất và tương quan dựa trên chiến lược tổng quát xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị quốc gia và cuộc sống đô thị – hai điều được xem là cần thiết cho sản xuất hiện đại. Chính sách đầu tiên bao gồm chuyển hóa và xây dựng những thành phố có sẵn, chính sách thứ hai liên quan đến việc xây dựng những đô thị nhỏ phân bố đều trong các vùng trên cả nước. Liên quan đến việc tái kiến thiết những thành phố bị đạn bom tàn phá như Hà Nội, ông Đào Văn Tập nói “định hướng căn bản là tăng cường hoạt động sản suất của những nơi này, đồng thời dần dần loại trừ khía cạnh “thành phố tiêu thụ”.
Một trong rất nhiều yếu tố làm cho việc thực thi những chính sách này khó khăn là sự qua đời của nhiều kiến trúc sư và quy hoạch sư. Ông Đặng (Thái Hoàng) đã chỉ ra trong những năm đầu thời kì độc lập, chỉ có 10 kiến trúc sư đạt tiêu chuẩn làm việc tại Hà Nội. Tất cả đều lớn tuổi, được đào tạo trong trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và gần như không thể đáp ứng nhu cầu của chính phủ cho ‘những dự án kiến trúc XHCN’. Tất nhiên, đó cũng là sự thiếu hụt chuyên gia và kỹ thuật gia nói chung ở Việt Nam sau 1954 mặc dù chính phủ Liên Xô đã nỗ lực rất nhiều trong việc đem đến những cơ hội học tập cao hơn cho thanh niên Việt Nam. Từ 1955-1990, rất nhiều sinh viên Việt Nam đã được đào tạo ở các trường đại học ở Liên Xô và Đông Âu.
Từ giữa những năm 1960, có một thế hệ mới sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trong khối Xô Viết và dưới mái trường XHCN ở Việt Nam. Tuy nhiên kinh nghiệm của họ có giới hạn nên sự hỗ trợ của nước ngoài vẫn cần thiết. Mặc dù Việt Nam tự đào tạo được nhiều kiến trúc sư của riêng mình, một nhóm nhỏ có sự ảnh hưởng lớn đều là những người được đào tạo ở Liên Bang Xô Viết, Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Romania, Séc, Ba Lan và Cuba. Tại đó họ học nhiều cả về lý thuyết lẫn thực hành và đã mang về Việt Nam một thứ ngôn ngữ kiến trúc phù hợp với nhu cầu XHCN. Prikhodko mô tả về công trình của nhóm những sinh viên cao học Việt Nam đầu tiên tại Học viện kiến trúc Kiev. Những dự án họ làm cho kì thi tổng kết bao gồm những công trình mang tính đặc trưng Liên Xô: cho Hà Nội là sân bay và trạm trung chuyển giao thông, một Cung (Thiếu niên) Tiền Phong cho Hải Phỏng, một tổ hợp trường học để 2800 học sinh cho vùng ngoại ô Hà Nội, và cho các địa điểm tại chính liên bang Xô Viết là bản đề án khu thể thao, hồ bơi, phòng nghỉ cho 4000 vận động viên. Prikhodko đặc biệt đề cập đến cách mà sinh viên Việt Nam đã mang những đường nét hiện đại hòa hợp với kiến trúc truyền thống dân tộc vào thiết kế của họ: việc sử dụng “mái cong” vốn là nét đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, sự pha trộn của kiến trúc với cảnh quan, đặc biệt việc sử dụng bề mặt nước và tạo ra các “vi khí hậu” trong công viên và môi trường xung quanh.
- Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 1960 – 1964
Quy hoạch đô thị
Ảnh hưởng của Liên Xô lên cảnh quan Hà Nội không chỉ ở những công trình thiết kế đơn lẻ mà còn lên tổng thể quy hoạch của các thành phố và quận huyện. Ở đây cách tiếp cận của Liên Xô tại Hà Nội trong nhiều mặt lại củng cố thêm kinh nghiệm thuộc địa của người Pháp trước kia. Dưới thời Stalin, quy hoạch đô thị Liên Xô có sự gắn kết chặt với đô thị học Pháp, vốn nhấn mạnh vào những thiết kế trang trọng và coi trọng việc tạo ra cảnh quan đường phố ổn định cho một khoảng thời gian dài. Với quyết tâm xây dựng Mátxcơva thành một thành phố XHCN kiểu mẫu, những người làm quy hoạch Liên Xô đã lấy nguồn cảm hứng từ cách tiếp cận của Haussmann ở thế kỉ 19: xây dựng mới đô thị bằng việc mở ra những đại lộ lớn, công viên và quảng trường, nhằm tạo những điểm nhấn và trường nhìn rộng trong đô thị. Theo Kopp, sự áp dụng đại trà và triển khai khẩn trương những ý tưởng đó thật đáng kinh ngạc. Nguyên lý quy hoạch thành phố Xô Viết khá là giống nhau từ Leningrad tới Tashkent: những thành phố do Ryabushin thiết kế là dẫn chứng cho sự phát triển đồng nhất của các khu chức năng, những tuyến đi bộ thoáng đãng như xương sống của các khu đô thị, những khu dân cư lớn được hình thành cùng với những trung tâm đô thị lớn, những thiết kế kiến trúc có quy mô lớn.
Cách thức quy hoạch của Liên Xô rất cứng nhắc so sánh với Tây phương, chủ yếu vì sự tập trung hóa trong quá trình ra quyết định và sự phân bổ nguồn lực sản xuất. Thậm chí vào 1980, mặc dù đã chuyển từ nền kinh tế quản lý từng ngành dọc sang một cách tiếp cận lãnh thổ tổng thể hơn, Liên Xô vẫn thua các nước phương Tây rất xa. Agafonov biện minh cho một vai trò lớn hơn của quy hoạch vật thể (physical planning) trong tư duy phát triển của Liên Xô, rằng những bản quy hoạch tổng thể được vẽ ra cho từng khu vực cụ thể (vùng, thành thị, khu đô thị) và dựa vào cơ sở pháp chế, luật lệ, chính sách và thủ tục. Phương thức này cung cấp một “cơ sở tương đối ổn định cho quy hoạch và thiết kế dài hạn”. Không may thế giới của khối Xô Viết và Việt Nam đang thay đổi quá nhanh trong lúc cách tiếp cận đó quá chậm và phiền phức. Một khi một kế hoạch được phát triển và đưa vào luật pháp, nó quá cứng nhắc để bắt kịp với tốc độ phát triển ngày nay. Điều này đúng khi nhìn vào những khái niệm căn bản trong các bản kế hoạch 5 năm mà khối Xô Viết và các nước châu Á khác đã nỗ lực để kiểm soát quá trình phát triển từ ngày giành độc lập, đặc biệt sự bất cập này thể hiện rất rõ trong bản quy hoạch đô thị tổng thể cho những thành phố phát triển quá nhanh như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.
Quy hoạch xây dựng Hà Nội 1965
Giữa 1955 và 1965, những người làm quy hoạch thành phố, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, bắt đầu nghiên cứu những vấn đề và nhu cầu quy hoạch của Hà Nội và phát triển một kế hoạch sơ bộ mang tên “Kế hoạch xây dựng Hà Nội”. Kế hoạch này được trình bày cho chủ tịch Hồ Chí Minh, công bố chính thức vào 1960 và được chính phủ bắt đầu triển khai vào 1965. Kế hoạch nhằm đem lại sức sống mới cho phố cổ như một khu vực thương mại đồng thời xúc tiến sự phát triển về phía Tây của hồ Tây, Tây Nam và phía Đông tại khu vực Gia Lâm dọc sông Hồng. Trung tâm thành phố mới sẽ được mở rộng từ hồ Hoàn Kiếm tới dọc Hồ Tây và bao gồm khu vực Ba Đình. Bản kế hoạch chi tiết cho khu vực giữa hai hồ này thể hiện thiên hướng phát triển với những con đường tỏa ra từ các công trình chính để tạo ra những tuyến nhìn nổi bật –vẫn là mô hình Haussmann (cho thành phố Paris). Một hệ thống đường ray xe lửa dọc theo sông và hai cây cầu bên phía nam cũng như phía bắc của cầu Long Biên đã được lên kế hoạch. Mặc dù cuối cùng kế hoạch này không được thực thi, chủ yếu vì chiến tranh và những cuộc oanh tạc trên không từ 1965 và 1972, nó đã thiết lập nền tảng cho những kế hoạch sau này, đặc biệt nhất là sự mở rộng của khu vực thương mại xung quanh Hồ Tây.
Quy hoạch 1981-1984 – Bản quy hoạch Leningrad
Vào 1973, các cố vấn Liên Xô một lần nữa lại được kêu gọi hỗ trợ để xây dựng một bản quy hoạch mới cho Hà Nội hướng tới năm 2000. Bản quy hoạch quan trọng này được phác thảo bởi S.I.Sokolov, người đứng đầu một đội ngũ những nhà quy hoạch Liên Xô từ Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Leningrad cho Quy hoạch và Xây dựng đô thị. Trung tâm Leningrad có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các bản quy hoạch tổng thể, ví dụ điển hình là những thành phố ở Siberia và Kazakhstan. Bản quy hoạch cho Hà Nội là nỗ lực đầu tiên của họ ở châu Á nhiệt đới. Vào mùa mưa, chỉ trong một giờ đồng hồ, lượng nước mưa ở Hà Nội có thể lên tới 200 mm. Vào mùa hè thì nóng (45o), ẩm và đặc biệt khó chịu là mùa đông, nhiệt độ có thể xuống tới 5o, âm u và ẩm ướt. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo A. Kucher từ Leningradskaya Pravda, Sokolov đã nói quy hoạch này là
thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi ở một thành phố nhiệt đới nên gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, thời tiết. Thứ hai, địa hình: thành phố được xây dựng trên một khu vực bằng phẳng. Những câu hỏi được đặt ra: Với địa hình này làm thế nào để giải quyết vấn đề thoát nước mưa? … và vấn đề giao thông thì sao?
Kucher mô tả bản quy hoạch Hà Nội là một biểu tượng cho tình bằng hữu không thể lay chuyển giữa Liên Xô và Việt Nam. Tuy nhiên mặc dù người Việt Nam có tham gia vào dự án, kết quả không mấy khả quan, chủ yếu là do không am hiểu lịch sử và nhân khẩu học của Hà Nội , đồng thời hoàn toàn không tính đến hoàn cảnh văn hóa và kinh tế thực tế của một chính phủ còn nghèo. Một trung tâm thành phố mới được xây dựng bên bờ phía nam và tây nam của hồ Tây với các đại lộ tỏa ra từ đó, khoảng không xanh, công trình kiến trúc công cộng cao tầng và các tuyến đường đi bộ. Kỹ thuật quy hoạch tiêu chuẩn của Liên Xô được sử dụng, chẳng hạn như quy hoạch các khu dân cư thành mikroraiony (tiểu khu), quy hoạch các đơn vị dân cư và cơ sở vật chất cần thiết dựa trên một công thức dân số cố định và lặp đi lặp lại ở các vùng ngọai ô. Trong trường hợp của Hà Nội, diện tích của mikroraion được xác định dựa trên số người cần thiết để có thể cung cấp một cơ sở dân số cho một trường trung học, từ 60,000 đến 70,000 dân. Năm khu công nghiệp được phác thảo, mỗi khu đều được chuyên môn hóa. Việc mở rộng được tập trung theo hướng Tây Bắc, Tây, Tây Nam và vượt sông Hồng qua Gia Lâm và xa hơn.
Mặc dù mục đích là di dời hệ thống đường ray xe lửa và giao thông cơ giới ra khỏi khu phố cổ, phần lớn kế hoạch giao thông đã không thành. Một đường tuyến đường sắt vành đai và một sân bay mới ở Nội Bài đã được lên kế hoạch nhưng chỉ có sân bay Nội Bài là được xây dựng. Một đường cao tốc được phác thảo chạy dọc từ Nội Bài đến trung tâm thành phố, cắt đôi khu vực lịch sử cũ, đã may mắn bị hủy bỏ. Kế hoạch được xây dựng dựa trên việc ước tính dân số không thực tế. Họ đã ước tính dân số Hà Nội sẽ tăng gấp ba lần, vì thế mà sân bay Nội Bài nằm ở vùng ven đô, cách trung tâm thành phố một khoảng cách 65km không cần thiết. Chính phủ Việt Nam duyệt bước đầu của bản quy hoạch vào 1976, trong những ngày đầu của hòa bình thống nhất, và toàn bộ kế hoạch đã được thông qua vào 1984.
Ngày nay, trong hoài niệm, rõ ràng sự lạc quan đặt trong bản kế hoạch đã không thành hiện thực: Hà Nội đã không trở thành đô thị náo nhiệt theo dự đoán của các nhà quy hoạch, ít nhất là trong thế này[1]. Quy hoạch gia và kiến trúc sư của Việt Nam trong những năm 1990 đang phải đánh giá lại các nguyên tắc cơ bản của quy hoạch thành phố và vùng.
Tái định nghĩa những di sản chính thức
Việc quốc tế hóa nền kinh tế và tư nhân hóa tài sản, bao gồm cả đất đai, đòi hỏi những sự thay đổi căn bản trong luật pháp và trong cách thức quy hoạch và quản lý các thành phố của Việt Nam. Một vài sự thay đổi trong luật pháp đã được thực thi: luật đất đai năm 1988 và 1989, luật nhà cửa năm 1991 và luật quy hoạch đô thị vào năm 1992. Ngoài ra, việc bảo vệ và sử dụng các công trình lịch sử cũng được quản lý bởi luật nhà nước từ 1984, mặc dù danh sách các công trình vẫn còn khá giới hạn và không bao gồm các khu vực ở ngoại vi thành phố. Những bộ luật này bề mặt cho thấy tính quyết đoán của chính quyền Việt Nam trong quy hoạch, tuy nhiên ngược lại, nếu những trang viết trên tạp chí Kiến Trúc của Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam hay những cuộc đối thoại với giới qua hoạch sư cũng được coi là thước đo thì thái độ đối với quy hoạch nói chung và những ý tưởng về tương lai của quy hoạch Hà Nội nói riêng còn khá lộn xộn. Những nỗ lực trong việc lập quy hoạch trước kia đang cần được đánh giá lại. Trong nhiều năm sau 1954, những công việc của người Pháp vốn được đánh giá là ‘mang nhiều tính tuyên truyền cho sự ưu việt của văn hóa Pháp’, nhưng giờ đây, ít nhất là quy hoạch của Hebrard vào 1920, đã bắt đầu được thừa nhận rằng đây ‘lần đầu tiền tất cả những vấn đề tổng thể và phức hợp cuả một thành phố đã được nhận định và phân tích trong một “quy hoạch tổng thể”’.
HIện nay thành tựu của các kiến trúc sư và quy hoạch sư của khối Xô Viết đang được đánh giá lại. Giám đốc Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Nguyễn Ngọc Khôi, phê bình kế hoạch tổng thể của Liên Xô và cách thức được dùng để phát triển kế hoạch này: quá dàn trải, quá nhiều sự dỡ bỏ, quá nhiều công trình cao tầng, chỉ sử dụng nguồn vốn của chính phủ (hơn là của nhân dân hoặc nước ngoài) và dựa trên kỹ thuật bản đồ không chính xác. Những tượng đài chung cư cao tầng, biểu tượng của chủ nghĩa xã hội, được biến đổi lại thành những ngôi làng nông thôn, nằm trong khu vực đô thị hiện hữu và được sắp đặt theo chiều thẳng đứng hơn là trải rộng qua khu vực đầm lầy phía bờ Tây sông Hồng. Những bài bình luận trên tạp chí Kiến Trúc phê phán việc phân chia khu vực ngoại ô thành những tiểu khu riêng biệt làm những khu vực này nhìn giống như những ngôi làng nông thôn thay vì trở thành một phần của Hà Nội mở rộng. Các bài viết cũng bày tỏ sự lo lắng về những công trình đang xuống cấp, chuẩn mực cơ sở hạ tầng hay về những hồ nước lâu đời của Hà Nội, như hồ Văn Chương đối diện Văn Miếu đang bị nuốt chửng bởi nhà cửa bao quanh và nước thải.
Trong khi một vài nhà chuyên môn vẫn còn sử dụng những chính sách về kiến trúc và quy hoạch cũ dựa trên những nguyên tắc XHCN, hầu hết những kiến trúc sư và các nhà quy hoạch khác bắt đầu chuyển sang một hướng khác uyển chuyển và thông thoáng hơn. Như ông Nguyễn Ngọc Khôi, họ đã chuẩn bị cho một sự hội nhập giữa Tây phương và kiến trúc bản địa để phát triển một phong cách kiến trúc Việt Nam đặc trưng, nhằm đạt được một nền kiến trúc tiên tiến trong sự hài hòa của cảnh quan đô thị và vừa bảo vệ những công trình di sản.
Đến những năm đầu thập niên 90, Thakur & Thayer đã khẳng định ‘không có nhân vật ảnh hưởng nào ở châu Á cho rằng hay ủng hộ mô hình của Liên bang Xô Viết như là mô hình thích hợp cho những quốc gia đang phát triển ở châu Á’. Giai đoạn ảnh hưởng của Liên Xô lên Hà Nội đã qua. Và vào tháng 4 năm 1992, việc Đảng cộng sản Việt Nam dỡ bỏ bức chân dung lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh ra khỏi ngân hàng trung ương ở Hà Nội đã khắc họa rõ nét hơn quá trình chuyển hóa căn bản bắt đầu từ 1986 và phát triển nhanh vào những năm 90: sự sụp đổ không chỉ của khối Liên bang Xô VIết mà còn của cả hệ thống cơ sở thượng tầng XHCN của Việt Nam. Cùng với việc Việt Nam mở cửa cho tư duy Tây phương (kinh tế nếu chưa phải là chính trị), những biểu tượng cũ đã dần nhường chỗ cho cái mới và môi trường đô thị Hà Nội bắt đầu chuyển mình đón nhận một cuộc chuyển hóa mang nữa do lực đẩy chính trị.
William Logan[i]
Thái Thùy Anh[ii] lược dịch
Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 13 (2013)
[i] Giáo sư William Logan là một nhà địa lý chuyên nghiên cứu về bảo tồn di sản tại Đại học Deakin (Australia). Từ năm 1986, ông là chuyên gia quốc tế cho UNESCO và tham gia vào các nỗ lực bảo tồn di sản thế giới tại Bangladesh, Trung Quốc, Lào, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và đặc biệt là Viêt Nam. Ông từng là thành viên của dự án Quy hoạch và Kiểm soát Phát triển tại Hà Nội do chính phú Austrilia tài trợ. Ông có nhiều gắn bó với Hà Nội và là tác giả của một cuốn sách công phu về lịch sử thành phố: “Hà Nội: Tiểu sử một thành phố”. Bài viết trên là bản trích dịch của bài báo Russians on the Red River: The Soviet Impact on Hanoi’s Townscape, 1955 – 1990, đã đăng trên tạp chí Europe-Asia Studies, số 47, năm 1995.
[ii] Thái Thùy Anh là thạc sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học Texas A&M và hiện làm việc tại Singapore.
[1] Thế kỷ 20
Ý kiến độc giả