
Thẻ
Khủng hoảng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh

Mặt nạ thời trang cho các bạn trẻ để đối phó với nạn ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh. Ảnh Alexander F. Yuan/Associated Press
Hai năm trước đây vào một ngày thứ Sáu, thiết bị quan trắc lắp trên nóc nhà đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh đã ghi lại được số liệu ô nhiễm không khí khủng khiếp đến mức một quan chức trong đại sứ đã gọi mức ô nhiễm này là “thậm tệ”. Ngày hôm đó chỉ số chất lượng không khí AQI[i] đã vượt mức 500, ở phần đỉnh của thang đo.
Thứ bảy ngày 12/1 cả thành phố Bắc Kinh chìm trong khói giống như ở các sảnh hút thuốc tại nơi công cộng, chỉ số AQI đạt mức 755 đo ở lúc 8 giờ tối. Phát ngôn viên của đại sứ nói rằng hiện ông không có trong tay số liệu so sánh, còn các cư dân mạng ở Bắc Kinh cho rằng số trên đạt mức cao nhất kể từ khi thiết bị quan trắc được lắp đặt.
Chính quyền địa phương cũng công bố số liệu ở mức 500 đo được từ một số trạm quan trắc. Hệ thống quan trắc của Trung Quốc không ghi lại các số liệu vượt ngưỡng 500. Dầu sao thì các số liệu đo ở trung tâm Bắc Kinh trong ngày luôn nằm ở cực của phía nguy hại, theo cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA (Để dễ hình dung, thì chỉ số chất lượng không khí ở thành phố New York đo trên cùng tiêu chuẩn là 19 vào 6 giờ sáng vào ngày 12/1).
Trang Twitter @Beijing Air của đại sứ quán nói rằng mức độ độc hại trong không khí là “mức vượt ngưỡng”, ám chỉ các mức vượt quá 500. Theo như cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA[ii]), thì từ mức 301 tới 500 là “độc hại”, nghĩa là người dân không nên hoạt động ngoài trời. Theo tiêu chuẩn của tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) thì mức trên 500 có chứa lượng hạt lơ lửng cao gấp 20 lần ngưỡng an toàn.
Ở trên mạng, người dân Bắc Kinh đã diễn giải các số liệu đo đạc này.
“Đây là một mốc kỷ lục của thành phố Bắc Kinh”, Zhao Jing, một blogger đang lên với bút danh Michael Anti, viết trên mạng Twitter. “Tôi đã phải đóng tất cả cửa đi và cửa sổ, bật hết công suất các máy lọc khí tự động”.
Các cư dân trên mạng khác ở Bắc Kinh mô tả không khí là “hủy diệt”, “đáng sợ” và “không thể tin nổi”.
Mức độ ô nhiễm ở Bắc Kinh giảm dần trong những ngày tiếp theo, và các chỉ số nói chung thường trên 300 vào giữa tuần. Vào ngày thứ Năm, phía trong nhà ga số 3 của sân bay quốc tế Bắc Kinh được phủ một màn mù dày đặc. Ngày tiếp theo, dân văn phòng ở trung tâm Bắc Kinh không thể nhìn ra các khối nhà chọc trời dù chỉ cách đó mấy tòa. Một bộ phận người dân đổ xô đi mua khẩu trang và máy lọc khí.

Đài truyền hình Trung Ương do Rem Koolhaas thiết kế chìm trong bầu không khí ô nhiễm. Ảnh Jason Lee/Reuters.

