Phát triển dàn trải và nhảy cóc – Bối cảnh Việt Nam

Bình luận về Chương 35: Phát triển nén và phát triển dàn trải nhảy cóc (Reid Ewing, Keith Bartholomew, và Arthur C. Nelson) trong sách Companion to Urban Design (Nhà xuất bản Routledge, New York, Hoa Kỳ 2011)

Tranh luận học thuật diễn ra trong các vấn đề khoa học là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Tranh luận về phát triển nén (compact) và phát triển dàn trải nhảy cóc (sprawl) diễn ra trong giới nghiên cứu về kinh tế, quy hoạch, và hành nghề quy hoạch tại Hoa Kỳ đưa ra ba vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với những người quan tâm đến quy hoạch vùng ở VIệt Nam.

Thứ nhất, cách hiểu về hai khái niệm trên trong cộng đồng học thuật và hành nghề quy hoạch tại Việt Nam có thể khác với nguyên bản nơi hai khái niệm nói trên được sinh ra. Phát triển nén cần phải được hiểu chính xác hơn là đơn thuần có mật độ dân số thật cao với hàng loạt tòa nhà cao tầng vươn lên. Phát triển dàn trải cũng cần được hiểu chính xác hơn là đơn giản bao gồm mọi phát triển diễn ra ngoài rìa của đô thị. Mặc dù có thể khó có được một định nghĩa hoàn hảo như các tác giả bài viết nêu thì một sự tiệm cận nhất định đối với các khái niệm khoa học mà thế giới sử dụng là điều quan trọng cần thiết.  Do vậy, các nhà nghiên cứu về quy hoạch hay đô thị học, và giới hành nghề quy hoạch tại Việt Nam cần đạt được sự thống nhất trong cách hiểu những khái niệm, vì đó là nguồn cội của những tranh luận và cơ sở ra đời của chính sách. Bộ Xây dựng hoặc Hiệp hội quy hoạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được điều nói trên thông qua các ấn phẩm kỹ thuật hoặc phổ thông. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu và ra chính sách liên quan sẽ phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hơn là nghiên cứu và áp dụng những chỉ số kỹ thuật từ Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện nay vẫn thiếu vắng những nghiên cứu khoa học vừa mang tính cơ bản và vừa mang tính ứng dụng để trả lời những câu hỏi như CBD của Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh ở đâu, quy định quy hoạch sử dụng đất nào phù hợp với chúng. Hay mức độ nén (compactness) và phân bố mật độ dân số của các đô thị tại Việt Nam trong tương quan với các nước khác như thế nào, đã đến mức đáng lo ngại hay chưa.

Đo đạc về mức độ nén (compactness) của thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1990 - 2010. Đây là độ nén về hình dạng (xem ví dụ về các mức độ nén khác nhau ở dưới) với giá trị từ 1 (nén tối đa) tới tiệm cận giá trị không. Như vậy với sự phát triển đô thị lan tỏa trong 20 năm, độ nén của Tp.HCM giảm từ 0.043 vào năm 1990 xuống 0.026 năm 2010. Nguồn: Nguyễn Đỗ Dũng (2012);

Đo đạc về mức độ nén (compactness) của thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1990 – 2010. Đây là độ nén về hình dạng (xem ví dụ về các mức độ nén khác nhau ở dưới) với giá trị từ 1 (nén tối đa) tới tiệm cận giá trị không. Như vậy với sự phát triển đô thị lan tỏa trong 20 năm, độ nén của Tp.HCM giảm từ 0.043 vào năm 1990 xuống 0.028 năm 2010. Nguồn: Nguyễn Đỗ Dũng (2012);

Thứ hai, trong những nỗ lực của chính phủ nhằm gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong công nghiệp sản xuất ô tô cần phải đi kèm với định hướng công nghiệp sản xuất ô tô và quy hoạch vùng phù hợp với viễn ảnh về năng lượng. Sự ra đời của hàng loạt chính sách xóa bỏ rào cản thuế quan trong năm 2013 là tin mừng cho rất nhiều người dân, và cả những nhà sản xuất ô tô.  Tuy nhiên nó là điều đáng lo lắng đối với nhiều người hiểu rõ những khó khăn mà các quốc gia có lịch sử quy hoạch theo định hướng ô tô cá nhân như Hoa Kỳ và Thái Lan gặp phải. Khi đường xá được mở rộng, hệ thống cao tốc được xây dựng thêm để nối kết các vùng, và giá ô tô hạ xuống đến mức có thêm nhiều người có khả năng sở hữu thì đó là lúc xã hội Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn về năng lượng, về kẹt xe, về ô nhiễm, và về tình trạng phát triển dàn trải và mất đất nông nghiệp nghiêm trọng. Khác biệt giữa Hoa Kỳ hay Thái Lan ở hiện tại và Việt Nam trong tương lai có lẽ là vào thời điểm những khó khăn trên xuất hiện (nếu chính quyền không có biện pháp chuẩn bị phù hợp), thế giới đang phải gồng mình chịu đựng tác động của biến đổi khí hậu và thiếu hụt dầu mỏ. Những tác động cộng hưởng và cộng thêm này sẽ làm chi phí giải quyết khó khăn đối với người Việt trở nên rất đắt đỏ và sự thịnh vượng của từng cá nhân và của quốc gia sẽ chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên viễn ảnh nói trên còn tùy thuộc vào hành động ở hiện tại. Và định hướng chiến lược trong công nghiệp ô tô phải tính đến viễn ảnh nói trên. Quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị trong bối cảnh xã hội tiêu dùng chuyển nhu cầu sang xe ô tô cũng phải tính đến viễn ảnh nói trên.

Thứ ba, các chính sách xây dựng phát triển vẫn cần ưu tiên tập trung vào khu vực bên trong đô thị mặc dù điều đó dẫn đến chi phí xây dựng tăng cao. Bài toán giải quyết tính toán và quy hoạch hiệu quả những không gian lãng phí bên trong đô thị, những không gian mở quan trọng, những không gian cần bảo tồn đòi hỏi công tác quy hoạch phải có sự tham gia của chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Những nhà xã hội học, nhà kinh tế, nhà quy hoạch, chuyên gia khảo cổ, sử gia đều có những đóng góp nhất định trong bản quy hoạch. Và khi thực hiện quy hoạch thì nếu yếu tố chi phí xây dựng đầu tư tăng cao do những vấn đề kỹ thuật bên trong đô thị thì chính quyền phải có cơ chế khuyến khích phù hợp dành cho những nhà xây dựng đầu tư bất động sản. Cả hai khả năng hoặc phó mặc cho Bàn tay vô hình của thị trường quyết định hoặc chính quyền tự đầu tư đều dẫn đến những rủi ro về tài chính hoặc về hiệu quả xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan