Jane Jacobs – Tư duy lại tư duy quy hoạch

Mục Đô thị Thường thức – Tạp chí Xây dựng 12-2010

Bước sang một trang hoàn toàn mới về tư duy quy hoạch nửa sau thế kỷ 20, chúng ta phải đọc một tác giả mà những tư tưởng của bà đã gây chấn động những tư duy quy hoạch truyền thống vào thời điểm đó trên thế giới (và vẫn còn là đương đại ở Việt Nam): Jane Jacobs. Không thể tìm đủ từ ngữ để tóm lược tư duy của bà, tôi xin trích lại một phần của tác phẩm The Death and Life of Great American Cities (Cái chết và Cuộc sống của những thành phố lớn nước Mỹ). Cuốn sách của bà thách thức mọi tư duy truyền thống và nhiều người có thể không đồng ý và chấp nhận. Tuy nhiên, như nhà xã hội học đô thị William Whyte đã viết :”Đây là một phản đề mà chúng ta rất cần”.

Người phụ nữ bình dân Jane Jacobs bên cạnh tiến sĩ Robert Moses, kẻ thù đầy quyền lực của bà và là người đã cho xây dựng nên New York hiện đại bằng cách phá hủy nhiều khu dân cư truyền thống.

“Tôi đã có những bình luận không thân thiện về lý thuyết quy hoạch chính thống, và sẽ tiếp tục làm như vậy khi có cơ hội. Lúc này, những ý tưởng chính thống đó là một phần truyền thống của chúng ta. Chúng làm tổn hại chúng ta bởi chúng ta chấp nhận chúng như là chân lý.

[…] Tuyến tư tưởng quan trọng nhất là của Ebenezer Howard, một thông tín viên tòa án ở Anh Quốc mà quy hoạch chỉ là công việc phụ. Howard tìm hiểu điều kiện sống của dân nghèo cuối thế kỷ 19 tại London và một cách chính đáng khó chịu với những gì mà ông ấy ngửi thấy, nhìn thấy hoặc nghe thấy. Ông ấy rồi không chỉ ghét những gì bất ổn của thành phố, ông ấy ghét cả thành phố và nghĩ nó hoàn toàn như một cái gì xấu xa và một sự lăng mạ tự nhiên khi quá nhiều con người tự đẩy mình vào một chỗ chật chội. Bài thuốc để cứu con người của ông là giết chết thành phố.

Chương trình mà ông đề xuất vào năm 1898 là chặn đứng sự phát triển của London và tái bố trí dân số ở vùng nông thôn, nơi những ngôi làng đang thưa thớt dần, bằng cách xây dựng một loại đô thị nhỏ – Thành phố Vườn, nơi mà những người nghèo một lần nữa có thể sống gần gũi với thiên nhiên. Những người này cũng có thể kiếm sống, nhà máy có thể được dựng lên trong Thành phố Vườn – thực tế thì Howard không quy hoạch các thành phố mà cũng chẳng phải những vùng dân cư ngoại ô. Mục đích của ông là tạo ra những thị trấn nhỏ tự cung tự cấp, thực sự là những khu dân cư xinh đẹp nếu bạn là người dễ bảo và không có kế hoạch của riêng mình và không lấy làm phiền về việc sống cuộc đời mình giữa những người cũng khó có kế hoạch của riêng họ. Trong  tất cả những mô hình Không tưởng (Utopias), quyền có những kế hoạch quan trọng chỉ thuộc về những nhà quy hoạch được giao trọng trách. Thành phố Vườn sẽ được bao bọc bởi một vành đai nông nghiệp. […] Thị trấn và vành đai xanh, trong tổng thể của chúng, được kiểm soát lâu dài bởi chính quyền công cộng mà đã phát triển thị trấn này nhằm … ngặn chặn nó trở thành thành phố. […] Glazer đã chỉ ra rằng Thành phố Vườn “được nhận thức như là sự thay thế cho thành phố, và như là giải pháp cho những vấn đề của thành phố; đây đã là và tiếp tục là nền tảng cho quyền lực mênh mông của ý tưởng quy hoạch này”.

[…] Bên cạnh dòng chảy quy hoạch, Ngài Patrick Geddes, một nhà sinh học và triết học người Scotland nhìn thấy ý tưởng Thành phố Vườn không phải là một cách ngẫu nhiên để thu nhận sự gia tăng dân số vốn nếu không có ý tưởng này thì sẽ dồn vào thành một thành phố lớn, mà là điểm bắt đầu của một hình mẫu quy mô và bao trùm. Ông ta nghĩ tới quy hoạch các thành phố từ góc độ quy hoạch toàn vùng.