Được chụp vào ngày Chủ nhật ngày 13.1, từ vệ tinh Suomi NPP, nhìn từ trên không, bạn có thể thấy một màn khói lớn che phủ quốc gia này, biến những cảnh quan hè phố thành những hình ảnh xám mờ ma quái chìm trong các hạt bụi lơ lửng.
Hiện cũng chưa rõ chính xác đâu là nguyên nhân cho sự gia tăng nồng độ các hạt lơ lửng trong không khí, ngoài các nhân tố vốn vẫn đầu độc khí quyển ở đây. Các nhà máy vẫn hoạt động ở tỉnh Hà Bắc lân cận thành phố 20 triệu dân này. Hay số lượng xe hơi nhân lên với cấp độ đột biến trên các con phố Bắc Kinh. Và thành phố thì tọa lạc trên một vùng đồng bằng được bao bọc bởi đồi và vách đá, nên không khí ô nhiễm có thể bị tụ lại trong vài ngày khi trời không có gió.
Chính quyền Trung Quốc phản ứng với tình trạng ô nhiễm môi trường bằng cách cảnh báo: “Hãy ở trong nhà!”, và cho đóng cửa hàng loạt công trường xây dựng để giảm thiểu khí bụi. Các nhà máy cũng được lệnh giảm mức độ xả khí ô nhiễm vào bầu khí quyển. Trong khi đó, các bệnh viện nhận được thêm từ 20% đến 30% số bệnh nhân mắc các vấn đề về hô hấp.
Trước đó, ngày 31.12, thông tấn xã trung ương Xinhua công bố rằng chất lượng không khí ở Bắc Kinh đã được cải thiện trong 14 năm liên tiếp, và nồng độ của các chất ô nhiễm chủ đạo đã giảm đi. Một phát ngôn viên của chính quyền thành phố trả lời báo Xinhua rằng nồng độ trung bình của các hạt PM 10, hay các hạt đường kính nhỏ hơn 10 micron, đã giảm 4% trong năm 2012 so với năm trước đó.
Chính quyền Trung Quốc thường chỉ hay công bố các số đo mức độ ô nhiễm không khí dừng ở hạt PM 10, trong khi các chuyên gia môi trường và sức khỏe nước ngoài cho rằng các hạt PM 2.5 nguy hại hơn và cần phải được theo dõi.
Ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc kêu gọi chính quyền công khai đầy đủ số liệu chất lượng không khí, một phần từ các bản tin trên trang Twitter của đại sứ quán Hoa Kỳ. Kết quả là Bắc Kinh đã công bố chỉ số hạt PM 2.5 trong tháng 1 này. Các thành phố lớn của Trung Quốc cũng có thiết bị quan trắc ghi lại số liệu của hạt này, nhưng đã giấu không công bố số liệu. Sự xuất hiện trạm quan trắc ở đại sứ quán và trang @BeijingAir ở mạng Twitter như đổ thêm lửa vào mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ.
Nguyễn Thành Duy, kỹ sư hạ tầng đô thị
(tổng hợp từ the Atlantic Cities và New York Times)
Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 13 (2013)
[i] AQI: là số liệu được các cơ quan chính phủ sử dụng để công bố cho người dân mức độ ô nhiễm của không khí. Có các mức sau: 0-50: tốt; 51-100: bình thường; 101-150: nguy hại với những người nhạy cảm; 151-200: nguy hại; 201-300: rất nguy hại; 301-500: độc hại, ở Hoa Kỳ mức độ này sẽ gây ra tình trạng khẩn cấp, có thể toàn bộ người dân bị ảnh hưởng; trên 500: vượt ngưỡng thang đo.
[ii] EPA có trụ sở nằm ở thủ đô Washington, Hòa Kỳ. Mục tiêu của EPA là bảo vệ môi trường và sức khỏe con người

Có những thành phần gì trong không khí ở Bắc Kinh?
Các hạt bụi nhỏ hơn 2.5 micromet (PM 2.5), khoảng 1/30 đường kính sợi tóc của chúng ta, có thể xâm nhập qua đường hô hấp, gây ra bệnh tim và ung thư phổi. Chúng có thể là axit, kim loại hay các chất gây dị ứng. Theo tờ Nhật báo Trung Hoa (China Daily), thì vào tháng 12/2012 chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm 5% lượng hạt PM 2.5 tại 13 tỉnh, thành phố lớn cho tới năm 2015.
Nhóm oxít Nitơ (Nox) được sinh ra trong quá trình đốt nhiên liệu ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như động cơ xe hoặc các nhà máy phát điện. Có rất nhiều nhà máy nhiệt điện nằm quanh thủ đô Bắc Kinh. Nó gây ra bệnh viêm phổi, suy hô hấp và mưa axit. Trong nhóm này có nitơ oxit N20 là chất gây hiệu ứng nhà kính.
Cacbon monoxit CO là chất không màu, không mùi sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu. Ở nồng độ cao, CO có thể gây ra tử vong. Khi hít phải CO, nó sẽ giảm khả năng hấp thụ oxy ở máu. Nhiều người cho rằng nồng độ cao CO ở Trung Quốc là do nước này quá phụ thuộc vào than đá và sự bùng nổ số lượng xe hơi.
Lưu huỳnh dioxit SO2 được sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch hoặc khai thác mỏ. Nó gây ra bệnh suyễn. Số liệu cũng chỉ ra rằng có sự tăng vọt số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh suy hô hấp, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ.
Ozone chiếm thành phần chính của khói mù, nó được hình thành khi nhóm NOx phản ứng với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Nó gây ra bệnh đau ngực, ho, ngứa họng và xung huyết. Nó làm trầm trọng hơn các bệnh viêm phổi, suy hô hấp và hen suyễn. Phơi nhiễm lâu ngày có thể gây ra sẹo trong phổi.
Ý kiến độc giả