Đồ án Thung Lũng Xanh: Ý tưởng + Thiết kế chi tiết + Phê duyệt = 45 ngày

Vị trí dự án trong quy hoạch chung Long Thành

Khách hàng: Công ty CP Long Thuận Lộc | Vị trí: Xã An Phước, Huyện Long Thành | Diện tích đất: 45 hecta

Thời gian: Tháng 6-7, 2009 | Vai trò: Quy hoạch chi tiết 1/500 | Tình trạng: Đang xây dựng

Dự án khởi đầu cho hành trình gian nan nhưng đáng tự hào của chúng tôi tại Công ty Tư vấn Thanh Bình.

Khi khách hàng đến với chúng tôi, họ mang theo rất nhiều những khó khăn tưởng như không thể giải quyết: Một dẻo đất và rộng 45 ha nằm trên một địa hình dốc nhưng đã bị biến dạng 60% sau một thời gian là điểm khai thác đất. Phương án quy hoạch ban đầu được thực hiện bởi một công ty kiến trúc lớn trong nước đã nhận được sự khen ngợi của của chủ đầu tư và cơ quan phê duyệt vì chất lượng thiết kế. Tiếc hay, mặc dù có những tìm tòi về không gian đô thị, đồ án lại mắc lỗi về xử lý địa hình. Với một địa hình đồi dốc và bị cày sới để khai thác đất, các bản vẽ trong hồ sơ đã không thống nhất về cách xử lý (dường như do lỗi phối hợp giữa bên quy hoạch và bên hạ tầng). Một trong các bản vẽ thậm chí đề xuất san phẳng địa hình vốn sẽ phải trả giá bằng sự tốn kém của nhà đầu tư trong việc san nền. Với những vướng mắc kỹ thuật này, dự án ngừng lại ngay khi những chiếc xe ủi đầu tiên bắt đầu công việc.

Tháng 6 năm 2009, chúng tôi bắt tay vào triển khai dự án với một yêu cầu: quy hoạch hợp lý và trong 45 ngày kể cả phê duyệt – thời gian mà chi phí nằm chờ của máy móc và công nhân ngoài công trường là có thể chấp nhận được. Chúng tôi bắt đầu chứng tỏ năng lực và uy tín của Thanh Bình với một đội ngũ ít ỏi (nhóm quy hoạch chỉ có mình tôi và một sinh viên thực tập) và một số lượng công việc khổng lồ.

Phương án được vạch ra sau 3 ngày: Phần đất bị khai thác ở phía Bắc bấy lây nay nay trở thành khu thung lũng tương đối bằng phẳng, phần địa hình đồi tự nhiên còn lại phía Nam được giữ nguyên. Khu thung lũng tập trung các công trình công cộng quan trọng như trường học và khu thương mại và loại hình ở chủ yếu là nhà liên kế. Ý tưởng mà Clarence Stein thực hiện trong dự án Redburn (New Jersey, Hoa Kỳ) nhằm liên kế các nhóm ở và công trình công cộng bằng dải công viên, nhờ vậy mà người dân và trẻ em có thể tiếp cận các tiện ích công cộng mà không phải băng qua đường, được áp dụng. Hai dải công viên theo hướng Bắc-Nam kết nối các nhóm ở với trường tiểu học, nhà trẻ, công viên trung tâm và khu thương mại. Phần đồi cao phía Tây Nam bố trí các nhà biệt thự với một con đường lên đồi chạy dọc theo mái ta-luy. Di chuyển trên con đường này, mọi người có thể chiêm ngưỡng cả khu đô thị từ độ cao 18m. Thung lũng phía Đông-Nam là nơi bố trí các công trình chung cư thấp tầng nằm vuông góc hay song song với đường đồng mức của địa hình tự nhiên để khai thác yếu tố cảnh quan và hạn chế tác tốc vào môi trường. Một dải công viên men theo vệt lõm của địa hình kéo dài từ trên đồi cao xuống tới cụm cây xanh ven suối góc Đông-Nam sẽ là tuyến dạo bộ và thể dục thể thao của người dân.

Đồ án quy hoạch 1/500 kết thúc trong 45 ngày như cam kết để một dự án lớn hơn được tiếp tục: thiết kế chi tiết hạ tầng, thiết kế cảnh quan và thiết kế kiến trúc các công trình. Tháng 11 năm 2009, dự án được triển khai thi công sau khi chủ đầu tư thành công trong đợt bán đầu tiên trên thị trường cả nước.

Hình trái: Ảnh vệ tinh trước khi triển khai dự án; Hình giữa: Địa hình trước khi triển khai dự án; Hình phải: Phân tích phương án do đơn vị tư vấn trước thực hiện

Hình trái: Mạng đường; Hình giữa: Hệ thống công viên; Hình phải: Bản đồ sử dụng đất của phương án mới.

Hình trái: Bản vẽ minh họa mặt bằng; Hình giữa: Bản vẽ mặt bằng với kiến trúc công trình; Hình phải: Sơ đồ thiết kế đô thị.

Phối cảnh tổng thể công viên trung tâm

Phối cảnh khu hồ trong công viên trung tâm

Ảnh khu vực dự án đang được xây dựng ngày 21/1/2011