[…] Ý tưởng của Howard và Geddes được theo đuổi nhiệt thành ở nước Mỹ vào những năm 1920 và phát triển tiếp bởi một nhóm những con người vô cùng tận tâm và hiệu quả – trong số đó là Lewis Mumford,, Clarence Stein (tác giả của khu Redburn), sau đó là Henry Wright và Catherine Bauer. Trong những người này tự nhận mình là những nhà quy hoạch vùng, Catherine Bauer gần đây đã gọi nhóm này là “Decentrists” (tạm dịch: những người theo chủ nghĩa tản quyền) và tên gọi này hợp lý hơn bởi kết quả chính của quy hoạch vùng, như chính những người này nhận thấy, sẽ là sự phân tán những thành phố lớn, làm chúng loãng ra, đưa những cơ sở kinh doanh và dân số về những thành phố biệt lập nhỏ hơn, hoặc tốt hơn là các thị trấn”.

“Cùng với Howard[1], ảnh hưởng của nhóm “Phân tán phát triển” (PTPT) (NV: Decentrist[2]) đáng kể trong lĩnh vực quy hoạch thành phố và hệ thống luật pháp liên quan tới nhà ở và cơ chế tài chính nhà ở. Những mô hình nhà ở của Stein[3] và Wright, được xây dựng chủ yếu tại ngoại ô hoặc rìa các thành phố, cùng với các bài viết, sơ đồ, phác thảo và ảnh chụp của Mumford và Bauer, mô tả và phổ biến rộng rãi những ý tưởng mà giờ đây được coi là chân lý trong quy hoạch chính thống: Đường phố được coi là môi trường không tốt cho con người; nhà cửa buộc phải quay lưng lại với đường phố và quay mặt vào trong tới những không gian xanh nội bộ. Đơn vị cơ bản của thiết kế thành phố không phải là đường phố nữa mà là ô phố và cụ thể hơn là những ô phố rất lớn (NV: super-block). Thương mại cần phải tách biệt khỏi dân cư và không gian xanh. Nhu cầu về hàng hóa của một khu dân cư cần được tính toán “khoa học”, và chỉ chừng đó mà không cho phép nhiều diện tích thương mại hơn được bố trí. Sự xuất hiện của rất nhiều người, trong cả những trường hợp tích cực nhất, là tai họa và một quy hoạch tốt phải hướng tới việc tạo ra ảo tưởng về sự cô lập và riêng tư kiểu ngoại ô.

Để nhấn mạnh và làm nghiêm trọng hóa sự cần thiết của một trật tự mới, các nhà PTPT đã nện những đòn trời giáng vào các thành phố cũ tồi tàn. Họ không hề tò mò về sự thành công của những thành phố  […] Làm sao một thứ nào đó có thể tệ hại tới mức không đáng để hiểu nó? Nhưng trong các trường quy hoạch và kiến trúc, trong quốc hội và trong các tòa thị chính, những ý tưởng của những người PTPT dần dần được chấp nhận như là cách thức cơ bản để giải quyết một cách xây dựng với chính các thành phố lớn. Đây là sự kiện đáng kinh ngạc nhất trong câu chuyện buồn: rằng cuối cùng những người muốn chân tình phát triển những thành phố lớn lại chấp nhận những công thức được bày ra nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của những thành phố này và cuối cùng là giết chết chúng.

Một bản vẽ tay đầy tính biểu tượng của Le Corbusier thể hiện sự biến đổi từ một đô thị truyền thống sang Thành-phố-Vườn-thẳng-đứng – nơi mà công trình không còn cần phải liên hệ với đường phố. Nguồn: Le Courbusier (1948)

Con người với những ý tưởng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong việc làm sao kết tinh tất cả những quyền chống lại thành phố vào trong thành trì của tội lỗi là kiến trúc sư Âu Châu Le Corbusier. Ông ta chế ra vào năm 1920 một thành phố trong mơ mà ông ta gọi là Thành-phố-Tươi-sáng (Radiant City), tạo thành không bởi những công trình thấp tầng được yêu thích bởi nhóm PTPT, mà là những tòa nhà chọc trời trên một công viên […]

Những người theo chủ thuyết  và những người ủng hộ trung thành của trào lưu Thành-phố-Vườn đã kinh hãi trước ý tưởng về những tòa tháp trong công viên của Le Corbusier và đến giờ vẫn vậy […] Nhưng mâu thuẫn thay, Thành-phố-Tươi-sáng bắt nguồn trực tiếp từ mô hình Thành-phố-Vườn. Le Corbusier chấp nhận ý niệm cơ bản của Thành-phố-Vườn, chí ít là bề nổi của nó, và chỉnh sửa cho nó phù  với mật độ cao. Ông ta mô tả sáng tạo của mình như là Thành-phố-Vườn-được-làm-cho-khả-thi. “Thành-phố-Vườn là một hy vọng hão huyền,” ông viết. “Thiên nhiên sẽ biến mất trước sự xâm lược của đường phố và nhà cửa và chốn ẩn dật trở thành khu định cư đông đúc… Giải pháp sẽ được tìm thấy trong ‘Thành-phố-Vườn-thẳng-đứng’”.

