Charrette là gì?

Sinh viên trường Beaux Arts chở bản vẽ trên những xe kéo charrette.

Charrette là từ tiếng Pháp có nghĩa nguyên gốc là xe đẩy dùng để chở những tấm bản vẽ của sinh viên kiến trúc trường Beaux Arts tới nộp cho thầy. Vì sinh viên kiến trúc thường bị “lụt” nên vừa đi vừa vẽ những nét cuối. Charrette sau còn được hiểu là “lụt”.

Charrette nay là một mô hình thiết kế được thực hiện trong một thời gian rất ngắn và liên tục (3-7 ngày) trong đó các chuyên gia và lãnh đạo chính trị làm việc chung với nhau để đưa ra một đề án quy hoạch trong một không gian mở, ngay tại địa điểm sẽ triển khai quy hoạch đó, và cho phép người dân vào xem và tương tác với thành viên chuyên môn của dự án. Thông qua Charrette, quy hoạch đươc đưa ra với sự đồng thuận của mọi người và sự tập trung trí tuệ của chuyên gia các ngành khác nhau cùng một lúc (thay vì thường thực hiện dạng tuyến tính).

Sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quy hoạch và thiết kế đô thị giờ đây đã trở thành bắt buộc về mặt pháp lý cũng như trở thành chuẩn mực về mặt chuyên môn ở nhiều quốc gia trên thế giới.  Sự tham gia của công đồng không chỉ phản tính dân chủ và minh bạch của một quá trình quy hoạch mà còn đảm bảo sự thành công của chính đồ án quy hoạch đó do có sự đóng góp về trí tuệ và sự ủng hộ về chính trị của nhiều thành phần trong giới chuyên môn và trong xã hội. Về mặt phương pháp, các “studio mở” được thực hiện thông qua phương pháp Charrette giúp mang quy hoạch và thiết kế tới gần công chúng nhất, tiếp thu ý kiến từ công chúng và giới chuyên môn để hoàn thiện đồ án, đồng thời giáo dục công chúng về vai trò và trách nhiệm của xã hội nói chung trong việc lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch. Về mặt chính trị, Charrette là phương pháp cho phép quyền lực trong quá trình lập quy hoạch (vốn trước kia thuộc về một giới chuyên môn hẹp như quy hoạch sư/kiến trúc sư), nay được chia sẻ đều với các nhóm chuyên môn khác (hạ tầng đô thị, kinh tế học, môi trường, xã hội học,v.v….) và công chúng.

Tiến trình thực hiện Charrette theo Viện Charrette tại Hoa Kỳ (http://www.charretteinstitute.org/)

Charrette khác với các mô hình quy hoạch/thiết kế với sự tham gia của cộng đồng khác ở 3 điểm chính: 1/ Charrette tạo ra sản phẩm quy hoạch/thiết kế tại chỗ thông qua các tương tác giữa các nhà chuyên môn và giữa họ với người dân/đại diện nhân dân; 2/ Charrette rút ngắn thời gian triển khai và phê duyệt đồ án bởi sự tham gia của tất cả các nhà chuyên môn và cơ quan thẩm quyền cũng như cộng đồng ngay từ ban đầu; và 3/ cuối cùng, sự hợp tác và tính hiệu quả của quá trình quy hoạch/thiết kế bằng phương pháp Charrette làm cho đồ án trở nên thuyết phục hơn. Những yếu tố này làm cho Charrette trở thành công cụ mà các nhà quản lý, nhà đầu tư và nhà chuyên môn tận dụng để rút ngắn thời gian, gia tăng sự ủng hộ từ xã hội và tiếp thị đồ án.

Tờ rơi giới thiệu chương trình của Charrette thiết kế đô thị khu vực nhà ga Heritage tại Calgary, Canada. Nguồn: T6 Urban Design

Bản thân tác giả đã may mắn tham gia một charrette thiết kế đô thị từ hồi còn học đại học. Đó là Charrette thiết kế tái phát triển một nhà ga đường sắt đô thị hạng nhẹ (LRT), ga Heritage, tại thành phố Calgary. Địa điểm thực hiện Charrette là tầng hai của trung tâm thể thao Jimmy Condo đối diện với nhà ga về phía Bắc đường Heritage Drive. Từ địa điểm này, các chuyên gia và người tham dự có thể nhìn thấy toàn cảnh nhà ga và các hoạt động diễn ra ở đó. Trong charrette đó, các chuyên gia làm việc mỗi ngày từ 9h sáng tới 9h tối. Đối với Charrette tái phát triển ga Heritage, quá trình được chia làm 3 giai đoạn:

1/ Tiền-Charrette: chuẩn bị thông tin, số liệu, tiếp cận cộng đồng và thông báo cho các bên liên quan cũng như thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi. Quá trình này thường kéo dài 6-8 tuần. Sinh viên và các tình nguyện viên được huy động để phát tờ rơi tại nhà ga Heritage, thông báo về Charrette. Các tời rơi cũng được gửi bằng đường bưu chính tới từng hộ gia đình trong các khu dân cư tiếp giáp với dự án. Ngoài ra nhóm thực hiện Charrette còn liên lạc trực tiếp tới các chủ đất và doanh nghiệp trong khu vực bằng điện thoại và email và yêu cầu họ đóng góp quan điểm và yêu cầu đối với Charrette.

