Định danh xưng cho người làm quy hoạch

Gửi các anh chị em trong Diễn đàn đô thị Việt Nam,

Một vấn đề mà tôi nghĩ vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về quy hoạch và nâng cao vai trò của người làm quy hoạch là xác định một danh xưng chính thức và đặc trưng cho người làm quy hoạch. Hiện nay ở Vn, chúng ta vẫn gọi người làm quy hoạch là “nhà quy hoạch” hoặc cụ thể hơn là “kiến trúc sư quy hoạch”. Tên gọi đầu chưa có tính định vị nghề nghiệp rõ ràng (thường thiên về một vai trò xã hội hơn chuyên môn, như: nhà quản lý, nhà lãnh đạo, nhà cách mạng,v.v…). Tên gọi sau thu hẹp nhóm người và lĩnh vực chuyên môn tham gia vào hoạt động quy hoạch. Trong tình trạng mà luật pháp chỉ công nhận chứng chỉ hành nghề đối với kiến trúc sư, một số lượng không nhỏ những người có năng lực chuyên môn và đang thực hiện công việc quy hoạch tại Việt Nam hiện nay không được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc là ghi tên vào bản vẽ với tên gọi kiến trúc sư. Điển hình là trường hợp một dự án đô thị lớn tại miền Nam (quy mô 6000 hecta) do các nhà quy hoạch Singapore thực hiện – hiện tượng này có thể khiến cho những rủi ro pháp lý xảy ra trong tương lai.

Sau một thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi có đề xuất tên gọi “quy hoạch sư” vì muốn nhấn mạnh đến khía cạnh kỹ thuật của người làm quy hoạch và sự tương đồng với các tên gọi “kiến trúc sư”, “kỹ sư”. Tên gọi này sau đó được đưa vào sử dụng trong công ty với cách hiểu là một chức danh để tránh mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về hành nghề quy hoạch (như các chức danh khác giám đốc, kỹ thuật viên, kỹ sư). Bản thân việc sử dụng tên gọi này nội bộ cũng gây ra những quan điểm khác nhau: ủng hộ nhưng thấy tên gọi này có vẻ “cao ngạo”, phản đối vì thích làm “kiến trúc sư” hơn, hoặc phản đối vì e ngại vấp phải vấn đề pháp lý (mặc dù đã xác định rõ ràng đây là tên gọi một chức danh trong công ty còn khi tuyển người cho vị trí này thì nhận người có mọi bằng cấp, từ kiến trúc sư tới kỹ sư, miễn là có thể làm quy hoạch). Bản thân một người bác và đồng thời là một giáo sư có tiếng ở ĐH KT Hà Nội thắc mắc :”ai phong cho cháu làm quy hoạch sư trưởng?” (chắc bác ấy nghĩ vị trí này cũng như “kiến trúc sư trưởng” là tên gọi sở hữu riêng của một vị trí trong chính quyền).

Tìm hiểu rộng hơn, tôi được biết là trước năm 75, ở miền Nam gọi là “quy hoạch gia”. Gần đây hơn, trên trang tin của Tổng hội xây dựng Việt Nam, bản tin ngày 1/8/2008 về việc góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch có nhắc đến danh xưng này như sau:

Điều 12: Không phải cá nhân nào tham gia cũng cần văn bằng, chứng chỉ, mà chỉ người chủ trì mới cần. Cá nhân tham gia thực hiện lập quy hoạch là rất nhiều. Do đó chỉ nên đưa vào Luật và nghiên cứu cho họ một danh xưng như “Quy hoạch sư” hoặc “Kiến trúc sư quy hoạch”, (town planner) và tham khảo Điều 7 của Luật Xây dựng về năng lực hành nghề.

Còn nếu search trên Google cụm từ “quy hoạch sư” thì tôi tìm được 28,000 kết quả trong đó phần nhiều là các tuyến dụng của công ty Thanh Bình và một số công ty tư vấn khác và các bài viết của tôi (Nguyễn Đỗ Dũng) hoặc liên quan đến tôi.

Mới đây trao đổi với một bạn học người Trung Quốc, tôi được biết cụm từ “quy hoạch sư” được sử dụng để chỉ người làm quy hoạch một cách chính thức. Bạn cũng cho biết thêm là mặc dù phần lớn “quy hoạch sư” ở TQ là kiến trúc sư nhưng đây không phải là điều kiện bắt buộc như trường hợp cậu này là tốt nghiệp ngành Địa lý từ ĐH Bắc Kinh. Khi tôi cho biết là ở Vn chỉ chấp nhận kiến trúc sư thì cậu tư hỏi ngay là “thế ở nước mày không có ai làm phân tích à?”

Tôi có tìm hiểu thêm và đọc được bài viết của Cục trưởng Cục Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng TQ trong đó xác định một trong 3 cải tổ lớn của quy hoạch TQ: “[…] thứ ba, dù là một chính sách công quan trọng hay một hoạt động xã hội được quan tâm đặc biệt, quy hoạch đô thị thực tế đã trở thành một lĩnh vực tổng hợp bao gồm nhiều chuyên môn như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa và nghệ thuật.” (xem trang 8 của bài Urban Planning System in China) – tổng kết của quan chức cao cấp nhất ngành quy hoạch TQ cho thấy quan điểm hiện đại của quy hoạch nước này đã tiến tới nhận thức chung với nhiều quốc gia phát triển khác (ít nhất là nhóm Hoa Kỳ các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung vốn cùng chịu chung một ảnh hưởng về học thuật trong lĩnh vực quy hoạch).

Sự khác biệt này liệu nói lên điều gì về quy hoạch TQ khi mà đặc điểm kinh tế – chính trị và xuất phát điểm của quy hoạch nước này không khác chúng ta? Một điều mà tôi nghĩ có ảnh hưởng tới sự chuyển biến trong cách tiếp cận của TQ là bản thân mô hình đạo tạo đại học đa ngành giống phương Tây mà nước này theo đuổi đã lâu trong khi Việt Nam vẫn dập khuôn (và tới giờ cũng chưa có chuyển biến) mô hình đào tạo đơn ngành của ĐH Liên Xô. Nói tới đây tôi cũng phải tự phản biện một điều là bản thân nền quy hoạch Liên Xô ngày xưa không hoàn toàn “thiết kế kiến trúc” như là mô hình của chúng ta hiện nay. Điều này được chứng minh bởi chính giáo sư Trương Quang Thao khi bản thân ông được đào tạo quy hoạch đô thị phi-thiết kế tại Liên Xô vào những năm 60 (cũng phải nói thêm là cựu Trưởng Khoa Kiến trúc – Quy hoạch của ĐH XD này cũng chưa bao giờ có chứng chỉ hành nghề quy hoạch).

Nói tóm lại một điểm là muốn tìm hiểu là tại sao quy hoạch Việt Nam lại trở nên hình hài với cách tiệp cận hẹp như ngày hôm nay thì cần tìm hiểu từ lớp kiến trúc sư đầu tiên được đào tạo tại Liên Xô đã trở về và “chiếm lĩnh” Bộ Xây dựng như thế nào? (mà tôi đoán là họ chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hiện đại do Le Courbsier khởi xướng với tinh thần cao ngạo và độc đoán, và sau đó vì sự đóng cửa của Việt Nam ra thế giới mà tinh thần này được tiếp tục truyền “từ đời này sang đời khác” bất chấp sự sụp đổ của Chủ nghĩa hiện đại trên thế giới từ cuối thập niên 60 – tôi sẽ trình bày kỹ về Le Corbusier và chủ nghĩa của ông trong một bài gần đây).

Trở lại hiện tại, tôi đã nói chuyện với một vị lãnh đạo cao nhất về quản lý đô thị ở Bộ Xây dựng và vị này hoàn toàn đồng ý với tôi về danh xưng kèm theo đề xuất “nếu các trường đào tạo thì chúng tôi sẽ công nhận (danh hiệu quy hoạch sư)”. Sau đó tôi lại nói chuyện này với một giáo sư nhiều năm phụ trách đạo tạo về quy hoạch ở một trường đại học kiến trúc hàng đầu cả nước. Đồng ý với tôi về sự cần thiết phải thay đổi chương trình đào tạo quy hoạch cũng như có một tên gọi riêng cho người làm quy hoạch, vị giáo sư đề nghị “nếu trên Bộ chỉ đạo thì chúng tôi sẽ cấp bằng “quy hoạch sư”.

Cá nhân tôi nghĩ đến vai trò của Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, một tổ chức tập hợp cựu quan chức quản lý quy hoạch, các nhà giáo dục về quy hoạch và cả những người đang hành nghề quy hoạch (cả quản lý và tư vấn) trong cả nước. Hội có thể là tổ chức đứng ra vận động và quảng bá cho danh xưng “quy hoạch sư” như là một cách gián tiếp quảng bá cho hội và nâng cao vai trò của lĩnh vực quy hoạch trong xã hội. Đối với các chương trình đào tạo, tôi đề Hội lập ra một hội đồng nhằm xây dựng khung chương trình đào tạo bắt buộc đối với “quy hoạch sư” và dự trên khung này để công nhận một chương trình đào tạo. Tôi đề xuất việc này với anh Bảo Đoan khi anh được mời tham gia tư vấn cho một trường đại học tư thục để mở chương trình quy hoạch. Mô hình này dựa trên mô hình của Planning Accreditation Board tại Mỹ (do Hiệp hội các trường quy hoạch, Hội quy hoạch Hoa kỳ và Viện các quy hoạch sư được chứng chỉ tại Mỹ bảo trợ). Lợi ích của một chương trình công nhận đào tạo như vậy là để giúp các trường có được một chứng chỉ để thu hút sinh viên, Hội có cơ hội quảng bá trong xã hội và là một cách để nhà trường, Hội và có thể là Bộ Xây dựng cùng nhau giới thiệu ,quảng bá và phát triển danh xưng “quy hoạch sư”.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi về vấn đề tìm kiếm một danh xưng cho người làm quy hoạch như là một bước chiến lược để thúc đẩy ngành quy hoạch và phát huy vai trò của người làm quy hoạch.

Trân trọng

Nguyễn Đỗ Dũng

Tài liệu tham khảo

Hệ thống quy hoạch ở Trung Quốc: Thực tế và quá trinh cải tổ – Bài của Ông Kai Tang, Tổng Cục trưởng Cục Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng Trung Quốc: urban_planning_system_in_china

Phỏng vấn giáo sư Michael Leaf: Vì sao bộ mặt đô thị Việt Nam chắp vá?

Hội quy hoạch Hoa Kỳ: Chúng ta là ai? (APA: Who are we?): CP6002+Who+are+We.Certification