Đô thị trong mơ của Le Corbusier có tác động rộng lớn tới các thành phố của chúng ta. Ý tưởng được hoan hô nhiệt liệt bởi các kiến trúc sư và dần dần được đưa vào rất nhiều dự án, từ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tới các dự án văn phòng. Bên cạnh việc ít nhất ứng dụng hời hợt những nguyên tắc bề nổi của mô hình Thành-phố-Vườn vào đô thị mật độ cao, giấc mơ của Le Corbusier còn chứa đựng những điều kinh ngạc khác. Ông cố gắng quy hoạch thành phố cho xe hơi như một phần không thể thiếu của ý tưởng, và điều này vào những năm 1920 và đầu 1930 là một ý tưởng mới […] và tất nhiên giống như những nhà quy hoạch theo mô hình Thành-phố-Vườn, ông dời người đi bộ khỏi đường phố và đặt họ trong công viên. Thành phố của ông như một đồ chơi cơ khí thú vị. Nó lột tả mọi thứ trong một chớp nháy, giống như một quảng cáo hoàn hảo. Ý tưởng và biểu tượng chắc nịch của nó đã trở thành hấp lực đối với các nhà quy hoạch, nhà xây dựng, nhà thiết kế và cả các nhà phát triển dự án, những ngân hàng cho vay và các thị trưởng […] Không cần biết thiết kế tầm thường và ngớ ngẩn đến thế nào, những không gian mở buồn thảm và vô dụng đến thế nào, góc nhìn cận cảnh tẻ nhạt đến thế nào, chỉ một sự bắt chước hình ảnh của chính Le Corbusier đang kêu gào “Hãy nhìn những gì tôi đã tạo ra!”. Giống như một kẻ ngạo mạn khổng lồ và hữu hình đang khoe khang thành quả của mình. Nhưng nếu nhìn về mặt vận hành của một thành phố, ý tưởng đó, cũng giống như Thành-phố-Vườn, không là gì ngoài sự dối trá.

Mặc dù những người PTPT, với tâm huyết về ý tưởng một cuộc sống đô thị ấm cúng và thân thiện, chưa bao giờ có hòa bình với Le Corbusier, thì hầu hết những nguyên lý của họ lại không như vậy.  Một cách trực quan, tất cả những nhà thiết kế đô thị tinh tường của ngày hôm nay kết hợp cả hai ý tưởng với những sự hoán vị khác nhau. Kỹ thuật tái thiết được biết đến dưới những cái tên khác nhau: “xóa bỏ có lựa chọn” hoặc “xây mới theo điểm” hoặc “quy hoạch cải tạo” hoặc “bảo tồn theo quy hoạch” – nghĩa là tránh đập đi toàn bộ một khu vực xuống cấp, chỉ là một thủ đoạn để cân nhắc cho phép giữ lại bao nhiêu công trình cũ để khu vực vẫn được dán mác là một phiên bản của Thành-phố-Vườn-Tươi-sáng (NV: Radiant Garden City). Các nhà quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đường cao tốc, nhà làm luật, và nhà quy hoạch công viên – không ai sống trong một cỗ máy tẩy não – liên tục sử dụng, như là những tham khảo duy nhất, hai ý tưởng đầy quyền lực này và cả ý tưởng hợp nhất phức tạp của chúng. Họ có thể lượn lờ từ ý tưởng này sang ý tưởng kia, họ có thể du di, họ cũng có thể đơn giản hóa chúng, nhưng chúng luôn là điểm xuất phát để bắt đầu.

[…] Không được nghiên cứu, không được trân trọng, các thành phố đã được sử dụng như là những vật tế thần.”

Nguyễn Đỗ Dũng lược dịch từ The Death and Life of Great American Cities của Jane Jacobs


[1] Ebenezer Howard: Cha đẻ của mô hình Thành-phố-Vườn

[2] Decentrist: những người theo mô hình Thành-phố-Vườn – phiên bản ban đầu của mô hình đô thị vệ tinh và chịu ảnh hưởng của Patrick Geddes trong vấn đề phân bố phát triển trong một vùng thay vì tập trung một bộ đô thị cực lớn.

[3] Clarence Stein: Kiến trúc sư thiết kế khu Redburn

Nguyễn Đỗ Dũng dịch từ cuốn The Death and Life of Great American Cities của Jane Jacobs do nhà xuất bản Vintage Books vào năm 1961