2/ Charrette được thực hiện từ ngày thứ Tư tới ngày Sáu, trước đó. Một buổi giới thiệu về dự án và Charrette thiết kế được thực hiện vào tối thứ Hai trong tuần để người dân hiểu thêm về quá trình triển khai. Trong 3 ngày Charrette, ngày đầu tiên giành để phát triển các phương án khác nhau, ngày thức hai là thời điểm để lựa chọn phương án, và ngày thứ ba là để hoàn thiện phương án. Trong 2 ngày đầu, thuyết trình cho công chúng được thực hiện vào 5 – 6 giờ chiều hằng ngày. Ngày cuối cùng, thuyết trình chính thức được thực hiện vào lúc 7h30 và tiếp sau là một buổi thảo luận giữa các chuyên gia và cộng đồng. Mặc dù đã nỗ lực tiếp cận cộng đồng dân cư trong khu vực, nhưng do thời tiết giá lạnh vào cuối tháng 11, trung bình chỉ khoảng 20 người dân và 13 sinh viên một trường cấp 3 tham gia vào Charrette.

3/ Hậu Charrette: Khoảng thời gian 1 tháng sau Charrette được sử dụng để viết báo cáo và hoàn thiện các thiết kế trước khi nộp cho khách hàng (Calgary Transit) và cho cơ quan quy hoạch để phê duyệt.

Bản thân bản quy hoạch tái thiết làng Việt Versailles tại New Orleans cũng được thực hiện bằng phương pháp Charrette trong đó 30 chuyên gia tình nguyện từ khắp nước Mỹ tham gia (và có thêm 2 KTS từ Sài Gòn bay qua để giúp thiết kế có bản sắc Việt!) làm việc tại cộng đồng trong 3 ngày trước Hội chợ Tết. Hội chợ Tết là địa điểm và cơ hội để trình bày quy hoạch này cho ngừoi dân (quá trình lấy ý kiến/mong muốn của người dân đã được thực hiện trước đó).

Hình trái: Quang cảnh làm việc tại Charrette ở Isle de Capri, Mississppi trong dự án Mississippi Renewal Forum nhằm tái thiết 11 thị trấn dọc bờ biển bang Mississippi bị tàn phá bởi siêu bão Katrina.
Hình Phải: Thị trường Moss Point trao đổi với trưởng nhóm thực hiện Charrette tại thị trấn này.
Nguồn:  Mississippi Renewal Forum

Một trong những Charrette lớn nhất trong lịch sử có lẽ là quy hoạch tái thiết 11 thành phố ở bờ biển miền Nam bang Mississippi sau trận bão Katrina. Tổng cộng có khoảng 500 chuyên gia tình nguyện trong các lĩnh vực khác nhau từ quy hoạch, kiến trúc, giao thông, môi trường, phòng chống thiên tai tới bất động sản và bán lẻ tham gia. Ho đến từ khắp nước Mỹ và cả một số nước trên thế giới đã tham gia các Charrette này vốn thực hiện chỉ một vài tháng siêu bão Katrina. Bản báo cáo có thể download ở đây.

Charrette thiết kế Đại lộ Đông Tây do WorldBank và UBND TP HCM tổ chức. Nguồn: WorldBank Vietnam

Chương trình Charrette 5 ngày thiết kế đô thị cho Đại lộ Đông Tây do World Bank tổ chức. Nguồn: Deso, Dalnoky and Lyon Town Planning Agency,

Charrette cũng đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Năm 2011, Ngân hàng Thế giới cùng với Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị (PADDI) (cơ quan từ Rhone-Alps, Pháp, được biệt phái tới TP HCM) cùng với công ty kiến trúc Deso tổ chức Charrette thiết kế trong 5 ngày nhằm biến Đại lộ Đông – Tây thành tuyến đường Xanh với xương sống là mạng tuyến BRT và dải đô thị mật độ cao dọc theo tuyến giao thông công cộng. Quá trình Charrette có sự tham gia có các cơ quan khác nhau của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, không có thông tin cho thấy sự tham gia của dân cư vào quá trình quy hoạch.

Trong mùa hè 2012 này, một Charrette thiết kế không gian công cộng khác sẽ được thực hiện tại Hội An với sự tham gia của cộng đồng. Charrette này là thử nghiệm quan trọng nhằm mang quá trình thiết kế đô thị tới gần với người dân, phản ánh nhu cầu và mong ước, văn hóa và lối sống của họ. Chúng tôi sẽ thông tin thêm về Charrette này trong tháng 6 này.

Nguyễn Đỗ Dũng