Amanda Burden: Không gian công cộng khiến thành phố thành nơi đáng sống như thế nào?

High Line - công viên ở trên cao của New York vốn là một tuyến đường sắt cũ không còn sử dụng.

High Line – công viên ở trên cao của New York vốn là một tuyến đường sắt cũ không còn sử dụng.

Chúng ta chọn sống ở thành phố là bởi chúng ta cần gần gũi những con người khác, dù đó là vì lý do cơm áo gạo tiền, vì khát khao kiến thức hay đơn giản là vì không thể sống cô đơn. Bởi lẽ này mà không gian công cộng đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại và hấp dẫn của đô thị: đó là nơi con người gặp nhau và gặp gỡ với thiên nhiên.

Không gian công cộng quan trọng tới mức một triết gia Hy Lạp hơn 2000 năm trước đã từng chê một xứ khác là “lạc hậu” bởi không có những quảng trường để con người có thể gặp gỡ và tâm giao như xứ của ông.

Quan trọng như vậy nhưng không phải thành phố nào cũng chăm chút đến không gian công cộng của mình. Cũng giống như nhận định của triết gia Hy Lạp, ngày nay, những thành phố dẫn đầu trên thế giới là những thành phố đầu tư vào không gian công cộng và khai thác những không gian này để làm cho thành phố của mình đáng sống hơn, hấp dẫn hơn và nhiều năng lượng hơn để thu hút con người, tiền và những ý tưởng.

Không có thành phố nào trân trọng và đầu tư vào không gian công cộng mạnh mẽ như New York từ hơn 150 năm trước với dự án Central Park và gần đây hơn là High Line. Có được thành công này là bởi thành phố đã biết trao trọng trách vào những con người có tầm nhìn xa và quan trọng hơn là có một triết lý nhân bản đằng sau những nỗ lực xây dựng: Law Olmsted ở thế kỷ 19 và giờ đây là Amanda Burden vào đầu thế kỷ 21.

Bài nói chuyện đầy cảm hứng của bà Amanda Burden, cựu giám đốc Sở Quy hoạch của thành phố New York, trên TED phản ánh những triết lý về kiến tạo không gian công cộng mà bản thân lĩnh vực quy hoạch/thiết kế đô thị đã mất hàng thập kỷ để nhận ra: thiết kế thành công không xuất phát từ những công thức khô cứng mà từ cảm quan nhân bản của nhà thiết kế. Qua câu chuyện của bà, tôi cũng một lần nữa thấy được những phẩm chất để tạo nên một nhà quy hoạch thành công: có thể nhìn thấy tổng thể từ tầm chiến lược nhưng hiểu được “tỷ lệ con người” để thành công trong mọi dự án, dù đó là độ cao của thanh chắn an toàn dọc theo bờ sông hay sự tận tụy với mỗi tiếng nói của cộng động.

Mời các bạn lắng nghe câu chuyện của bà Amanda Burden: Không gian công cộng khiến thành phố thành nơi đáng sống như thế nào? (có phụ đề tiếng Việt)

Nguyễn Đỗ Dũng

(bản dịch phụ đề khá tốt trừ một chi tiết chưa chuẩn là dịch “city” (là những thực thể) thành “đô thị” (vốn chỉ một loại hình định cư nói chung). Để dễ hiểu và cảm nhận tốt hơn bài nói chuyện, bạn đọc “đô thị” thành “thành phố”)